BLV Đình Khải: 40 năm say nghề vẽ trận bóng bằng ngôn ngữ

Thể thaoThứ Hai, 07/09/2015 06:45:00 +07:00

BLV Đình Khải là một trong những BLV thể thao hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là nhà báo kỳ cựu trên nhiều lĩnh vực chính trị-xã hội.

(VTC News) - Nhắc đến nhà báo Đình Khải, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh một BLV bóng đá gạo cội với hơn 30 năm trong nghề, nhưng ít ai biết rằng, đấy lại là nghề tay trái của ông.

Bước ngoặt quyết định

Con đường đến với nghề báo của BLV Đình Khải chẳng hề bằng phẳng. Chẳng may thi trượt đại học, ông quyết định vào học trường Trung cấp hóa chất ở Lâm Thao cho gần nhà và sớm ra trường để có việc làm. 
Sau đó lẽ ra ông đã làm công nhân ở nhà máy Supe phosphat ở Lâm Thao, nhưng nhà máy bị máy bay Mỹ phá hoại. Ông được cử về Viện Nghiên cứu Hóa học ở Hà Nội. Vừa làm nhân viên kỹ thuật, ông vừa theo học Khoa Hóa tại chức của Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội.
Bước ngoặt xảy đến khi ông Đình Khải tình cờ gặp lại người bạn cũ Kim Trạch, khi ấy đang công tác tại Ban miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam. Biết ông vẫn còn “máu” văn chương, Kim Trạch đã gợi ý cho Đình Khải đến với nghiệp làm báo.
Nhà báo Đình Khải (Ảnh: Hà Thành) 
Được ông Mai Thúc Long đồng ý, ông Đình Khải quay trở về với nghiệp cầm bút. Ông thậm chí bỏ luôn bằng kỹ sư Bách khoa vì thấy bằng đó chẳng để làm gì và cũng là để tập trung tối đa cho công việc viết lách sau này.
Những ngày đầu đến Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Đình Khải bị “choáng”. Ông được gặp những tên tuổi lớn mà ông từng nghe những bài viết của họ trên sóng phát thanh. Đó là Nguyễn Đức Chánh, bút danh Trung Ngôn, phụ trách mục “Câu chuyện châm biếm”; là Phan Đắc Lộc, bút danh Viễn Kính, phụ trách mục “Theo dòng thời cuộc”; là Trúc Thông, Đào Xuân Tân, Nguyễn Kim Trạch v.v…
Là người miền Bắc nhưng lại phải phụ trách công việc của Phòng Thành thị miền Nam nên thời gian đầu, ông Đình Khải gặp nhiều bỡ ngỡ. Ông phải bỏ rất nhiều thời gian ngồi đọc lại những số báo cũ, đồng thời tự tay biên soạn cuốn “Từ điển miền Nam” cho cá nhân để tiện phục vụ công việc.
Nhớ lại những ngày tháng cũ, ông Đình Khải cho biết: “Ngày ấy làm gì có mạng và thông tin nhiều như bây giờ. Gặp chữ nào khó quá, tôi đều phải đi hỏi, lúc thì đồng nghiệp, khi thì lãnh đạo. Bí quá thì ra Văn Miếu”. Cứ như thế, vốn từ miền Nam của ông ngày một dày thêm.
Thế rồi bài viết đầu tiên của ông trong nghiệp làm báo cũng ra đời. Ông vẫn nhớ như in, đó là câu chuyện viết về Nghiệp đoàn xích lô Sài Gòn. Lúc ấy, ông viết tay, chờ vợ con đi ngủ rồi kéo đèn ra hành lang của căn nhà tranh vách đất ở khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội cặm cụi viết cho tới quá nửa đêm. Sau nhiều lần gạch xóa be bét, viết đi viết lại, ông cũng hoàn thành. Để rồi 19h tối hôm sau, ông cùng gia đình như lặng đi, như nuốt từng lời bài viết qua giọng đọc của phát thanh viên Tuyết Mai.
