Bộ TT-TT kiến nghị Chính phủ ưu tiên nội dung số

Khoa học - Công nghệThứ Sáu, 24/12/2010 10:23:00 +07:00

(VTC News) – Bộ Thông tin – Truyền thông kiến nghị với Chính phủ sớm thông qua cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số.

(VTC News) – Bộ Thông tin – Truyền thông kiến nghị với Chính phủ sớm thông qua cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số, tạo điều kiện để lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Đó là một trong những nội dung quan trọng đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Tổng kết năm 2010 và triển khai công tác năm 2011 của Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) vừa diễn ra  ngày 24/12 tại Hà Nội. Đây là dịp để các Sở TT-TT, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT tham gia đóng góp ý kiến đến lãnh đạo Bộ.

Ưu tiên cho nội dung số

Tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ TT-TT Lê Nam Thắng đã nêu lên những kiến nghị của Bộ TT-TT với Chính phủ trong năm 2011. Trong đó, đáng chú ý là đề nghị Chính phủ sớm thông qua cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực CNTT; xây dựng các khu công nghệ thông tin – Truyền thông (CNTT-TT) tập trung, phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số, tạo điều kiện để lĩnh vực CNTT trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Trước sự có mặt của phái viên Thủ tướng Chính phủ về CNTT, GS.TSKH Đỗ Trung Tá cùng đông đảo đại biểu đến dự hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng vui mừng báo cáo: “Năm 2010, kinh tế của Việt Nam từng bước phục hồi và phát triển, song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng những biến động khó lường của kinh tế thế giới và sự biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, lũ lụt ở miền Trung. Ngành Thông tin và Truyền thông cũng đứng trước những khó khăn chung của đất nước. Song Bộ TT-TT đã tập trung chỉ đạo những công tác trọng tâm trọng điểm, mang tính đột phá”.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng: “Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và GDP của đất nước”.

Năm 2010, tổng doanh thu ngành công nghiệp CNTT ước đạt 7,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng  đạt 20%. Lĩnh vực CNTT tiếp tục phát triển toàn diện cả về nhận thức chung của xã hội cũng như hệ thống hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách và công tác chỉ đạo điều hành của Bộ.

Bộ đã triển khai tốt nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT; tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hội nghị này đã đánh giá thành tựu đạt được, trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất với Trung ương Đảng và Bộ Chính trị ban hành văn bản định hướng cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT trong giai đoạn tiếp theo.

Trong năm qua, Bộ TT-TT đã xây dựng Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

‘Lĩnh vực CNTT hiện có chuyển biến tích cực. Bên cạnh các tập đoàn, công ty của Việt Nam đầu tư mạnh vào công nghiệp CNTT, lĩnh vực này còn thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, hàng đầu trên thế giới tiếp cận và đầu tư vào Việt Nam. Doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, CNTT tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và GDP của đất nước”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Hội nghị nghe các giám đốc Sở TT-TT tham gia tham luận trực tuyến qua 4 màn hình.
Đánh giá về những kết quả mà Bộ TT-TT đã đạt được trong năm qua, báo cáo Tổng kết công tác năm 2010 nêu rõ, qua các buổi làm việc, tọa đàm với các Bộ, ngành, hội, hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ TT-TT đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công nghiệp CNTT phát triển như đào tạo nhân lực CNTT. Trong đó, Bộ TT-TT làm việc với Bộ Tài chính về chính sách thuế nhập khẩu linh kiện điện tử. Ngoài ra các hoạt động như phát triển thương hiệu CNTT-TT Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng phần mềm nguồn mở và sử dụng phần mềm có bản quyền cũng được Bộ tiến hành thường xuyên.

Là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CNTT-TT, Bộ TT-TT đã chú trọng công tác ứng dụng CNTT, hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ giai đoạn 2011-2015, đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Bộ; nâng cấp giao diện mới trang thông tin điện tử theo hướng hiện đại, phong phú, đa dạng. Việc ứng dụng chương trình e-Office vào công tác chỉ đạo, điều hành tại cơ quan Bộ ngày càng thiết thực hơn, tiến tới giảm dần văn bản giấy.

Đưa doanh nghiệp ra nước ngoài một cách chính quy

Ngoài ý kiến đề xuất từ các Sở TT-TT của các địa phương được truyền trực tuyến, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) cũng bày tỏ ý kiến đến hội nghị.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) đề xuất: “Để thực hiện chương trình tăng tốc phát triển CNTT từ Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, đề nghị Bộ TT-TT đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đưa dịch vụ viễn thông, nội dung số ra thị trường nước ngoài. VTC hiện đã có mặt tại một số nước như Mỹ, Nga, Indonesia...”

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Cường kiến nghị trong năm 2011, Bộ TT-TT làm việc với Bộ Kế hoạch – Đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiến ra thị trường nước ngoài một cách chính quy chứ không phải bằng con đường tiểu ngạch.

Trong Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT có nêu ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 1 triệu người. Vì vậy, Bộ nên cùng các doanh nghiệp tham gia thực hiện mục tiêu trên. VNPT có học viện Bưu chính – Viễn thông, FPT có đại học FPT, còn VTC có đại học VTC Văn Hiến.

Trước vấn đề đặt ra của Phó Tổng giám đốc VTC, cho rằng: “Hiện nay, việc thực thi chính sách chưa được đồng bộ từ Trung ương đến địa phương”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đồng quan điểm và nêu ra tồn tại cần khắc phục là: “Việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và trong thực hiện cải cách hành chính còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ”.

Ông Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Viettel cho rằng: “Bộ TT-TT cần có chương trình hỗ trợ việc sản xuất các thiết bị CNTT-TT để tạo ra sản phẩm khác biệt".
Đóng góp ý kiến để CNTT-TT phát triển trong thời gian tới, ông Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Viettel cho rằng: “Bộ TT-TT cần có chương trình hỗ trợ việc sản xuất các thiết bị CNTT-TT để tạo ra sản phẩm khác biệt, đồng thời giảm tỉ lệ nhập khẩu...Về lĩnh vực phần mềm, đẩy mạnh hoạt động tự sản xuất chứ không phải gia công phần mềm cho nước ngoài. Như ở Viettel hiện có 1.000 cán bộ làm phần mềm chỉ phục vụ cho hoạt động của Viettel”.

Về đề xuất này, ông Hà Thế Minh, Tổng giám đốc công ty CP tập đoàn Công nghệ CMC cũng chung quan điểm với ông Hoàng Anh Xuân. Ngoài ra, ông Hà Thế Minh còn kiến nghị Bộ TT-TT cần đẩy nhanh các đề án trọng điểm quốc gia.

Trước những thành tựu đạt được và những vấn đề còn tồn tại, Thứ trưởng Lê Nam Thắng thẳng thắn chia sẻ: “Bộ TT-TT rút ra bài học kinh nghiệm cần có mô hình quản lý Nhà nước tiên tiến, hiện đại, hội tụ, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và sự phát triển của khoa học công nghệ. Đây chính là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thông tin và truyền thông một cách đồng bộ và hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện tốt phương châm đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia ngang tầm với các nước tiến tiến trong khu vực”.


Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn