"Bóc mẽ" những kẻ giả danh cảnh sát hình sự

Pháp luậtChủ Nhật, 05/09/2010 05:22:00 +07:00

Các đối tượng này đa phần chỉ cần lời nói đã khiến nhiều người tin rằng mình là Cảnh sát hình sự, thậm chí là chỉ huy của đơn vị này.

Các đối tượng này đa phần chỉ cần lời nói đã khiến nhiều người tin rằng mình là Cảnh sát hình sự, thậm chí là chỉ huy của đơn vị này. Chúng nhận giúp họ giải quyết những công việc liên quan đến vấn đề pháp luật hay những việc khác có thể sử dụng mối quan hệ của Cảnh sát hình sự. Bù lại, các bị hại phải đưa cho họ một số tiền rất lớn. Khi tìm hiểu về các vụ việc này, chúng tôi tự hỏi: Vì sao mọi người lại dễ dàng tin đến thế?

Hai bị cáo Tuấn và Huỳnh giả danh cảnh sát hình sự đi cướp đang hầu tòa


Hạ màn kẻ giả danh Phó Phòng 5, Cục CSĐT tội phạm về TTXH

Quả thực, nếu gặp bên ngoài, mọi người rất dễ có cảm tình với Nguyễn Văn Thuyên, 30 tuổi, trú tại xã Tân Lãng (Lương Tài, Bắc Ninh). Một gương mặt sáng sủa, đẹp trai, cách nói chuyện thì cực kỳ lưu loát và biết cách thể hiện mình. Thuyên từng có 1 tiền án về tội lừa đảo và bị TAND quận Ba Đình xử phạt 8 tháng tù giam. Sau đó, Thuyên vào TP HCM một thời gian phụ việc cho anh.

Nhưng do có tư tưởng đi lừa nên đi đến đâu, từ Nam chí Bắc, anh ta vẫn "nổ" với mọi người rằng, mình đang là Phó Phòng 5, Cục CSĐT tội phạm về TTXH (phiên hiệu trước đây là C14) của Bộ Công an. Để mọi người tin, Thuyên đã bỏ công tìm hiểu qua những người quen, qua báo chí về một số lãnh đạo của đơn vị này và chức năng của họ. Cho nên, nhiều người nghe Thuyên kể liên thuyên đơn vị vừa đi đánh án vụ này, vụ kia… mà "mắt tròn, mắt dẹt". 

Chẳng ai còn nghi ngờ gì. Chính vì thế, người bị Thuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khá nhiều, suốt dọc từ Bắc đến Nam. Theo lời khai của anh Bùi Minh Khôi, trú tại huyện Yên Khánh (Ninh Bình), anh Khôi quen và được Thuyên giới thiệu là cán bộ Công an đang làm việc tại C14 - Bộ Công an. Tháng 2/2009, Thuyên nói là có thể xin được cho con gái anh Khôi là cháu Bùi Thị Kiều Oanh đi học Trung cấp Công an, chi phí cho việc xin đi học hết 4.000 USD.

Tin lời Thuyên, anh Khôi đã chuyển cho Thuyên 1.000 USD và 34,5 triệu đồng. Nhưng đến tháng 11/2009, mãi chẳng thấy con mình được nhập học, anh Khôi đến tìm Thuyên đòi tiền nhiều lần thì mới được anh ta trả cho 1.000 USD. Anh Lê Thiết Hùng, trú tại quận Gò Vấp, TP HCM quen với Thuyên khi Thuyên đang lái xe thuê cho anh trai tại TP HCM. Nhưng anh ta lại "búa" anh Hùng là Cảnh sát hình sự (thường trú phía Nam) và đang cải trang làm nhiệm vụ. Thuyên khoe khoang có mối quan hệ rộng không chỉ trong ngành Công an.

Khoảng cuối năm 2009, đầu năm 2010, Thuyên nói với anh Hùng là xin được một số suất đi xuất khẩu lao động tại Australia với mức lương 4.000 USD, tổng chi phí mỗi suất là 250 triệu đồng. Anh Hùng đã nhờ Thuyên làm thủ tục cho 3 người nhà của mình. Bước đầu, Thuyên yêu cầu anh Hùng gửi hồ sơ và phải gửi trước 2.000 USD để nộp Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Ngày 7/1/2010, anh Hùng đã chuyển 38,6 triệu đồng vào tài khoản cho Thuyên. Sau đó, chờ mãi không thấy người nhà được đi xuất khẩu lao động, anh Hùng đã tìm Thuyên thì anh ta lẩn trốn mất... Hành tung của Thuyên chỉ bị lật tẩy trước tinh thần cảnh giác của một bị hại là anh Vũ Văn Tạo, trú tại tỉnh Bắc Giang. Tình cờ anh Tạo đi cùng với Thuyên trên một chuyến xe khách từ Quảng Ninh về Bắc Giang. Thuyên giới thiệu đang là Thiếu tá, giữ chức vụ Phó trưởng Phòng 5/C14.

Qua một thời gian liên lạc bằng điện thoại, Thuyên nói có thể chuyển cho anh Tạo về công tác ngay tại… Phòng 5 C14 của mình với tổng chi phí 4.000 USD. Thuyên yêu cầu anh Tạo phải đưa trước 1.000 USD. Tuy nhiên, anh Tạo cảm thấy nghi ngờ, anh đã điện thoại đến Cục C14 kiểm tra thì được biết ở đây không có ai giữ chức vụ Phó Trưởng phòng tên là Thuyên cả. Biết bị kẻ giả danh lừa đảo, anh Tạo đã báo cáo cơ quan điều tra.

Đúng 13h ngày 17/3, khi Nguyễn Văn Thuyên đang đắc thắng nhận và viết biên nhận số tiền 500 USD của anh Tạo tại một quán cà phê ở TP Bắc Giang thì bị các trinh sát ập đến bắt quả tang. Lúc đầu, Thuyên tỏ vẻ cứng cỏi, xưng danh Phó trưởng Phòng 5/C14. Nhưng khi Thuyên biết, bắt gã chính là những trinh sát thực sự của Cục C14 thì mặt gã "cắt không còn hột máu".

Giả danh Cảnh sát hình sự ở lĩnh vực nào dễ làm mọi người sợ và tin?

Lĩnh vực mà các đối tượng giả danh Cảnh sát hình sự hay nhận lời "giúp" lấy tiền của bị hại là "chạy án". Một đối tượng giả danh Cảnh sát hình sự để lừa đảo "chạy án" vừa bị Công an quận Đống Đa bắt giữ là Đỗ Bính, 28 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Bính từng có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản và sống lang thang tại Hà Nội.

Cuộc sống khó khăn khiến Bính nghĩ ra việc kiếm tiền bằng cách giả danh Cảnh sát hình sự đang làm việc tại Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hà Nội, nơi nổi tiếng với thương hiệu "lính số 7 Thiền Quang". Nơi Bính tìm cách "đánh bóng" mình là một quán ăn đêm. Hầu như đêm nào, Bính cũng ghé qua ăn và nói với chủ quán là mình đi phục kích đánh án đêm. Bính kể chuyện khá hay, những câu chuyện đánh án hắn kể trong quán ăn hàng đêm khiến chị chủ quán rất tin và thán phục.

Chính vì thế, khi bạn gái của đối tượng Nguyễn Đức Nghĩa, 20 tuổi, vừa bị Công an quận Đống Đa bắt giữ về hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức đến kể chuyện, chị chủ quán đã giới thiệu ngay cô với Đỗ Bính, "lính hình sự số 7" để nhờ giúp Nghĩa thoát lưới pháp luật. Đỗ Bính nhận lời với giá 30 triệu đồng.

