Bóng đá Afghanistan hiên ngang sống giữa bom đạn chiến tranh

Thể thaoThứ Ba, 28/03/2017 07:00:00 +07:00

Bóng đá Afghanitstan cố gắng tồn tại giữa mưa bom, bão đạn dù giữa lằn ranh sống, chết, nhiều tài năng bóng đá đã không còn nhìn thấy ánh mặt trời.

Nhân sự kiện câu lạc bộ (CLB) Shaheen Asmayee vừa trở thành đội bóng Afghanistan đầu tiên được tham dự giải đấu của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), trang tin Al Jazeera đã có bài viết về tình hình phát triển bóng đá Afghanistan - quốc gia Nam Á đang nằm trên lằn ranh xung đột, chiến tranh.

VTC News xin biên dịch một phần trong tác phẩm nói trên để độc giả thấy được phần nào cuộc sống bóng đá Afghanistan - đối thủ tiếp theo của tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2019.

afg1

 Tuyển Afghanistan (áo đỏ) là đối thủ tiếp theo của tuyển Việt Nam.

Tiếng súng và nỗi đau

Trở thành cầu thủ bóng đá ở Afghanistan không giống như trải nghiệm hay tưởng tượng của bất cứ cầu thủ nào khác trên thế giới. Hoàn toàn không giống!

Huyền thoại Bill Shankly (Liverpool) từng có câu nói nổi tiếng: "Bóng đá còn quan trọng hơn cả chuyện sống chết". Nhưng ở Afghanistan, chơi bóng chính là câu chuyện của "sống" hay "chết". Nghèo khó và chiến tranh là bóng ma bủa vây phần lớn lãnh thổ quốc gia Nam Á này, kìm hãm sự phát triển của mọi lĩnh vực trong đời sống - xã hội. Bóng đá là một trong số đó.

Trả lời phỏng vấn Al Jareeza, Hashmatullah Barakzai - cầu thủ hiếm hoi sống trọn cuộc đời mình ở Afghanistan, cho biết:

k1

 Một trận đấu tại Afghanistan. (Ảnh: Getty Images)

"Trưởng thành giữa những đấu tranh, xung đột, khiến bản thân tôi rất khó tập trung cho bóng đá. Điều đó thật khó khăn.

Trong suốt thời gian đất nước bị đặt dưới sự kiểm soát của Taliban, mọi diễn biến tại đây đều rất khó lường và mang tới sự bất an cho tất cả, đặc biệt là trẻ em. Để chơi bóng, tôi thường đi cùng với bố hoặc ông mình tới sân để được bảo vệ".

Chiến tranh khiến những trận đấu ở Afghanistan không diễn ra theo cách bình thường. Vừa tận hưởng bóng đá, người dân Afghanistan vừa nơm nớp khi lưỡi hái tử thần có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

"Nhiều trận đấu phải dừng lại sau một nửa thời gian thi đấu khi xung đột nổ ra ở một khu vực lân cận. Khi đó, tôi vẫn còn là một đứa trẻ và không giấu được nỗi sợ hãi khi giao tranh xảy ra".

k2

 Nhiều tài năng trẻ của bóng đá Afghanistan đã mất trong những cuộc xung đột. (Ảnh: Getty Images)

Chiến tranh, đói nghèo khiến bạn bè và đồng đội của Barakzai lần lượt từ bỏ sự nghiệp bóng đá, bởi "chơi bóng khi không được ăn sáng hay ăn trưa", lăn lộn trên sân với cái bụng đói meo và túi quần rỗng tuếch là trải nghiệm không có từ ngữ gì có thể miêu tả được.

Thảm họa di cư

Sợ hãi, khó thở, đó cũng là cảm giác của Ali Askar Lali - thành viên đội trẻ Afghanistan từng lọt tới tứ kết giải trẻ của AFC năm 1977:

"Cuộc sống của tôi đầy rẫy những hiểm nguy. Tôi từng bị bắt hai lần và không bị giết. Đúng là một phép màu.

