Bức tranh tài chính ảm đạm sau cổ phần hoá tại Tổng công ty 36

Kinh tếChủ Nhật, 25/12/2016 08:24:00 +07:00

Nửa năm sau phiên đấu giá cổ phiếu thành công (giá ban đầu 10.000 đồng/cổ phần, giá bán 15.102 đồng/cổ phần), bức tranh kinh doanh của Tổng công ty 36 lại đang thể hiện gam màu ảm đạm với khoản lỗ bất ngờ lên tới 24,3 tỷ đồng sau thuế.

Ngày 16/12 mới đây, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chấp thuận cho Tổng công ty 36 được đưa toàn bộ 43 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UpCOM với mã chứng khoán G36. Trong đó có 18.152.200 cổ phiếu mới phát hành cho đối tác chiến lược và 2.330.900 cổ phiếu ESOP đang bị hạn chế chuyển nhượng. Tổng công ty 36 có trách nhiệm công bố thông tin theo quy định.

a

Trái với kỳ vọng, kết quả kinh doanh sau  CPH của Tổng công ty 36 đang khá bết bát.

Gần 8 tháng trước đó, Tổng công ty 36 tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu thành công với mức giá 15.102 đồng/cổ phần. Sau cổ phần hoá, Tổng công ty 36 có có vốn điều lệ 430 tỷ đồng (nhà nước nắm giữ 40%, nhà đầu tư chiến lược nắm 42,21%, cán bộ công nhân viên nắm 7,79% và 10% còn lại chào bán công khai).

Chia sẻ sau phiên đấu giá, ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty 36 cho biết, sau cổ phần hoá doanh nghiệp có cơ hội tham gia các dự án có vốn nước ngoài và có thêm một kênh huy động vốn khi cổ phiếu ra công chúng.

Đồng thời, ông Thuận cũng cho biết ngoài tiếp tục đầu tư các dự án giao thông BOT, công trình nhà chung cư nội đô, Tổng công ty 36 sẽ “đẩy mạnh sâu hơn về bất động sản”.

Trong không khí hừng hực đó, có lẽ những lãnh đạo Tổng công ty 36 cũng như các nhà đầu tư – những cổ đông chiến lược (Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện) không lường hết khó khăn đang chờ phía trước.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016, trong 9 tháng đầu năm Tổng công ty 36 lỗ luỹ kế 24,3 tỷ đồng sau thuế. Trong khi, cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lãi ròng 46,4 tỷ đồng. Cùng đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của công ty cũng âm gần 31 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là dương 57,4 tỷ đồng).

Không chỉ lợi nhuận âm, cơ cấu tài sản của Tổng công ty 36 tính đến cuối quý 3 năm nay cũng cho thấy sự mất cân đối. Trong khi nguồn vốn hiện có của công ty là hơn 6.800 tỷ đồng, thì nợ phải trả chiếm tới 93,6% tổng tài sản, gần 6.418 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong tổng số 6.418 tỷ đồng nợ phải trả, có gần 2.100 tỷ đồng là khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn. Nợ phải trả người bán ngắn hạn cũng không hề nhỏ, tới hơn 1.500 tỷ đồng.

Trong khoản nợ ngắn hạn, Tổng công ty 36 có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên tới hơn 961 tỷ đồng.

Nợ dài hạn tính đến hết 30/6 là hơn 1.143 tỷ đồng.

Có lẽ, điều không vui cho các cổ đông của Tổng công ty 36 là mặc dù được người mua trả tiền trước hàng nghìn tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm, vẫn âm 293 tỷ đồng.

Tính chung, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của công ty cuối quý 3 là 1.937 tỷ đồng, tăng 379 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Thêm một “gạch đầu dòng” đáng lưu ý trong bức tranh tài chính của Tổng công ty 36 là lượng hàng tồn kho lớn.

a1

 Lợi nhuận sau thuế tính đến thời điểm 30/6 của Tổng công ty 36 đang là con số âm.

Cụ thể, hàng tồn kho theo bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/6 của Tổng công ty 36 là hơn 1.949,6 tỷ đồng.

Trong đó, dự án dở dang lớn nhất của doanh nghiệp này là Metropolitan CT36 tại phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội và dự án nhà ở tái định cư và văn phòng cho thuê tại B6 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Đáng nói, Tổng công ty 36 chưa có phương án dự phòng giảm giá đối với khối lượng hàng tồn kho lên đến hơn ngàn tỷ đồng này.

Đi cùng lượng hàng tồn kho lớn, Tổng công ty 36 cũng đang è lưng gánh khoản nợ xấu lên tới 117,8 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng tính tới 30/6/2016). Trong đó, nhiều nhất là tại Công ty 36.67 (55,6 tỷ đồng); tại Công ty 36.32 (17,1 tỷ đồng); Công ty 36.35 (25,4 tỷ đồng)…

Hàng tồn kho và nợ xấu cao là những khoản mục mang tính chất trọng yếu trên báo cáo tài chính. Trong tình hình kinh tế khó khăn, sức cầu hàng hóa giảm sút, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, sản xuất công nghiệp.

Hàng tồn kho nhiều, chưa có đầu ra, nguồn vốn sản xuất hạn chế nên sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Hai dự án trọng điểm là Metropolitan CT36 và B6 Giảng Võ đang xây dựng dở dang là thí dụ.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm, không hề thấy Tổng công ty 36 đả động đến trích lập dự phòng với các khoản nợ xấu, hàng tồn kho. Trong khi đó, chi phí tài chính sau 9 tháng bất ngờ tăng lên 117,7 tỷ đồng so với mức 19,8 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2015. Đặc biệt, toàn bộ chi phí tài chính của Tổng công ty 36 đều là chi phí lãi vay.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn