Bình luận: Pháp với nước cờ chiến lược Libya và BBN

Thế giớiThứ Tư, 06/04/2011 02:22:00 +07:00

Từ một quốc gia luôn theo đuổi các giải pháp hòa bình, Pháp nay "trình diễn" bộ mặt mới bằng việc đi đầu trong cuộc chiến ở Libya và Bờ Biển Ngà.

Từ một quốc gia luôn theo đuổi các giải pháp hòa bình, Pháp nay "trình diễn" bộ mặt mới bằng việc đi đầu trong cuộc chiến ở Libya và Bờ Biển Ngà.

Thời gian gần đây, vai trò của Pháp trên chính trường quốc tế bất ngờ nổi lên mạnh mẽ với việc phát động hai chiến dịch quân sự chống Libya và Bờ Biển Ngà đồng thời lôi kéo cộng đồng quốc tế can thiệp vào các quốc gia này.

Pháp những năm trước đây được nhìn nhận là một nước phản đối mạnh mẽ cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Iraq và ủng hộ mọi nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng hay xung đột quốc tế. Vậy do đâu Pháp thay đổi?

Lợi ích riêng và những tính toán của Tổng thống Sarkozy?

Các nhà phân tích cho rằng những thay đổi bất thường gần đây của Pháp được bắt nguồn từ Tổng thống Nicolas Sarkozy với quan điểm hiếu chiến truyền thống và nỗ lực của giới chức Pháp nhằm dần đưa châu Âu thoát khỏi sự phụ thuộc lâu năm trên “chiếc ô an ninh” của Mỹ.

Tại thời điểm nhiều biến động trong thế giới Ả Rập và châu Á, các chuyên gia cho rằng, Pháp muốn cho thấy có sự liên quan giữa các vấn đề thế giới với tình hình khó khăn và suy giảm chung ở châu Âu.

Ngoài ra, còn một yếu tố khác rất quan trọng đó là Sarkozy chuẩn bị tham gia chiến dịch tái tranh cử vào năm tới và ông đang chơi trò đánh cược rằng thúc đẩy nhân quyền cũng như các giá trị Pháp sẽ giúp ông thu hút thêm nhiều phiếu bầu của cử tri do đánh thức trong tâm tưởng người dân suy nghĩ về một nước Pháp “vĩ đại”.

Việc can thiệp vào Libya cũng gây ra nhiều ngạc nhiên cho cộng đồng quốc tế về ông Sarkozy vì trước đó vào năm 2007, bản thân ông đã nồng nhiệt chào đón nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đến Paris khi hai nước ký kết một loạt các hợp đồng vũ khí và thương mại. Vậy mà chỉ một thời gian sau ông đã tập trung các nhà lãnh đạo châu Âu lại trong một cuộc chiến chống lại quốc gia Bắc Phi này. Và ẩn số đằng sau đó được nhiều nhà phân tích lý giải đó chính là trữ lượng dầu mỏ hấp dẫn ở nước này.

Không chỉ dừng lại ở đó, tuần này, Pháp cũng trở thành quốc gia đầu tiên tấn công Bờ Biển Ngà, một cựu thuộc địa của nước này. Hành động đó được cho là có liên quan đến các lợi ích kinh tế cũng như văn hóa lâu năm cũng như cả sự hiện diện quân sự của Pháp tại quốc gia Tây Phi này.

Pháp muốn hối thúc sự can dự của châu Âu đối với các vấn đề quốc tế?

Trong Liên minh châu Âu, Pháp và Anh là các cường quốc quân sự lớn nhất và sẵn sàng can thiệp ra nước ngoài trong khi đó các nước khác như cường quốc kinh tế Đức thường do dự khi gửi quân chiến đấu ra bên ngoài.

"Tôi nghĩ rằng Pháp ngày nay có thể tự hào đã tham gia bảo vệ dân chủ ở Bờ Biển Ngà”, Thủ tướng Pháp Francois Fillon phát biểu trước Quốc hội hôm qua 5/4.

Ngày 4/4, máy bay trực thăng của Pháp và Liên Hợp Quốc đã nã súng ở Bờ Biển Ngà và vô hiệu hóa các loại vũ khí hạng nặng như bệ phóng tên lửa và pháo của lực lượng trung thành với ông Gbagbo, người đã từ chối bàn giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử được LHQ công nhận Alassane Ouattara.

Lực lượng của Pháp ở Bờ Biển Ngà hiện có 1.600 binh sĩ đồn trú trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình từ khi LHQ áp đặt một lệnh ngừng bắn sau cuộc nội chiến ở quốc gia này năm 2002.

Ông Jean Dominique Giuliani, nhà phân tích chính trị, Chủ tịch Robert Schuman Foundation cho biết khi tham chiến ở Libya và Bờ Biển Ngà, Pháp cũng gián tiếp hối thúc các quốc gia châu Âu “sử dụng vũ lực khi cần thiết” để “bảo vệ công dân cùng các giá trị” của châu Âu.

Nhưng nhà phân tích Philippe Moreau Defarges thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRA) nói rằng: “Các chiến dịch quân sự của Pháp ở Libya và Bờ Biển Ngà đều được quyết định dựa trên lợi ích cụ thể của Pháp.”

Dominique Moisi, một cố vấn cao cấp tại IFRI, cho biết sau khi Pháp đóng vai trò chính trong các cuộc không kích chống lại quân đội của Gaddafi, nước này gần như phải tiếp tục các hành động quân sự đối với Bờ Biển Ngà, nơi Pháp có nhiều ảnh hưởng về kinh tế văn hóa và là nước cựu thuộc địa của Paris.

Moisi cho biết ở Libya và Bờ Biển Ngà, ông Sarkozy đã tiến hành một cuộc “đặt cược táo bạo”. Đây là con dao hai lưỡi đối với ông vì ngoài việc tìm kiếm các lợi ích cơ bản thì vấn đề sa lầy vào các cuộc chiến ở nước ngoài cũng có thể khiến ông phải đối mặt với những khó khăn ngày càng trầm trọng hơn từ tình hình trong nước.

Theo
Quang Minh (AP, MSNBC/Dvt)

Bình luận
vtcnews.vn