Biệt đội cảm tử toàn sinh viên, công chức sẵn sàng liều mạng cứu người ở Philippines

Thế giớiThứ Bảy, 03/06/2017 07:49:00 +07:00

Họ là 30 tình nguyện viên sẵn sàng lao qua bom rơi, đạn lạc ở tiền tuyến để giải cứu dân thường ra khỏi vòng vây của khủng bố.

Marawi, thành phố từng là khu đô thị sầm uất ở miền Nam Philippines giờ đây trở nên hoang tàn sau một tuần bị Maute, nhóm phiến quân thân IS chiếm đóng. 

Mặc dù lực lượng quân đội Philippines vẫn đang làm mọi cách chiếm lại Marawi, nhưng cho tới nay vẫn có khoảng 2.000 dân thường đang mắc kẹt trong trận chiến khốc liệt.

4728

Phần lớn các thành viên của Biệt đội cảm tử là sinh viên và công chức nhà nước.

Nhưng họ chưa biết bao giờ hết hi vọng khi biết tới sự tồn tại của Biệt đội cảm tử dù với chỉ vỏn vẹn 30 thành viên nhưng luôn sẵn sàng lao vào bom rơi, đạn lạc ở tiền tuyến để giải cứu dân thường ra khỏi vòng vây khủng bố.

“Các tay súng nắm rất rõ về khu vực này. Chúng có thể dễ dàng thiết lập các khu vực thuận lợi để bắn tỉa”, Ross Alonto, người điều phối hai đội cứu hộ của biệt đội này nói về những khó khăn trong quá trình hoạt động.

Ngoài việc phải né kẻ thù, nguy cơ bị quân chính phủ không kích nhầm cũng là mối đe dọa tiềm ẩn với biệt đội. Hôm 31/5, 10 binh sỹ Philippines đã thiệt mạng vì quân chính phủ không kích nhầm. 

Trong 7 ngày qua, các thành viên của biệt đội này không ít lần phải hứng hụt bom, đạn và pháo binh trên chiến trường. Do chỉ là lực lượng tự phát nên các trang thiết bị của họ cũng rất thô sơ, chỉ có chiếc mũ bảo hiểm leo núi chống đá rơi vào đầu chứ gần như không có ích gì trước bom đạn.

“Chúng tôi giống như lực lượng mũ bảo hiểm trắng”, Abdul Azis Lomondot, thành viên của biệt đội so sánh tổ chức của mình với nhóm các tình nguyện viên có mặt tại hiện trường sau những trận mưa bom dội xuống Syria để cứu người.

Video: Giao tranh ở Philippines, nguy cơ khủng bố lan ra toàn Đông Nam Á

Tuy nhiên không giống như Mũ bảo hiểm trắng, nhiều thành viên của Biệt đội cảm tử không có kinh nghiệm y khoa. Họ phần lớn là sinh viên và công chức nhà nước. 

“Tôi không được đào tạo về y khoa nhưng tôi muốn giúp đỡ mọi người. Tôi biết chúng tôi đang mạo hiểm cuộc sống của mình. Nhưng chúng tôi cũng không muốn thấy các cuộc giao tranh đang xảy ra ở một nơi từng rất yên bình như Marawi”, Lomondot, sinh viên ngành quan hệ quốc tế cho hay. 

Theo The Guardian, biệt đội này được thành lập sau khi chính phủ Philippines thành lập đường dây nóng để những người mắc kẹt có thể liên hệ. 

“Bạn có thể nói đó là tự phát. Chúng tôi nhận được cuộc gọi từ người dân sau đó xác định vị trí của họ rồi bắt đầu lên kế hoạch giải cứu”, Alonto cho hay.

Song Hy (Nguồn: The Guardian)
Bình luận
vtcnews.vn