Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: 'Tránh khiêu khích, tấn công trả đũa hacker nước ngoài'

Thời sựThứ Ba, 02/08/2016 22:51:00 +07:00

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị người dân tuân thủ pháp luật, tránh khiêu khích không cần thiết, ví dụ tấn công trả đũa đối với các nhóm hacker nước ngoài.

Chiều 2/8, trả lời câu hỏi về sự cố tin tặc tấn công hệ thống thông tin ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay bày tỏ sự cảm ơn báo chí đã đưa thông tin chính xác vụ việc, đồng hành giải quyết vấn đề.

Theo ông, trước thời điểm tấn công khoảng 2 giờ thì VNCERT (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam) và Cục an toàn thông tin (Bộ Thông  tin truyền thông) đã có cảnh báo. Khi sự cố xảy ra, 2 đơn vị đã cử cán bộ trực tiếp có mặt hiện trường, cùng tham gia khắc phục.

"Đến chiều 1/8, tất cả máy tính ở sân bay đã hoạt động bình thường. Bộ đã ban hành văn bản gửi tất cả bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra giám sát đảm bảo an toàn thông tin", ông Tuấn cho hay.

Kho ngan chan triet de hacker tan cong san bay hinh anh 1

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ảnh: Công Khanh.

Nói thêm về vụ việc, ông Tuấn cho rằng, trong môi trường thông tin mạng phát triển thế này, không thể nói chắc chắn sự cố tương tự không xảy ra tiếp. Và cũng khó có thể ngăn chặn triệt để.

"Trong tương lai, mối nguy cơ này ngày càng cao, chúng ta càng phải nâng cao cảnh giác và đầu tư con người, kỹ thuật", ông Tuấn nói.

Trước thông điệp hiển thị trên màn hình ở sân bay mang màu sắc chính trị, người đứng đầu Bộ Thông tin khẳng định, về nguyên tắc, cần phải tìm ra thủ phạm với đầy đủ biện pháp buộc tội rồi mới có thể kết luận. Trong khi đó, nhóm 1937cn (nhóm tin tặc được cho là gây nên vụ tấn công khi để lại thông tin trên màn hình hiển thị) đã bác bỏ.

Ông Tuấn cũng đề nghị người dân tuân thủ pháp luật, tránh khiêu khích không cần thiết, ví dụ tấn công trả đũa đối với các nhóm hacker nước ngoài.

Nói về hạ tầng viễn thông khi một số đơn vị, doanh nghiệp của Việt Nam phụ thuộc vào công nghệ, thiết bị của công ty Trung Quốc, ông Tuấn nhìn nhận, một số nước trên thế giới công khai thông tin các hãng thiết bị Trung Quốc mất an toàn thông tin. An toàn thông tin không thể đảm bảo nếu phụ thuộc vào một doanh nghiệp cụ thể cũng nhưng không có công nghệ nào đảm bảo hoàn toàn.

Hiện, có thực tế công ty Việt Nam sử dụng công nghệ, thiết bị Trung Quốc do hoàn cảnh lịch sử để lại, nhất là về vấn đề giá thành.

"Chúng ta không có sự phân biệt đối xử, nhưng thời gian tới sẽ có yêu cầu cụ thể với việc mua sắm các thiết bị, công nghệ thông tin quan trọng. Đề nghị doanh nghiệp hy sinh lợi ích doanh nghiệp đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu để đảm bảo an toàn thông tin", ông Tuấn nói.

Trước đó, chiều 29/7, một số khu vực quầy làm thủ tục Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã bị tin tặc tấn công. Hành khách đã phải làm check-in thủ công thay cho hệ thống điện tử.

Đến sáng 2/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, sự cố cơ bản đã được khắc phục và hoạt động làm thủ tục tại 2 sân bay này đã trở lại hoạt động, phục vụ hành khách bình thường. Bộ GTVT đang làm việc với Cục An ninh mạng của Bộ Công an và các đơn vị của Bộ Thông tin - Truyền thông bàn bạc, đưa ra các giải pháp trong thời gian sắp tới để có biện pháp bảo mật tốt hơn hệ thống mạng liên quan đến hoạt động hàng không.

Video: Hacker chiếm quyền hệ thống thông tin ở sân bay

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn