Bích họa Ninh Bình: Hình phạt thảm khốc của nhà Lê?

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 21/06/2012 05:48:00 +07:00

(VTC News) - Sử sách mô tả ông vua này như một quái nhân, thích chứng kiến những trò hành hình dã man như xẻo thịt, róc xương, đốt người...

(VTC News) - Sử sách mô tả ông vua này như một quái nhân, thích chứng kiến những trò hành hình dã man như xẻo thịt, róc xương, đốt người, bắt người trèo cây cao rồi chặt cây đổ chết…


Từ nhân vật trung tâm là người đàn ông dữ tợn của nham bích họa (Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình), PGS.TS. Trình Năng Chung mở rộng diện quan sát ra những hình vẽ xung quanh. Hầu hết các hình vẽ thể hiện điệu bộ, dáng vẻ của con người, nhưng tiết diện hình vẽ nhỏ hơn và đơn giản hơn.

Ngay phía dưới người đàn ông dữ tợn, tức phía trên cùng của một nhóm người nhỏ là hình một người ngồi trên ghế, đầu đội mũ, mang khuôn mặt tươi vui. Phía dưới hình này là những hình người mang tính cách điệu cao, người cầm dao, người cầm chùy, người đang túm người khác quăng đi, người nắm tay nhau nhảy múa…

Khu ngập nước Vân Long 

Theo TS. Trình Năng Chung, nhìn một cách tổng quát, thì có thể bích họa mô tả một buổi hành hình, hoặc tra tấn. Những người thực thi nhiệm vụ tra tấn đều có vũ khí trong tay, mang khuôn mặt dữ tợn. Ngược lại, những nạn nhân đều mang dáng vẻ sợ hãi, không có vũ khí.

Từ bích họa mà người đàn ông dữ tợn là trung tâm, các nhà nghiên cứu mở rộng phạm vi tìm kiếm ra khắp vách đá. Chúng tôi thay nhau vục nước dưới đầm sen té lên vách đá.

Người đàn ông dữ tợn dẫm chân lên hình người nhỏ xíu. 

Nước chảy đến đâu, những bích họa đỏ ối hiện lên đến đó. Từ những vách đá trơn nhẵn, đến vách đá xù sì, bị đục đẽo nham nhở, phong hóa mài mòn, cũng đều có bích họa. Tuy nhiên, những hình vẽ ở vị trí xa người đàn ông dữ tợn đều nhỏ và rời rạc.
 Nham bích họa trên vách đá xuất hiện nhiều nhất ở núi Hoa Sơn (Quảng Tây, Trung Quốc), cách Việt Nam không xa. Ngoài ra, loại bích họa này còn có ở miền Trung Thái Lan, đảo Java (Indonesia). Ở Quảng Tây, bích họa xuất hiện dọc vách đá của một con sông dài cả trăm km. Tuy nhiên, các nham họa ở Trung Quốc mang phong cách biểu tượng, còn những hình vẽ mái đá Cửa Chùa thì mang phong cách tả thực.

Theo ông Trần Xuân Quang, Trạm trưởng Trạm du lịch sinh thái Vân Long, sở dĩ bích họa chỗ người đàn ông dữ tợn còn giữ được tương đối nguyên vẹn, vì ít bị tác động nhất của lò nung vôi. Lớp đá ở những vị trí sát với lò nung vôi bị biến chất nặng nề. Ngoài ra, nhiều chỗ bị những người thiếu ý thức đục đẽo sâu vào vách đá, làm mất đường nét.

Nhưng điều khá đặc biệt, là các nhà nghiên cứu tìm thấy một số chữ Hán. Có chữ ở độ cao lên tới 4m. Để vẽ được chữ ở độ cao này, phải dùng thang, giàn giáo, cũng có thể người xưa trèo lên cành cây để vẽ.

Người, khỉ, hay mèo? 

Tuy nhiên, hầu hết những chữ này đều mất nét, mờ, rất khó đọc. Duy nhất có 2 chữ còn rõ ràng, mà các nhà nghiên cứu đều đọc được, đó là 2 chữ “bất bình”.

Qua nghiên cứu nét mực thổ hoàng, độ mờ, phong cách thể hiện, TS. Trình Năng Chung tin rằng, những chữ Hán, một số hình vẽ nhỏ xung quanh chữ, có liên hệ với hệ thống bích họa quanh người đàn ông dữ tợn. Theo ông, chúng đều cùng một tác giả hoặc nhóm tác giả và cùng được thực hiện vào một thời điểm nhất định.

Bích họa bị mờ vì sự phá hoại của con người. 

Từ 2 chữ này, cùng với nội dung của bích họa, các nhà nghiên cứu đưa ra vài đáp án để giải mã. Thông điệp mà người xưa chuyển tải, có thể là: “Hình phạt gây bất bình cho xã hội”, “nơi giải quyết chuyện bất bình” hoặc “bất bình với xã hội”...

Vì chỉ đọc được 2 chữ, nên các nhà nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở những phán đoán đại loại như vậy. Các nhà khoa học đều cố gắng chụp lại các nét chữ bị mờ, vẽ lại các hình để tiếp tục nghiên cứu, giải mã kỹ hơn.

Trong loạt bài viết năm 2011, khi phát hiện những bích họa trên vách đá, tôi đã cố gắng tìm hiểu lịch sử vùng đất và đưa ra một số giả thuyết về chủ nhân của những bích họa này.

Theo đó, ngay cạnh vách đá có bích họa là hang Thúi Thó, nơi cư ngụ của người tiền sử 10 ngàn năm trước, đo đó, có thể chủ nhân của những hình vẽ này là người tiền sử.

Đến thời Hai Bà Trưng, vùng đất Vân Long là nơi ở của tứ vị Hồng Nương, là 4 vị nữ tướng của Hai Bà Trưng. Khi Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, 4 bà đã rời vùng quê Gia Viễn theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc Hán. Đánh đuổi giặc Hán rồi, 4 bà lại về vùng đất này sinh sống. Do đó, bích họa có thể xuất hiện từ đầu công nguyên.

 
Các nhà nghiên cứu đang ghi chép, giải thích các bích họa trên mái đá Cửa Chùa. 

Năm 1956, GS. Dương Chí Thành, thuộc Học viện dân tộc Trung ương Trung Quốc, đã công bố tài liệu “Ninh Minh huyện Minh Giang lưỡng ngạn nhai bích cổ họa điều tra” (tài liệu nghiên cứu về nham bích họa) cho rằng, những bích họa ở Quảng Tây mô tả cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu Công nguyên. GS. Thành cho rằng, những bích họa này là di tồn của cuộc khởi nghĩa đó.

Từ nghiên cứu của ông Dương Chí Thành, mà suy diễn những nham bích họa ở mái đá Cửa Chùa xuất phát từ thời Hai Bà Trưng, cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, giả thiết đáng tin nhất là nham bích họa ở khu ngập nước Vân Long xuất hiện từ thời Đinh hoặc Tiền Lê, cách đây hơn 1.000 năm. Những bích họa này có thể liên quan đến việc vua Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân? Hình ảnh người to lớn tay cầm chùy, tay cầm đao là tướng, còn những người nhỏ nhảy múa reo hò, tay cầm vũ khí là quân, ăn mừng chiến thắng? Những người bị trừng phạt chính là kẻ thất bại?

Theo TS. Trình Năng Chung, xét về bối cảnh lịch sử, thì vùng đất Gia Viễn – Hoa Lư là nơi in đậm dấu tích các vương triều Đinh, Tiền Lê. Vùng Gia Viễn cũng là quê hương của hoàng đế Đinh Tiên Hoàng.

Mặc dù là nhà nước quân chủ tập quyền đầu tiên, còn rất non trẻ, nhưng nhà Đinh rất coi trọng hình pháp và hình pháp vô cùng hà khắc. Theo sử sách, vua Đinh cho đặt vạc dầu lớn, nuôi hổ dữ để trừng trị tội phạm, những kẻ nổi loạn, chống đối.

Hình ảnh ông vua Lê Long Đĩnh? 

Dưới thời vua Lê Đại Hành, hình pháp càng trở nên hà khắc. Các quan, tướng, dù mắc lỗi nhỏ cũng bị xử tử.

Thời Lê Long Đĩnh thì hình pháp trở nên quái dị. Sử sách mô tả ông vua này như một quái nhân, thích chứng kiến những trò hành hình dã man như xẻo thịt, róc xương, đốt người, bắt người trèo cây cao rồi chặt cây đổ chết… Ông vua này còn róc mía bằng dao sắc trên đầu nhà sư. Ông ta cố tình chém vào đầu nhà sư đến chảy máu.

Hình vẽ một người ngồi trên ghế (ngai vàng) quan sát cảnh hành hình với cái miệng nhoẻn cười, khiến TS. Trình Năng Chung liên hệ với cách hành xử của ông vua Lê Long Đĩnh.

Tuy nhiên, theo TS. Chung, tất cả những phân tích, giải mã trên đây mới dừng lại ở giả thuyết. Để có được giải mã toàn diện cần phải tiếp tục nghiên cứu và phải có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu khác nữa.

Chúng tôi rời khu ngập nước Vân Long trong buổi chiều tà. Đàn voọc mông trắng hót ríu ran trên dãy Hoàng Quyển xa xa. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, hệ thống bích họa còn chứa đựng rất nhiều bí ẩn và còn cần phải quay lại nhiều lần để tiếp tục giải mã.

“Rất nhiều khả năng, nội dung bức tranh miêu tả quang cảnh những buổi hành tội thảm khốc có liên quan tới nhà Tiền Lê. Đặc biệt có cảnh một người ngồi trên chiếc nghế có ngai, miệng nhoẻn cười đang quan sát đoàn người hành hình khiến tôi cứ liên tưởng tới cách hành xử của ông vua Lê Long Đĩnh. Không gian xung quanh khu vực Vân Long trước đây 1.000 năm khá hẻo lánh, thâm u với núi rừng, lau lách. Tôi cứ suy nghĩ mãi về 2 chữ “bất bình” đọc được trong dòng chữ Hán chữ được chữ mất. Rất có thể chủ nhân của bức họa đã cố tình tìm vào nơi hoang vắng ít dấu chân người, vẽ nên bức tranh thời cuộc, bày tỏ nỗi lòng u uẩn, bất mãn với những biện pháp xử lý hà khắc, tùy tiện của chính quyền đương thời”.

                                    
PGS.TS. Trình Năng Chung(Lê Quân ghi)


Phạm Ngọc Dương


Bình luận
vtcnews.vn