Hà, tên bị hại đã cố vay được 12,5 triệu đồng và đưa tạm chiếc máy tính xách tay của mình cho Bính để nhận được lời hứa "chắc như đinh đóng cột" của gã là "sau 3 ngày, Nghĩa sẽ được tại ngoại". 3 ngày sau, Hà đến đợi trước cổng Công an quận Đống Đa cả ngày không thấy Nghĩa được thả ra. Gọi điện cho Bính thì anh ta bảo đang đi công tác, về giải quyết sau. Sau đó thì gã tắt máy và chuồn mất.

Ngoài ra, các Cảnh sát hình sự giả danh này còn hay trang bị một số dụng cụ như roi điện, dùi cui, súng nhựa, còng số 8 (mua trên thị trường tự do) chạy lòng vòng ngoài đường để đe dọa, đòi tiền những người dân "yếu bóng vía", có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Cuối tháng 8/2010, TAND TP HCM đã xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo Bùi Tiến Hà Tuân, trú tại Bình Chánh, TP HCM mức án 12 năm tù; Nguyễn Văn Huỳnh, trú tại thị xã Vĩnh Long (Vĩnh Long) 7 năm tù về tội cướp tài sản. Hai đối tượng này đã giả danh Cảnh sát hình sự, chặn đường người đi đường, dọa nạt họ để cướp xe máy và nhiều tài sản khác.

Bọn chúng đã gây ra 11 vụ cướp trước khi bị bắt. Hay đối tượng Nguyễn Văn Quốc, trú tại Điện Bàn (Quảng Nam), mỗi lần ra TP Đà Nẵng thăm người yêu lại giả danh Cảnh sát hình sự đến dọa những người bán vé số, kiêm số đề để chiếm đoạt tiền. Quốc đã gây ra khá nhiều vụ nhưng vì những người bán số đề biết mình vi phạm pháp luật nên cũng không dám tố giác. Chỉ đến khi gã đang dọa để lấy tiền của một đại lý bán vé số trên đường Hải Hồ thì bị Công an quận Hải Chân bắt quả tang. 

Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Phòng 10, Cục CSĐT tội phạm về TTXH, cán bộ điều tra vụ Nguyễn Văn Thuyên:
 
Tại sao mọi người lại dễ dàng tin đến thế? Bởi chỉ cần cẩn thận hơn một chút, chẳng hạn như anh Vũ Văn Tạo, chỉ cần xin kiểm tra giấy chứng nhận Công an, hoặc điện thoại gọi đến liên hệ, kiểm tra tại Cục CSĐT tội phạm về TTXH là đã biết rõ được chân tướng của Nguyễn Văn Thuyên, giúp cơ quan điều tra hạ màn lừa đảo của gã.
 
Trước hết, mỗi người dân cần tuân theo pháp luật, đừng để các đối tượng lợi dụng việc mình vi phạm pháp luật để đe dọa, đòi tiền hoặc có hành vi lừa đảo. Khi có người tự xưng là Cảnh sát hình sự, hoặc công tác tại bất cứ lĩnh vực nào, nhận giúp một công việc phải trả công bằng tiền, thì điều cần làm đầu tiên là hãy kiểm tra xuất xứ của anh ta tại chính cơ quan mà anh ta xưng danh.
 
Chẳng hạn, nếu có người xưng là cán bộ của Cục CSĐT tội phạm về TTXH, thì người dân có thể liên hệ trực tiếp với cán bộ trực ban của Cục, số điện thoại 06944103, luôn có cán bộ trực 24/24h để tiếp nhận thông tin. Các cán bộ trực ban về cơ bản nắm được danh sách cán bộ trong đơn vị, hoặc sẽ nhanh chóng kiểm tra, giải đáp được cho người dân về một cán bộ nào đó hiện có hay không công tác tại đơn vị….
 
Các cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng cũng phải thường xuyên tuyên truyền cho người dân biết về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội, trong đó có tội phạm giả danh Công an để giúp người dân phòng tránh.


Theo CAND
 
Bình luận
vtcnews.vn