Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông: 9 năm... khởi động?

Thế giớiThứ Tư, 27/07/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Phải mất gần 9 năm trời, TQ và ASEAN mới thỏa thuận xong bản Quy tắc.

(VTC News) - Tuần qua (20/7), tại Indonesia, Trung Quốc và các ngoại trưởng ASEAN vừa thỏa thuận xong bản Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sau 9 năm trời đàm phán.Nhưng bao giờ các bên mới đạt đến được văn bản cuối cùng mà khu vực và thế giới đang nóng lòng đón đợi - COC (Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông)?

DOC từng được thai nghén và thông qua cấp chuyên viên những năm 1990. Tuy nhiên, hơn mười năm sau, mãi đến năm 2002, TQ mới đặt bút ký với ASEAN văn bản này. Và phải chờ thêm gần 9 năm nữa, đến nay, Quy tắc hướng dẫn thực thi một tuyên bố ký kết cách đấy 10 năm mới được chứng thực.

Muộn còn hơn không

Nhưng muộn còn hơn không! Dù chỉ là thỏa thuận ở mức tối thiểu, dư luận vẫn thấy được ánh sáng cuối đường hầm. Trợ lý Ngoại trưởng Việt Nam mô tả “đây là bước khởi đầu quan trọng và tích cực trong nỗ lực chung để đối thoại và hợp tác”. Còn Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc (TQ) thì cho rằng đã có thêm “một tài liệu quan trọng về sự hợp tác giữa TQ và các nước ASEAN”.

Đạt được bản Quy tắc này (xin đừng nhầm với Bộ Quy tắc ứng xử COC!), theo Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, là “điều rất tích cực”, tuy nhiên ông cũng nói thêm: “Vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng niềm tin”. 

Phải mất 9 năm trời, TQ và ASEAN mới tìm được tiếng nói chung về Qui tắc hướng dẫn thực thi DOC. Ảnh: Vietnam News 

Dư luận hiển nhiên có quyền đặt nhiều câu hỏi: Tại sao các “tài liệu quan trọng” nhường ấy mà phải chờ mãi bao nhiêu năm nay TQ mới chịu đàm phán (từ 1990)? Tại sao thương thảo kéo dài đến ngần ấy năm mới đạt được thỏa thuận (từ 2002)? Và liệu khi nào thì TQ và ASEAN mới ký kết được văn bản cuối cùng mà khu vực và thế giới đang nóng lòng đón đợi - COC?

Căng thẳng vừa qua tại Biển Đông xuất phát từ những quyết đoán đơn phương về chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này. Tàu hải giám và ngư chính TQ bắt giữ hoặc đe dọa tàu cá của Việt Nam, Philippines, ngăn cản tàu thăm dò của hai nước này, thậm chí còn nhiều lần cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là căn nguyên của mọi bức xúc trong khu vực và thế giới.

Một số quy định như việc thực hiện DOC cần tiến hành từng bước, các bên tham gia sẽ tiếp tục đối thoại và tham vấn theo tinh thần của DOC. Việc tiến hành các hoạt động cần được xác định rõ ràng, trên cơ sở tự nguyện, và các biện pháp trước tiên phải là các biện pháp xây dựng lòng tin. Tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thỏa thuận trong DOC sẽ được thông báo hàng năm cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-TQ.

Tuy nhiên, không phải nội dung này, mà tinh thần của bản hướng dẫn mới là điều quan trọng!

Con đường từ DOC đến COC: Còn dài

Dù sao, các quy tắc nói trên chưa làm hài lòng tất cả. Theo các nhà quan sát, một trong những điểm bất đồng tồn tại là việc phân định khu vực tranh chấp chủ quyền giữa các nước liên quan. Thiếu sót đáng kể khác là không có quy định về việc các tàu hải quân của các nước tuyên bố chủ quyền nên hành xử như thế nào tại khu vực tranh chấp. Đại diện Philippines cho biết, nước này vẫn muốn đưa hồ sơ tranh chấp chủ quyền trên biển ra trước Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, cho dù TQ đã bác bỏ việc này.

Vào đúng ngày mà TQ và ASEAN đạt được đồng thuận về bản Quy tắc hướng dẫn nói trên, kết quả của gần 9 năm trời đàm phán khó khăn, Bắc Kinh vẫn lên tiếng khẳng định lại lập trường của mình là không chấp nhận để cho Mỹ can dự vào hồ sơ Biển Đông. Hôm 20/7 vừa rồi, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ tuyên bố thẳng rằng Mỹ nên đứng ngoài những căng thẳng do tranh chấp ở Biển Đông. Như vậy, Bắc Kinh vẫn giữ nguyên lập trường là không ủng hộ việc giải quyết đa phương những tranh chấp trên Biển Đông và phản đối sự can dự của cường quốc ngoài khu vực vào vấn đề này.

Nhân dịp này, trả lời câu hỏi của báo chí làm thế nào để ASEAN có thể đảm bảo sự cạnh tranh sắp tới sẽ không leo thang, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng, điều này vẫn đang trong quá trình thảo luận.
 
Gần 20 năm trôi qua, nhưng không ai đoán chắc phải chờ bao nhiêu thời gian nữa các bên mới đi tới COC; tức là chấp thuận ở cấp độ cao hơn, có sự ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế, quy định hành vi ứng xử của các bên trên Biển Đông. Con đường từ DOC đến COC, cho dù có thêm bản hướng dẫn hôm nay, vẫn đang ở phía trước!

Hải Đăng

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011
nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn



Bình luận
vtcnews.vn