Bỏ 10 tỉ đồng mua con cá để… ăn

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 20/06/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ba vị thương gia đã bỏ ra 10 tỉ đồng để mua con cá sủ vàng về chế biến thành món ăn. Con cá nặng gần 70kg, dài 2m, bề ngang 0,5m.

(VTC News) - Chưa thỏa mãn với thông tin về cá sủ vàng mà các ngư dân ven biển và ông Phạm Văn Nhuệ ở cung cấp, tôi gặp một số nhà khoa học. Tuy nhiên, các GS-TS cũng chỉ dừng lại ở… tin đồn. Cũng như cây gỗ sưa, rồi đồng đen, trầm hương, kỳ nam… phần lớn các nhà khoa học đều không rõ, không hiểu nước ngoài thu mua để làm gì.

 

Người ta có thể bỏ ra 10 tỉ đồng để mua con cá này về ăn. Phạm Ngọc Dương. 

Qua quá trình tìm hiểu những thứ trên, tôi có những phát hiện khá thú vị. Trên đời chả có thứ gì là đồng đen cả, mà nó cũng chẳng hề có giá trị. Chẳng qua, bọn lừa đảo thổi vào đó những truyền thuyết rồi lừa kẻ hám tiền. Trầm hương cũng chỉ dừng lại ở việc làm hương, làm nước tắm của người Trung Đông theo Đạo Hồi, còn kỳ nam đồn đại giá tiền tỉ một kg thực ra chỉ vài ngàn USD mà thôi, vì nó được người Nhật thu mua làm gia vị tẩm chân gà nướng uống bia. Cây gỗ sưa cũng được người Trung Quốc thu mua để làm đồ giả cổ. Vậy con cá sủ vàng nặng vài chục kg, có giá tiền tỉ, có giá trị gì, hay cũng là lừa đảo?

Cá sủ vàng ở nước ta được gọi theo khá nhiều tên khác nhau. Ở vùng cửa biển Hải Phòng gọi là cá thủ vàng, vùng Thái Bình, Nam Định gọi là sủ vàng, từ Ninh Bình vào miền Trung gọi là sú vàng. Nhiều vùng Thái Bình gọi là “cá thần”, thậm chí gọi là “cá ma”, vì nó có một số đặc tính kỳ quái.

Theo Thạc sĩ Báo chí Bắc Kinh Lưu Phương Mai, tên latin của cá sủ vàng là bahaba flavolabiata, tên tiếng Anh là Chinese bahaba. Người Trung Quốc gọi cá sủ vàng là kim tiền giải, tiếng Quảng Đông là kim tiền miễn, người vùng Ôn Châu (Chiết Giang) gọi là Hoàng Can. Tiếng phổ thông của người Trung Quốc gọi loại cá này là hoàng thần ngư.
Ảnh: Internet. 

Loài cá này thường dài đến 2m, có con lớn dài đến 3m, nặng trên dưới 100kg. Loài cá này mình thuôn, có vẩy màu vàng, rất cứng. Chính vì đặc tính đó, mà vẩy cá được dùng để chơi đàn, nên bán sang thị trường Nhật Bản, châu Âu với giá rất đắt.

Đây là loài cá sống ở vùng biển nóng, tầng nước sâu từ 50-60m (điều này có thể lý giải vì sao mà người Thái Bình gọi chúng là cá ma. Bình thường, chúng sống ở tầng nước sâu thế này thì không thể đánh bắt được. Chỉ đến mùa sinh sản, mùa lũ, chúng mới xuất hiện trên mặt nước. Ngư dân ở Thái Bình nghĩ rằng, đến tháng 3 tháng 4, loài cá này… đội mồ sống dậy!). Chúng có nhiều ở các vùng cửa sông, vùng bờ biển nước lợ. Chúng là loài cá ăn thịt, ăn các loại cá nhỏ, tôm, cua và một số loài giáp xác khác.

Cá sủ vàng phân bố ở biển Đông Trung Quốc (biển Đông ở đây là biển phía Đông của Trung Quốc) và biển Đông Việt Nam. Đây là loại cá có giá trị kinh tế và nghiên cứu đặc biệt ở Trung Quốc. Cá bahaba là động vật được bảo vệ cấp 2 ở nước này. Số lượng của chúng mỗi ngày một ít, và coi như chúng đã tuyệt chủng.

Trước thời kỳ Trung Quốc giải phóng (1949), vùng ven biển thuộc tỉnh Chiết Giang thường xuyên đánh bắt dược loại cá này. Người ta quý loài cá này là vì bong bóng của nó. Bong bóng cá có giá trị rất cao, rất quý hiếm, có thể nói quý như vàng. Vì thế, vùng Chiết Giang có câu thành ngữ: “Quý như bóng cá sủ vàng”.
 
Ảnh: Internet. 

Ngư dân cao tuổi vùng biển Chiết Giang kể, trước giải phóng hay bắt được loại cá này, dùng làm đồ ăn bổ dưỡng. Bong bóng cá có thể ăn bổ gan, thận, giá trị ngang với nhân sâm. Đặc biệt với phụ nữa mang thai, hoặc sau khi sinh thì loại này có tác dụng bổ dưỡng rất tốt.

Thời cổ, người ta phơi khô bong bóng cá, để dành trong nhà. Năm 1957, huyện Đồng Đầu, xã Bắc Sa, bắt được một con cá nặng hơn 30kg. Ngư dân đem bong bóng cá này phơi khô, mang đến Bắc Kinh tặng Mao Trạch Đông.

Gần đây nhất, tháng 2-2010, ngư dân tỉnh Chiết Giang bắt được một con cá Hoàng Thần Ngư. Ba vị thương gia ở ôn Châu đã bỏ 345 vạn tệ (tương đương 10 tỉ đồng) để mua con cá này. Con cá nặng gần 70kg, dài 2m, bề ngang 0,5m. Đầu cá đã nặng hơn 20kg. Theo ngư dân Trung Quốc, chế biến cá phải có kỹ thuật, đặc biệt hai bên vây không được cắt bỏ. Nếu cắt bỏ vây, bán sẽ không được giá nữa.

Hoàng Thần Ngư xuất hiện chủ yếu ở vùng Quảng Đông và biển Mẫn Nam (Phúc Kiến). Tuy nhiên một số ngư dân có thâm niên trên 30 năm, đã từng ăn qua cá Hoàng Thần Ngư cho hay, thực ra thịt cá cũng bình thường, thậm chí không ngon bằng nhiều loại cá khác. Còn bong bóng cá, theo y học thì chứa nhiều đạm, cứ 500gram bong bóng thì có 442gram đạm. Trung y cho rằng, món bóng cá này có thể bồi bổ sức khoẻ, đại bổ chân nguyên, hoạt huyết tráng dương, y học hiện đại cho rằng có thể bổ sung chất cho cơ thể suy nhược, thiếu máu… Gan cá được đồn đại là có độc, thường bỏ đi khi làm.

Bây giờ giá trị thực của loại cá này thế nào không ai nắm rõ. Tuy nhiên, cá sủ vàng được coi là một trong vài món ăn đắt nhất thế giới.
 
Những tờ báo nước ngoài viết về cá sủ vàng. Ảnh chụp lại. 

Theo tynews.com.cn, loài cá đặc biệt này bắt đầu được giới khoa học phương Tây mô tả từ những năm 30 thế kỷ trước. Loài cá này sống ở vùng biển nằm ở phía Nam Trung Quốc. Đây là loài cá cực kỳ quý hiếm và một vài con cá khi bị bắt đã được báo chí đề cập rầm rộ. Một số giáo sư Đại học Hồng Kông đã có một báo cáo về cá sủ vàng như sau:

Cá sủ vàng là mục tiêu đánh bắt của rất nhiều ngư dân ở vùng biển Nam Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm những năm 50-60, bởi bong bóng của chúng rất có giá trị trong làm thuốc. Người ta dùng đủ mọi cách để có thể tận thu loài cá này, do đó, đã khiến số lượng cá ở vùng biển này nhanh chóng cạn kiệt. Từ sản lượng 50 tấn/năm những năm 30, xuống còn 10 tấn những năm 50-60 ở Hồng Kông. Thời điểm khai thác đỉnh cao diễn ra từ năm 1930 đến 1960.
Thịt cá sủ vàng. Ảnh: Internet. 

Trong những năm gần đây, chỉ còn lại những con cá nhỏ, dưới 30kg, và chắc chắn sẽ thành tin nóng trên các báo. Theo nghiên cứu từ năm 1939, bong bóng loài cá này có giá trị y học đặc biệt cao, dùng làm thuốc bổ. Giá trị bong bóng cá phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và kích thước cá, thậm chí cả vào mùa đánh bắt.

Do sự quý hiếm, nên giá cá trên thị trường tăng dần theo thời gian. Ngay từ những năm 2000-2001, giá bong bóng cá khoảng trên dưới 64.000 USD/kg. Như vậy, cách đây 10 năm, một chiếc bóng cá sủ vàng, đã có giá vài tỉ đồng Việt Nam.

Mặc dù loài cá này được bảo vệ ở Trung Quốc, nhưng nó lại không nằm trong danh mục cá cần bảo vệ ở Hồng Kông, do đó, loài cá này vẫn bị khai thác cạn kiệt để chuyển tự do sang thị trường Hồng Kông.
Khi loài cá sủ vàng trở nên cực kỳ đắt đỏ thì loài cá này cũng sắp tuyệt chủng ở Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 
Ngư dân cửa Ba Lạt sẽ khó có thể lên bờ nếu ông trời không cho họ được trúng loài cá bạc tỉ. Ảnh: Phạm Ngọc Dương. 

Tạp chí Khoa học Mỹ ra ngày 16-2-2010 đã đưa tin, một con cá vô hại bahaba nặng 135kg đã bị bắt và bán với giá 500.000 USD (gần 10 tỉ đồng). Người Trung Quốc, Hồng Kông đồn rằng, bong bóng của nó có thể chữa được bệnh. Đây là con cá đầu tiên thuộc loại này bị bắt trong những năm gần đây. Nó đã có tuổi hơn 50, là con cá thuộc sách đỏ của IUCN (International Union for Conservation Natural - Tổ chức quốc tế bảo tồn tự nhiên).

Việc bong bóng cá được sử dụng trong một số phương thuốc gia truyền của Trung Quốc đã khiến nó bị săn lùng và đánh bắt rất nhiều. Theo IUCN, hiện nay hầu như không tìm thấy những quần thể trứng cá của loại cá này.

Tạp chí này cũng viết, người Hồng Kông rất thích món này, nó đắt ngang với thịt cá voi trắng. Năm 2008, anh Li Shao Shuang, ngư dân Ôn Châu, Chiết Giang đã bắt được một con cá sủ vàng nặng 15kg, bán được hơn 1 triệu nhân dân tệ (gần 3 tỉ đồng – tính ra nó có giá 200 triệu đồng/kg).

Một năm trước, có người cũng ở vùng Ôn Châu bắt được con cá sủ vàng 3,5kg, đã bán với giá 100.000 USD (tương đương 1,9 tỉ đồng, khoảng 600 triệu đồng/kg).

Cũng vào năm đó, ngư dân ở vùng này đã bắt được một con sủ vàng nặng 49kg và bán cho một nhà hàng. Nhà hàng này sau khi đã chế biến con cá phục vụ khách, thì giữ lại cái bóng cá. Có người đã trả giá cái bóng đó 2 triệu tệ (khoảng 5,5 tỉ đồng), song nhà hàng này không bán mà giữ làm kỷ niệm.

Cũng theo báo này, món bahaba Trung Quốc là một trong 10 món hải sản ưa thích nhất của người Hồng Kông. Vậy là đã rõ, giá trị tiền tỉ của loài cá đặc biệt quý hiếm, đặc biệt đắt này chỉ là để ăn.
 







Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn