Bia Sài Gòn: Nặng nợ ngân hàng, vẫn chi 3 tỷ đồng mỗi ngày cho quảng cáo

Kinh tếThứ Hai, 07/11/2016 14:34:00 +07:00

Vẫn phải “treo” hàng trăm tỷ đồng vì lỡ đầu tư vào ngân hàng nhưng Bia Sài Gòn (Sabeco) vẫn bạo tay, chi gần 3 tỷ đồng mỗi ngày cho quảng cáo.

Ngay sau khi chào sàn, cổ phiếu BHN của Tổng công ty Bia rượu- nước giải khát Hà Nội (Habeco) – Bia Hà Nội đã làm mưa làm gió trên sàn Hà Nội khi liên tục tăng trần, và tăng tới 200% kể từ ngày 28/10.

BHN “nóng” hầm hập khiến cổ phiếu ngành bia trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán. Trong đó, “anh cả” Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – Bia Sài Gòn nhận được sự quan tâm nhiều hơn.

Vì vậy, báo cáo tài chính quý 3/2016 mới được công bố của Bia Sài Gòn được giới đầu tư rất chú ý. Điểm nhấn trong báo cáo này vẫn là Sabeco vẫn còn nặng nợ ngân hàng và Sabeco mạnh tay chi gần 3 tỷ đồng mỗi ngày cho quảng cáo.

Chi 3 tỷ mỗi ngày cho quảng cáo

Sabeco thường xuyên nằm trong danh sách các doanh nghiệp mạnh tay chi cho quảng cáo. Quý 3/2016 cũng vậy. Trong 9 tháng đầu năm, chi phí quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ của anh cả ngành bia là 799 tỷ đồng, tăng 118 tỷ đồng, tương ứng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

bia sai gon

Bia Sài Gòn chi gần 3 tỷ đồng mỗi ngày cho quảng cáo

Như vậy, bình quân, mỗi ngày Sabeco chi 2,96 tỷ đồng cho quảng cáo. Chi tiêu này của Sabeco dường như có hiệu quả cao khi doanh thu của Sabeco tăng khá mạnh, từ đó giúp lợi nhuận của công ty tăng trưởng tốt.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Sabeco trong quý 3/2016 đạt 7.077 tỷ đồng, tăng 1.326 tỷ đồng, tương ứng 23% so với quý 3/2015, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 21.822 tỷ đồng. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Sabeco mạnh hơn tốc độ tăng trưởng ngân sách dành cho quảng cáo.

Không chỉ doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt, doanh thu tài chính tại Sabeco thậm chí bứt phá mạnh hơn. Doanh thu hoạt động tài chính quý 3/2016 của Sabeco đạt 382 tỷ đồng, tăng 273 tỷ đồng, tương ứng 250% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 658 tỷ đồng.

Các doanh thu bứt phá nên trong kỳ dù các chi phí đều tăng mạnh, lợi nhuận của Sabeco vẫn duy trì đà đi lên. Lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 1.228 tỷ đồng, tăng 182 tỷ đồng, tương ứng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng đạt 3.548 tỷ đồng.

Dòng tiền tại Sabeco cũng là vấn đề được cổ đông chú ý. Công ty mẹ không phải đi vay nợ nhưng các công ty con của Sabeco lại vay khá nhiều với tổng nợ lên tới 1.408 tỷ đồng. Điều đáng nói, công ty con đi vay nợ và phải trả tiền lãi 62 tỷ đồng trong quý 3 nhưng Sabeco lại ôm hàng ngàn tỷ đồng gửi ngân hàng.

Tại ngày 30/9/2016, Sabeco có 6.814 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó, chỉ gần 4 tỷ là tiền mặt, còn lại, Sabeco gửi ngân hàng ở kỳ hạn ngắn. Nhờ đó, công ty nhận được tới 345 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay.

Nặng nợ ngân hàng

Trong khi tình hình kinh doanh của Sabeco tiếp tục có nhiều tiến triển, Sabeco vẫn chưa thoát khỏi gánh nặng ngân hàng. Trước đây, khi cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là cổ phiếu vua, Sabeco mạnh tay rót vốn vào lĩnh vực này.

Cụ thể, Sabeco đầu tư gần 217 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), 136 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) và gần 37 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ của một vài ông lớn, các mã còn lại giao dịch khá èo uột và chưa bao giờ tìm lại được “đỉnh cao”. Vì vậy, những khoản đầu tư vào ngân hàng của Sabeco trở nên thua lỗ trên giấy tờ.

Không chỉ thua lỗ, Sabeco rơi vào tình trạng muốn cũng không bán được. Dù đã không dưới 1 lần thông báo bán ra cổ phiếu ngân hàng do mình nắm giữ nhưng Sabeco vẫn không “thoát hành” thành công.

Hiện tại, Eximbank là ngân hàng duy nhất Sabeco không phải trích lập dự phòng. Còn lại với OCB và DongA Bank, Sabeco phải trích lập dự phòng 159 tỷ đồng và 111 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc 270 tỷ đồng của Sabeco đã bị “treo” trong thời gian dài.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn