Bóng đá 'made in Vietnam'

Thể thaoThứ Bảy, 30/03/2013 11:28:00 +07:00

Bóng đá không phải là con cá nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn đang loay hoay giữa các lựa chọn: thành tích (trong khu vực ngay) hay đầu tư nền móng.

Chuyện BCH VFF “chốt xong” danh sách ứng viên cho chức Chủ tịch cùng lúc tuyên bố sẵn sàng mời HLV nội Hoàng Văn Phúc làm HLV trưởng ĐTQG tưởng chừng là 2 việc không liên quan đến nhau quá nhiều.

Sự thật không phải là như vậy.

Dù việc mời HLV Phúc là tuyên bố của Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ - người có nhiều câu nói hớ trong thời gian gần đây - thì chọn một HLV nội ngay trước thời điểm diễn ra Đại hội VFF được cho là động thái dũng cảm, dám quyết thay vì cứ “ỡm ờ” chuyện tạm quyền hay không tạm quyền.


Nếu sự có mặt của ông Phúc ở ghế HLV trưởng ĐTQG là một chiến lược về mặt tư duy và tư tưởng trong nhiệm kỳ tới. Điều này có tác động tới cuộc chạy đua ghế Chủ tịch VFF.


Không khó khăn khi nhận ra 2 ứng viên nặng ký nhất lại “đại diện” cho 2 quan điểm sử dụng HLV sau khi HLV Phan Thanh Hùng bất ngờ từ chức.


Hai ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế chủ tịch VFF (Ảnh: Quang Minh)

Nếu là một HLV ngoại, tất nhiên phải trông vào người có khả năng khơi nguồn dòng tiền.

Nếu là một HLV nội, lại trọng vào người có quyền lực để tác động lên chính sách phát triển.


Tất nhiên, tìm một HLV ngoại, trông chờ thành tích ngay, để đẹp bản báo cáo thành tích cuối năm thì dễ. Tìm một thứ bóng đá “made in Vietnam” bằng chính con người Việt Nam xem ra là khó hơn.


Có nghĩa là chúng ta đã nhìn ra sự lựa chọn cho con đường trước mặt: khó khăn hơn nhưng khả năng bền vững cao hơn.


Nói về chuyện “made in Vietnam”, có một vấn đề trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại đang khiến các nhà làm chính sách đau đầu: sự kiện con cá basa bị áp thuế chống bán phá giá. Tờ Tuần Việt Nam cho hay: Cá basa đã nối dài thêm danh sách những mặt hàng của Việt Nam bị đánh thuế chống phá giá và trợ cấp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Chuyên gia Kazuyoshi Tanabe 'vi hành' tại Lạch Tray

Trong đó đáng chú ý có những mặt hàng vô cùng "hiền lành" cũng bị chụp vào cổ tròng thuế phạt như cây ngò gai, khổ qua, rau húng quế tại thị trường EU. Nếu liệt kê thêm ở nhiều ngành hàng khác của Việt Nam thì con số mặt hàng bị đánh thuế chống phá giá và trợ cấp còn dài hơn gấp bội. Chẳng hạn, Ba Lan đánh thuế chiếc bật lửa; Brazil đánh thuế lốp xe, củ tỏi; Mỹ và châu Ân đánh thuế túi nhựa PE, móc áo, khuyên đeo tai; thép cán nguội, xe đạp v.v...


Cái khó là đôi khi chúng ta tự hào là có thể làm được, làm tốt những sản phảm để có thể bán ra được ra rẻ thì tại khu vực nào đó, nó vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường.


Tất nhiên, không có nghĩa gặp trở ngại là buông, bỏ. Ngược lại, lời khuyên là “cần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để tránh bớt áp lực cạnh tranh với đối thủ sở tại. Mặt khác, phải chuyển đổi, nâng cấp chất lượng sản phẩm liên tục thay vì cạnh tranh bằng giá rẻ”.


Bóng đá không phải là con cá nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn đang loay hoay giữa các lựa chọn: thành tích (trong khu vực ngay) hay đầu tư nền móng.

Lựa chọn thứ 2 là nên làm, với những con người “made in Vietnam”, với tinh thần và tiềm lực “made in Vietnam”.



Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn