Bộ trưởng Tài chính phải trả lời sao sai hết năm này sang năm khác?

Thời sựThứ Năm, 17/04/2014 04:40:00 +07:00

(VTC News)- Ủy viên Ủy ban Thường vụ đề nghị khi quyết toán ngân sách nhà nước 2013, Bộ trưởng Tài chính phải trả lời tại sao sai hết năm này sang năm khác.

(VTC News)- Ủy viên Ủy ban Thường vụ đề nghị khi quyết toán ngân sách nhà nước 2013, Bộ trưởng Tài chính phải trả lời tại sao sai hết năm này sang năm khác.

Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quyết toán ngân sách năm 2012 với nhiều nội dung quan trọng.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội nêu ra các sai phạm như: một số đơn vị dự toán hạch toán kế toán chưa đầy đủ, công tác thẩm định của cơ quan tài chính chưa chặt chẽ, kịp thời, công tác tổng hợp, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 của một số địa phương còn chậm theo quy định....
Nhiều sai phạm được Kiểm toán chỉ ra ở dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.(Ảnh: TTXVN)
Nhiều sai phạm được Kiểm toán chỉ ra ở dự án cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.
(Ảnh: TTXVN)
 
Do chưa tính đủ số tiền hoàn thuế nên thực chất thu ngân sách nhà nước năm 2012 không đạt dự toán được Quốc hội quyết định, một số khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chi ngân sách nhà nước năm 2012 còn một số tồn tại như: Chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không  đạt dự toán.

“Sai phạm này đang có dấu hiệu gia tăng tại các địa phương”, ông Hiển nhấn mạnh.

Chi thường xuyên năm 2012 vượt dự toán nhưng một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.

Ví dụ, chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 93,5% dự toán, chi sự nghiệp y tế, dân số và kế hoạch hoá gia đình đạt 96,4% dự toán, chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 82,7% dự toán, chi sự nghiệp kinh tế đạt 97,1% dự toán, chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 88% dự toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển
cho biết thêm việc chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn.

Qua kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, kiểm toán nhà nước đã kiến nghị tăng thu 4.047 tỷ đồng, giảm chi 5.069,7 tỷ đồng, nợ đọng thuế và các khoản thu ngân sách  phát hiện tăng thêm 2.623,4 tỷ đồng. Thường trực Ủy ban nhận thấy, các kiến nghị xử lý tài chính khá lớn và có xu hướng gia tăng.

Sai phạm sao vẫn nhất trí?


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ tại sao chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế và kiến nghị tăng thu, giảm chi nhiều tỷ đồng mà cuối cùng cả cơ quan thẩm tra và kiểm toán đều đi đến kết luận đồng ý với con số được Bộ Tài chính báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội- Phùng Quốc Hiển giải thích, theo quy định của luật phát hiện sai sót thời điểm nào thì xử lý tại thời điểm đó nên những kiến nghị về thu, chi ngân sách năm 2012 sẽ được xử lý vào năm 2013. 
Đại biểu Ksor Phước yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu
Đại biểu Ksor Phước yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu
(Ảnh: Phạm Thịnh) 
Trong khi đó, ông K'sor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội phát biểu: “Cơ quan kiểm toán đã nêu ra một loạt sai phạm, thẩm tra cũng nói rõ, nhưng cuối cùng biểu quyết lại nhất trí. Tôi không hiểu là thế nào. Năm nào cũng vậy.

Ở đây có 15.000 dự án đã xong, hoặc đã đưa vào sử dụng mà vẫn chưa xong quyết toán. Việc kỷ luật về tài chính, quản lý tài chính là như thế nào?"

Ông Ksor Phước cũng đề nghị trong báo cáo này, Quốc hội phải tỏ thái độ yêu cầu Chính phủ phải xử lý doanh nghiệp, chủ đầu tư nếu không thực hiện đúng. Những vấn đề này đã kéo dài hàng chục năm nay.

"Tôi đồng tình nội dung đưa ra nhưng tôi chưa đồng tình về cách nêu vấn đề trước Quốc hội. Để thế này là không được.

Quốc hội đại diện cho nhân dân, đại diện quyền lợi cho nhân dân, người dân phải đóng thuế. Quốc hội quyết định vấn đề sử dụng ngân sách.

Xử lý, quản lý như thế này thì chết dở. Chi xây dựng cơ bản thì rất mạnh nhưng tồn đọng quyết toán lại rất lớn. Như vậy trình độ quản lý tổ chức của mình ở đây là như thế nào?", Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đặt câu hỏi.

 

Năm sau, khi quyết toán ngân sách nhà nước 2013 thì Bộ trưởng Bộ Tài chính phải trả lời là tại sao cứ sai hết năm này sang năm khác và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Ông Ksor Phước
 
Ông Ksor Phước nói: “Năm sau, khi quyết toán ngân sách nhà nước 2013 thì Bộ trưởng Bộ Tài chính phải trả lời là tại sao cứ sai hết năm này sang năm khác và phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội”.

Ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội bức xúc nêu ý kiến: “Cá nhân tôi không yên tâm vì những tồn tại, vi phạm năm sau như năm trước nhưng trầm trọng trọng hơn. Chúng ta chưa đưa ra giải pháp nào để xử lý hiệu quả”.

Vị Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng “Nợ thuế gia tăng nhanh, 1 năm tăng tới 20.000 tỷ đồng. Nếu nợ thuế thất thu như thế này, trong khi chúng ta phát hành trái phiếu, cắt giảm chi tiêu, đầu tư thì phải xem lại… Càng ngày càng sai lớn hơn”.

“Đề nghị làm rõ do hệ thống pháp luật hay do trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có các cơ quan giám sát của Quốc hội… Quyết tâm để khi xem lại quyết toán ngân sách 2014 không còn những vấn đề này hoặc tình trạng xảy ra còn rất thấp trong tầm quản lý”, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị tiếp tục làm rõ việc chi không đạt trong lĩnh vực giáo dục, y tế.

Bà Mai cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân có thể do kiểm toán không phợp lý, cũng có thể tổ chức thực hiện không đảm bảo. Tuy nhiên thực trạng trên chủ yếu do tổ chức thực hiện, trong đó có Bộ Y tế và trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn