Bộ TT-TT “vạch” kế hoạch thực hiện đề án tăng tốc

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 17/03/2011 06:25:00 +07:00

(VTC News) –Bộ trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp khẳng định từ phía Bộ sẽ có những động thái tích cực để thực hiện đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.

(VTC News) –Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định từ phía Bộ sẽ có những động thái tích cực để thực hiện đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT-TT.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị doanh nghiệp CNTT với nhiệm vụ triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT (đề án tăng tốc) diễn ra mới đây.

Chiến lược từ doanh nghiệp

Trong năm 2010, tổng doanh thu của các doanh nghiệp CNTT - TT đạt trên 330.000 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ TT-TT thì: “Các doanh nghiệp CNTT-TT tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khối các doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp trong toàn ngành đạt cao và toàn diện, mức độ tăng trưởng đều hơn 2 lần mức tăng GDP bình quân của cả nước. Đặc biệt là lĩnh vực viễn thông và internet; hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế và xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế quốc dân ngày càng cao, nộp ngân sách năm cao tăng hơn năm trước”.

Điểm lại tình hình phát triển CNTT-TT trong năm 2010, những nhận định trên không phải là nói quá. Trong năm 2010, tổng doanh thu của các doanh nghiệp CNTT - TT đạt trên 330.000 tỷ đồng (khoảng hơn 16 tỷ đô la Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 10% GDP). Trong đó, doanh thu trong lĩnh vực viễn thông đạt trên 200.000 tỷ đồng; nộp ngân sách trong lĩnh vực viễn thông và internet đạt khoảng 17.000 tỷ đồng.Lợi nhuận trong lĩnh vực viễn thông và internet đạt 23.000 tỷ đồng.

Công nghiệp CNTT tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, mức tăng từ 20-30%; thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp CNTT trong giai đoạn vừa qua tăng cao. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, có tiếng đầu tư vào Việt Nam như: Canon, Sam Sung, Intel, IBM, Foxconn, Nokia...

Năm 2010, tổng giá trị sản xuất công nghiệp CNTT đạt khoảng 7,0 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2005 (2,16 tỷ USD).

Về chiến lược phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp CNTT lớn đã vạch ra lộ trình cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng giám đốc VTC khẳng định: “Đến năm 2015, Riêng công ty VTC Intecom đã đặt mục tiêu sẽ đạt mốc 2 tỷ USD, có 10.000 nhân viên, trong đó sẽ có khoảng 1.000 triệu phú USD sau khi công ty cổ phần hóa”.

Còn ông Dương Thế Lương, Giám đốc công ty VTC Intecom (Cty thành viên của Tổng công ty VTC) cho biết: “Chiến lược phát triển của VTC sẽ tập trung vào nội dung số và thanh toán cho xã hội số. Cụ thể là 1 nội dung, nhiều kênh dùng, đa ngôn ngữ. Nền tảng công nghệ số sẽ dựa trên tri thức Việt, công nghệ Nhật-Hàn, nguồn lực Trung Quốc, thị trường ASEAN”.

Kỳ vọng vào sự phát triển của FPT, ông Lê Trường Tùng, Giám đốc Đại học FPT, đại diện FPT bày tỏ: “Trong giai đoạn 1 từ năm 2011 – 2014, FPT sẽ xác lập vị trí trọng yếu trong phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 30%/ năm, lợi nhuận tăng 4 lần sau 4 năm. Giai đoạn 2, từ 2015 - 2019 vươn lên vị trí hàng đầu doanh nghiệp Việt Nam. Giai đoạn 3, từ 2020 – 2024 sẽ đứng vào danh sách Top 500 trong Forbes Global 2000”.

Bộ TT-TT quyết liệt vào cuộc

Phủ sóng băng thông rộng lên 85% dân số là mục tiêu của đề án tăng tốc.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định vai trò của doanh nghiệp trong việc triển khai đề án tăng tốc. Ông nói: ”Doanh nghiệp là “quả đấm” chủ lực của nền kinh tế quốc gia, chủ đạo dẫn dắt các thành phần kinh tế phát triển. Doanh nghiệp thông tin truyền thông (TT-TT) có nhiều lợi thế như có kinh nghiệm, đổi mới nhanh, hội nhập sâu rộng. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn là cạnh tranh quyết liệt, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Bộ trưởng ví von: Doanh nghiệp nhỏ vẫn chỉ là “thuyền nhỏ” gần bờ, để phát triển mạnh cần hợp tác để thành “thuyền lớn” có thể ra được ngoài khơi xa.

Ông nêu rõ các mục tiêu cụ thể cần “thuộc lòng”: Đào tạo nhân lực, phát triển công nghiệp phần cứng, phần mềm, phát triển băng thông rộng, đưa thiết bị nghe nhìn về cơ sở…

Đồng thời, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định, Bộ sẽ có động thái cụ thể thực hiện đề án tăng tốc. Về chính sách vĩ mô, Bộ sẽ trình Chính phủ để có Nghị định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sang nước ngoài. Bộ cũng kiến nghị các chính sách ưu đãi về đất đai cho doanh nghiệp mới tham gia lĩnh vực CNTT-VT. Với chính sách về thuế, các doanh nghiệp cần có kiến nghị cụ thể như chính sách thuế nhập khẩu thiết bị CNTT-VT nguyên chiếc hay phụ tùng…

Về phía Bộ TT-TT, Bộ trưởng nêu ra những việc cần làm như: Chính sách quản lý khuyến mại để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh; quy hoạch dùng chung cơ sở hạ tầng; giá kết nối điện thoại cố định và di động; phủ sóng băng thông rộng; quy hoạch khu CNTT tập trung…

Ngoài ra, vấn đề hỗ trợ pháp lý để đảm bảo an ninh mạng cũng được Bộ trưởng đề cập.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Các thí sinh quan tâm đến cơ hội học tập và nghề nghiệp hấp dẫn tại ĐH Văn Hiến có thể gửi câu hỏi tới địa chỉ [email protected].


Bình luận
vtcnews.vn