Bộ trưởng Y tế quyết định hiến tạng: 'Tôi không phải trường hợp đặc biệt'

Thời sựThứ Ba, 27/10/2015 02:36:00 +07:00

Bộ trưởng Y tế hiến tạng: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tâm sự xung quanh quyết định hiến tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013.

(VTC News) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tâm sự xung quanh quyết định hiến tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013.

Tại chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng diễn ra tối 26/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Cá nhân tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não từ năm 2013, gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi”.

Thông tin này đã ngay lập tức khiến dư luận chú ý. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là quan chức Chính phủ đầu tiên đăng ký hiến các mô, tạng sau khi qua đời.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 27/10
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 27/10 
Sáng 27/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013 và kêu gọi mọi người dân cùng hưởng ứng tham gia.

Nữ bộ trưởng cho biết bản thân bà không phải là trường hợp đặc biệt. Trước đó đã có rất nhiều người đăng ký hiến tạng.

"Tôi không phải trường hợp đặc biệt. Đó là chuyện bình thường của công dân thôi mà", Bộ trưởng Tiến nói.

“Động lực để tôi tham gia hiến tạng là mong muốn giúp người bệnh. Với vai trò người đứng đầu ngành Y tế thì tôi càng phải đi đầu để mọi người tích cực hưởng ứng”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Bà Tiến cho biết hiện nay nhu cầu ghép tạng ở các bệnh nhân suy tạng, mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh thận, bệnh ung thư, suy các tạng là rất lớn. Hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…

“Có hàng chục nghìn người có nhu cầu ghép tạng. Bên cạnh đó, kỹ thuật của mình đã làm được và làm rất tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Hiện tại, cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp. Tuy nhiên, sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc.

Bên cạnh đó, bà Tiến cho rằng hiện nay do văn hóa nên nhiều gia đình vẫn không cho người thân được phép hiến tạng sau khi qua đời.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tiến cũng khẳng định: “Gia đình tôi cũng rất ủng hộ. Việc này là hết sức cần thiết và người dân nên tham gia hành động rất có ý nghĩa này. Vì khi bệnh nhân chết não thì chắc chắn sẽ chết mà đem chôn hay thiêu thì đều chở về cát bụi. Và với tạng được hiến sẽ có nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống”.

Bộ trưởng Tiến cũng nhấn mạnh ý nghĩa của hành động hiến tạng: “Quả tim, thận, đôi mắt của người thân vẫn đang còn sống ở người được ghép. Lúc đó mắt người thân vẫn nhìn thấy mọi điều, tim vẫn đập. Và chính người thân cũng sẽ vui khi có cảm giác người thân vẫn còn sống.

Thầy thuốc là cầu nối cũng sẽ hạnh phúc khi giúp được bệnh nhân. Người hạnh phục nhất chính là bệnh nhân được ghép. Và kết quả có tới 4 người hạnh phúc”.

Hiến tạng là một hành động ý nghĩa, giàu sức nhân văn
Hiến tạng là một hành động ý nghĩa, giàu sức nhân văn 
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã tìm hiểu và thấy rằng các tôn giáo đều khuyên người dân làm việc phúc đức, cứu người.

“Tôi có hỏi Thượng toạ Thích Thanh Quyết về việc này và thầy cho biết là nhà Phật rất ủng hộ. Cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa”, bà Tiến tâm sự.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã xung phong là chủ tịch Hội những người hiến tạng và ghép tạng để giúp đẩy nhanh việc kêu gọi mọi người tham gia. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cũng đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Người đứng đầu ngành y tế cũng khẳng định sẽ không có chuyện lợi dụng nguồn tạng để trục lợi vì có sự giám sát của cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ lập 3 trung tâm tiếp nhận hiến tạng ở 3 miền, có đường dây nóng tiếp nhận. Trong tương lai, Bộ Y tế sẽ thành lập ngân hàng tạng.
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập ngày 26-9-2013 đến nay cũng mới vận động được 500 người hiến tạng, trong đó chỉ có 13 người đăng ký hiến sống.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn