BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ: Thảm lại mặt đường nhưng thu phí bằng cao tốc mới

Thời sựChủ Nhật, 20/08/2017 10:45:00 +07:00

Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ mới chỉ được sửa chữa, rải thảm mặt đường cũ - tương đương 30% tổng đầu tư của DA, nhưng Bộ GTVT và Tài Chính đã cho nhà đầu tư thu phí tương đương đường cao tốc xây dựng mới “(1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường”.

Theo bản kết luận thanh tra mới đây của TTCP về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án (DA) đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT). 

bot 3

Mức phí qua các trạm BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được tính với giá 1.500 đồng/1km là mức giá bằng với cao tốc xây dựng mới.

Chỉ thảm lại mặt đường nhưng thu phí bằng cao tốc mới

Trong số 7 DA bị Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ mặt đặt tên, DA nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ) được chỉ rõ những sai phạm, bất cập.

Cụ thể, TTCP nêu rõ: Theo Điều 9, Điều 10 Nghị định 108/2009/NĐ-CP, Bộ GTVT phải thực hiện xây dựng và công bố danh mục dự án BOT, BT vào tháng 1 hàng năm.

Tuy nhiên, đối với DA đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, bộ này thực hiện chưa đúng theo quy định, việc công bố chỉ thực hiện sau khi phê duyệt danh mục DA để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư là chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ.

Dẫn đến thông tin về dự án được công bố chưa thực rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện, bình đẳng.

Việc lựa chọn nhà đầu tư phức tạp, nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian: 3 lần lựa chọn từ chỉ định thầu, đấu thầu rồi lại chỉ định thầu mới lựa chọn được nhà đầu tư.

bot cau gie1

Hiện nay, DA mới xong giai đoạn 1 là thảm lại mặt đường nhưng đã tiến hành thu phí với mức giá như cao tốc xây dựng mới.

BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được Bộ GTVT lập và phê duyệt DA chia thành 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 1 cải tạo nâng cấp mặt đường cũ 4 làn xe; Giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe. Lý do phân kỳ đầu tư là tính cấp bách do đường xuống cấp và nhu cầu giao thông. 

Tuy nhiên, TTCP chỉ ra rằng BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ không có quy trình đánh giá, xác định căn cứ cụ thể là DA cấp bách và cũng chưa được cấp thẩm quyền xác định vào danh mục DA cấp bách.

Mặt khác, UBND TP.Hà Nội chưa có văn bản thống nhất thoả thuận cụ thể về việc phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn vì lo ngại sẽ không đảm bảo kết nối đồng bộ các hạng mục hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện có và quy mô đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch Thủ đô đã đã được Thủ tướng phê duyệt.

Kết quả thanh tra của TTCP cho thấy: “Việc phê duyệt và triển khai thực hiện DA đã không lường hết những bất cập về hệ thống thu phí, dẫn đến bất hợp lý khi kết nối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, gây bất tiện cho người tham gia giao thông và ùn tắc cục bộ nghiêm trọng tại các thời điểm mật độ giao thông cao. Nay buộc phải khắc phục thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm thu phí Đại Xuyên”.

Về phương án thu phí, Thanh tra Chính phủ khẳng định Bộ Giao thông vận tải duyệt phương án thu phí theo phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn không hợp lý.

Việc thu phí ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 là thảm lại mặt đường hiện hữu với vốn đầu tư chỉ là 1/3 tổng vốn dự án, nhưng giá thu phí tương đương DA đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ-Ninh Bình là bất hợp lý và không tuân thủ nguyên tắc phải đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, người tham gia giao thông và Nhà nước quy định Nghị định số 108/2009/NĐ-CP. 

un_tac_bot_phap_van_cau_gie 4

 Việc đặt trạm thu phí bất hợp lý trên tuyến cao tốc đã khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Đến nay, buộc phải khắc phục thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm thu phí Đại Xuyên.

Việc phê duyệt tổng mức đầu tư: TTCP chỉ rõ, việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở còn thiếu chặt chẽ, không lường hết các yếu tố ảnh hưởng dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong thời ngắn.

Cụ thể, sau khi đã phát hành hồ sơ yêu cầu lần thứ 3 để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ gần 8.500 tỉ đồng xuống còn 6.700 tỉ đồng. Ngay sau khi triển khai thực hiện dự án, Bộ này đã phê duyệt thay đổi cơ bản thiết kế cơ sở giai đoạn 1, bỏ lớp cấp phối base bù vênh và thay hoàn toàn bằng bê tông nhựa tăng cường mặt đường dẫn đến tăng chi phí 25 tỉ đồng.

Khi áp dụng đơn giá đất đắp đa áp chưa đúng khu vực theo thông báo giá dẫn đến phê duyệt tổng mức đầu tư tăng sai hơn 21,1 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư phê duyệt một số yếu tố chi phí, mặc dù theo chế độ hướng dẫn nhưng chưa phù hợp với thực tế và không sát thực nên khi thực hiện không phát sinh hoặc chênh lệch quá lớn.

Tính riêng 5 gói thầu, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.160,9 tỉ đồng, thực thế dự toán và thực hiện là 196,7 tỉ đồng bằng 45,7% chi phí thực tế.

Video: Điểm lại hàng loạt BOT bị người dân phản ứng dữ dội

Bộ Tài chính tiền hậu bất nhất

Về giá thu phí, kết luận thanh tra khẳng định trước khi thực hiện dự án, Bộ Tài chính đã có văn bản, nêu rõ “việc đặt trạm thu phí trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thu phí khi dự án hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng”. 

Tuy nhiên, Bộ GTVT đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đã thống nhất việc thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư thực hiện ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1. Sau đó Bộ Tài chính đã chấp thuận và ban hành thông tư thu phí theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư.

TTCP kết luận: “Như vậy, DA mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng giá thu tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ-Ninh Bình (1.500 đồng/km) là bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân”.Sự thiếu minh bạch trong thu phí đã dẫn tới đấu tranh nội bộ liên danh nhà đầu tư xảy ra vào tháng 5.2016

Bộ GTVT phê duyệt chi phí quản lý của bộ vào DA vượt quy định

TTCP cũng chỉ ra sai sót trong việc quản lý chi phí đầu tư tại BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ. Cụ thể, việc thiết kế DA đã tính toán kết quả modul đàn hồi mặt đường cũ (Eo) làm cơ sở thiết kế các lớp áo đường trong Thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp do chưa loại bỏ các yếu tố quá cao hoặc quá thấp.

Những đoạn Eo thấp đều nằm trong đoạn sửa chữa hư hỏng trước khi làm các lớp kết cấu tăng cường, sau khi xử lý vẫn giữ nguyên kết quả đo Eo ban đầu. Việc tính toán thiết kế như vậy là cao hơn tiêu chuẩn quy định, làm tăng chi phí đầu tư, gây lãng phí.

Việc lập và phê duyệt dự toán theo vị trí đặt trạm trộn bê tông nhựa và vật liệu cát, đá 1x2 cho hạng mục bê tông xi măng chưa hợp lý, dẫn tới giá trị dự toán chênh lệch tăng là hơn 20,89 tỉ đồng.

Thiết kế bê tông nhựa khi lập dự toán chênh lệch tăng so với thiết kế thi công là hơn 27,77 tỉ đồng (tạm tính). Doanh nghiệp DA đã tập hợp chi phí quản lý doanh nghiệp vào mục các chi phí khác của DA, không đúng khoản mục quy định với số tiền hơn 13,9 tỉ đồng.

Đáng chú ý là chi phí quản lý DA của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ GTVT) được chính bộ này phê duyệt chi phí theo 2 giai đoạn làm tăng thêm số tiền không đúng là hơn 2,38 tỉ đồng (theo quy định thì tổng số tiền gần 9,13 tỉ đồng).

BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ có chủ đầu tư là liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Minh Phương, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1), Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2017, giai đoạn 1 đến quý 4/2015. Thời gian thu phí là 17 năm 2 tháng 18 ngày.

Đầu tháng 5.2016, một trong ba cổ đông trong liên danh nhà đầu tư BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ là Cienco 1, cho rằng doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc mà liên danh này báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như thông báo cho các cổ đông là chưa sát với thực tế đồng thời đặt ra “nghi vấn” thất thoát phí và đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ.

Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ GTVT và các tổ chức, cá nhân đã có những chỉ đạo, lên tiếng đề nghị kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu phí tại các trạm thu phí BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ và toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước. 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại Trạm thu phí đường bộ trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ do Công ty cổ phần Pháp Vân-Cầu Giẽ khai thác và quản lý, từ 18 giờ ngày 10.7.2016 đến 18 giờ ngày 20.7.2016.

Kết quả doanh thu thu phí 10 ngày tại cao tốc này được công bố là 19,85 tỉ đồng, chia bình quân một ngày trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thu được 1,985 tỉ đồng. 

Trước đó, theo báo cáo của Công ty cổ phần Pháp Vân - Cầu Giẽ về công tác thu phí sau khi tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào hoạt động và thu phí đến tháng 1/2016, doanh thu thu phí chỉ đạt 41 tỉ đồng/tháng (bình quân là gần 1,4 tỉ đồng/ngày).

(Nguồn: otthegioi.vn)
Bình luận
vtcnews.vn