Người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm của Vedan

Kinh tếThứ Sáu, 30/07/2010 12:47:00 +07:00

(VTC News) - Khách hàng tẩy chay, siêu thị nói “không” với loại sản phẩm này, cửa hàng bán lẻ nhập về với số lượng ít là thực tế mà Vedan đang phải đối mặt.

(VTC News) - Khách hàng tẩy chay Vedan, nhiều siêu thị nói “không” với loại sản phẩm này, các cửa hàng bán lẻ nhập về với số lượng ít là thực tế mà Vedan đang phải đối mặt.

Đã gần 2 năm kể từ ngày Vedan “đầu độc” sông Thị Vải bị phát giác, các sản phẩm của Vedan vẫn chưa tìm lại được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng (NTD). Niềm tin bị “đánh cắp”, nhiều người dân quay lưng lại với sản phẩm vốn một thời là gia vị không thể thiếu trong bữa cơm mỗi gia đình.

Khi nhân dân các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục yêu cầu đền bù chính đáng, trong lúc Bộ Tài nguyên Môi trường đang nhóm họp tại Hà Nội để bàn việc khởi kiện Vedan, khảo sát tại các siêu thị, các chợ đầu mối, các cửa hàng bán lẻ cho thấy không khí mua bán sản phẩm mì chính Vedan vẫn khá yên ắng từ suốt một thời gian dài.

Tiểu thương hạn chế nhập sản phẩm Vedan

Trước làn sóng kêu gọi tẩy chay của NTD, từ cách đây 2 năm, lượng tiêu thụ Vedan trên thị trường đã giảm hẳn. Hiện tại, nhiều chủ kinh doanh nhỏ lẻ đã không còn nhập mặt hàng này nữa.

Không nhiều quầy hàng bán lẻ có sản phẩm của Vedan.
Cửa hàng tổng hợp shop Beco (23/69B Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, HN) trước đây có bán bột ngọt Vedan nhưng đã lâu rồi không bán nữa. Chị Lê Thị Hoa, chủ cửa hàng cho biết: “Chúng tôi dừng việc bán Vedan cũng bởi nhu cầu của người dân không còn. Có lấy về cũng không bán được. Ngày trước còn một thùng 50 gói cũng ế ẩm, ỉ ôi mãi mới hết”. Thậm chí, nhân viên công ty Vedan vẫn tới chào hàng thường xuyên nhưng chị kiên quyết không nhập.

Theo nhiều chủ cửa hàng, hiện nay, giá của Vedan và các loại mì chính khác chênh lệch nhau không đáng kể chỉ khoảng từ 500 – 1.000 đồng đối với mỗi gói 454gr cũng là một nguyên nhân khiến NTD nghiêng về phía lựa chọn khác.

Theo thông tin từ chị Lê Thị Phương, chủ sạp tạp hóa trong phố Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, HN), Trước khi xảy ra vụ bê bối Vedan, giá bán của Vedan “mềm” hơn. Ví dụ, trước đây, loại 454 gr, Ajinomoto tầm 19.000 đồng/gói thì Vedan chỉ tầm 16.000 đồng/gói. Đợt vừa rồi, Vedan lại mới tăng giá. Riêng tiền nhập vào đã lên tới 39 – 40.000 đồng/kg, có lẽ do đó mà ế ẩm lại càng ế ẩm”, chị Phương phỏng đoán.

Nếu như 2 năm trước, số lượng bán mì chính Vedan khá chạy, một  lần nhập Ajinomoto thì cũng đồng thời nhập Vedan. Nhưng hiện nay, cứ 3 lần nhập Ajinomoto mới nhập 1 thùng Vedan. “Hàng bán cũng rất vắng khách. 1thùng có 120 gói (loại 01 lạng), những đợt lễ tết thì người ta mua nhiều hơn, mỗi lần 60 – 70 gói, chứ bán lẻ thì lâu hết lắm”, chị Phương than thở.


Cũng trong tình trạng tương tự, cô Nguyễn Việt Hòa, chủ một ki-ốt tại chợ Khương Trung cho biết: “Nếu so sánh thì tỉ lệ Vedan và các loại mì chính khác sẽ là 4:10. Trước đây, dân tình ăn rất đông nhưng giờ phần lớn chỉ bán cho thợ xây hoặc đình đám, cưới hỏi”.

Khi Vedan “thất sủng”, Ajinomoto lại “lên ngôi”, trở thành ưu tiên số 1 trong lựa chọn của NTD. "Nhiều người trước kia dùng Vedan giờ quay ra dùng Ajinomoto. Tốc độ bán nhanh trông thấy. Cứ đều đặn thứ 4 hàng tuần, nhân viên chuyển hàng Ajinomoto tới. Tuần nào, cửa hàng tôi cũng nhập 1 thùng 40 gói", chủ tiệm tạp hóa trên phố Bạch Mai (Đống Đa, HN) tiết lộ.

Vedan gần như "mất hút" tại các siêu thị

Dạo một vòng quanh các siêu thị lớn tại Hà Nội, một điều dễ dàng nhận thấy là thị phần bột ngọt Vedan không đáng kể so với các nhãn hiệu  khác, thậm chí nhiều siêu thị đã tuyên bố “đóng cửa” với mặt hàng này.  

Bà Vũ Thị Hậu, PGĐ Công ty Nhất Nam (thuộc chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, ngay sau khi vụ việc Vedan xả thải ra sông Thị Vải được phanh phui, các sản phẩm Vedan đã không còn được bày bán tại hệ thống siêu thị Fivimart. Bà cho biết, doanh số Vedan so với Ajinomoto thấp hơn nhiều. Dân không mua nên mình không bán. Ngay từ trước, hiệu suất bán đã kém”, bà Hậu lí giải cho việc nói “không” với Vedan. 

Tuy vẫn được xếp cạnh các thương hiệu mì chính, bột nêm khác, nhưng lượng tiêu thụ của Vedan chậm hơn nhiều.

Còn đại diện của hệ thống siêu thị Intimart khẳng định Intimart chưa khi nào đưa mặt hàng mì chính Vedan bày bán trong hệ thống siêu thị của mình.

Tại siêu thị Coop mart (Km số 10, Nguyễn Trãi, Hà Đông , HN), nhân viên quầy hàng, chị Vũ Minh Loan cho biết, siêu thị vẫn kinh doanh sản phẩm này, tuy nhiên “hầu như khách không sử dụng, không thích hàng Vedan nữa”. Chị ước tính, cứ 10 người mua Ajinomoto thì chỉ có 1 người mua Vedan. Thậm chí, có nhiều khách hàng tới đây còn khuyến cáo siêu thị loại bỏ Vedan.

“Sau vụ việc như vậy, họ không còn tin tưởng Vedan nữa… vì vậy hầu như Vedan bán rất chậm”, chị Loan nói.


Tại siêu thị BigC trên đường Trần Duy Hưng, mì chính Ajinomoto được trưng bày ở nhiều kệ hàng, trải khắp các vị trí khác nhau, thậm chí được xếp thành hình tháp cao ngất ngưởng. Vedan cũng có vị trí bày không kém cạnh nhưng mức tiêu thị lại rất “khiêm tốn”.

Theo một nhân viên quầy hàng BigC thì tốc độ bán hàng của cả bột nêm và mì chính Vedan không “chạy” như trước và đều chậm hơn hẳn so với các loại khác mặc dù giá của Vedan trong siêu thị rẻ hơn. Lấy ví dụ: Trong khi, mì chính Ajinomoto 44.900 đồng/kg, Miwon 49.250 đồng/kg thì Vedan chỉ có giá 37.600 đồng/kg (giá cũ chưa khuyến mại là 41.000 đồng/kg). Giá của gói hạt nêm Vedan cũng “mềm” hơn với 45.000 đồng trong khi hạt nêm nước hầm xương Ajinomoto có giá 52.000 đồng, hạt nêm cao cấp xương hầm 3 ngọt Maggi 49.778 đồng.


Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại siêu thị Big C cho biết, tháng 10/2008, sau khi Vedan bị phát hiện làm ô nhiễm sông Thị Vải, Big C đã chấm đứt việc kinh doanh các sản phẩm Vedan  dù tại thời điểm đó nhà nước không cấm kinh doanh các sản phẩm Vedan và những nhà phân phối khác vẫn tiếp tục bán hàng Vedan.

Bà giải thích, đó là vì trong cam kết kinh doanh cũng như trong cam kết đạo đức kinh doanh giữa Big C và các nhà cung cấp, Big C luôn yêu cầu nhà cung cấp tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh và tôn trọng pháp luật Việt Nam trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh.


Theo dõi sát với tiến triển giải quuyết thiệt hại của Vedan, tháng 3/2009, Big C quyết định bán lại sản phẩm Vedan. Hiện tại, việc quảng bá sản phẩm của Vedan trong hệ thống siêu thị BigC được giảm tới mức tối thiểu và việc bán hàng của Vedan chỉ là cầm cự. Bà Trang tiết lộ thêm, trong thời gian tới, Big C sẽ luôn theo sát tiến triển của sự việc và có những động thái cần thiết nếu cần để Vedan thực hiện tốt việc đền bù cho bà con nông dân.

NTD dần tẩy chay

C
ách đây 2 năm, một làn sóng phản đối việc mua – bán sản phẩm Vedan dấy lên mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Nhiều trang diễn đàn đã mở một topic riêng với lời kêu gọi cùng nhau tẩy chay các sản phẩm của Vedan. "Tẩy chay là sự phản đối mạnh nhất của NTD. Nó đồng nghĩa với việc phá sản”, một cư dân mạng nói. Không dừng lại ở các khẩu hiệu hô hào trên mạng Internet, phong trào quay lưng lại với Vedan đã thực sự đi vào nhiều gia đình tại Việt Nam khi các bà nội trợ từ chối loại bột ngọt này.

Sáng 29/07, tại một gian hàng tạp hóa tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, HN), khi hỏi lý do chọn bột ngọt Ajinomoto thay vì chọn Vedan, chị Vũ Tuyết Hoa (35 tuổi) cho biết: “Tôi có thể nào tiêu dùng một sản phẩm mà để làm ra nó, nhà sản xuất đã hủy hoại môi trường sống tự nhiên một cách lén lút và xem thường luật pháp?! Tôi thấy hành vi phá hủy môi trường nghiêm trọng như vậy là không thể chấp nhận được nên  gia đình tôi không dùng Vedan từ lâu rồi."

Quay lưng với mì chính Vedan, NTD vẫn có nhiều lựa chọn bột nêm khác cho bữa cơm gia đình của mình.
Không chỉ những người phụ nữ xách làn đi chợ quay lưng lại với sản phẩm Vedan mà nhiều đầu bếp, nhiều nhà hàng ăn uống cũng đồng tình trong việc lánh xa Vedan.

Anh Nguyễn Trung Kiên, một đầu bếp trong quán ăn cơm thường dân trên phố Phan Huy Chú (Hoàn Kiếm, HN) tiết lộ, trước đây, quán cơm mà anh làm việc cũng sử dụng Vedan vì có ưu điểm là giá rẻ hơn những loại khác tầm 3 – 4 nghìn đồng/gói khoảng 500gr. Tuy nhiên, ngay sau vụ bê bối đó, anh Kiên (vốn xuất thân ở Đồng Nai)  là người đầu tiên vận động quán cơm không sử dụng loại bột ngọt này.

Độc giả muốn tra cứu điểm thi ĐH, CĐ 2010 miễn phí, bấm vào đây >> Click here! 

“Ban đầu cũng khó cho tôi vì phải thay đổi liều lượng đã quá quen thuộc từ bao nhiêu năm nay, tôi lại phải mất một thời gian để nếm thử và lựa chọn loại bột ngọt khác”, anh chia sẻ.


Ngay cả các sinh viên đại học hay học sinh PTTH đã từng theo dõi hay đơn giản chỉ “nghe nói” về sự việc này cũng cho rằng những cách phản ứng hoàn toàn có lý. “Mặc dù mì chính của Vedan không trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe con người nhưng cách làm của Vedan là hoàn toàn không thể chấp nhận được”,  Nguyễn Trà My, sinh viên năm cuối trường Học viện Báo chí Tuyên truyền thẳng thắn bày tỏ quan điểm.










Bài, ảnh:Tiểu Phương

Bạn có đồng tình với cách ứng xử của người dân VN trước các sản phẩm của Vedan. Theo bạn, Vedan phải làm thế nào để lấy lại lòng tin của NTD? Hãy gửi ý kiến của bạn vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!
Bình luận
vtcnews.vn