Giá xăng dầu "theo" đại biểu lên diễn đàn Quốc hội

Kinh tếThứ Sáu, 19/03/2010 05:37:00 +07:00

(VTC News)- Theo cách lý giải của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, NTD có thể thở phào vì mối lo giá xăng dầu tăng trong nay mai chưa thành hiện thực.

(VTC News) -  Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh vừa giải trình tại phiên họp 29 của Uỷ ban TVQH sáng nay, 19/3, về "mật độ" tăng giá xăng dầu khá dày từ khi ban hành NĐ 84 (15/9/2009) cũng như lý do chỉ số CPI tháng 3 không hạ nhiệt theo quy luật bình thường hàng năm.

Đã yêu cầu DN xăng dầu "giãn" mật độ tăng giá

Lo ngại cho phép DN kinh doanh xăng dầu có quyền tự quyết mức giá sẽ khiến DN lạm quyền, thao túng thị trường, gây thiệt hại cho NTD, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển khai cuộc phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh bằng nhận xét: Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 84 quy định về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế mới đến nay, Petrolimex- doanh nghiệp chiếm tới hơn 60% thị phần xăng dầu trong cả nước - đã có tới 4 lần tăng giá mà đến nay vẫn kêu là lỗ.

Theo ông Hiển, việc DN chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất là Petrolimex tăng giá kéo theo 10 doanh nghiệp nhỏ lẻ khác cũng tăng giá theo.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định tại buổi chất vấn sáng nay (19/3): "Chuyện phá giá xăng dầu là chưa có!", đồng thời khẳng định: "Chỉ số giá tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát" - Ảnh: E.Đ

"Đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết NĐ 84 có tạo ra tình trạng vừa độc quyền vừa quyết định giá hay không? Cơ chế quản lý giá hiện nay có đảm bảo công khai, minh bạch, có kiểm soát hay không, đặc biệt với những mặt hàng rất quan trọng trên thị trường như xăng dầu, than, điện?" - ông Hiển chất vấn.

"Nghị định 84 cho phép DN tự điều chỉnh giá trong phạm vi nhất định, điều chỉnh trong khung chứ không được tùy ý điều chỉnh", Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định.

Theo ông Ninh, DN xăng dầu được quyết định mức tăng từ 7% trở xuống chứ nếu tăng trên 7% là phải báo cáo. Như vậy, việc điều chỉnh giá xăng dầu là có giám sát của Nhà nước.

Vị Bộ trưởng Tài chính cũng quả quyết rằng không phải cứ chiếm tỷ trọng lớn là độc quyền và trước nay chưa xảy ra tình trạng phá giá.

Để tránh áp lực tăng giá xăng liên tục gây tâm lý lo ngại cho người dân, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu tất cả các DN từ nay đến tháng 6/2010, mỗi lần điều chỉnh phải có báo cáo, giãn cách giữa các lần tăng giá cũng phải kéo dài ra nhằm tránh tâm lý không tốt cho người tiêu dùng cũng như cho nền kinh tế xã hội trong nước.

Cùng mối quan tâm với ông Phùng Quốc Hiển, BĐ Nguyễn Văn Phúc thắc mắc, vừa rồi kiểm toán nhà nước phát hiện ra trong kinh doanh xăng dầu có định mức cho phép thất thoát ở mức độ nào đó, mức thất thoát này tính vào giá thành và người tiêu dùng phải chịu. Tuy nhiên, kiểm toán nhà nước phát hiện Petrolimex lại áp dụng định mức thất thoát từ năm 1986 - trong khi công nghệ và điều kiện kỹ thuật hiện nay đã thay đổi, ngay cả các công ty tư nhân cũng đã áp dụng mức tiên tiến - thành ra lượng báo cáo thất thoát rất lớn. Trong khi đó, hàng năm Quốc hội vẫn phê chuẩn hàng chục ngàn tỷ đồng bù lỗ cho xăng dầu. Đại biểu Phúc đề nghị cả hai Bộ trưởng Tài chính và Công thương giải trình.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thì Bộ này không ban hành các quy định về định mức tiêu hao xăng dầu trong quá trình kinh doanh. Đây là định mức kinh tế kỹ thuật do Bộ Kế hoạch & Đầu tư ban hành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hoàng cũng nhận định, trong điều kiện ta áp dụng rất nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế (cả ngành xăng dầu) nên những định mức về kinh tế kỹ thuật, trong đó có định mức tiêu hao xăng dầu chắc chắn có giảm, nhưng có thể hiện hay không thì chưa kiểm tra.

Chỉ số giá tiêu dùng: Đại biểu lo ngại, Bộ trưởng trấn an

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, 2 tháng đầu năm 2010 giá cả chủ yếu tăng là lương thực thực phẩm nên tác động vào chỉ số giá. Nhưng theo tính toán thì tháng 3 giá lương thực giảm không nhiều nhưng thực phẩm giảm nhiều, vì vậy tác động của tăng giá xăng dầu và giá điện chỉ làm CPI "nhích" thêm 1 chút! (Ảnh: VNE) 

Ngoài mối quan tâm về giá xăng dầu, ĐB Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ lo ngại về chỉ số giá tiêu dùng quý 1/2010 (CPI) tăng khá nhanh, dự báo sẽ vào khoảng 4% và đề nghị Bộ trưởng Tài chính lý giải về vấn đề này.

Người đứng đầu Bộ Tài chính phân tích, theo báo cáo biến động giá cả thị trường nhiều năm gần đây thì tháng 1, tháng 2 giá có nhích hơn, tuy nhiên nếu đối chiếu thì có năm nhích hơn có năm giảm hơn "một tý", nên tăng giá vừa rồi không có gì là biến động.

Bộ trưởng Ninh cũng cho rằng, giá có "nhích" hơn một chút là do vừa rồi điều chỉnh giá điện, giá than. Tuy nhiên, theo tính toán về giá điện thì 50kWh đầu tiên vẫn được giữ nguyên không tăng, 100kWh được giữ ở mức tương đương giá thành bình quân. Như vậy, cách tính này theo Bộ Tài chính là hạn chế ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đặc biệt là những hộ còn khó khăn thì tiền không tăng mà còn được Nhà nước hỗ trợ...

"Dự báo CPI tháng 3/2010 chưa có con số chính thức nhưng qua tình hình của hai TP lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, chỉ số giá tăng không lớn. Chúng tôi tin tưởng có khả năng khống chế được và có đủ điều kiện khống chế ở mức cho phép", tư lệnh ngành Tài chính quả quyết.

"Bộ trưởng nói CPI vẫn kiểm soát được và biến động không có gì bất thường lắm, nhưng theo chúng tôi, tháng 1, tháng 2 là tháng thường tăng giá do thời vụ, do Tết, nhu cầu giá cả tăng - nhưng sau đó tháng 3 là tháng giảm. Quy luật này thể hiện rất rõ, ví dụ năm 2006 CPI tháng 3 giảm 0,2%, năm 2007 CPI cũng giảm 0,2%, năm 2009 CPI giảm 0,17%. Nhưng năm 2008 CPI lại tăng 2,99% dẫn đến lạm phát... Năm 2010 CPI tháng 3 dự báo tăng 0,65%, như vậy năm 2008 và năm 2010 hình như có vẻ... giống  nhau (tháng 3 đều tăng). Có phải báo hiệu CPI của 2010 tăng hay không?", không đồng tình với lý giải của Bộ trưởng Tài chính, ĐB Phùng Quốc Hiển phản biện.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh tái khẳng định: "Chúng tôi cũng tính toán "cái tăng" của tháng 3/2008 là rất đột biến và không bình thường. Tuy nhiên tháng 3/2010 chúng tôi đang theo dõi và thấy giá cả hàng hóa có nhích xuống. Tháng 3, CPI không giảm do tác động của tăng giá (xăng, điện), chính vì thế chúng tôi dự báo CPI "nhích" 1 chút nhưng nhích trong phạm vi không đột biến, vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ".






Kiều Minh

Bạn có nhận xét gì về thông tin trong bài viết này, hãy gửi phản hồi cho chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn