Biên tập viên Hoài Thương - Tin ở hoa Hồng

Tổng hợpThứ Sáu, 03/12/2010 05:27:00 +07:00

Khó khăn lắm tôi mới "bắt cóc" được Hoài Thương hơn một tiếng đồng hồ trước khi cô chuẩn bị lên đường đi Cao Bằng một tuần liền.

HTML clipboard

Khó khăn lắm tôi mới "bắt cóc" được Hoài Thương hơn một tiếng đồng hồ trước khi cô chuẩn bị lên đường đi Cao Bằng một tuần liền. (Thú thật là không chỉ mình Thương, mà muốn mời bất cứ BTV nào của kênh VTC14 ngồi thư thả nhâm nhi một cốc cà phê buổi chiều thôi cũng có vẻ… bất khả thi). Và để Thương có thời gian chuẩn bị hành lý cho chuyến công tác dài ngày, chúng tôi ngồi với nhau ở ngay bàn làm việc của cô, giữa ngổn ngang những mẩu giấy "note" vàng chi chit kế hoạch.

"Quả ngọt" đầu tiên

Ngày 31/10/2010 là một ngày đáng nhớ đối với BTV Hoài Thương khi cô được đứng cạnh những "tiền bối" của làng báo để nhận giải thưởng báo chí ASEAN cho phóng sự của mình. Đây được xem là "quả ngọt" đầu tiên mà cô đã gặt hái được sau hơn một năm gắn bó với kênh VTC14.



Tác phẩm "Làng gốm Bát Tràng- chuyển đổi và phát triển", mới nghe qua sẽ thấy không có gì mới mẻ và hấp dẫn, bởi đề tài về Bát Tràng đã được báo chí "cày xới" rất nhiều. Đó cũng là áp lực lớn nhất với Thương trong quá trình đi tìm màu sắc riêng cho phóng sự của mình. "Các làng nghề ở Việt Nam hiện nay hầu như đang bị ô nhiễm nặng nề. Nhưng ở Bát Tràng, tình hình này đã được cải thiện rõ. Em đã quyết định khai thác góc nhìn tích cực về môi trường trong quá trình chuyển đổi từ lò than sang dùng lò ga ở làng gốm Bát Tràng hiện nay"- Hoài Thương cho biết.

17 tuổi, Thương là bông hoa thơm nức tiếng ở trường cấp 3 chuyên Hà Tĩnh với đôi mắt buồn và vẻ đẹp mong manh khiến bất kỳ chàng trai nào cũng muốn mở vòng tay bảo bọc, che chở. 20 tuổi, đôi mắt Thương vẫn đẹp và buồn. Rồi cô dành giải Miss được yêu thích nhất đồng thời lọt Top 5 cuộc thi Hoa khôi ĐH KHXH&NV và ẵm luôn danh hiệu Miss có gương mặt khả ái trong cuộc thi Hoa khôi thanh lịch ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2008. 
Mở đầu tác phẩm là hình ảnh những cột khói từ lò than nhem nhuốc cả một vùng trời, tiếp đó là vẻ lung linh, tinh tế của những sản phẩm gốm khi được chuyển đổi sang làm bằng lò ga. Và câu chuyện được diễn tiến theo dòng hoài niệm của người nghệ nhân nhiều năm gắn bó với nghề làm gốm ở Bát Tràng. Hoài Thương chia sẻ, may mắn lớn nhất là cô đã gặp được nghệ nhân Tô Thanh Sơn, một người rất tâm huyết với nghề gốm và quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển làng nghề. Qua câu chuyện của ông, khán giả như nhìn thấy từng bước chuyển mình của làng gốm, đặc biệt là những thay đổi từ khi người dân sử dụng lò ga thay cho lò than. Sự thay đổi này không chỉ nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm mà còn giúp bảo vệ môi trường. Với lò ga, các sản phẩm giả cổ trở nên tinh tế hơn, không còn nguy cơ bị nứt hay hỏng màu men do không kiểm soát được nhiệt độ. Giữa bối cảnh một số làng nghề khác đang bị ô nhiễm không khí, nguồn nước một cách nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của con người thì về Bát Tràng hôm nay, du khách được hít thở một không gian trong lành hơn, sạch đẹp hơn.

Kế hoạch ban đầu chỉ tác nghiệp trong vòng một ngày nhưng do trời mưa tầm tã nên cả nhóm phải lặn lội đi quay suốt ba ngày liền. Hình ảnh về Bát Tràng cũng đã xuất hiện quá phổ biến, nên làm thế nào để có được những cảnh quay độc đáo, không bị lẫn với các tác phẩm khác là điều mà Hoài Thương và quay phim Đại Dương luôn trăn trở trong suốt hành trình. Và điều mà nữ BTV hài lòng nhất trong tác phẩm của mình chính là những góc máy đẹp, đầy sắc màu được quay phim Đại Dương tái hiện một cách tinh tế, nghệ thuật.

 

Hầu như người ta mới chỉ biết đến những sản phẩm gốm được bày bán trên kệ, nhưng trong phóng sự, khán giả được thấy hình ảnh lung linh xanh đỏ tím vàng của chúng khi vừa mới ra lò. Những chuyến xe chở các bình ga nhiều màu sắc cũng nối đuôi nhau len lỏi vào mọi ngõ xóm. Màu xám thê lương của những cột khói từ lò than xưa kia đối lập với màu xanh mơn mởn của cây cối được sống trong bầu không khí trong lành hiện tại. Và kết thúc tác phẩm là cảnh hai nghệ nhân, một già một trẻ, ngồi trò chuyện trong ngôi nhà cổ, giữa những sản phẩm giả cổ, xung quanh khung cảnh nên thơ, hữu tình. Họ trao đổi với nhau câu chuyện cuộc sống, những ký ức, hiện tại và tương lai. Cả hai đều có chung một thú chơi cây, và cây muốn phát triển tốt phải được sống ở một môi trường trong lành.

Khai thác vấn đề từ góc nhìn môi trường nhưng tác phẩm của Thương không hề khô cứng, mà ngược lại rất mềm mại, trữ tình. Tác phẩm đã thuyết phục người xem khi để cho người nghệ nhân được nói lên những suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của người trong cuộc.

Có một điều thú vị là Hoài Thương thực hiện phóng sự này để phục vụ cho chuyên đề Môi trường sức khỏe chứ không hề nghĩ sẽ đi dự thi. Cô rất bất ngờ khi "đứa con cưng" của mình nằm trong 4 tác phẩm được lãnh đạo kênh chọn đi tham gia Liên hoan ảnh, phim tài liệu và phóng sự về đất nước, con người trong cộng đồng ASEAN- Việt Nam 2010, và bất ngờ hơn khi nhận tin tác phẩm của mình đạt giải, dù chỉ là giải Khuyến khích nhưng rất có ý nghĩa trong một cuộc thi báo chí tầm cỡ của khu vực. Tin vui đến khi Hoài Thương vẫn còn đang "chinh chiến" tác nghiệp ở miền Trung trong đợt lũ lịch sử vừa qua. Vui mừng và hạnh phúc với "quả ngọt" đầu tiên gặt hái được trên con đường làm báo nhưng Thương vẫn ghi nhớ lời dặn của sếp: "Đây coi như dấu ấn đầu tiên trong nghề nghiệp của em nhưng hãy xem đó là bàn đạp để mình cố gắng hơn nữa trong quá trình làm nghề, bởi nghề báo không phải là những hào quang như người ta nhìn từ bên ngoài mà muốn từ phóng viên trở thành nhà báo giỏi thì còn phải cố gắng hơn nữa". Nhờ những lời nói đầy tâm huyết đó mà Hoài Thương luôn tự nhủ phải càng cố gắng hơn trong mỗi tác phẩm của mình.

"Tỉnh táo và lì lợm…"

Mặt mũi sáng sủa, hiền lành, hồi đầu đi làm, Thương khổ sở vì cái vẻ ngoài "non choẹt" của mình. Đến nỗi mỗi lần đi tác nghiệp, cô đều phải khai gian thêm vài ba tuổi, rồi chăm chỉ mặc vest để trông chững chạc hơn, thậm chí «khai man» là … đã có gia đình.

"Tỉnh táo và lì lợm"- Đó là những tố chất mà theo Hoài Thương là rất cần thiết để có thể theo đuổi nghề báo, đặc biệt là làm tốt công việc của cô hiện tại. Bên cạnh việc tham gia sản xuất tin bài cho bản tin Nhật ký cuộc sống phát sóng hàng ngày, Hoài Thương còn đảm nhiệm chuyên đề Môi trường sức khỏe cùng 3 BTV khác. Môi trường sức khỏe đề cập đến khá nhiều vấn đề thời sự gai góc trong cuộc sống. Là thân con gái, lại còn trẻ nên trong quá trình tác nghiệp, không ít lần Thương gặp những tình huống nhạy cảm, gây lúng túng và áp lực. Nhưng rất may là cảm giác đó nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho sự quyết tâm, hăng máu phải thực hiện bằng được. "Càng làm lại càng thấm thía rằng phải biết tỉnh táo để nhận định cái nào đúng cái nào sai và phải lỳ lợm theo đuổi mục đích của mình đến cùng"- Thương gật gù chia sẻ. Có lẽ vì thế mà chuyên đề Môi trường sức khỏe là nơi tập trung "những người có cá tính mạnh", theo như lời của lãnh đạo kênh.


Sau chuyến đi quay phóng sự về con sông Ngũ Huyện Khê ở Bắc Ninh bị ô nhiễm, cả Hoài Thương và ê-kip đều bị tức ngực, khó thở. Chưa kể đến việc không được người dân chào đón, thậm chí còn bị xua đuổi, dọa dẫm. Để ghi được những hình ảnh giữa ban ngày người dân đổ rác ra đường, ra sông một cách rất tự nhiên, Thương và quay phim đã phải dùng chiêu "anh hùng núp", rình mò suốt một ngày trời bên bờ sông nồng nặc hôi thối. Rồi lần khác, Thương phải xông vào đập cửa UBND xã Quang Lãng- Phú xuyên để chất vấn bằng được vị cán bộ xã đang trốn bên trong về việc để nhà máy gạch xả khói gây ô nhiễm môi trường.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Hà Tĩnh, năm nào Thương cũng phải chứng kiến những trận bão lũ, nhìn cảnh gia đình và người dân điêu đứng chống chọi với thiên tai. Ngày trước cũng chỉ biết đắng lòng đứng nhìn. Nay, những chuyến đi về miền Trung làm lũ, Thương luôn là người xung phong đầu tiên. Cô vẫn còn nguyên cảm xúc khi nhớ lại chuyến đi công tác trong đợt lũ ở miền Trung vừa qua. Dẫu đã quen lắm rồi nhưng khi đứng trước một không gian mênh mông nước, không thể định vị được đâu là sông, đâu là bờ, Thương vẫn bị sốc. Sốc nhưng không hề sợ hãi, chỉ thấy xót xa. Thương đã nhắn tin hỏi sếp và trăn trở với chính lòng mình: «Làm sao thể hiện được sự khốc liệt của trận lũ lịch sử này đối với quê hương mình đây?». «Cái đơn giản nhất chính là cái hiệu quả nhất, đừng dùng ngôn từ để khỏa lấp sự đơn giản». Đó là câu nói mà Thương không bao giờ quên được. Hình ảnh đắt nhất, chân thực nhất, là điều mà bất cứ một người làm truyền hình nào cũng hướng tới. «Một sự định hướng tốt từ những người đi trước luôn tạo ra hiệu quả». Thương nói.


"Hôm lũ dâng cao nhất, nhóm đang làm chương trình ở huyện Hương Khê thì 12h đêm em nhận được điện thoại của mẹ từ huyện Cẩm Xuyên báo là nhà cũng đang ngập nặng. Không thể liên lạc được với bố, ở nhà chỉ có mẹ và em trai. Mẹ thì khóc. Lòng em rối bời vì không biết phải làm gì, trong khi bản thân mình cũng đang phải chạy lũ vì nước đã ngập vào khách sạn, không thể vào lấy đồ được… Hai ngày liền không chợp mắt, quần áo không được thay, nước lên ngang ngực. Nhiều lúc cảm thấy bà con thì kiệt quệ mà mình thì rã rời"- Thương đã trải qua 10 ngày chiến đấu với lũ lụt như thế, và chính những tình cảm của một người con miền Trung đã giúp cho các tác phẩm của cô có những cảm nhận sâu sắc hơn, chân thật hơn. Kết quả là phóng sự Nhật ký những ngày xa mẹ phát sóng trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp Thương quá Miền Trung đã khiến bao nhiêu người rơi nước mắt vì cảm động. Thương bảo nó được vẽ từ chính cảm xúc của một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nắng gió Hà Tĩnh.

"Gục ngã trước màu đỏ"

Đó là lời "thú tội" của cô nàng "Môi trường sức khỏe". Màu đỏ thể hiện sự mạnh mẽ, nhiệt huyết, đầy sức sống. Vì thế, từ quần áo, túi xách, sổ sách linh tinh… của cô đều có màu đỏ. Màu đỏ cũng là màu may mắn bấy lâu nay của Thương.

Thật ra, tôi biết Thương cũng đã khá lâu.

17 tuổi, Thương là bông hoa thơm nức tiếng ở trường cấp 3 chuyên Hà Tĩnh với đôi mắt buồn và vẻ đẹp mong manh khiến bất kỳ chàng trai nào cũng muốn mở vòng tay bao bọc, che chở. Ba năm liền là học sinh giỏi tỉnh môn Văn, Sử, Thương cũng là thành viên đội tuyển Lịch sử của trường tham gia các kỳ thi quốc gia.

20 tuổi, đôi mắt Thương vẫn đẹp và buồn. Rồi cô giành giải Miss được yêu thích nhất, đồng thời lọt Top 5 cuộc thi Hoa khôi ĐH KHXH&NV và ẵm luôn danh hiệu Miss có gương mặt khả ái trong cuộc thi Hoa khôi thanh lịch ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2008. Cũng trong năm học này, Hoài Thương được nhận bằng khen của ĐH Quốc gia vì đã có nhiều thành tích tham gia công tác đoàn hội.

23 tuổi, tôi hơi ngạc nhiên khi Thương quyết định đầu quân về kênh VTC14. Vẻ mềm mại, nhẹ nhàng của cô có lẽ sẽ hợp hơn với những tờ tạp chí gia đình hay làm đẹp… Tôi đã từng nghĩ thế. "Con gái sinh năm 87 bướng lắm chị ạ, đã thích là phải làm bằng được"- Thương cười giải thích. Lúc đăng ký thi tuyển vào kênh VTC14, vẫn biết đây là kênh về "thiên tai, thảm họa", bạn bè lại dọa dẫm, can ngăn nhưng cô nàng vẫn nhất quyết thử sức để rèn luyện tay nghề. Vừa mới đây, Thương cũng tự làm một tổng kết nho nhỏ sau hơn một năm gia nhập ngôi nhà VTC14 và nhận thấy mình thật sự trưởng thành hơn nhiều. Làm việc trong môi trường toàn những người trẻ, cạnh tranh là không tránh khỏi, nhưng là cạnh tranh tích cực, thúc đẩy cô tiến bộ nhanh hơn.

 

Sau một quá trình, chưa đủ dài nhưng cũng không quá ngắn, vật lộn với những trải nghiệm, thử thách, rồi trở thành một nữ BTV vào hàng "cứng" của kênh, đôi mắt Thương vẫn đẹp, vẫn buồn nhưng sâu thẳm bên trong là sự tự tin, quyết liệt và đầy đam mê. Ở Thương có sự giao thoa của hai con người: một tâm hồn thiếu nữ nhạy cảm trước tình yêu, cuộc sống và sự bản lĩnh, mạnh mẽ của một phóng viên truyền hình say nghề.

Tôi trêu: "Mắt buồn thế này thì khổ lắm em ơi!". Cô nàng cười hí hí: "Buồn ngủ ý chứ. Nói thật, nhiều người cũng đã bảo thế. Mà khổ thật chị ạ, khổ nhất là đến giờ vẫn chưa có người yêu". Đấy là cứ nói thế thôi. Vì ngay sau đó, đã thấy cô nàng chép miệng: "Mà cũng may chị ạ, chứ có người yêu rồi chắc gì "nó" đã cho mình đi nhiều như thế này".

Gia đình không có ai theo nghề báo, nhưng Thương rất tự tin trên con đường mình đã chọn. Nhìn con gái lăn lộn khắp nơi, nay đồng bằng, mai đã lên miền núi, đôi lúc bố mẹ cũng "thương hoa tiếc ngọc", nhưng rồi chỉ biết chép miệng không dám can ngăn, bởi phụ huynh hiểu tính cô con gái đã đam mê điều gì thì sẽ theo đuổi đến cùng. "Bố mẹ than thở là từ khi đi làm, con gái cứ đi biền biệt, chẳng thấy về thăm nhà. Mà nếu có thì những cuộc gặp đó thường rất ngắn ngủi và mang tính "tranh thủ" đi công tác, thành ra có năm mãi đến Tết mới thấy lò dò về điểm danh"- nữ BTV xinh đẹp kể lại.

Đi nhiều, không bị say xe nhưng Thương lại hay ốm vặt, thế nên, thuốc men lúc nào cũng sẵn sàng bên mình. Những chuyến đi đột xuất (mà phần lớn là đột xuất), cô nàng chỉ kịp gọi điện về nhờ em gái "tống hết tất cả vào vali mang lên cơ quan hộ chị". Có khi cũng chẳng kịp xem lại trong vali có gì.

Quan điểm của Hoài Thương là không bao giờ để người khác thấy mình yếu đuối. Những cảm xúc đó, cô giữ lại riêng cho mình mỗi buổi tối sau khi đi làm về. "Lâu rồi em không khóc, mà đã khóc là khóc nức nở và không để ai biết. Sau đó, chùi nước mắt, đi ngủ, mai lại cân bằng và tiếp tục chiến đấu"- cô vừa nói vừa vân vê tờ giấy "note". Ít khóc không phải vì cuộc sống đã hết chuyện buồn, mà từ khi đi làm, trải nghiệm và lớn khôn, Thương đã tự học cách cân bằng cảm xúc của mình. "Khóc không hẳn đã yếu đuối. Khóc được cũng tốt, chứng tỏ mình vẫn còn cảm xúc. Không khóc được nghĩa là mình đã chai sạn, mất hết cảm giác rồi chị ạ"- thiếu nữ trầm ngâm chia sẻ. Thường thì nước mắt của cô dành cho chuyện tình cảm, gia đình. Còn nước mắt giành cho nghề thì đôi lúc có nghẹn ngào nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Thế thôi!

Trên blog cá nhân của Thương luôn tràn ngập những cảm xúc sâu sắc và đầy trải nghiệm về tình yêu, cuộc sống. Có lẽ sẽ hơi già dặn so với một thiếu nữ vừa mới tròn 23 mùa xuân, nhưng lại rất hợp lý với một cô gái sớm biết tự lập, bản lĩnh và không ngại khó khăn lăn lộn với nghề báo như Hoài Thương.

Với Thương, thế giới luôn có muôn màu sắc và hiện tại, cuộc sống của cô đang được vẽ bằng ba màu cơ bản: màu trắng ổn định và dung hòa giữa tình yêu, công việc; màu đen là những gian nan, thử thách của năm tháng tuổi trẻ và màu đỏ thể hiện cho sự mạnh mẽ, vững tâm vượt qua mọi khó khăn. Dù cuộc sống không phải lúc nào cũng tràn ngập những bản tình ca, nhưng Hoài Thương vẫn tin ở hoa hồng, tin vào những lý tưởng mà mình đang theo đuổi.

Thanh Hương





Bình luận
vtcnews.vn