Sửa xe thành "đao phủ", cửu vạn "lên ngôi"

Kinh tếChủ Nhật, 18/07/2010 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Đẩy xe trở thành một "nghề"; xe tải được trưng dụng để kiếm thêm chút đỉnh; người sửa xe hóa thành "đao phủ"... là chuyện dễ gặp khi HN lụt.

(VTC News) - Đẩy xe trở thành một "nghề"; xe tải được trưng dụng để kiếm thêm chút đỉnh; người sửa xe hóa thành "đao phủ"... là chuyện dễ gặp khi HN lụt. Dưới đây, PV VTC News điểm mặt 9 loại mặt hàng, dịch vụ cũ có, mới phát sinh cũng có, nhưng có điểm chung là đều kiếm bộn nhờ mưa lụt...

1. Xe cứu hộ: Hết công suất chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu

Trong những mùa mưa bão, giao thông luôn hỗn loạn và tê liệt. Nhiều ô tô, xe máy bị “chết đứng” giữa đường, nhiều “cục cưng” của các ông chủ, đại gia bị kẹt dưới tầng hầm không dễ gì tháo gỡ. Biện pháp tối ưu mà nhiều người dân lựa chọn đó là gọi xe cứu hộ khẩn cấp, với mong muốn nhanh chóng thoát khỏi vùng nước mênh mông, ngập lụt dù giá của dịch vụ này không hề rẻ.

 Những ngày lụt mức giá xe cứu hộ có thể lên tới 700 – 800.000 đồng/chuyến.

Chị Hà, nhân viên doanh nghiệp cứu hộ giao thông Hà  Nội (66 ngõ 109 Nguyễn Sơn) cho biết: Tùy theo mức độ gần xa cũng như mức độ ngập sâu mà giá cả sẽ chênh lệch nhau. Ngày bình thường giá trung bình là 500.000 đồng, nhưng những ngày lụt mức giá có thể lên tới 700 – 800.000 đồng/chuyến. Đội ngũ 5 xe của công ty cũng chỉ đáp ứng được 20% số đơn đặt hàng.

Chị Hà kể: “Trận lụt đầu năm vừa rồi, nhiều xe tới nơi nhưng lại phải quay đầu vì nước ngập lên tới đầu nóc. Nhiều xe xuất phát từ sáng sớm nhưng mãi hơn 10 giờ sáng vẫn chưa xử lý được xe nào. Công việc ngày hôm đó tới hơn 10h đêm mới kết thúc”.


Rút kinh nghiệm từ trận lụt năm 2008, chị Hà khăng khăng: “Năm nay, nước to sẽ không kéo tránh trường hợp xe công ty bị hư hỏng nặng vì “cứu hộ” xe khách”.

 Cứu hộ luôn sẵn sàng phục vụ nhưng cũng chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của người dân.

Trong những ngày ngập lụt, số điện thoại hotline 0943 308 088 của Trung tâm cứu hộ và sửa chữa Quang Đức (1075 đường Giải Phóng) liên tục đổ chuông. Theo anh Khúc Toàn Thắng – Phó giám đốc công ty: Ngập lụt, xe bị dính nước, hỏng hóc nhiều, chết máy, số lượng xe “bơi” trong nước tăng lên gấp đôi. Chính vì vậy, doanh thu của công ty trong mấy ngày lụt lội ngắn ngủi này tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, để đảm bảo tính kinh doanh hiệu quả, ông Thắng cam kết không tăng giá, đồng thời đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường, cố gắng không bỏ sót chuyến nào. 5 chiếc xe cứu hộ của công ty Quang Đức luôn sẵn sàng “tác chiến” mọi lúc, mọi nơi trong mọi tình huống xấu nhất xảy ra. Giá mặt bằng trung trong nội thành là 500.000 đồng (áp dụng cho tất cả các xe dưới 16 chỗ).

2. Thợ sửa xe - “Đao phủ chém đẹp” giữa lũ

Tranh thủ những lúc bà con đang bở hơi tai dắt bộ vì tắc máy, nhiều thợ sửa xe không chuyên và chuyên nghiệp đã ra “đứng đường” kiếm ăn.

Cũng giống như trận lụt lịch sử năm 2008, nhiều thợ sửa xe đã “tranh thủ” kiếm được một khoản “kha khá” đủ bằng làm việc cật lực trong vòng cả tháng. Trong những ngày mọi người “khóc dở mếu dở” vì ngập nước thì công việc sửa xe trở thành nghề “hot” nhất theo đánh giá của nhiều người.

 Nhiều người chờ "dài cổ" để được sửa xe sau lụt ngày 13/07 vừa qua.

Trong đợt lụt tại Hà Nội gần đây nhất, những thợ sửa xe cũng được một “phen ra trò”, thêm nặng hầu bao. Anh Hòa, xe ôm kiêm thợ sửa xe “bán chuyên” tại khu vực gần ga Hà Nội cho biết, từ sáng đến giờ có khoảng hơn 10 “thợ” sửa tụ tập ở đây, luôn tay luôn chân làm không hết việc bởi xe chết máy vô số kể, nhẩm tính thì anh cũng sửa được khoảng 20 - 30 xe, mỗi xe thu 20.000 đồng cho việc sửa nổ, còn nếu thay bugi thì khoảng 50.000 – 60.000 đồng/chiếc.

Nhiều cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Hồ Giám, ngã ba Phạm Ngọc Thạch – Kim Liên, Chùa Bộc, Thái Hà,… đông nghịt khách. Nhiều khách hàng đến còn phải ngồi đợi gần nửa tiếng đồng hồ mới tới lượt mình.  Theo quan sát của PV VTC News, chỉ  trong vòng 2 tiếng, chỉ với một vài dụng cụ thô sơ, mỗi người thợ ở đây cũng đã thu từ 400.000 – 700.000 đồng từ những chiếc xe bị ngập nước.

Đa phần người dân khi xe chết máy thì đều chỉ muốn sửa cho nhanh để còn đi làm, đi công việc… nên ai cũng sẵn sàng móc túi ra để nhờ “nổ xe hộ”, tuy nhiên có nhiều trường hợp phải “nhăn mặt” vì cái giá quá "cắt cổ".

Người "gặp nạn" phải cắn răng trả cái giá "cắt cổ" với mong muốn nhờ thợ sửa xe “nổ xe hộ”.

“Chỉ 10 phút cũng kiếm được khối tiền đấy. Riêng cái xe ga của tôi, vừa dắt vào, loáng một cái, khi thanh toán họ đòi 200.000 đồng với lý do “xe ga sửa vô cùng phức tạp”. Dù bực bội với những con đường lầy lội, xót xa với cái giá “chát chúa” nhưng chị Hiền Mai (khách hàng sửa xe trên phố Lý Thường Kiệt) đành ngậm ngùi rút tiền trao tay. Trong những trận mưa lũ “lịch sử”, chuyện hàng nghìn chiếc xe máy đã phải chịu chung số phận như xe của chị Mai cũng là điều dễ hiểu.

3. Một mớ rau giá 20.000 đồng, một bát phở 40.000 đồng

Khoác chiếc áo mưa, cắp bên hông chiếc rổ đựng rau, bà Hằng vừa bập bõm lội vừa mời gọi: “Ai mua rau không?”. Hí hứng có người rao hàng tới tận nhà, chị Nguyễn Thu Thủy (ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) ngó đầu ra “Bao nhiêu một mớ”? – 20.000 đồng. Biết là đắt đỏ nhưng không thể không ăn, chị Thủy “cắn răng” mua tạm một mớ rau muống cho bữa cơm trưa ăn vội.

 20.000 đồng/ 1 mớ rau là cái giá chung trong những ngày lụt lội.

Nhiều tuyến đường ngập lụt, nhiều người dân không thể “đội mưa, đội gió” không thể “vượt lũ” trở về, đành dừng xe trú tạm ven đường. Ghé vào một quán cơm trên đường Lê Văn Hưu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Tùng (nhân viên công ty Truyền thông quốc tế IMJ) vừa gọi một suất cơm với duy nhất một cái đùi gà, vài ba cọng rau thơm. Lúc đứng lên trả tiền, anh mới ngã ngửa vì cái giá “trên trời” 50.000 đồng. Lè lưỡi, lắc đầu kêu đắt vì bình thường một xuất cơm như thế chỉ đáng giá từ 12.000 – 15.000 đồng. Tuy nhiên, đã trót ăn xong, anh Huy đành chìa ví trả tiền, trước khi đi không quên buông lại một câu than thở: “Thời bão lũ, cơm cũng “bão giá”!”.

