Bóng đá Việt Nam: Kiếm tiền từ CĐV thế nào?

Thể thaoThứ Tư, 20/04/2016 07:56:00 +07:00

Bóng đá Việt Nam, muốn thay đổi, cần phải tạo được sức sống từ trên khán đài.

Bóng đá Việt Nam, muốn thay đổi, cần phải tạo được sức sống từ trên khán đài.

1. Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất trong trận ngược dòng của Than Quảng Ninh trước SLNA đó là hình ảnh trên khán đài, khi các CĐV mặc áo xanh quay lưng lại với sân cỏ và nhảy múa.

Họ làm như thế suốt trận đấu, kể cả khi đội nhà đang bị thua bàn. Một phong cách cổ vũ hiếm thấy tại Việt Nam nhưng đã dần quen thuộc tại sân Cẩm Phả mặc dù như chúng ta đều biết, Than Quảng Ninh chỉ thực sự hấp dẫn người xem trong chừng 1 năm trở lại đây.
CĐV Quảng Ninh
 CĐV Quảng Ninh luôn vô cùng cuồng nhiệt
Gần đấy là sân Lạch Tray, nơi mà mỗi khi Hải Phòng đá, dù với bất kỳ đội bóng nào, cũng luôn có những CĐV áo đỏ trung thành ngồi bên khán đài B. Không cần phải nhắc đến bầu không khí của sân Lạch Tray, dù cứ mỗi lần nhắc đến là lại liên quan đến màn đốt pháo sáng “đặc trưng”.

Nếu có điểm nào ấn tượng nhất của V-League 2016 cho đến nay, đó chính là đời sống mới trên các khán đài.

2. Nhưng không phải mọi chuyện đều hay. Mùa này, sau khi không còn 3 chàng “hotboy” Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thì xem ra sức hút của HAGL cũng vơi đi rất nhiều. Điều này cũng không có gì bất ngờ bởi phần lớn số lượng người xem các trận đấu của HAGL mùa trước xuất phát từ sự tò mò.

Trong các buổi họp báo của HAGL có sự tham gia của các nhóm CĐV ultra HAGL, không khó để thấy đa phần là những bạn trẻ. Tất nhiên, sự đam mê bóng đá của họ là điều không thể phủ nhận nhưng liệu có bao nhiêu % trong số các CĐV của HAGL trên khắp cả nước có thể “đi cùng” CLB của mình trong một cuộc hành trình dài mà không phải lúc nào HAGL cũng có những “hotboy”, những chiến thắng đẹp.
 Ngày hội ở sân Lạch Tray
Đặt vấn đề này là bởi cần phải phân biệt rõ: Người hâm mộ và CĐV. Ở bóng đá chuyên nghiệp, các CĐV thường là những người sẵn sàng trả tiền để nuôi sống CLB.

Thế mới có chuyện, các CLB ở giải Ngoại hạng Anh bán vé cao ngất ngưởng nhưng các sân bóng vẫn chật kín bởi thành phần CĐV của CLB thường là người có thu nhập, trưởng thành hoặc đã lớn tuổi. Họ mới là những người chịu chi và có khả năng chi tiền. Đây cũng là lý do mà với bóng đá chuyên nghiệp, điều đầu tiên là phải thu hút được sự quan tâm của cư dân địa phương, những người sẵn sàng bỏ tiền cho đội bóng của mình.

3. Than Quảng Ninh không phải là đội bóng quá nổi tiếng nhưng họ lại xây dựng được một lượng CĐV chuyên nghiệp. Hải Phòng lại càng không giỏi về những màn PR tên tuổi, thế nhưng sân Lạch Tray bao giờ cũng là số 1 về độ máu lửa.

Một đội bóng không nổi tiếng trên phương tiện truyền thông thì chưa chắc là có lượng CĐV kém hơn các đội khác. Số lượng người đến sân xem bóng đá một cách thực sự cho dù ít thì vẫn chất lượng hơn những hội, nhóm chỉ đến sân theo dạng phong trào.

Những người sẵn sàng bỏ tiền mua vé ủng hộ đội nhà chắc chắn vẫn quan trọng hơn số lượng đông đảo “người hâm mộ” luôn tìm cách vận động các CLB chi tiền để tổ chức các hoạt động cổ vũ.

Hãy thử suy nghĩ xem: Tại sao SLNA luôn có lượng người hâm mộ khắp cả nước cực kỳ đông đảo nhưng đội bóng này lại luôn ở trong tình trạng thiếu thốn tài chính, “chảy máu” nhân tài. Một nghịch lý cần nhìn từ khán đài để hiểu.

Nguồn: SGGP
Bình luận
vtcnews.vn