Nếu như bài báo đầu tiên của ông vất vả bao nhiêu thì lần lên sóng phát thanh đầu tiên của ông lại tình cờ bấy nhiêu. Ông nhớ lại: “Hôm đấy có tin bão gấp mà các phát thanh viên chính đều đã đi về cả. Ngày ấy làm gì có điện thoại như bây giờ nên không gọi họ trở lại được. Chỉ còn mỗi mình tôi ở lại và tôi đã đọc bản phát thanh đầu tiên của mình về dự báo thời tiết như thế”.
Chính thức về Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1965, nhà báo Đình Khải nếm trải đủ mọi thăng trầm của công việc. Ông vẫn nhớ như in những ngày còn chiến tranh, sợ buổi phát thanh bị gián đoạn nên Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập thêm một cơ sở nữa tại Côn Minh, Trung Quốc. Hàng ngày vào buổi chiều, phát thanh từ Bà Triều lại đọc chậm văn bản cho phía bên kia chép. Với mỗi bản tin kéo dài 30 phút, thông thường phải mất vài tiếng đồng hồ mới đọc và chép xong.  
Đấy là bản tin thời sự, còn những chương trình như ca nhạc để phục vụ thính giả thì sao? Tất nhiên là không thể truyền qua mạng như bây giờ. Ông Đình Khải cùng với các nhân viên bộ phận kỹ thuật phải mang băng hình ra tận ga Hà Nội, theo tàu lên Lào Cai để sang Trung Quốc, Mỗi chuyến đi như thế thường kéo dài cả tuần lễ.
Thỏa niềm đam mê
BLV Đình Khải
(Ảnh: Hà Thành) 
Năm 1975, đất nước thống nhất, Ban miền Nam giải thể. Đúng vào dịp ấy, Trường Tuyên huấn Trung ương (Học viện Báo chí – tuyên truyền bây giờ) tuyển sinh. Đình Khải được Đài tiếng nói Việt Nam cử đi dự thi và trúng tuyển. 
Ra trường, vốn đam mê thể thao từ hồi còn là một cậu bé trường làng, Đình Khải quyết định xin về Ban Văn xã, cụ thể là Phòng Văn hóa – đời sống. Từ đây, ông bắt đầu được sống với ước mơ thời thanh niên.
Dĩ nhiên, thành công không đến với ông ngay lập tức. Là người đi sau ở tổ tường thuật, BLV Đình Khải thời gian đầu chỉ đi theo các ông Hoài Sơn, Huy Hinh và Trần Kiên để “xem” tường thuật. Cho tới khi ông Đinh Sơn Nhung xin thôi làm nhiệm vụ tổ chức sản xuất, Đình Khải mới chính thức trở thành BLV.
Hồi mới vào nghề, BLV Đình Khải coi BLV Hoài Sơn là như một "người thầy thầm lặng". Nói như thế là bởi trong thực tế quan hệ giữa Đình Khải và Hoài Sơn chưa bao giờ là quan hệ thầy trò đúng nghĩa. Đình Khải thường "học lỏm", ngồi bên cạnh nghe Hoài Sơn nói và thỉnh thoảng nói cùng, BLV Đình Khải học được nhiều điều về cách thức tường thuật một trận bóng đá trong thời gian này.
Ngoài ra, ông cũng phát hiện ra những "điểm yếu" của Hoài Sơn để tìm cách khắc phục. Vốn tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao nên Hoài Sơn có nhiều ưu thế trong việc nhìn nhận trận đấu dưới khía cạnh chuyên môn để đưa ra những phân tích và đánh giá cục diện trận đấu chuẩn xác. Nhưng Hoài Sơn có nhiều hạn chế trong việc sử dụng ngôn ngữ văn học và đời thường để làm chương trình thêm phong phú, hấp dẫn và đôi khi hài hước, dí dỏm khiến người nghe dễ tiếp thu hơn.
Từng bị nhận xét: “Đình Khải chỉ là người nói thay lúc Hoài Sơn uống nước”, nhưng ông không hề phật ý. Trái lại, ông càng tích cực rèn luyện như học thuộc lòng luật bóng đá, thử bình luận thầm trong đầu mỗi khi ra sân hay tự mình nói trong phòng nhiều giờ trước khi ra sân làm việc.
Cơ may cuối cùng cũng đến với ông vào năm 1979. Khi ấy, một trận đấu ở giải hạng nhất lẽ ra phải đá ở Thái Bình nhưng bị hoãn. Hôm trận đấu được tổ chức lại trên sân Hàng Đẫy, BLV Hoài Sơn đi công tác miền Nam. BLV Đình Khải mạnh dạn báo cáo với Trưởng phòng, đồng thời xin sóng bình luận một mình. Lúc đầu Trưởng phòng còn phân vân nhưng thấy ông quyết tâm, nên đồng ý. 
Buổi tường thuật sau đó thành công mỹ mãn và kể từ đó, Hoài Sơn - Đình Khải trở thành một cặp bài trùng, một dấu ấn khó quên đối với khán giả.
Nhà tường thuật đúng nghĩa
BLV Đình Khải
(Ảnh: Hà Thành) 
Làm việc ở Phòng văn hóa được gần 7 năm, đến đầu năm 1986, ông Đình Khải được điều về Phòng Thời sự. Khi ấy, Phòng Thời sự là nơi thực hiện các buổi tường thuật trực tiếp những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế - xã hội v.v… Tuy nhiên ngày ông mới chuyển công tác về phòng, đa số những buổi tường thuật là đọc lại văn bản được viết ra từ trước.
Chính Đình Khải là người đã thay đổi quan niệm về công việc tường thuật này. Ông đưa tường thuật về đúng thể tài của nó, nghĩa là ra tận hiện trường, miêu tả, bình luận về một sự kiện đang diễn ra, chọn những chi tiết đắt để người nghe như đang sống cùng trong sự kiện.
Ông chính là người đầu tiên tường thuật lễ tang các vị lãnh đạo nhà nước. Trước khi nhận nhiệm vụ, nhiều bạn bè đã tếu táo trêu ông: “Nhỡ mang bình luận bóng đá lên tường thuật thì hỏng”. Đáp lại, ông rất tự tin khi nói thẳng rằng, có thể đọc luôn đoạn mở đầu cho buổi lễ ngày hôm sau.
Thế rồi trước con mắt ngạc nhiên xen lẫn thích thú của nhiều người, giọng đọc truyền cảm của ông vang lên: "Đồng bào và chiến sĩ cả nước yêu mến. Hôm nay tại Hội trường Ba Đình lịch sử, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vô cùng thương tiếc đưa tiễn đồng chí… về nơi an nghỉ cuối cùng…".
Sau này khi có điều kiện làm cộng tác viên bình luận thể thao với BLV Hoài Sơn những chiều cuối tuần, ông Đình Khải vẫn luôn tự rèn luyện bản thân trên cương vị một phóng viên chính trị - thời sự. Ông tập được phản xạ, suy nghĩ đi trước lời nói bằng cách tự ghi âm trước buổi tường thuật, nghe đi nghe lại xem đã ổn chưa, còn khiếm khuyết ở chỗ nào, từ chuyện nhỏ nhất như việc lấy hơi, ngắt quãng cho đến việc phát âm tròn vành rõ chứ. 
Ông cũng rất chịu khó sửa sai từ những cái nhỏ nhất. Ví dụ có lần nghe các BLV trẻ nói: "Tạm dừng trận đấu hội ý" ở môn bóng chuyền, ông góp ý nên sửa thành: “Tạm dừng trận đấu để hội ý”. Như thế sẽ gãy nghĩa và đầy đủ hơn.
Hay như câu: "Đội Thể Công được hưởng quả đá phạt gần với cột cờ góc". Từ “gần với” chỉ xuất hiện trong văn nói hàng ngày, vì thế khi bình luận, nên sửa thành: “Đội Thể Công được hưởng quả đá phạt gần cột cờ góc” – vừa ngắn gọn lại đủ ý.
"Tường thuật bóng đá chỉ là một trong rất nhiều việc tôi đã làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng nó lại lấn át hoàn toàn công việc chính là phóng viên thời sự. Dù sao, việc được nhiều người yêu quý và nhớ đến cũng là niềm vui rất lớn đối với tôi rồi" - BLV Đình Khải chia sẻ.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn