Bóng đá Iraq: Lòng yêu nước trên mảnh đất chiến tranh

Hậu trườngThứ Hai, 28/03/2016 02:00:00 +07:00

Ở mảnh đất đầy bom đạn và chiến tranh mới chỉ đi qua được hơn chục năm nhưng bóng đá Iraq vẫn phát triển một cách lạ kỳ mà đỉnh cao là chức vô địch Asian Cup

(VTC News) - Ở mảnh đất đầy bom đạn và chiến tranh mới chỉ đi qua được hơn chục năm nhưng bóng đá Iraq vẫn phát triển một cách lạ kỳ mà đỉnh cao là chức vô địch Asian Cup 2007.
* VTC News tường thuật trực tiếp trận Iraq vs Việt Nam từ 19h ngày 28/3

Với nhiều đất nước, chiến tranh là con đường ngắn nhất dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn của tất cả mọi thứ. Nhưng với Iraq, dường như chiến tranh không làm con người nơi đây suy sụp.
Hình ảnh ăn mừng đáng nhớ của đội trưởng Younis Mahmoud
Hình ảnh ăn mừng đáng nhớ của đội trưởng Younis Mahmoud 
Chẳng thế mà chỉ sau 4 năm chiến tranh Iraq nổ ra (năm 2003), ĐT Iraq đã viết nên câu chuyện thần kỳ bằng chức vô địch Asian Cup 2007, sau khi lần lượt đánh bại Australia, Hàn Quốc và Ả Rập Saudi. Hình ảnh thủ quân Younis Mahmoud ăn mừng bằng cách đưa tấm băng đội trưởng có in hình quốc kỳ Iraq lên trên đầu đã trở thành một ký ức quá đẹp của bóng đá quốc gia vùng Vịnh.
Nó trở thành giấc mơ của rất nhiều những đứa trẻ Iraq, đang nung nấu giấc mơ thoát khỏi đói nghèo trên mảnh đất đầy bom đạn. Ở một chừng mực nào đó, bóng đá Iraq có nét tương đồng kỳ lạ với Brazil, nơi người ta có thể tìm thấy những thiên tài trong những con phố nhếch nhác.
Nếu như tại Brazil, lũ trẻ có thể chơi bóng từ gầm cầu thang, trong sân trường hay những bãi đất hoang bị bỏ trống thì tại Iraq, vỉa hè cũng thường xuyên được các chú nhóc trưng dụng làm sân chơi.
Clip: Thái Lan 2-2 Iraq

Người Iraq coi việc chơi bóng đá như một cách thể hiện tình yêu nước. Thay vì ngăn cấm bọn trẻ chơi bóng để tập trung học tập như đa phần các bậc phụ huynh ở các nước như Việt Nam, họ lại động viên con cái tập trung vào môn thể thao vua, đồng thời tạo điều kiện tối đa để lũ trẻ chơi bóng.
Theo số liệu điều tra năm 2014, GDP đầu người ở quốc gia vùng vịnh này chỉ là 6000 USD/năm. Con số ấy thậm chí chỉ vào khoảng 2000 USD với những người nghèo. Chính bởi vậy, mức thu nhập cơ bản của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp (thường là từ 15.000 – 20.000 USD/năm) thực sự là giấc mơ với mọi đối tượng.
Tuyển Iraq vô địch Asian Cup 2007
Tuyển Iraq vô địch Asian Cup 2007 
Bóng đá thực sự trở thành con đường thoát khỏi đói nghèo. Một cầu thủ ngôi sao, theo trợ lý HLV trưởng ĐT Iraq, ông Nazar Ashraf, mức đãi ngộ hàng năm với một cầu thủ hạng A có thể lên tới 50.000 USD. Nếu may mắn hơn, những cầu thủ Iraq có thể tìm được đường sang các nước láng giềng giàu có như Qatar, Ả Rập Saudi hay UAE, con số thu nhập hàng năm hoàn toàn có khả năng lên tới hàng triệu USD.
Người Iraq rất hâm mộ thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Như ông Nazar Ashraf tâm sự, đất nước dầu mỏ này có lịch sử 6000 năm tập luyện và chơi thể thao. Bóng đá cũng vì thế mà trở thành một phần của cuộc sống. 
Thay vì cầm súng ra chiến trường, có một cách khác được những ông bố bà mẹ Iraq giáo dục con cái, đó là xỏ giày vào sân thi đấu cho ĐTQG. Những tuyển thủ được triệu tập vào ĐT Iraq luôn được nể trọng ở quốc gia này.
Chẳng thế mà nhiều chuyên gia bóng đá coi Iraq là Brazil của châu Á, không chỉ bởi lối chơi kỹ thuật của đội bóng này, mà còn vì vị thế cực lớn của bóng đá tại quốc gia dầu mỏ bên vịnh Ba Tư.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn