Bức tử sông xinh nước Nga thỏa cơn khát điện Trung Quốc

Thế giớiThứ Tư, 22/06/2011 06:31:00 +07:00

(VTC News) – Một đại gia Nga đang chi hàng tỉ đôla cho những dự án xây dựng đập nước ở Siberia nhằm giải toả “cơn khát điện” của Trung Quốc.

(VTC News) – Một trong số những người giàu nhất nước Nga, tỉ phú Oleg Deripaska, đang đầu tư hàng tỉ đôla vào các dự án xây dựng đập thuỷ điện ở Siberia nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu điện sang Trung Quốc và thu về ngoại tệ cho nền kinh tế đang bùng nổ nước này.

Phóng viên của đài BBC Daniel Stanford đã có chuyến đi tới các dự án mới của tỉ phú Oleg Deripaska. Daniel Stanford cho biết, từ thành phố gần nhất, anh đã phải ngồi gần 2 tiếng đồng hồ trong một chiếc máy bay cánh quạt kép chật chội để có thể tới được con đập Boguchanskaya ở miền đông Siberia.

 

Chiếc máy bay như một con chim nhỏ lượn quanh trong khu rừng taiga rậm rạp, phía dưới là dòng sông Angara trải dài thơ mộng - con sông duy nhất bắt nguồn từ hồ Baikal và là phụ lưu chính của sông Yenisei đổ ra Bắc Băng Dương.

Trên dòng sông Angara, người ta cũng đã cho xây dựng 3 con đập thuộc địa phận Irkutsk, Bratsk và Uts-IIimsk. Sắp tới, đập thủy điện thứ tư thuộc tỉnh Boguchanskaya, gần Kodinsk cũng sẽ được khánh thành và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 4/2012.

Trên thực tế, tiềm năng sản xuất điện của khu vực miền đông Siberia là vô cùng lớn. Vậy tại sao lại không xây dựng nhiều hơn các đập thuỷ điện để khỏi làm lãng phí nguồn tài nguyên quý giá đó?

Câu trả lời nằm ngay trên đất nước Trung Quốc – thị trường xuất khẩu điện hàng đầu của Nga và chỉ cách Siberia vài trăm km. Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã đặt Nga cung cấp hoảng 60 tỉ kWh điện/năm cho tới năm 2020, bằng với lượng tiêu thụ của cả Hy Lạp và Hongkong cộng lại.

Nga cho xây dựng nhiều đập thuỷ điện trên sông Angara nhằm giải tỏa “cơn khát điện” của Trung Quốc

Ông Oleg Deripaska, Chủ tịch En+ kiêm Giám đốc điều hành công ty sản xuất nhôm Rusal, và cũng là người đồng sở hữu dự án đập Boguchanskaya cho biết: “Đây thật sự là một cơ tội tốt để Nga có thể thu về lợi nhuận trực tiếp từ sự phát triển nhanh, mạnh của châu Á. Bên cạnh đó, GDP của Siberia còn có khả năng sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 15 năm tới. Làm sao chúng tôi có thể bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời như vậy trong khi mọi thứ đều đã sẵn sàng? Chúng tôi có nguồn nhân lực, có khả năng, có công nghệ và cả một thị trường lớn mạnh ngay bên cạnh nữa cơ mà.”

Đập thuỷ điện Boguchanskaya hiện vận hành với  9 tuabin lớn và có sản lượng tối đa khoảng 17 tỉ kWh điện mỗi năm. Trong đó, phần lớn được cung cấp cho các nhà máy sản xuất nhôm Rusal mới, phần còn lại sẽ được hòa vào mạng lưới điện quốc gia và có thể dùng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là phương pháp “biến nước thành tiền” khá hiệu quả.

Những đập nước khổng lồ luôn là nỗi kinh hoàng cho bất kỳ ai khi được chiêm ngưỡng chúng. Với chiều rộng 3km, thành bêtông cao hơn 80m và lòng hồ tự nhiên có thể sâu tới 70m.

 Đốt nhà dân làng ven sông Angara để phục vụ dự án xây đập

Đằng sau những đập thuỷ điện khổng lồ “hối hả” suốt ngày đêm, Angara vẫn giữ nguyên hình ảnh về một dòng sông thơ mộng trải dài mênh mông. Thế nhưng, những ngôi nhà truyền thống xinh xắn làm bằng gỗ đã mọc lên hai bên bờ sông hơn 300 năm nay, giờ đây lại sắp bị người ta đốt đi để xây đập.

Ông Alexander Bryukhanov, một người đã từng sinh sống ở Kezhma – một thị trấn có khoảng 1000 dân chủ yếu sống bằng nghề cá và làm nông nghiệp, nay đã bị chuyển tới ngôi nhà trong khu di dân cùng nhiều người khác để nhường chỗ cho những dự án “biến nước thành tiền” của các đại gia Nga.

Ông chia sẻ: "Người già mới thật là đáng thương. Họ nằm dài cả năm trời vì không có việc gì để làm. Những ngôi nhà gỗ bị người ta đốt, vườn tược cũng chẳng còn, trong khi hàng xóm thì bị chuyển tới những căn hộ mới trong thành phố nhưng cũng chẳng hơn gì vì chỉ có mỗi cái tivi để bầu bạn.”

Ở một ngôi làng khác, làng Prospikhino – nơi đã từng có 5000 hộ dân sinh sống, những ngôi nhà xưa giờ chỉ còn lại những đống tro tàn. Đàn ngựa hoang băng qua một nhánh sông Angara làm nước bắn lên tung toé…

 

Một người đàn ông đang điều khiển một chiếc mô tô cũ trên đường. Hỏi ra mới biết anh tên là Konstantin Poddubny, người đã kiên quyết ở lại Prospikhino để bám đất bám làng. Anh Poddubny đã từ chối chuyển tới nhà mới vì cho rằng việc người ta hứa hẹn đền bù chẳng qua là để dụ dỗ dân làng bỏ nhà bỏ cửa và chiếm đất của họ.

Anh nói: “Chính quyền đã đốt sạch nhà cửa và hứa cho chúng tôi những căn hộ mới trong thị trấn. Cũng đã có nhiều người phải chuyển đi. Thế nhưng, sau đó chính quyền lại bảo là không có căn hộ nào cả, không có nhà cửa gì hết, trong khi dân ở những làng khác vẫn nhận được nhà mới đấy thôi.”

Poddubny còn nói: “Chẳng có người dân Siberia nào cần cái dự án thuỷ điện mới ấy cả. Còn bao nhiêu là kế hoạch xây đập trên sông Angara này nữa chứ đâu chỉ có một hai cái, mà tất cả cũng chỉ là để xuất khẩu sang Trung Quốc.”

Trong khi đó, một nhóm các nhà môi trường Nga cho biết các dự án xây đập trên sông Angara sẽ có ảnh hưởng không tốt tới hệ sinh thái và môi trường trong khu vực. Nhiều vùng trên sông đã biến thành đầm lầy, những cây bị đốt đã bắt đầu phân huỷ gây ô nhiễm và làm biến đổi các đặc tính hóa học của nước sông.

 

Theo ông Alexander Kolotov của tổ chức Bảo vệ sông ngòi quốc gia: “Họ nói xây dựng những đập thuỷ điện mới trên các sông của Siberia là để bảo vệ hành tinh này khỏi nguy cơ ô nhiễm do hiệu ứng nhà kính và khí ga của Trung Quốc. Vậy thì câu hỏi đặt ra là liệu họ có sẵn sàng huỷ hoại môi trường Siberia, bức tử những dòng sông xinh, chặt phá những khu rừng đầu nguồn vì 'mục đích cao cả' ấy hay không?”

Tuy nhiên, trên thực tế, ngày càng có nhiều đập thuỷ điện được xây dựng ở miền Đông Siberia nhằm đáp ứng “cơn khát điện” dữ dội của Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Deripaska cho biết sẽ giúp Siberia trở thành một Canada thứ hai – giàu về tài nguyên và mạnh về kinh tế.

Theo BBC

Bích Hảo dịch


 

Bình luận
vtcnews.vn