Nghịch lý hàng “bình ổn giá” đắt hơn ở chợ

Kinh tếThứ Năm, 09/09/2010 10:22:00 +07:00

Hàng bình ổn giá được triển khai bán tại 360 điểm trên toàn phạm vi thành phố, nhưng người dân Hà Nội vẫn băn khoăn khi mức giá bán hàng bình ổn cao hơn ở chợ.

Hàng bình ổn giá được triển khai bán tại 360 điểm trên toàn phạm vi thành phố, nhưng người dân Hà Nội vẫn không khỏi băn khoăn khi mức giá bán hàng bình ổn cao hơn giá hàng mua ngoài chợ.


Co.op Mart - Một trong số ít các siêu thị làm tốt chương trình bán hàng bình ổn giá 
Chị Hà Chi, ở Cầu Giấy cho biết: “Tôi thường xuyên mua đồ trong siêu thị Fivimart, cũng thấy thông báo bán hàng bình ổn giá, nhưng giá cả không khác ngày thường là bao”.

Theo khảo sát sáng 8/9 tại siêu thị Fivimart trên đường Lê Thánh Tôn, siêu thị này không có bảng biển thông báo rõ ràng về các mặt hàng thuộc diện được bình ổn giá. Hàng bình ổn giá được bày bán rải rác tại các quầy ở khu vực cũ trong siêu thị. Siêu thị Fivimart chỉ in 1 tờ giấy nhỏ màu vàng dòng chữ “Mặt hàng bình ổn giá”, kèm theo 1 tờ giấy A4 màu vàng khác, dán tại một số vị trí cuối gian trưng bày “Danh mục các mặt hàng bình ổn giá: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, trứng gia cầm, rau củ quả, dầu ăn, đường”. Khách muốn mua hàng bình ổn giá phải mỏi mắt tìm kiếm. Mức giá bán của các mặt hàng tại siêu thị Fivimart vẫn đứng ở mức khá cao.

Cụ thể, thịt nạc vai xay giá 79.000 đồng/kg; thịt chân giò 72.500 đồng/kg; thịt nạc vai 80.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 70.000 đồng/kg. Thịt gà ta 103.000 đồng/kg. Đối với mặt hàng gạo, gạo bắc hương giá 14.400 đồng/kg; gạo tám Điện Biên 17.000 đồng/kg; gạo tám Thái Lan 18.000 đồng/kg; gạo tám xoan Hải Hậu giá 15.400 đồng/kg. Giá các loại rau, củ, quả cũng cao hơn so với thông thường. Cải bắp, dưa chuột giá 10.000 đồng/kg; bí xanh, cải chíp giá 8.800 đồng/kg; cải thảo được bán ở mức 13.800 đồng/kg.

Mặt hàng dầu ăn và đường thuộc diện hàng bình ổn cũng được bán với mức giá cao. Cụ thể, dầu ăn Neptune chai 1 lít có giá 34.800 đồng/chai và 161.600 đồng/can 5 lít. Dầu ăn Simply cùng thể tích có giá tương ứng là 35.900 đồng/chai 1 lít và 169.900 đồng/can 5 lít. Đường Biên Hòa giá 23.000 đồng/kg. Trứng gà giá từ 31.600 đồng đến 32.400 đồng/10 quả.

Mức giá các mặt hàng thuộc diện bình ổn của Fivimart là khá cao. Nếu chỉ so sánh với giá bán cùng một mặt hàng tại các siêu thị cũng được hỗ trợ bình ổn giá khác như: Hapro, Co.op mart, mỗi mặt hàng cũng chênh nhau trung bình từ 500 đồng đến 3.000 đồng/sản phẩm cùng chủng loại, cùng trọng lượng (thể tích). Thậm chí có mặt hàng chênh giá khá lớn. Ví dụ như can dầu ăn Neptune 5 lít, giá bán tại Fivimart là 161.600 đồng/can, nhưng giá bán tại Hapro là 152.000 đồng/can. Dầu ăn Simply bán tại 2 điểm bình ổn này cũng chênh nhau 5.900 đồng/can 5 lít.

So với giá các mặt hàng bán tại chợ, giá bán tại siêu thị bình ổn giá cao hơn rất nhiều. Cụ thể với nhóm hàng thực phẩm, giá thịt nạc vai tại các chợ dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg; thịt ba chỉ từ 50.000-60.000 đồng/kg; cải bắp cao nhất là 7.000 đồng/kg; dầu ăn Neptune dao động từ 152.000-155.000 đồng/can 5 lít. Dầu ăn Simply 160.000 đồng/can 5 lít; gạo Bắc Hương 12.000-13.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi mặt hàng được bình ổn giá trong siêu thị cao hơn giá chợ trung bình 5.000 đồng/cùng khối lượng sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Ngân (quận Thanh Xuân) cho rằng: “Mua hàng ở siêu thị thì yên tâm về xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Còn kể cả được bình ổn, giá hàng trong siêu thị bao giờ cũng cao hơn ngoài chợ”. Ghi nhận cho thấy, các điểm bán hàng bình ổn giá của Hapro và Co.op mart có treo bảng biển rõ ràng, trưng bày hàng hóa khoa học, tiện lợi hơn cho khách mua hàng nhưng mức giá bán ra vẫn cao hơn giá hàng chợ đôi chút.

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - giá hàng hóa bình ổn trong siêu thị cao hơn giá hàng chợ là điều dễ hiểu, bởi lẽ hàng hóa ở siêu thị đã gồm thuế và chi phí mặt bằng, nhân công… của siêu thị được tính vào sản phẩm cao hơn so với bán hàng tại các chợ. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý trong việc hỗ trợ bình ổn giá mà Hà Nội đang tiến hành là ở chỗ, hàng bình ổn giá chỉ được bán trong siêu thị. Lẽ ra, các mặt hàng này cần được đưa về các vùng nông thôn bởi người dân nông thôn thu nhập thấp mới cần được mua hàng với mức giá thấp. Đưa hàng bình ổn giá vào siêu thị thì những người giàu, những người có thu nhập khá được hưởng lợi, trong khi họ không thực sự có nhu cầu mua hàng giảm giá. Hiệu quả công tác hỗ trợ bình ổn giá, ổn định thị trường không thể thu được kết quả như mong muốn.

Các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại cũng cho rằng, việc đặt danh mục cứng các mặt hàng bình ổn giá mà các siêu thị đang thực hiện chưa sát với nhu cầu tiêu dùng. Ví dụ như với mặt hàng thủy hải sản, thực phẩm chế biến: tôm thịt, tôm viên không được rộng rãi người tiêu dùng lựa chọn. Nên có các mặt hàng hỗ trợ bình ổn giá mang tính thời vụ, sát với thực tế. Giả sử như bình ổn giá với mặt hàng giấy vở học sinh, bút, đồ dùng học tập… khi bước vào năm học mới, đưa các mặt hàng này về các vùng nông thôn để người dân còn khó khăn nơi đây được hưởng lợi.


Theo An ninh thủ đô

Bình luận
vtcnews.vn