Mía đá, kem, canh cua... "ốm nặng" vì nắng 45 độ C

Kinh tếThứ Tư, 07/07/2010 04:45:00 +07:00

(VTC News) - Sau mấy ngày chiêm nghiệm, chị Thu Liễu (Thanh Xuân, Hà Nội) rút ra nhận xét “xương máu” rằng: Càng nắng nóng, càng vắng khách!

(VTC News) - Thông thường thời tiết oi bức là cơ hội kiếm bộn cho các cửa hàng giải khát, các quán kem, bia hơi hay các mặt hàng giải nhiệt như canh cua, hoa quả... nhưng thực tế những ngày qua lại hoàn toàn ngược lại.

Ngày 6/7, khi nhiệt độ ngoài trời được thông báo lên tới đỉnh điểm 44 - 45 độ C, từ 9h – 10h sáng cho tới 4 – 5h chiều "bói không ra" một cửa hàng mía đá, trà đá có cảnh nhộn nhịp, đông đúc, chen chúc như những ngày thường.

“Nắng nóng dữ dội khiến cho người dân ngại ra đường, ở nhà tránh nóng hoặc chui vào địa điểm nào đó có điều hòa thay vì ngồi “thiêu thân” ở ngoài đường phố”, đó là câu trả lời cửa miệng khi nói về nguyên nhân của việc hàng quán ế ẩm của các bà, các chị bán nước ven đường.

Mía đá giảm giá

Mía đá vốn được coi là mặt hàng bán chạy nhất trong suốt thời gian qua, tuy nhiên vào những ngày này, các máy xay mía đá vỉa hè lại khá vắng vẻ. Tại các cổng trường Đại học như Bách khoa, Sư phạm I, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, số lượng khách ngồi uống nước lèo tèo, thi thoảng mới có một vài xe máy dừng lại, mua nhanh 1, 2 túi mía đem về nhà vội. Theo các chủ quán nước mía, nguyên nhân ít khách một phần do sinh viên đã về quê nghỉ hè, một phần khác chỉ “ăn theo” vào những ngày thi Đại học, một phần khác do thời tiết quá khắc nghiệt, nắng nóng.

 Sinh viên nghỉ hè và nắng nóng dữ dội khiến các quán mía đá chỉ lèo tèo vài khách.

Anh Nguyễn Văn Vinh, người bán nước mía tại cổng trường Đại học Điện Lực (235 Hoàng Quốc Việt, Từ Liêm, Hà Nội) than thở: “Hôm nay, tôi ngồi đây cả ngày nhưng lác đác vài ba người mua. Từ 12h trưa đổ ra là hoàn toàn không bán được một cốc nào. Bình thường mỗi ngày bán được khoảng 20 – 30 cây, nhưng hôm nay mãi mà chưa hết một vác mía (gồm 10 cây – pv), từ sáng tới giờ (17h30) mới bán được 2 – 3 cây.

Nhìn đống vỏ mía ít ỏi, xơ xác phía dưới máy xay mới biết anh bán được ít tới chừng nào. Anh Vinh cũng cho biết: Giá mua mía đầu vào khá cao trung bình từ 80.000 – 90.000 đồng/bó, mía to, đẹp thì 100.000- 120.000 đồng/bó. Mặc dù đã bán với giá 7.000 đồng/cốc, rẻ hơn các nhà khác xung quanh 1.000 đồng nhưng anh Vinh không ngớt kêu than hàng quán ế ẩm.

Các chủ quán mía đá trên phố Lê Trọng Tấn, Định Công, Lương Đình Của, Khương Trung, Hoàng Văn Thái… cũng trong tình trạng thưa thớt. Sau mấy ngày chiêm nghiệm, chị Thu Liễu, chủ quán mía tại số 2 Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) rút ra nhận xét “xương máu” rằng: “Càng nắng nóng, khách càng vắng. Lượng khách hôm nay đã giảm hơn nhiều so với các ngày khác”. Ban ngày, cửa hàng của chị đóng cửa, chỉ tối mới “mở hàng” với hi vọng bán được chút ít. Giá một cốc mía ngày 6/7 giảm xuống còn 6.000 đồng/cốc, trong khi ngày thường chị bán với giá 7.000 đồng/cốc. 

 Cho tới tận cuối giờ chiều, nhiều quán mía ven đường chỉ bán được 2 - 3 cây

Còn các quán mía tại phố Khương Trung (đối diện trường cấp II Lương Thế Vinh và trường THCS Khương Đình) cũng ế hơn với lý do: Nắng nóng, các bậc phụ huynh không đi nhập học cho con em nên số nước mía bán ra giảm hơn mấy trăm nghìn so với những ngày mát trời trước đó.

Không chỉ có nước mía giảm khách mà nước dừa, tào phớ, quán nước ngọt cũng cùng chung “số phận”. Dừa tươi vốn là một trong những mặt hàng nước giải khát được tiêu thụ mạnh nhất, tuy nhiên ngày nắng nóng như thế này chỉ trông chờ vào việc bán cho các đại lý hoặc hi vọng vào dịch vụ vận chuyển tận nhà, chứ số khách ngồi uống tại quán không đáng kể. Chị Loan, một người bán tào phớ gần chợ Bách Khoa phàn nàn: “Bình thường cứ loáng một cái, tầm 2 tiếng là hết một nồi, nhưng hôm nay khách vắng, tới tận chiều tối mà mãi không hết một nồi tào phớ”.

Kem Tràng Tiền vắng khách

Theo ghi nhận của VTC News, không khí kéo nhau đi ăn kem tại các khu trung tâm hay các cửa hàng kem tươi dọc đường ngày hôm qua cũng vắng vẻ hơn so với những ngày trước đó.

Kem Tràng Tiền vào chiều muộn có phần ảm đạm, thưa thớt. Bãi để xe bình thường chật ních nhưng hôm qua vẫn còn nhiều chỗ trống. Mọi ngày, từng hàng khách xếp san sát đứng cạnh nhau thành hàng dài trước quầy kem để chờ đến lượt mua thì hôm qua không còn cảnh chen lấn, xô đẩy. Thậm chí, có lúc, tại gian hàng ngoài cùng, bên tay phải còn không có một bóng người mua.

Vào ngày nắng đỉnh điểm, kem Tràng Tiền vào chiều muộn, đầu buổi tối có phần ảm đạm, thưa thớt.

Phạm Khánh Hưng, một sĩ tử vừa trải qua kì thi Đại học, trước khi về quê ghé qua Tràng Tiền ăn kem đã ngạc nhiên nói: “Mình không nghĩ kem Tràng Tiền lại có lúc vắng như thế này”.

Trao đối với VTC News, ông Tạ Xuân Thịnh, nhân viên tại đây cho biết: “Số kem bán ra bình thường khoảng 50.000 que nhưng sáng nay chỉ khoảng 30.000 que, nhìn chung là vắng hơn so với những ngày nắng khác”.

Thông thường một ngày có tới 18 lần, bảo vệ phải ngăn không cho khách vào vì số lượng quá tải, nhưng sáng nay số lần ngăn xe chỉ dừng lại ở con số 7 lần.


Cũng theo ông Thịnh thì từ 12h trưa tới 1h chiều là khoảng thời gian nắng đỉnh điểm, số lượng khách vắng teo. Bắt đầu từ 3h chiều, lượng khách mới bắt đầu đông dần lên. Mỗi ngày, nhân viên kem Tràng Tiền làm việc theo 2 ca, ca sáng hoặc ca chiều. Ca sáng ít khách hơn, ca chiều từ bắt đầu từ 14h30 tới 22h30 - 21h00, khoảng thời gian đột biến đông khách là từ 20h30 tới 22h00.

Không có cảnh chen lấn, xô đẩy nhau mua kem trong ngày nắng “lịch sử” 45oC.
 

Nói về nguyên do của việc vắng vẻ này, ông Thịnh nhận định: Thứ nhất là vì thời tiết nắng quá, ít người ra đường để rồi tạm ghé chân vào ăn kem. Thứ 2 là các gia đình bắt đầu cho con em đi nghỉ mát, người dân tỉnh ngại nắng nên đổ xô về đây ít, mà khách Tràng Tiền phần lớn là khách tỉnh lẻ nên số lượng giảm đáng kể. Nguyên nhân không nhỏ nữa ảnh hưởng tới doanh thu của kem Tràng Tiền đó là tính thời điểm, hôm qua là ngày đầu tuần (thứ 3) nên lượng khách sẽ không thể so sánh với những ngày cuối tuần, số lượng khách giảm hơn cũng là điều dễ hiểu.

Hoa quả ế ẩm

Lượn một vòng qua đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), Giải Phóng (Đống Đa), đường Láng (Cầu Giấy)… dễ dàng nhận thấy vẻ ỉu xìu, mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt của các bà bán hoa quả. Nhiều người ngủ gà, ngủ gật trên chiếc xe chở hàng bởi vắng khách, không ít người đứng ngáp dài, ngáp ngắn.


Hỏi một người bán hàng hoa quả rong đang ngồi tạm trên lề đường ngoài cổng chợ Hôm (Phố Huế, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tình hình bán hàng ngày nắng nóng, chưa kịp dứt lời, chị Vũ Mai Hương (quê ở Thái Bình) đã lắc đầu chán nản: “Ế lắm em ạ! Mọi năm mùa hè bán được, năm nay không hiểu sao lại bán kém thế, có lẽ do thời tiết nắng quá! Riêng ngày hôm nay (ngày 6/7), báo đài nói lên tới 45 độ C, hoa quả giảm gấp đôi, gấp ba lần ngày thường”.

Đưa tay lên lau mồ hôi nhễ nhại trên trán, chị phàn nàn: “Nắng quá, buổi trưa, bản thân tôi cũng ngại không ra đường, huống chi khách hàng. Ngồi bên lòng đường vào trời này thì không ăn chịu nổi, vả lại có khách đâu mà bán, bán cho ai?!”.


 Hoa quả ế ẩm, nhiều chủ buôn ngủ gà ngủ gật khi vắng khách

Thời tiết oi ả, nhiều người cũng thèm ăn một cốc sinh tố hay một ly hoa quả dầm nhưng lại rụt rè khi đi chợ lựa chọn hoa quả tươi. Bà Hợi, nhà trên phố Bạch Mai nói: “Nắng thế này, hoa quả rất nhanh hư hỏng. Mua đào thì nhiều quả thối ruột, mua vải thì sâu rất nhiều, mua chôm chôm thì vỏ ngoài rất ngon nhưng bên trong thì ủng hết, nên nhiều khi muốn mua nhưng lại dè chừng hoa quả thối”.

Tại cửa chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), một hàng dài hoa quả xếp san sát nhau ngồi chờ dài đón khách. Anh Hữu, bán hoa quả tại đây cho biết, dạo trước, ngày nào anh cũng phải đi lấy hàng, nhưng bữa nay, ba ngày rồi, anh chưa lấy một chuyến hàng.

“Ba ngày rồi mà chưa hết một tạ. Mỗi ngày bán được khoảng 20 – 30 chục cân nhưng không đều đặn, có hôm bán được, có hôm bán ít. Nói chung là ế ẩm hơn mọi năm rất nhiều”, anh Hữu thở dài ngao ngán.


Theo anh Hữu thì giá bán ra hoa quả mùa hè này không cao, dưa hấu vẫn ở mức bình quân 10.000 đồng/kg, chôm chôm khoảng 15 – 16.000 đồng/kg, riêng nhãn vì đầu mùa nên đang bán đắt hơn các loại hoa quả khác. “Hơn chục cân nhãn mà tôi bán mãi vẫn không xong, từ sáng mời chào mãi, tới giờ (17h45) mới bán được 4 – 5 rành nhãn” – anh Hữu không ngớt lời than thở.

Hàng cua: Nắng 45 độ C cũng “không ăn thua”

Theo khảo sát của VTC News, chợ Nghĩa Tân có khoảng 4 – 5 hàng bán cua, không khí mua bán trong ngày nắng nóng “lịch sử” này cũng vẫn diễn ra đều đều như những ngày khác, không có gì đột biến.

Vào đầu mùa hè, giá cua rẻ chỉ 8.000 đồng/lạng vì thời điểm đó, cua nhiều do nông dân chưa cắt lúa, nhưng hiện tại,  khi người dân đi cấy, cua hiếm, giá cua cao lên, bán đắt hơn, nên lượng khách mua không đáng kể.

 Giá cua cao 12 – 13.000 đồng/lạng nên ít người mua.

Theo chị Năm, một người bán cua lâu năm và cũng là nơi thường xuyên đông khách nhất ở cuối chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội): “Ngày nào cũng thế, không riêng gì ngày nắng, họ ăn canh cua đã trở thành thói quen, thời tiết có nóng hơn thì số lượng khách cũng không đông hơn là mấy”.

Giá cua đã tăng từ tuần trước và hiện tại chị Năm vẫn bán với giá 12.000 đồng/lạng. Mỗi ngày chị bán được khoảng 30 cân. Vào những ngày nắng, chị huy động thêm 2 người nhà ra hỗ trợ, phụ giúp chị bán hàng. Chị Năm cho biết: “Cả ngày chỉ trông chờ vào thời khắc cuối chiều khi các bà nội trợ đi làm về và cả buổi chiều cũng chỉ “ăn thua” trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Thời gian lúc 17h30 bao giờ cũng đông khách nhất”.


 Số lượng người mua cua tăng lên vào giờ cao điểm (17h30) tuy nhiên theo nhiều chủ buôn, mức tăng này không đáng kể.

Cách đó không xa, gian hàng cua của chị Lượt có phần vắng vẻ hơn. Cho tới tận hơn 18h, số cua chưa bán hết vẫn còn rất nhiều, 5 – 7 chậu cua “ế” phải để dưới nước cho mát kẻo cua hỏng. Chị Lượt cho biết: “So với ngày mưa thì số lượng bán nhiều hơn, nhưng so với những ngày nắng khác thì cũng không hơn. Bán được một yến cua cũng không phải dễ dàng, phải 30 – 40 người khách may ra mới hết”. Nhiều người đến mua, đã trả giá xong xuôi, đã chọn cua kĩ càng nhưng khi đưa lên cân, thấy được ít quá lại thè lưỡi kêu đắt rồi quay đầu đi.

“Buôn bán giờ khó khăn, một cân cua lên tới 100.000 đồng, ai mà dám mua nhiều. Nhiều hôm, khách vắng, chị vẫn phải bán cho nhà hàng, bán rẻ hơn so với khách lẻ, gọi là chống ế”, chị Lượt ngán ngẩm.


“Nắng nóng, ai cũng nghĩ hàng cua sẽ đắt hàng lắm, tâm lý cũng như mình, rất thèm một bát canh cua, tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Làm bát canh cua hơi cầu kỳ, cộng thêm rau, dưa, gia giảm vào cũng “mất đứt” hơn 50.000 đồng, không đơn giản là canh rau muống, rau cải bắp chỉ mấy nghìn đồng nên cũng ít người mua”, chị Thục, một người bán cua tại khu chợ Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận  xét. 





Bài, ảnh
: Tiểu Phương


Theo bạn, người dân sẽ quan tâm tới dịch vụ gì khi thơi tiết nắng như thiêu như đốt? Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn vào ô thảo luận cuối bài. Trân trọng cảm ơn!

Bình luận
vtcnews.vn