Bia rượu nước giải khát bán vốn; me bẩn, chè 'vô danh' suýt vào bụng người tiêu dùng

Thị trườngThứ Tư, 11/05/2016 08:48:00 +07:00

Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đang đề xuất bán toàn bộ vốn nhà nước tại hai Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội (Sabeco và Habeco) để xây đường sắt, hàng tấn me bẩn chảy nước nhão nhoét và chè không rõ nguồn gốc vừa bị phát hiện đang trên đường đến tay người tiêu dùng...

Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đang đề xuất bán toàn bộ vốn nhà nước tại hai Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn và Hà Nội (Sabeco và Habeco) để xây đường sắt, hàng tấn me bẩn chảy nước nhão nhoét và chè không rõ nguồn gốc vừa bị phát hiện đang trên đường đến tay người tiêu dùng...

Đề xuất bán vốn Sabeco và Habeco để xây đường sắt


Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI ) kiến nghị Bộ trưởng Công Thương về việc thực hiện niêm yết và bán toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco).
 
 

Theo VAFI, Sabeco & Habeco đã cổ phần hóa được hơn 8 năm và trong đề án cổ phần hóa của hai tổng công ty sản xuất bia rượu và nước giải khát lớn nhất Việt Nam này đều nói rõ việc cổ phần hóa gắn với việc niêm yết theo chủ trương của nhà nước nhưng Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết.

VAFI đã nhiều lần thúc giục Bộ Công Thương cũng như HĐQT của 2 doanh nghiệp này thực hiện niêm yết để cải thiện quản trị doanh nghiệp đồng thời tạo hàng hóa có chất lượng để phát triển thị trường chứng khoán nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

VAFI cho rằng, Bộ Công Thương cần sớm đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán.

Việc đấu toàn bộ cổ phần nhà nước tại thực hiện một lần đấu giá nhằm gia tăng tối đa giá trị  tại Sabeco và Habeco, không áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá.

“Số tiền thu được dự tính trên 3 tỷ USD,  đủ để tiến hành ngay việc xây dựng tuyến đường sắt số 3, số 4 tại Thủ đô Hà Nội. Khi Hà Nội có 4 tuyến đường sắt trong 7 năm nữa thì sẽ có nhiều điều kiện để phát triển nhanh hệ thống giao thông công cộng, giảm nhanh việc sử dụng hàng triệu xe máy và lúc đó Hà Nội sẽ xanh, sạch đẹp hơn nhiều so với hiện nay”, VAFI đề xuất.

Hãng dầu lớn nhất thế giới của Ả Rập Saudi muốn liên doanh với Việt Nam


Công ty Saudi Aramco trực thuộc chính phủ Ả Rập Saudi là công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 10% thị phần sản lượng dầu toàn cầu.

Hiện nay, công ty này đang muốn mở rộng hoạt động quốc tế thông qua việc thành lập một số liên doanh tiềm năng tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thông tin được ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành Saudi Aramco cho biết vào ngày hôm qua 10/5.

Mặc dù không tiết lộ cụ thể thêm nhưng trong một cuộc gặp gỡ hiếm hoi với giới truyền thông tại văn phòng công ty ở Dhahran, ông Amin nói: "Chúng tôi đang xem xét tình hình thị trường hiện tại, và thấy rằng mặc dù có nhiều thách thức nhưng đây là cơ hội để tăng trưởng".

Saudi Aramco đang tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất để nâng công suất sản xuất và lọc các sản phẩm dầu. Giếng dầu Shaybah của hãng đang kỳ vọng đạt công suất 1 triệu thùng/ngày "trong vài tuần", Nasser cho biết.

Một tấn me bẩn chảy nước nhão nhoẹt suýt đến tay người dùng

Ngày 6/5, Đoàn kiểm tra liên nghành vệ sinh an toàn thực phẩm bất ngờ ập vào kiểm tra cơ sở sơ chế, kho chứa me tại địa chỉ 99/7 Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) do ông Ngô Quang Thuần làm chủ.
Hàng tấn me bẩn được phát hiện đang chảy nước nhão nhoét, màu đen sì, vón cục...
Hàng tấn me bẩn được phát hiện đang chảy nước nhão nhoét, màu đen sì, vón cục... 

Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận có hàng tấn me nguyên liệu và me thành phẩm đựng trong cả trăm bao tải đặt vương vãi trên nền nhà cạnh nhiều bao tải khác và rác. Trong đó, có nhiều bao me đã chảy nước vàng nhão nhoẹt tràn ra cả sàn nhà lẫn lộn các chất thải lạ hết sức cáu bẩn, mất vệ sinh.

Khi đoàn đến kiểm tra, trong cơ sở này có 9 nhân viên đang dùng máy đánh tơi me nguyên liệu để đóng gói chuẩn bị đi tiêu thụ. Tại khu vực sơ chế me, nhiều nhân viên cũng không đảm bào vệ sinh khi làm việc như cởi trần, dùng tay không, mang giày dép,...

Bên trong các kho chứa, hàng tấn me được xếp chồng chất và bảo quản lạnh. Tuy nhiên nhiều bao me đã rách nát, rơi vãi, chảy nước vàng nhão nhoẹt xuống mặt sàn. Kiểm tra nhiều bao me đã có hiện tượng nhão nhoẹt, chuyển màu đen sì, vón cục khô cứng.

Theo đại diện chủ cơ sở, mỗi ngày khoảng 1 tấn me thành phẩm được chuyển ra sạp hàng Thành Lâm thuộc khu A chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức để bán lẻ và bỏ mối.

Đến chiều 10/5, Phòng Y tế quận Thủ Đức cùng chính quyền địa phương Phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) đã tiến hành tiêu hủy số me trên tại bãi rác Đa Phước.

Hai tấn chè không rõ nguồn gốc trên đường "vào bụng" người Hà Nội


Chiều 10/5, Trạm CSGT Diễn Châu thuộc phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ 1 chiếc xe khách chở khoảng 2 tấn với hàng nghìn gói chè thập cẩm không nguồn gốc xuất xứ đưa ra Hà Nội để tiêu thụ.

Trước đó, vào ngày 9/5, tổ công tác đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Diễn Trung ( Diễn Châu, Nghệ An) thì bất ngờ phát hiện chiếc xe khách mang BKS: 30Z-7809 có dấu hiệu nghi vấn.

Kiểm tra chiếc xe khách, cơ quan chức năng phát hiện phần thùng xe giấu 63 thùng xốp, trong đó chứa hàng ngàn gói chè thập cẩm (chế biến kiểu chè Thái, đóng gói được ướp lạnh).

Lái xe cho biết đã nhận chở thuê số chè trên cho 2 người không biết tên ở bến xe Đà Nẵng với số tiền là 3.870.000 đồng đi ra Hà Nội thì có người liên hệ lấy.

Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng đối với số chè trên.

Do đó Tổ công tác của Trạm CSGT Diễn Châu đã lập biên bản thu giữ toàn bộ số chè và bàn giao cho Đội quản lý thị trường số 1 Nghệ An xử lý, tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật.


Tiệp Tiệp (tổng hợp)


Bình luận
vtcnews.vn