Tôi là một tuyển thủ quốc gia, là một sinh viên với giấc mơ chẳng bao giờ trọn vẹn. Tôi bị ép buộc phải rời quê hương yêu dấu, phải bỏ mọi thứ ở lại và làm lại từ đầu" - Lali chia sẻ.

k3

 Ali Askar Lali - cựu cầu thủ Afghanistan.

Cựu tuyển thủ Afghanistan đã di cư sang Đức để tiếp tục sự nghiệp chơi bóng, song không phải cầu thủ nào trên mảnh đất chiến tranh này cũng có được may mắn như vậy.

Theo Al Jareeza, rất nhiều cầu thủ Afghanistan bị buộc rời đất nước, và không ít trong số họ đã biến mất không một dấu vết trên đường tị nạn. Hafiz Qadami - một trong những tài năng lớn nhất của bóng đá Afghanistan, được cho là đã chết đuối trên đường đi đến Úc.

Bi kịch với bóng đá Afghanistan khi hầu hết các cầu thủ không trở về đội tuyển sau khi rời khỏi biên giới nước này. Tuy nhiên, Lali sẽ không để điều đó tái diễn với thế hệ trẻ ở Afghanistan.

k4

 Người dân Afghanistan có tình yêu mãnh liệt dành cho bóng đá. (Ảnh: Getty Images)

Anh đang nỗ lực xây dựng tương lai với môi trường bóng đá lành mạnh để cầu thủ hiện tại không phải đối diện với bi kịch của các bậc tiền bối, đồng thời tham gia tranh cử vị trí chủ tịch Liên đoàn bóng đá Afghanistan vào tháng Tư tới đây.

Niềm tin từ đống tro tàn

Chiến tranh, đói nghèo, hoạn nạn, chết chóc khiến bóng đá Afghanistan chưa thể mở rộng quy mô phát triển. Giải vô địch quốc gia nước này cũng là một trong những giải đấu ngắn hạn nhất thế giới với chỉ 6 trận đấu dành cho mỗi đội.

Dù vậy, bóng đá Afghanistan vẫn hiên ngang sống giữa đau thương, mất mát. Tuyển Afghanistan vừa kết thúc vòng loại World Cup 2018 với vị trí thứ 5, giành được 3 chiến thắng. Ấn tượng hơn, Afghanistan đã đánh bại Singapore - một trong những đội bóng giàu thành tích nhất Đông Nam Á, tới 2 lần chỉ trong 1 năm.

Video: Afghanistan 2-1 Singapore

Mới đây nhất, CLB Shaheen Asmayee đã viết nên chương mới trong lịch sử bóng đá Afghanistan khi trở thành đội bóng đầu tiên tham dự một giải đấu trong khuôn khổ của AFC. Bóng đá hiện đại đề cao chiến thắng bằng mọi giá, nhưng ở đâu đó trên thế giới này, được chơi bóng, được tham dự đã là một chiến thắng của cả nền thể thao.

"Đó là chiến tích đặc biệt. Chúng tôi sở hữu rất nhiều tài năng của bóng đá Afghanistan mà thế giới chưa được biết tới.

Đội bóng muốn kêu gọi người dân cùng chính phủ tiếp tục đầu tư cho bóng đá và khuyến khích người trẻ bước theo cái nghiệp với trái bóng tròn" - Amredin Sharifi - ngôi sao của Shaheen Asmayee cho biết.

Sẽ là chặng đường rất dài để Shaheen làm nên kỳ tích trong lần đầu dự AFC Cup. Tuy nhiên, tuyển Afghanistan chỉ cách vòng chung kết Asian Cup 2019 đúng 6 trận đấu vòng loại trước mắt, khởi đầu bằng cuộc so tài với tuyển Việt Nam vào ngày 28/3 tới trên sân trung lập ở Tajikistan.

Giữa mịt mùng chiến tranh, bóng đá vẫn sống một sức sống mãnh liệt, dẻo dai, tiếp thêm động lực cho cả dân tộc Afghanistan vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử.

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn