"Bố bắt cháu ăn phân rồi nói tội này phải chết"

Thời sựThứ Tư, 19/10/2011 08:19:00 +07:00

“Bố cháu đánh và bắt cháu bắt cháu ăn phân nhưng mà cháu không ăn, cháu có van xin nhưng bố cháu vẫn đánh, không tha...Bố nói tội này phải chết!"

“Bố cháu đánh và bắt cháu bắt cháu ăn phân nhưng mà cháu không ăn, cháu có van xin nhưng bố cháu vẫn đánh, không tha. Bố cháu đánh cháu ở ngoài sân, bắt cháu đứng giữa trời nắng và cởi hết quần áo…”
Con ghét bố

Bé Thuận mới chỉ 11 tuổi nhưng toát lên vẻ già dặn hơn các bạn cùng trang lứa. Thuận có nước da đen sạm, đôi mắt đượm buồn. Bên má trái của cậu bé lúc nào cũng như bị nhọ. Chẳng phải cậu bé giữ vệ sinh không sạch sẽ, những vết thâm ấy mãi mãi hằn trên gương mặt ấy bởi đó là kết quả của những lần bị bố đánh đập dã man. Sống trong cảnh nghèo khổ, lại thường xuyên bị bố ngược đãi, dì ghẻ hắt hủi khiến tuổi thơ của bé là những ngày tháng đẫm nước mắt. Cậu bé tỏ ra kiệm lời khi được hỏi về chuyện bị bố đánh. Được sự động viên của bà nội, cậu bé mới rụt rè kể lại.

Bé Thuận buồn rầu nhắc lại những lần bị bố đẻ bạo hành

“Có lần cháu từ nhà bà xuống nhà bố cháu, cháu sợ nên không muốn ăn cơm ở đấy, cháu bảo cháu ăn cơm rồi, bố cháu tức lên hỏi bà cháu, bà bảo rằng cháu đã ăn mấy hạt cơm nguội. Bố cháu về cứ bảo cháu không ăn cơm, rồi lột hết quần áo cháu ra, bắt cháu đứng đấy, lấy dây điện đánh cháu. Lần khác bố cháu đánh cháu nhưng không phải bằng dây điện, đầu tiên thì đánh bằng que gỗ xong rồi dội nước lạnh vào người cháu.

Một lần khác nữa, bố cháu đánh và bắt cháu bắt cháu ăn phân nhưng mà cháu không ăn, cháu có van xin nhưng bố cháu vẫn đánh, không tha. Bố cháu đánh cháu ở ngoài sân, bắt cháu đứng giữa trời nắng và cởi hết quần áo.

Lần gần đây nhất cháu bị bố đánh vì cháu lấy điện thoại của chú để chơi, xong cháu để ra ngoài hiên nhà, bố cháu bảo không tin, bắt cháu lột hết quần áo ra rồi đánh cháu. Cháu cảm giác rất sợ, cháu van xin bảo từ nay cháu sẽ không thế nữa nhưng bố cháu nói là tội này phải đánh chết. Lúc bố cháu đánh còn cầm dao, nói là mổ bụng xem gan mày to đến đâu. Trưa hôm sau, bố cháu định đánh nữa và còn dọa chặt cháu làm ba khúc.

Có lần bố cháu đánh cháu, có bà Phường, là hàng xóm nhà cháu sang can. Bố cháu còn đẩy bà ấy suýt ngã. Mỗi lần bố cháu đánh cháu, có mẹ dì cháu ở đấy nhưng cũng chẳng can, dì ấy chả nói gì.” Nói đến đây cậu bé im lặng, cúi gằm mặt. Nét sợ hãi vẫn hiện trên gương mặt trẻ thơ ấy.

Không muốn nhắc thêm về những chuyện khủng khiếp bé Thuận đã từng trải qua, tôi gợi chuyện sang một hướng khác. Khi được hỏi, giờ đây Thuận mong muốn gì nhất, cậu bé trả lời ngay: “Cháu mong muốn được về ở với bà nội. Cháu không muốn về với bố cháu nữa, kể cả khi bố cháu nói sẽ không đánh nữa. Cháu ghét bố!”. Tôi đặt ra một giả thuyết, rằng nếu bố xin lỗi, cháu có tha thứ cho bố không? Không chút đắn đo, bé Thuận trả lời ngay: “Cháu chả cần! Em cháu nó cũng đòi ở với bà chứ không về với bố. Bố cháu đánh cả em cháu. Có lần bố cháu dùng dây điện vụt vào chân nó. Nó cũng sợ bố cháu lắm.

Mẹ ba với bố cháu toàn chửi cháu thôi. Bố cháu không biết uống rượu bia, bình thường cũng chửi cháu. Cháu làm sai gì bố cháu là bố cháu chửi. Cháu làm sai như: nấu cơm khô, cháu thiếu bài học ở lớp, cháu đi chơi ở nhà anh

Mẹ dì cũng chửi cháu, như có lần cháu bảo cháu để quần áo ở cái chậu này nhé thì mẹ dì cháu bảo, từ nay mày mà để quần áo ở chậu của tao thì tao đánh chết cha mày. Bố cháu làm thợ xây. Mẹ dì cháu làm may ở nhà. Hàng ngày, cháu phải giặt quần áo, cắm cơm, quét nhà, lau nhà, đi chợ, cho chó đi vệ sinh.”

Từ sau trận đánh gần đây nhất (ngày 6/10/2011 - PV) bé Thuận được bà nội đón về nuôi. Không chấp nhận điều này, Phong thường xuyên săn tìm với một thái độ hùng hổ để bắt bé Thuận về nhà. “Bố cháu còn hỏi các bạn xem cháu có đi học không. Các bạn cháu bảo có. Nhưng khi bố cháu hỏi bạn Thuận đâu thì các bạn ấy bảo không biết. Mỗi lần đi học về cháu rất sợ gặp bố. Cháu hay đi lối tắt để tránh gặp bố cháu. Nếu gặp bố cháu, cháu sẽ chạy. Cháu thường đi học sớm lắm, để không bị gặp bố cháu.”

Trong khi những đứa trẻ khác mong ngóng được gặp bố mỗi khi phải chia xa thì với Thuận, gặp bố là một điều khủng khiếp. Trong suốt câu chuyện với tôi, Thuận luôn hướng ánh mắt đầy lo lắng, đề phòng ra phía con đường dẫn vào nhà, cậu bé sợ người bố bất ngờ xuất hiện, sợ phải về căn nhà có người cha đẻ và bà mẹ ghẻ nanh độc. Chưa biết bao giờ nỗi sợ ấy mới chấm dứt bởi thực tế, mọi biện pháp ngăn chặn hành vi côn đồ của người cha bất lương ấy còn nằm trên giấy tờ?

Cha tố con hư, cô khen trò ngoan

Ngay sau khi nhận được đơn tố giác của bà nội bé Thuận, công an xã đã có buổi tiếp xúc, lấy lời khai của Bùi Xuân Phong. Anh ta không phủ nhận chuyện đánh con, thậm chí đã thừa nhận việc xúc bát phân người bắt đứa con trai 11 tuổi của y ăn. Lý giải cho những hành động cục xúc, côn đồ ấy, Phong cho rằng đó là để dạy con bởi Thuận là đứa trẻ hư. Cái sự hư của bé Thuận ở mức độ nào thì đúng như lời kể của cậu bé, là lần cậu bé mải chơi bên nhà anh, là lần Thuận chưa làm hết bài học ở lớp, là lần lén lấy điện thoại của người chú chơi điện tử…thậm chí, bé Thuận bị coi là hư chỉ vì trả lời rằng đã ăn cơm rồi nên không ăn thêm nữa. Và rồi với cái lý lẽ “Con tao, tao dạy”, Phong đã thỏa mãn cơn thịnh nộ bằng những đòn roi tàn độc.

Cô giáo Huệ và bé Thuận trong buổi trò chuyện với phóng viên 

Theo tìm hiểu của phóng viên, những người hàng xóm sống ở gần nhà bé Thuận cho biết, cậu bé là một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm nhưng là đứa trẻ biết vâng lời, biết thưa gửi - chào hỏi lễ phép. Thời gian Thuận còn sống với bà, hàng ngày những người hàng xóm vẫn thường thấy hình ảnh cậu bé chăm chỉ, trước khi đi học phải thay bà đèo em trên chiếc xe đạp cũ để đi mẫu giáo. Bà Dụn một mình nuôi hai anh em bé Thuận nên vất vả lắm, để có đủ miếng ăn cho ba bà cháu, bà Dụn chẳng một phút ngơi tay, quanh năm tối mắt với ruộng vườn, khi nông nhàn lại phải tranh thủ mang mớ rau ra chợ bán. Bởi thế nên bé Thuận phải giúp bà những việc trông em, đưa em đi học.

Tìm đến ngôi trường Tiểu học Đồng Thái, nơi bé Thuận đang theo học, chúng tôi nhận được những lời khen ngợi hết mực dành cho cậu học sinh nghèo, ngoan ngoãn. Cô hiệu trưởng Bùi Thị Tý khẳng định: “Ở trường cháu học được, tuy chưa phải là học sinh giỏi nhưng là học sinh tiên tiến. Cháu rất ngoan và lễ phép, nhanh nhẹn. Nói thật, khi nhìn những vết thương của cháu, cô giáo nào cũng khóc. Thời điểm chúng tôi phát hiện ra vết thương của cháu đã qua 5 ngày rồi. Nếu là nhìn vết thương ở ngày đầu tiên cháu bị đánh chắc chắn còn sợ nữa”. Và để đảm bảo cho sự an toàn của bé Thuận, nhà trường đã tạo điều kiện cho cậu bé được ăn bữa trưa ngay tại trường. Bởi theo quy định, chỉ có học sinh từ lớp 3 trở xuống mới được tổ chức ăn uống tại trường buổi trưa, các khối lớp 4, 5 đã lớn hơn nên cho về gia đình.

Cô Đinh Thị Huế - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, lớp bé Thuận đang theo học – chia sẻ thêm: “Thuận là cậu bé hồn hậu, ngoan ngoãn, nhận thức khá, ở lớp học cháu không có biểu hiện gì là vi phạm đạo đức cả. Trước ngày cháu bị đánh, bố cháu Thuận có gọi điện cho tôi, hỏi về tình hình học tập của cháu. Tôi cũng thông báo thật là hai hôm nay cháu đi học quên vở bài tập ở nhà. Anh ta nói chuyện với thái độ khá căng thẳng khi biết chuyện này. Tôi cũng đã nói luôn là anh đừng đánh cháu nữa, anh đánh cháu tôi sẽ không giáo dục được cháu đâu, vì trước đó tôi cũng có nghe thông tin anh Phong rất hay đánh con”.

Và cô giáo Huế đã không thể ngờ, sau lần ấy, học sinh của cô đã bị bố đẻ đánh đập dã man. Sau khi bị đánh, bé Thuận vẫn nén đau, đi học bình thường nên cô giáo không phát hiện ra. 5 ngày sau trận đòn roi, cô giáo mới phát hiện ra những vết thường chằng chịt trên tay và thân thể cậu học trò nghèo. Cô giáo đã cùng với bà nội của bé Thuận đưa cháu lên công an xã trình báo, một sự thật đau lòng được hé lộ từ đây.


Theo VnMedia

Bình luận
vtcnews.vn