Tương tự, các quán phở, cửa hàng bún cũng tăng giá chóng mặt. Một phát phở ngày thường từ 15 – 20.000 đồng, những ngày này tăng giá lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần (nếu gặp khách “sộp”).

“Chỉ tranh thủ được mấy ngày này thôi, vả lại, bão lũ, nấu nướng cũng khó khăn, rau cỏ cũng đắt đỏ. Chúng tôi chỉ tính cái tiền công thêm chút ít, chứ có bõ bèn gì đâu” – Chị Hải Anh, chủ quán bún vỉa hè trong ngõ Tạ Quang Bửu phân trần.

4. Xe ôm "cứu nạn”

“Lên đây anh chở, yên tâm qua đoạn đường này mà không dính một giọt nước nào” – Đó là câu mời chào của các bác xe ôm ven hồ Ha-le. Ngán ngẩm với những con đường ngập lụt, nhiều người dân gửi xe nhà người quen hoặc những điểm gửi xe công cộng, “hạ quyết tâm” đi bộ về nhà để giải quyết công việc. Tuy nhiên, đường xa, nhiều con đường lồi lõm, nếu không phải dân “thổ cư” rất dễ xảy chân xuống hố ga hay vấp ngã bởi những gờ vỉa hè lên xuống.

Không chỉ chở 2 người, nhiều xe ôm còn tranh thủ "tăng 3" .

Chị Vũ Tuyết Mai (nhân viên kế toán) chọn cho mình giải pháp an toàn là nhờ xe ôm. “Nếu đường tạnh ráo thì tôi sẽ thuê taxi, nhưng đường lầy lội như này, chỉ còn cách duy nhất là xe ôm” – Chị Mai nói.

Không có một mức giá chung nào cho giới xe ôm, giá chở xe những ngày này thường tăng gấp 3 – 4 lần ngày thường, thậm chí chặt chém vô tội vạ tùy thuộc vào từng cung đường, từng mức độ nguy hiểm.  “100.000 đồng cho một cuốc” đó là cái giá “bèo” nhất mà những người xe ôm trên đoạn đường Lê Duẩn đưa ra.

5. “Nghề” hiếm gặp: Đẩy xe

Ngày thường, ô tô chẳng mấy khi hổng hóc đến nỗi phải xuống đường đẩy xe. Những ngày khác dễ mấy ai thuê dịch vụ dắt hộ xe máy. Những chuyện mới nghe tưởng là chuyện đùa, nhưng đó lại là sự thật. Đẩy ô tô, dắt xe máy qua vùng ngập lũ cũng dễ dàng hái ra tiền trong mưa lũ.

Tại phố Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Thúc Kháng lúc nào cũng tập trung hàng chục nhóm thanh niên. Hễ xế hộp nào chết máy, họ lập tức có việc làm.

 Đẩy xe cũng có lúc kiếm ra tiền (Ảnh: HT)

Giá tiền đẩy xe từ 200 đến 400 ngàn đồng/km, tùy xe to hay nhỏ, ngày hay đêm. Nhiều người gọi đùa đây là nghề "khởi động ô tô bằng chân".

Hoàng Thanh Hà, sinh viên ĐH Quốc gia hôm vừa rồi đã kiếm được tiền triệu bằng công việc này trước cổng siêu thị BigC (Trần Duy Hưng). Hà cho biết: Mỗi lần đẩy ô tô được khoảng 100 nghìn, dắt hộ xe máy cũng được từ 30 – 50 nghìn. Vừa đưa tay lau vội những giọt mồ hôi trên trán, Hà thở dốc nói: “Mệt nhưng kiếm nhiều tiền nên cũng vui”. Chỉ tính riêng buổi sáng, cậu sinh viên này cũng đút túi được 1 – 2 triệu đồng. 

6. Tranh nhau lên ngồi xe tải

Vốn là dân chuyên chạy xe tải chở cát, bê tông, vật liệu xây dựng, vào những ngày lũ, anh Huy Tập (người Nghệ An) tranh thủ đem xe ra ngoài đường “làm vài chuyến” gọi là “kiếm ăn”.

Giá “chợ đen” thường thay đổi liên tục. Khoảng 10h sáng ngày 13/07, giá cho một người lên xe tải vượt qua cung đường lầy lội gần bến xe nước ngầm là 30.000 đồng/người, tương tự nếu mang vác cả xe máy thì mất 50.000 đồng. Tuy nhiên, chỉ sau đó chưa đầy một giờ đồng hồ, chủ tài xế xe tải đã “hét” một giá khác cao hơn: Người 50.000 đồng, xe 100.000 đồng.

 Xe cẩu cũng được trưng dụng chở khách (Ảnh: Ngọc Dương)

Chỉ chưa đầy 2 tiếng, Huy Tập cũng như một số “đồng nghiệp” khác kiếm được 3 – 4 triệu đồng. “Chỉ tính riêng chiều đi, tôi đã được 4 – 5 trăm nghìn đồng, chiều về cũng tận dụng chở đồ đạc, vận chuyển hàng hóa. Buổi sáng, nếu đường ngắn tôi chạy được hơn 10 chuyến”. Hỏi về thu nhập, anh Tập chỉ cười: “Cũng đủ tiền đem về cho vợ”.

7. Có tiền cũng không mua được mì tôm

Nhiều người than thở: "Trước và sau lũ từ kim chỉ cho đến gạo, thịt, mắm muối cái gì cũng tăng giá đến chóng mặt". Lo lắng cho trận lũ lụt sắp tới, đề phòng bão lớn, người dân đổ xô đi tích trữ lương thực. Tại các khu chợ, người đi mua phải vội vã tìm kiếm những mớ rau còn sót lại. Giá rau xanh, đồ khô tăng đột biến: Bí 6.000 đồng /kg; rau dền giá 1.500 đồng/mớ, cải xanh giá 3 ngàn đồng/mớ, măng giá 20 ngàn đồng/kg; Thịt bò mông giá 14 ngàn đồng/lạng, bò bắp giá 16 ngàn đồng/lạng; Thịt ngan 60 ngàn đồng/kg, thịt vịt giá 45 ngàn đồng/kg, gà ta (chưa làm) giá 65 ngàn đồng/kg;…

Dường như đã lường trước được sự việc qua đợt lũ lịch sử 2008, nhiều người dân đã ý thức hơn trong việc tích trữ lương thực trong nhà. Chính vì vậy mà những ngày này, cửa hàng chúng tôi đông khách chưa từng thấy.

Mì tôm "cháy" hàng trước trận lũ.

Tại đại lý Hà Duy gần khu chợ cóc Vương Thừa Vũ, mặc dù nhiều người dân đến mua mì gói lẻ nhưng đều không có hàng. Chủ đại lý cho biết: "Mì tôm Hảo Hảo hiện nay không có hàng. Trung bình cứ 10 người vào thì có tới 9 người đi ra với một thùng mì tôm”. Anh Duy liên tục cho thợ đem hàng tới nhưng vẫn kịp đáp ứng nhu cầu của người mua.

“Nguồn cung khan hiếm, lại còn phải "chi viện" ngược lại cho các vùng nông thôn càng làm nguồn cung thêm căng thẳng. Khan hiếm mì gói là do các đơn vị mua cứu trợ số lượng lớn, hàng cung cấp không kịp ra thị trường. Một số mặt hàng tăng giá từ đầu nguồn cung ứng như thịt heo, rau củ quả, vì thế giá bán lẻ bắt buộc phải tăng chứ chưa xuất hiện tình trạng ghim hàng” – Chủ cửa hàng Quang Anh trên đường Hoàng Hoa Thám cho biết.

8. Cửu vạn lên ngôi, “kiếm bộn” sau lũ

Mưa tạnh, lũ qua, dân cửu vạn lại tấp nập tại các “chợ người” Hà Nội. Nhu cầu dọn dẹp nhà cửa tăng bất thường khiến việc làm ăn của những người ngoại tỉnh này có vẻ “khấm khá” hơn.

“Chợ người” Giảng Võ nghe “tiếng” đã lâu. Ở đó tập trung rất đông người lao động ngoại tỉnh, người quang xảo, kẻ xẻng cuốc luôn thường trực trên tay chờ việc cùng với những chiếc xe đạp tồng tộc trong tư thế sẵn sàng xuất hành.

Thông thường việc nặng nhọc là từ 80.000 - 100.000 đồng/công và tùy vào mức độ, "cũng có khi gặp người "rộng rãi" họ còn thưởng cho tròn trăm, phấn khởi lắm!".

Không có một “hệ số”, cũng không có cái giá chung nào để tính công lao động cho dân cửu vạn. 

Vừa xong mưa lũ, nhiều hộ gia đình thuê cửu vạn thông cống, vét bùn, dọn vệ sinh… “Sau những ngày mưa lũ, rất nhiều cống thoát nước, nhà vệ sinh của các gia đình, các khu vực bị ngập, tắc giờ bốc mùi cần được "thông" và dọn dẹp sạch sẽ… Những công việc nặng nhọc này thường được thuê người lao động ngoại tỉnh làm. Tuy vất vả nhưng tiền công cũng kha khá!” - anh Tiến Hòa (quê ở Hòa Bình) tâm sự.

Không có một “hệ số”, cũng không có cái giá chung nào để tính công lao động cho dân cửu vạn. Cả người thuê và người làm đều căn cứ vào công việc và thời gian để tính tiền, có thể là 30, 40, 50.000 đồng/công (30 phút) nhưng cũng có khi là cả mấy trăm nghìn, thậm chí gần triệu đồng.

9. Áo mưa cháy hàng

Một chiếc áo mưa gió mỏng manh bình thường chỉ có giá từ 3.000 – 5.000 đồng nhưng trong những ngày mưa bão, giá này được các chủ cửa hàng “hét” lên gấp 2 – 3 lần.

Thấy lất phất vài giọt mưa, bạn Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên trường ĐH Bách Khoa ghé vội vào cửa hàng văn phòng phẩm trên phố Tạ Quang Bửu để mua áo mưa. Vừa hỏi chưa dứt câu, bà chủ quán đã trong nhà đã nói vọng ra: 10.000 đồng. Không tin vào con số vừa nghe được, Trang hỏi lại một lần nữa thì bà chủ nóng tính quát ầm lên: “Mưa bão cái gì chẳng tăng giá, mua thì mua, không mua thì thôi”.

Lập tức quay xe sang cửa hàng khác gần đó, Trang cũng khỏi ngạc nhiên vì giá cao ngất ngưởng: Áo mưa 2 da cánh dơi giá 100.000 đồng; Áo mưa trong 50.000 đồng; áo mưa nhám 70.000 đồng. Áo mưa hai người 80.000 đồng; Áo mưa bộ cao cấp rẻ nhất là 200.000 đồng, áo mưa xẻ cạnh 150.000 đồng.

 Mưa bão có được manh áo mưa mặc cho đỡ ướt, ít người quan tâm tới giá cả đắt đỏ.

Hậm hực mua tạm chiếc áo mưa loại rẻ nhất, Trang cũng phải bỏ ra 8.000 đồng/chiếc trong khi ngày thường Trang chỉ phải trả 2.000 đồng.

Đắt giá đã đành một nhẽ, nhiều cửa hàng còn “cháy” áo đi mưa. “Nhiều lúc không lấy hàng về kịp bán. Đôi khi, họ vào mua mấy chiếc liền hoặc người qua đường gặp mưa vào mua tới tấp” – Chị Bích Ngọc, chủ tiệm tại ngõ 93 Hoàng Văn Thái cho biết. “Mưa bão có được áo mưa mặc đã tốt rồi nên nhiều người cũng ít ai quan tâm tới giá cả, chỉ nhanh tay trả tiền, có áo mưa mặc đỡ ướt” – Chị Ngọc nói thêm.


Bài, ảnh:Khởi Nguyên

* Độc giả có thông tin, hình ảnh liên quan đến bão số 1, xin gửi về email [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn