Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: 'Trồng người' thì không có chỗ để làm lại

Giáo dụcThứ Bảy, 28/02/2015 05:14:00 +07:00

Trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có đôi lời chia sẻ với khán giả cả nước.

Trên sóng của Đài truyền hình Việt Nam tối qua (27/2), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có đôi lời chia sẻ với khán giả cả nước.

Trả lời phỏng vấn trên sóng Đài truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, năm 2014 ngành giáo dục đã nhận được nhiều điều mới, tích cực từ việc đổi mới tư duy, nhận thức của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lí, học sinh,sinh viên và của toàn xã hội.

Hiếm có buổi trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trước các báo đài. Ảnh Phương Thảo 

Ông Luận cũng chia sẻ, trong thời gian qua ông cũng đã nhận được nhiều ý kiến của phụ huynh, học sinh, sinh viên, của xã hội qua email, đó là những vấn đề chuyên môn khá là sâu của giáo dục đã được xã hội hiểu đúng và đồng thuận rất cao.

Bên cạnh đó, những ý kiến băn khoăn, lo lắng như vấn đề thay đổi thói quen không chấm điểm gây nên học sinh thiếu động lực, về nhà không có bài tập làm, chơi game nhiều…, vấn đề này tư lệnh ngành giáo dục bày tỏ sẽ cố gắng bằng những phương tiện có thể để giải đáp trực tiếp những thắc mắc trên.

Trước câu hỏi ở lĩnh vực khác, ngành khác nếu có bất kỳ vấn đề nào nảy sinh thì người đứng đầu ngành có thể đưa ra quyết định của mình, nhưng ở giáo dục lại khác? Vì sao? Có phải giáo dục là ngành đặc biệt và cần thận trọng?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, ông không hề có suy nghĩ chung như các Bộ trưởng ngành khác, đúng là giáo dục có tính chất đặc thù liên quan đến lợi ích của học sinh, đây là lợi ích lâu dài, bởi trong giáo dục không có chỗ để làm lại.

“Phương châm chỉ đạo là thận trọng nhưng không được chần chừ, khẩn trương nhưng cũng không được vội vã, hấp tấp” ông khẳng định.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã được thực hiện trong khoảng thời gian qua. Với tư cách là tướng lĩnh của ngành giáo dục, thực hiện đổi mới toàn diện, các tướng lĩnh của ngành đã thực hiện tới đâu, đến giai đoạn nào?

Câu hỏi này Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ, hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu, cho tới thời điểm này chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết đổi mới và Chương trình hành động của chính phủ, về cơ bản đã soạn thảo xong.

Bộ trưởng Luận cho rằng, cơ bản có 2 khối công việc: Khối đào tạo nguồn nhân lực, khối này sẽ thực hiện đẩy mạnh tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thành lập các hội đồng trường, thay đổi chương trình, nội dung dạy học, phương pháp đánh giá để gắn đào tạo của trường với nhu cầu của thị trường lao động.

Riêng khối phổ thông, triển khai việc thiết kế, biên soạn chương trình, thẩm định chương trình, trên cơ sở đó sẽ viết sách giáo khoa.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói, sau tết này sẽ tập hợp các nhà giáo, nhà khoa học, các chuyên gia tham gia góp ý thảo luận trên nền tảng của chương trình tổng thể của khởi thảo. Bên cạnh đó, sẽ đổi mới ngay từ nhà trường khi đang dạy và học chương trình sách giáo khoa hiện hành, để các thầy và trò quen dần của sự chuyển động đổi mới.

Trước mắt ngành giáo dục sẽ chú trọng chỉ đạo cấp tiểu học vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ trong chủ trương không chấm điểm, giúp cho các thầy cô nhẹ nhàng hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn…

"Trên cơ sở đó sẽ làm thay đổi toàn bộ nhận thức của xã hội vốn đã tồn tại thói quen nhiều năm bằng chuyện cho điểm" Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: Giáo dục Việt Nam
Bình luận
vtcnews.vn