Bộ máy hành chính cồng kềnh tạo khe hở cho tham nhũng

Thời sựThứ Tư, 24/02/2016 08:02:00 +07:00

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật đánh giá bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh, tạo ra nhiều khe hở dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

(VTC News) - Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật đánh giá bộ máy hành chính Nhà nước còn cồng kềnh, tạo ra nhiều khe hở dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Chiều nay 24/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đã trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thường vụ Quốc hội cho rằng Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội 

Đồng thời, Chính phủ đã quản lý chặt chi tiêu công, giảm các đoàn đi nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Tuy nhiên, báo cáo còn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí cũng như nguyên nhân và trách nhiệm; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tình trạng lãng phí còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu, như việc xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài, mua sắm và sử dụng tài sản công…”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội.
Phát ngôn ấn tượng của đại biểu Quốc hội
Trước đó, trình bày dự thảo báo cáo, ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết bên cạnh những tiến bộ và kết quả đạt được, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận còn những hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.


Theo đó, có 7 hạn chế trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được nêu ra.

Đặc biệt, trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong một số lĩnh vực còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình là tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo.

Công tác phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn nhiều vướng mắc. Công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp.

Công tác quản lý công chức, viên chức còn hạn chế. Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, bất cập.

Cùng đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi.


Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn