Thuốc “rón rén” tăng giá

Kinh tếThứ Hai, 26/04/2010 07:09:00 +07:00

Từ sau Tết đến nay, giá thuốc nội, ngoại trên thị trường Hà Nội tiếp tục tăng từ 5%-20%, trong đó chủ yếu là thuốc kháng sinh và biệt dược.

Từ sau Tết đến nay, giá thuốc nội, ngoại trên thị trường Hà Nội tiếp tục tăng từ 5%-20%, trong đó chủ yếu là thuốc kháng sinh và biệt dược.

Nội - ngoại đều tăng giá

Tại một hiệu thuốc GPP (nhà thuốc thực hành tốt) trên phố Trần Hưng Đạo, chị Phương, dược sĩ phụ trách nhà thuốc này, cho biết thời gian gần đây, nhiều loại thuốc kháng sinh ngoại đã ào ào tăng giá, trong đó, kháng sinh Zinat thuộc loại tăng giá mạnh nhất.

Người bệnh đang nặng gánh với giá thuốc chữa bệnh.

Theo chị Phương, so với trước Tết Nguyên đán, hiện nay, giá thuốc kháng sinh Zinat dạng xi rô, gói và viên mà cửa hàng của chị vừa nhập đều tăng từ 10.000- 25.000 đồng/hộp (chai). Ngoài ra, một số thuốc khác cũng tăng giá như: Exomuc,  Motilium, Obimin, kháng sinh Rodogyl, Utrogestal, Dopegyt... Cùng đó, một số loại thuốc xông họng, dịch truyền và thuốc bôi ngoài da cũng tăng giá do thời tiết thay đổi, nhu cầu sử dụng tăng cao.

“Tính từ đầu năm 2010 đến nay, đã có khoảng 5 đợt điều chỉnh giá thuốc nhưng chủ yếu là tăng chứ giảm không đáng kể. Có lẽ do thời gian gần đây, các cơ quan quản lý liên tục kiểm tra nên dược phẩm không ồ ạt tăng giá như trước đây mà “rón rén” điều chỉnh giá hoặc nếu có tăng cũng chia thành nhiều đợt và tăng mỗi lần một chút để không bị chú ý”- chị Phương cho biết.

Không chỉ thuốc ngoại, một số thuốc sản xuất trong nước như kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, cảm cúm... cũng tăng giá. Theo nhiều nhà thuốc bán lẻ ở Hà Nội, kể cả những thuốc sản xuất từ dược liệu trong nước, không liên quan đến tỉ giá ngoại tệ, cũng tăng giá. Đáng nói, trong những báo cáo gần đây của Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh dược VN đều thông báo giá một số nguyên liệu kháng sinh, hạ sốt, kháng viêm nhập khẩu giảm nhưng trong thời gian này, trong các loại thuốc giảm giá hầu như hiếm thấy có thuốc kháng sinh.

Nhiều kẽ hở trong kê khai giá thuốc

Lý giải việc giá thuốc đang ở mức cao, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, nói: Thị trường dược phẩm VN đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, trên 50% số thuốc sử dụng phải nhập khẩu. Do vậy, việc bình ổn giá thuốc không thể sử dụng các biện pháp hành chính để buộc giá thuốc đứng hoặc giảm giá bán... mà quan trọng là bảo đảm đủ thuốc, không để tình trạng tăng giá đột biến, bất hợp lý và tăng giá đồng loạt.

Cũng theo ông Cường, theo quy định của Pháp lệnh Giá, Luật Dược, hiện nay, giá thuốc ở VN hoàn toàn do các đơn vị sản xuất, kinh doanh tự quyết định và kê khai với cơ quan quản lý. Đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường và khi thay đổi giá phải được kê khai lại với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền... Việc kê khai giá thuốc hiện nay đang tạo kẽ hở để doanh nghiệp hợp lý hóa giá thuốc ở mức cao.

Vì thế, Cục Quản lý dược đang xây dựng phần mềm quản lý liên thông giữa y tế và hải quan để kiểm soát giá thuốc nhập vào VN và giá thuốc tại các nước trước khi khai báo tại hải quan. Đồng thời, hàng loạt quy định liên quan đến vấn đề quản lý giá thuốc đang được sửa đổi theo hướng tăng nặng chế tài trong xử lý.

Thuốc được coi là mặt hàng cá biệt vì người mua không trả giá và người bán cũng không thông báo trước khi tăng giá. Tuy nhiên, trước những cơn lốc tăng giá, người bệnh vẫn phải chấp nhận. Mặc dù Cục Quản lý dược thường xuyên có văn bản yêu cầu các sở y tế trên toàn quốc tăng cường quản lý giá thuốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá thuốc phi lý, đầu cơ, găm hàng, tuy nhiên, hiệu quả bình ổn thị trường dược vẫn chưa được như mong muốn.

Giảm giá chỉ bằng 1/5 so với tăng giá

Theo khảo sát của Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh dược VN, vào tháng 4-2010, trong hơn 8.000 lượt mặt hàng tại 55 cơ sở kinh doanh dược phẩm trên toàn quốc, có 24 cơ sở có điều chỉnh giá. Tại khu vực Hà Nội, có 58 lượt mặt hàng thuốc nội tăng giá, với mức tăng trung bình 5,7% và 14 lượt mặt hàng giảm giá với mức giảm trung bình khoảng 6,1%, có 30 lượt mặt hàng thuốc ngoại tăng giá với tỉ lệ tăng trung bình khoảng 6% nhưng chỉ có 6 lượt mặt hàng giảm giá.

Theo Người Lao động

Bình luận
vtcnews.vn