Giao dịch đất phía Tây Hà Nội giảm 90%

Kinh tếThứ Ba, 15/06/2010 07:17:00 +07:00

Giao dịch giảm mạnh, chỉ bằng 5 - 10% so với vài tuần trước, nơi có mức giảm giá mạnh nhất là những nơi mà trước đó “nóng” nhất.

Giao dịch giảm mạnh, chỉ bằng 5 - 10% so với vài tuần trước. Theo giới kinh doanh bất động sản Hà Nội, nơi có mức giảm giá mạnh nhất là những nơi mà trước đó “nóng” nhất.

“Cơn sốt" giá đất thổ cư, đất nền khu vực phía tây Hà Nội bắt đầu hạ nhiệt từ hai tuần nay, mức giảm 1 - 2 triệu đồng/m², cá biệt có nơi giảm tới 4 triệu đồng.

Giá giảm mạnh, vẫn đắt

Khoảng hai tuần trở lại đây, giá đất nền một số dự án đã giảm khá nhanh. Cụ thể như đất nền khu C, D, Khu đô thị Gleximco Lê Trọng Tấn, lô đất mặt đường 20m, thời điểm “đỉnh” nhất, gần một tháng trước được giao dịch khoảng 47 triệu đồng/m², nay còn khoảng 45 - 45,5 triệu đồng; lô có mặt đường 13,5m, giá hiện còn 34 - 34,5 triệu đồng/m², giảm 3,5 - 4 triệu đồng (có thời điểm được giao dịch 38 triệu đồng/m²).

Đất nền nhiều dự án khu vực phía tây đã giảm nhanh nhưng vẫn đắt gấp đôi so với nửa năm trước 

Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô, đất nền những lô có mặt đường 13,5m còn khoảng 31 triệu đồng/m²  (trước đó 32 - 34 triệu đồng).

Dự án Khu đô thị Kim Trung - Duy Trạch, giảm từ 31 triệu đồng xuống 28 triệu đồng/m²...

Những dự án trên giá dù giảm nhanh song vẫn còn cao ngất so với bốn tháng trước, khi chủ đầu tư mới ra hàng. Chẳng hạn, đất nền khu D Lê Trọng Tấn, loại mặt đường 13,5m, trước Tết Canh Dần giá chỉ khoảng 21,5 - 22 triệu đồng/m². Hay khu Văn Khê, loại mặt đường 11,5 m, trước kì nghỉ Tết chỉ khoảng 42 triệu đồng, nay dù đã chững lại và giảm nhẹ, giá vẫn khoảng 58 - 60 triệu đồng…

Ông Lê Mạnh Cường, Giám đốc Công ty bất động sản Nam Long, Hà Nội, lý giải, sở dĩ giá đất nền Khu đô thị Gleximco Lê Trọng Tấn giảm mạnh nhất là bởi trước đó cũng tăng nhanh nhất. Nay, cùng với tâm lý e ngại trước hàng loạt thông tin cảnh báo rủi ro với thị trường bất động sản phía tây, khu vực này cũng có thêm nguồn cung, như từ Khu đô thị mới An Hưng, khiến vốn của nhà đầu tư bị san sẻ, thậm chí phải “xả hàng” dự án cũ để đổ vốn vào dự án mới.

Dè dặt với rủi ro

Giao dịch đất nền khu vực phía tây đã nhanh chóng khựng lại. Ông Đinh Trung Yên Định, Giám đốc Văn phòng nhà đất (số 5 Anh Đạt, Hà Nội), cho biết, những ngày này, lượng khách mua - bán qua văn phòng chỉ còn 5 - 10% so với 1 tháng trước đó. “Một số lô đất của những dự án tại khu vực này, đã ra hàng 1-2 tuần trước, nay vẫn thấy chào bán, chứng tỏ sức hút đã giảm mạnh. Bởi khi thị trường “nóng sốt”, những dự án đó luôn trong tình trạng “cháy” hàng”, ông Định nhận xét.

Mặc dù giao dịch ảm đạm, song vẫn chưa xuất hiện làn sóng bán tháo tại khu vực này. Theo ông Định, trong khi một số nhà đầu tư nhỏ, lẻ, cần tiền, lệ thuộc vốn vay ngân hàng bán ra thì số khác có nguồn tài chính dồi dào hơn lại có xu hướng “bắt đáy” khi chọn mua vào.

Trên thực tế, chúng tôi ghi nhận, một số dự án khu vực này vẫn khan hàng và “âm thầm” tăng giá. Như dự án Khu đô thị An Hưng, lô đất nền mặt đường 40m mới bán ra thị trường hai tuần nay, giá đã tăng từ 65 - 66 triệu đồng/m² lên khoảng 70 triệu đồng. Hay như dự án Văn Khê, loại mặt đường 17m, giá vẫn gần 70 triệu đồng một m², loại mặt đường 24m khoảng 80 triệu đồng và có xu hướng tăng.

Theo Giám đốc Công ty bất động sản Nam Long, dự án Văn Khê đã xong mặt bằng, một số hộ dân đã vào ở, người mua phần nhiều có nhu cầu ở thực nên giá vẫn tốt. “Nhà đầu tư ngày càng có kinh nghiệm hơn, đã thận trọng trước cảnh báo rủi ro chứ không lao vào bằng mọi giá. Vì thế, họ dè dặt hơn với những dự án “trên giấy” nhưng vẫn quan tâm và sẵn sàng xuống tiền cho những dự án đã cơ bản hoàn thiện”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn