Muốn "xử" Honda loạn giá, phải chờ... sửa Luật?

Kinh tếThứ Sáu, 05/02/2010 06:15:00 +07:00

(VTC News) - Để giải quyết tình trạng Honda loạn giá kéo dài, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nếu còn sơ hở từ luật, lách luật thì phải sửa Luật.

(VTC News) - Lý giải nguyên nhân để tình trạng Honda loạn giá kéo dài, Trưởng ban Bảo vệ Người tiêu dùng (BVNTD) thuộc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho rằng, "còn phải phân tích nhiều yếu tố như họ làm đúng luật hay không? Cái này không nhanh được. Vẫn phải chờ kết luận cuối cùng. Nếu còn sơ hở từ luật, lách luật thì phải sửa luật".


Hàng loạt vụ việc BVNTD năm 2009 vẫn bị "treo" và sẽ được "chuyển tiếp" xử lý như thế nào trong năm tới? Đâu là nguyên nhân và hướng giải quyết cho các vụ việc nổi cộm và dai dẳng như Honda loạn giá, phí trông xe cắt cổ, chất lượng hàng loạt sản phẩm có vấn đề nhưng nhà sản xuất vẫn vô can... gây bức xúc cho NTD? VTC News đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Thị Bạch Nga - Trưởng ban BVNTD, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương).

TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban BVNTD, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). (Ảnh: VNN)

Theo bà Nga, năm 2010 NTD sẽ tiếp tục đối mặt với các vụ việc nổi cộm trong các lĩnh vực: Vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, đo lường... Sắp tới là dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, bảo hiểm y tế và sắp tới nữa là giáo dục nữa.

Năm nay, Cục sẽ bảo vệ Luật Bảo vệ người tiêu dùng trước Quốc hội, phổ biến pháp luật, đào tạo và đặc biệt là thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Hy vọng, trông chờ vào Luật Bảo vệ NTD

- Thưa bà, dư luận năm qua cho rằng, NTD ở Việt Nam được bảo vệ kém nhất thế giới. Vậy các vụ việc nổi cộm chưa dứt điểm như: Honda loạn giá, bán hàng đa cấp... được Cục tiếp nhận sẽ được xử lý thế nào trong năm 2010?

- Sẽ được đẩy mạnh và công khai trong thời gian sớm nhất. Đây là bắt buộc quy định trong luật dưới nhiều hình thức. Hy vọng khi triển khai Luật BVNTD sẽ tốt hơn.

- Một số động thái của Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Nhật về việc thu hồi xe Toyota cho thấy, ở các nước, khi có vấn đề về chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ người tiêu dùng rất nhanh?

Theo bà Nga, năm 2010, NTD sẽ tiếp tục đối mặt với các vụ việc nổi cộm trong các lĩnh vực: Vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, đo lường... Sắp tới là dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, bảo hiểm y tế và cả giáo dục nữa.

- Họ thực hiện được nhanh là vì họ giải quyết với kinh nghiệm rất cao.

- Còn ở Việt Nam thì sao, thưa bà?

- Chúng ta ở mức độ thấp hơn và còn đang xem xét ở trong Luật.

- Lấy ví dụ như vụ "Honda loạn giá" đã lâu mà không được giải quyết. Điều này do quy định hay công tác BVNTD chưa được chú trọng? Liệu năm tới vụ việc này có được xử dứt điểm được không, thưa bà?

- Còn phải phân tích nhiều yếu tố như họ làm đúng luật hay không? Cái này không nhanh được. Vẫn phải chờ kết luận cuối cùng. Nếu còn sơ hở từ luật, lách luật thì phải sửa luật. Còn tìm ra cái sai của họ thì sẽ xử lý nhanh hơn.

Muốn giải quyết nhanh, chế tài phải mạnh

- Một trong những yếu tố dẫn đến câu chuyện này kéo dài là công tác BVNTD liên quan đến nhiều luật khác nhau. Vậy khi trình Chính phủ về luật BVNTD thì có được xử lý dứt điểm?

- Muốn giải quyết dứt điểm nhưng chắc chắn vẫn còn những vụ việc dai dẳng. Hy vọng sẽ giảm bớt.

- Thưa bà, năm nào Quốc hội cũng đặt ra các chương trình giám sát, chính phủ và các bộ ngành mở các đợt kiểm tra, xử lý. Vậy sao tình trạng vi phạm đến NTD vẫn xảy ra, tiếp diễn và có nguy cơ gia tăng?

- Hiện tại nguyên nhân vẫn nằm ở chế tài. Hy vọng luật được thông qua thì chế tài sẽ mạnh hơn.

- Pháp lệnh BVNTD năm 1999 chẳng có chế tài xử phạt vi phạm, mãi sau mới có nghị định nhưng cũng không vượt qua Pháp lệnh được. Liệu Luật Bảo vệ NTD sắp trình Chính phủ có lặp lại tình trạng này?

- Xu hướng gần đây là luật sẽ quy định chi tiết hơn và khả năng chỉ có 1 nghị định hướng dẫn chứ không phải chờ đến thông tư.

Cách BVNTD hiện nay còn mang nặng tính bị động và đối phó

 Đáng lẽ cơ quan chức năng không phải chờ đến lúc NTD phản ánh mà phải chủ động với công việc của mình trong điều tra, thu thập thông tin và giải quyết xong một số vấn đề rồi. Từ đó công bố công khai cho NTD biết vì đây là trách nhiệm.

Còn thông tin phản ánh của NTD được xem là nguồn thông tin tố giác, còn việc của họ phải làm nghiêm túc hơn để có được kết luận rõ ràng. Chứ không dừng lại ở phát hiện chỗ nào thì xử chỗ đó.  Cách làm (BVNTD-pv) hiện nay còn mang nặng tính bị động và đối phó. Bảo chỗ nào thu tiền quá giá, Honda loạn giá... nếu đủ bằng chứng thì mới chỉ phạt ở chỗ đó thôi. Nên nhiều trường hợp phản ánh không được giải quyết cụ thể nên không chấm dứt được chuyện đó.

Thậm chí , khi NTD thực hiện "tố giác" còn bị yêu cầu chỉ rõ : Ở đâu? Chỗ nào? Trong khi việc đó diễn ra rất công khai. Đáng lẽ việc đó phải được cơ quan chức năng phát hiện trước cả phản ánh của NTD. Thay vì hỏi lại phải có điều tra chi tiết hơn.

Như Honda loạn giá, ngành thuế phát hiện sai phạm vài trăm triệu nhưng cũng chẳng đáng là bao so với doanh số bán ra của hãng. Trong khi người dân phản ánh vụ việc diễn ra trong nhiều năm nay. Quan trọng là chứng minh, điều tra thế nào.

Tất nhiên, cũng có liên quan đến văn bản pháp luật nhưng người có trách nhiệm cũng phải kiến nghị để sửa đổi văn bản này.

Tôi nghĩ cũng phải khởi tố một vài vụ nếu giá trị lớn để răn đe.

Ở nước ngoài sản phẩm lỗi phải bồi thường số tiền rất lớn, họ sẽ thu hồi cả lô hàng để không ảnh hưởng đến thương hiệu của các hãng xe. Còn ở mình nếu hộp sữa lỗi thì chỉ thu hồi mỗi hộp đó. Vậy ai có thời gian mang tất cả các hộp đó đến cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Hy vọng luật ra đời sẽ khác, phải thu hồi cả lô, NTD không phải chứng minh lỗi... Mới khuyến khích NTD.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh)


Hà Lan( thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn