"Bốc hơi" trăm tỷ, 1 người tự tử cả làng lao đao

Thời sựThứ Tư, 03/03/2010 11:21:00 +07:00

Chỉ vì ham lãi suất cao, một giáo viên tiểu học gom gần chục tỷ đồng của đồng nghiệp, người thân giao cho bọn lừa đảo. Khi biết bị lừa, cô đã tìm đến cái chết…

Chỉ vì ham lãi suất cao, một giáo viên tiểu học gom gần chục tỷ đồng của đồng nghiệp, người thân giao cho bọn lừa đảo. Khi biết bị lừa, cô đã tìm đến cái chết…

Người giáo viên tên Nga đó tự tử không thành, nhưng đã rơi vào cảnh đời sống thực vật. Những hậu quả mà cô cũng như hàng trăm người dân ở làng nghề đúc Tống Xá (Yên Xá, Ý Yên, Nam Định) đang phải gánh chịu thật nặng nề.

Mờ mắt vì lãi suất

Tống Xá nổi tiếng là làng nghề thịnh vượng bậc nhất ở Nam Định. Tuy nhiên, trong dịp Tết vừa qua, người dân Tống Xá và các xã lân cận buồn như “có đám” vì cú sốc lừa đảo lãi suất cao vừa “quét ngang”.

Những người bị lừa ít thì mất vài triệu đồng, nhiều thì hàng chục tỷ, tổng số tiền bị bốc hơi lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Căn nhà của đầu mối tên Hương khóa trái cửa kể từ ngày đổ bể đường dây tín dụng đen. Ảnh: Đ.Phong 

Theo người dân, cầm đầu đường dây này là Bùi Thị Hương Giang, ngụ tại phường Hạ Long, thành phố Nam Định. Để rót mật vào tai, đánh thức lòng ham “làm giàu khẩn cấp”, Giang thường trả hoa hồng cao cho những mắt xích dưới tay mình. Theo chỉ đạo của Giang, các mắt xích đưa ra mức lãi suất “trên trời”: lãi 3.000 - 5.000 đồng cho một triệu đồng một ngày và nhận đều mỗi tháng.

Thời gian đầu, do Giang thanh toán sòng phẳng nên không ai trong đường dây nghi ngờ, họ sẵn sàng vay tiền của bạn bè, người thân chuyển cho quỹ tín dụng chợ đen này. Nhiều trường hợp đã giao cả sổ đỏ nhà đất. 

Đưa người thân, đồng nghiệp 'vào tròng'

Kiểu làm giàu cấp tốc này nhanh chóng lan từ Tống Xá sang các làng khác, tới thị trấn Lâm và nhiều xã lân cận. Sáu "chân rết" quan trọng trong đường dây của Giang tại các địa bàn gồm có: Nga, Luyến, Hương, Hợi, Hiền Thanh và Thành Vi.

Chỉ tới khi "chân rết" tên Nga, giáo viên trường tiểu học thị trấn Lâm tự tử, mọi chuyển mới vỡ lở. Mờ mắt vì lợi nhuận, Nga đã đứng ra mượn sổ lương của đồng nghiệp để cầm cố, gom tiền của bạn bè và người thân chuyển cho Giang, tổng mặt lên đến khoảng 7 tỷ đồng.

Khi phát hiện đối tượng nhận tiền đã cao chạy xa bay, Nga tìm đường tự tử. Cùng với Nga, một đầu mối khác tên Hương cũng mắc nợ bạn bè, người thân gần 20 tỷ đồng. Hiện Hương phải trốn nhà, sống chui lủi.

Cùng một cách thức, các đầu mối Hợi, Hiền Thanh, Luyến… cũng tận dụng triệt để mối quan hệ thân quen, họ hàng để vay mượn, sau đó mở rộng đối tượng huy động. Khi mọi chuyện vỡ lở, người bị bắt, kẻ mất nhà bỏ trốn tha phương.

Một người dân tên Tám, ở khu Trại B, cho hay: “Công việc hàng ngày của tôi là đi làm vệ sinh thuê cho các hộ chăn nuôi, chắt bóp cả đời được 80 triệu đồng. Vì tham chút lãi suất nên giờ tiền đã “cháy” không thấy tro. Biết tìm đâu mà đòi?”.

Cùng hoàn cảnh, một thợ cắt tóc, trang điểm tên Thanh tại thị trấn Lâm, đi vay mượn được hơn 400 triệu đồng, gửi cho cô giáo Nga hi vọng kiếm lãi suất. Chị Thanh nói: “Tôi khiếp ba đời rồi. Bây giờ lo làm ăn tích cóp trả nợ thôi”.

Sau biến cố này, hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương trở nên đình trệ, trầm lắng. Theo chị Hoàng Thị Lan, kinh doanh cà phê ở thị trấn Lâm: “Em cho vay có 300 triệu đồng, nhưng đến chiều 30 Tết vẫn đòi không được. Buôn bán thì trì trệ. Năm nay Tết ở đây buồn lắm vì vụ vỡ tín dụng chợ đen liên quan đến nhiều người, thuộc đủ tầng lớp. Nhiều quan chức địa phương cũng là người bị hại”.

Theo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn