Bóng đá Việt và tấm vé nặng tính 'xin - cho'

Thể thaoThứ Hai, 22/10/2012 08:00:00 +07:00

Gọi là bóng đá chuyên nghiệp, nhưng chỉ quanh tấm vé bé xíu đã thấy nặng "xin cho", dù sự xin cho ấy phần nhiều liên quan đến tình cảm.

Khi giải Ngoại hạng Anh nâng giá bản quyền truyền hình lên hơn 40% từ mùa bóng tới, đạt mức kỷ lục hơn 3 tỷ bảng/mùa không ít khán giả nước Anh hy vọng giá vé sẽ giảm đi.

Tất nhiên, giá vé sẽ không giảm, thậm chí sẽ tăng bất chấp những khoản tiền khổng lồ được rót xuống và Premier League vẫn là nơi có số lượng khán giả tốt nhất thế giới.

Thực ra trong tấm vé của một giải bóng đá như Ngoại hạng Anh có rất nhiều câu chuyện, từ việc mỗi tấm vé sẽ được phát kèm một miếng bánh nhỏ cho tới những mệnh giá siêu ưu đãi chỉ để cho… trẻ con.

Điều làm nên những khán đài đông nghẹt và đầy sôi động ở nước Anh chính là tính truyền thống, bắt nguồn từ gia đình. Người cha yêu bóng đá và mang theo con trai của mình vào sân từ khi còn ẵm ngửa. Điều đó sẽ làm nên một thế hệ yêu bóng đá mới, gắn kết những thành viên trong gia đình.

Bởi vậy, khi các CLB ở Premier League tăng giá vé thì những người điều hành giải đấu này cho rằng: "Kinh tế khó khăn sẽ tác động tới bóng đá ở chỗ những người cha sẽ tới sân bóng một mình thay vì mang theo đứa con của họ. Chính điều đó mang đến lo ngại về tương lai của bóng đá".

Dường như cốt lõi của bóng đá chuyên nghiệp là ở chỗ đó chứ không phải giải đấu lập bao nhiêu kỷ lục mới về giá trị chuyển nhượng hay cái gọi là "đủ tiêu chuẩn" như cái cách mà đoàn AFC vừa khảo sát ở Việt Nam.

Sống bằng vé và mỗi cầu thủ, CLB hay giải đấu tồn tại bằng cách chăm sóc những tấm vé ấy cẩn thận và phải nghĩ đến tương lai và thế hệ sau.

Bóng đá Việt chưa biết cách chăm sóc người hâm mộ (Ảnh: Quang Minh)

Bóng đá Việt luôn mong mỏi có nhiều khán giả đến sân nhưng lại không có sự chăm sóc cần thiết đối với chính người hâm mộ.

Giải đấu gần nhất, VFF Cup 2012, BTC đã giảm giá vé. Mức thấp nhất 50 ngàn, cao nhất cũng chỉ 120 ngàn. Nên nhớ đây là giải đấu mà Eximbank đã "bỏ của chạy lấy người" và VFF phải đích thân móc tiền túi ra để tổ chức.

Liệu động thái "giảm giá vé" so với mức cao nhất là 150.000 đồng ở trận Việt Nam - Indonesia cách đây không lâu có được cho là một gói "kích thích", chia sẻ với người hâm mộ trong bối cảnh kinh tế xã hội nói chung còn nhiều khó khăn?

Câu trả lời là không. Bản chất là tên tuổi khách mời và chất lượng của họ không phải là yếu tố để người mua vé mạnh dạn móc ví. Nghĩa là BTC đã làm khó mình trước, đặt mình vào việc sở hữu một món hàng chất lượng không cao nên không thể bán với giá tốt.

Thành ra việc người hâm mộ đến sân thi đấu lại là hành động chia sẻ với VFF, BTC và với chính ĐTVN.

Chỉ có điều trong bóng đá chuyên nghiệp, những giá trị được quy ra những con số cụ thể thì việc kêu gọi lòng thương cảm và sự chia sẻ của người hâm mộ không phải là giải pháp bền vững trong khi chính bóng đá Việt đã phá nát tính truyền thống của CLB, tính truyền thống giữa các thế hệ trong đình.

Sân bóng không phải là nơi đủ mang đến những bài học văn hóa mà mỗi ông bố muốn con mình cảm nhận.

Gọi là bóng đá chuyên nghiệp, nhưng chỉ quanh tấm vé bé xíu đã thấy nặng "xin cho", dù sự xin cho ấy phần nhiều liên quan đến tình cảm.

Song An(Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn