Bí thư Đinh La Thăng đang đối mặt với những thách thức nào?

Thời sựThứ Hai, 07/03/2016 05:05:00 +07:00

Nhận nhiệm vụ ngày 5/2, qua 1 tháng ở vị trí Bí thư thành ủy TP.HCM, đâu là những thách thức và kỳ vọng thuộc về bài toán tầm quốc gia mà ông Đinh La Thăng cần đối mặt?

Nhận nhiệm vụ ngày 5/2, qua 1 tháng ở vị trí Bí thư thành ủy TP.HCM, đâu là những thách thức và kỳ vọng thuộc về bài toán tầm quốc gia mà ông Đinh La Thăng cần đối mặt?

TS Võ Trí Hảo, ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ: TP.HCM thế kỷ XXI cần lấy hình ảnh thương cảng New York - sang trọng mà an toàn - để soi mình phát triển. Nơi này cần trở thành trung tâm hội tụ tài chính của khu vực, nơi giới tài phiệt, chuyên gia cao cấp tới sống và làm việc. Muốn như vậy, cần phải có môi trường sống tốt, cơ
 

- Một số người cho rằng, từ trước đến nay, Bí thư TP.HCM là những người sống, làm việc ở miền Nam lâu năm, trong khi ông Đinh La Thăng chưa có kinh nghiệm ở TP HCM. Điều này đặt ra những thách thức nào?

 Đó là thách thức không thể phủ nhận. Nhưng theo tôi, ông Thăng đã từng trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ doanh nghiệp (DN) sang hành pháp, và đều thành công. Chưa có kinh nghiệm ở TP.HCM nhưng tôi tin ông Thăng đủ khả năng để vượt qua trở ngại này.

 

Dù không từ TP HCM, nhưng phong cách làm việc của ông Thăng phù hợp với phong cách người thành phố.
TS Võ Trí Hảo
 
Hai năm qua, theo quan sát của tôi, ông Thăng đã sử dụng trí tuệ tập thể thành công, vận dụng và huy động trí tuệ của đội ngũ cố vấn rất tốt. Nếu chưa am hiểu TP HCM, ông cần tập hợp quanh mình các chuyên gia tốt, am hiểu thành phố để giúp sức. Lãnh đạo, quan trọng nhất là phải biết đứng trên vai những người khổng lồ.


Hơn nữa, Bộ Chính trị phân công ông Thăng vào TP HCM, tôi tin sẽ hỗ trợ hết sức cho ông. Đằng sau cá nhân ông là cả tập thể Bộ Chính trị, nên đây không phải quyết tâm riêng của cá nhân ông Thăng mà của cả Bộ Chính trị, nhằm nâng tầm TP HCM để phát triển hết tiềm năng.

Dù không từ TP HCM, nhưng phong cách làm việc của ông Thăng phù hợp với phong cách người TP: Không cần lý luận suông nhiều mà bắt tay vào làm việc, nói là làm, và dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và tính quyết đoán.


- Có những nghi ngại khác rằng, xuất thân từ doanh nghiệp rồi làm cơ quan hành pháp, trong khi cương vị mới đòi hỏi khả năng nghiên cứu, định hướng nhiều hơn, bằng chứng nào của ông Đinh La Thăng để người dân TP.HCM có thể tin tưởng?
Bí thư Thăng và ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại lễ công bố quyết định nhân sự của Bộ Chính trị ngày 5/2. Ảnh: Hải An.
Bí thư Thăng và ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại lễ công bố quyết định nhân sự của Bộ Chính trị ngày 5/2. Ảnh: Hải An. 

Về nghiên cứu và hoạch định chính sách, tôi không nắm rõ chuyện nội bộ đằng sau từng sáng kiến chính sách. Nhưng ít nhất ông và đội ngũ cố vấn đã có những đột phá chính sách. Ông Thăng lên nắm quyền ở Bộ GTVT khi ngân sách khó khăn, thắt chặt đầu tư công.

Ông đã biết khơi thông nguồn vốn khu vực tư nhân bằng phát huy mô hình mới: Mô hình hợp tác đối tác công tư. Nhiệm kỳ của ông, rất nhiều cây cầu, con đường được xây dựng theo mô hình này. Số lượng đường cao tốc được xây dựng nhiều nhất từ 1975 trở lại đây.


Trong khi thảo luận về Luật Hàng hải, ông Thăng và Bộ GTVT đã đưa ra một mô hình mới, tạo tranh cãi, là mô hình chính quyền cảng.

Như vậy khả năng nghiên cứu, du nhập và sáng tạo mô hình của ông Thăng và đội ngũ cố vấn là rộng, sâu sắc và hiện đại, không chỉ giải quyết những bài toán sự vụ, nhỏ lẻ.

 

Đến thời điểm này ông Thăng có thể vẽ được cơ bản sơ đồ đó trong đầu. Vấn đề còn lại là giải quyết thế nào với mạng lưới lợi ích nhóm đó mà thôi.
TS Võ Trí Hảo
 
Phá vỡ các mắt xích nhóm lợi ích


- Bộ trưởng Thăng đã ghi điểm như là con người của hành động và xử lý nhân sự rất nhanh. Ngay trong tháng đầu nhận nhiệm sở, ông cũng đã nêu trách nhiệm cán bộ như "nhà dân sập thì các ông cán bộ cũng sập". Liệu phong cách lãnh đạo này có phù hợp tại TP.HCM ?

Phong cách ấy rất phù hợp để xử lý các vấn đề của TP.HCM. Đơn cử như chuyện cướp giật. Đằng sau chuyện cướp giật là vấn đề gian thương tiêu thụ những tài sản bất chính đó.

Giám sát thành phần cướp giật trên phố có thể khó, nhưng giám sát những người có đủ tiền bạc để tiêu thụ đồ ăn cắp, ở những vị trí ổn định, ở một phường, một đường phố cụ thể, rõ ràng thì thuận hơn.


Mỗi cửa hàng, khu phố ấy thuộc trách nhiệm quản lý cụ thể của cán bộ. Áp dụng nguyên tắc “không nhổ được biển thì nhổ người”, ắt vấn nạn sẽ được giải quyết.

- Như vậy liệu có đụng chạm ngay đến vấn đề lợi ích, nhóm lợi ích với chằng chịt những quan hệ phức tạp mà ông Thăng chưa nắm hết được?

Tôi nghĩ để nắm việc này không khó. Chuyên gia bên ngoài như chúng tôi còn nhìn thấy phần nào thì ông Thăng, có sự hỗ trợ của bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ sẽ nhìn thấy rất nhanh và rất rõ. Tôi nghĩ đến thời điểm này ông Thăng có thể vẽ được cơ bản sơ đồ đó trong đầu. Vấn đề còn lại là giải quyết thế nào với mạng lưới lợi ích nhóm đó mà thôi

Bài toán giải quyết các nhóm lợi ích, tôi nghĩ cũng không khác lắm với các nhóm lợi ích trong các hợp đồng đấu thầu, các nhà thầu mà ông Thăng đã xử lý thành công ở Bộ GTVT. Tôi tin ông có thể phá vỡ các mắt xích nhóm lợi ích một khi ông trong sạch, quyết tâm cao và được sự ủng hộ của Bộ Chính trị.

Bài toán tầm quốc gia

- Với bài toán về chính quyền đô thị thì sao, thưa ông?

Trước hết phải nói rõ tại sao TP.HCM cần mô hình chính quyền đô thị. Thời kỳ hội nhập quốc tế không thể dàn hàng ngang cùng phát triển; mỗi tỉnh thành cần tìm điểm mạnh của mình.

Ví dụ người ta đến với Đà Lạt là sự thanh bình, nhẹ nhàng, đến với TP.HCM là thành phố không ngủ. Nếu chính quyền TW bắt hai thành phố này làm giống nhau là hỏng rồi.  

Ông Thăng thăm khu công nghệ cao TP HCM sáng 3/3. Ảnh: Hải An.
Ông Thăng thăm khu công nghệ cao TP.HCM sáng 3/3. Ảnh: Hải An. 

Về mặt tài chính, TP.HCM - đặc thù của một siêu đô thị, hướng tới quy mô trên 10 triệu dân cần gì? TP.HCM không cần tiền, chỉ cần cho cơ chế. Cụ thể là cách quản lý theo cơ chế dòng tiền.

Dòng thu nào nộp trung ương, dòng thu nào được hưởng, từ đó TP.HCM sẽ tự khắc tìm cách vun đắp, thúc đẩy dòng thu tương ứng, tối đa hóa nguồn thu để quay trở lại tái đầu tư phát triển thành phố.


Cách quản lý theo kiểu bao cấp ngân sách hiện nay, thì TP.HCM làm nhiều, nộp nhiều, còn nơi khác làm ít, nhận trợ cấp nhiều, triệt tiêu năng động sáng tạo.

 

Tôi tin và hy vọng ông Thăng sẽ chứng minh được tầm lãnh đạo không chỉ ở một ngành, một địa phương mà lãnh đạo ở tầm quốc gia, thông qua xử lý các bài toán ở TP HCM.
TS Võ Trí Hảo
 
Về thẩm quyền lập quy, TP.HCM quy mô lớn cả về dân số và diện tích sẽ phát sinh các vấn đề an ninh, môi trường đặc thù, nên thành phố cần được trao quyền lập quy rộng rãi hơn để có thể, ban hành các quy định giải quyết các vấn đề đặc thù. Các vấn đề mà ở địa phương khác không bức xúc, nhưng ở TP HCM lại trở thành vấn nạn.


Ví dụ, khói rơm ở vùng nông thôn thưa thớt được thi vị hóa thành “khói lam chiều” - trở thành hiện thân của cuộc sống, nhưng ở một đô thị đông đúc chật chội, vốn đã ngột ngạt với khói xe máy, nhưng vẫn có người đem rơm ra thui thịt chó vỉa hè. Hay như phố Dương Bá Trạc, Q.8, chân cầu Nguyễn Văn Cừ dài mấy chục mét mà có đến 5 cái lò nướng chả chĩa ống khói thẳng ra đường phố vào giờ cao điểm thì không thể chịu nổi, nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại, vì TP thiếu chế tài xử lý mạnh.

Hiện nay quyền lập quy vẫn quá tập trung ở trung ương, muốn xử lý TP.HCM phải chờ thông tư, chỉ thị với độ trễ, độ vênh lớn.

Video: Bí thư Đinh La Thăng vớt lục bình



Về cơ chế thu hút vốn đầu tư hạ tầng, để xứng đáng là hòn ngọc Viễn Đông, TP HCM cần đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng, không thể trông chờ vào ngân sách quốc gia mà cần huy động các nguồn vốn khác. Nếu không cho thành phố cơ chế hoạt động mới thì khó thu hút các nhà đầu tư giải quyết nhu cầu phát triển.

- Bài toán chính quyền đô thị ở TP.HCM khác gì với chính quyền đô thị ở Đà Nẵng hay các địa phương khác?

- Chính quyền đô thị là vấn đề các thế hệ lãnh đạo TP.HCM trước đây tâm huyết nhưng chưa giải quyết thành công, bởi đây là bài toán quốc gia, không là câu chuyện tỉnh thành như Đà Nẵng, Cần Thơ.

Thay đổi tài chính TP.HCM sẽ ảnh hưởng ngân sách quốc gia nói chung. Thay đổi thẩm quyền lập quy ở TP.HCM cũng thay đổi cơ bản thẩm quyền lập pháp ở trung ương.

Bí thư Thăng làm việc với Bệnh viện chấn thương chỉnh hình sáng 6/3. Ảnh: Hoàng Bình.
Bí thư Thăng làm việc với Bệnh viện chấn thương chỉnh hình sáng 6/3. Ảnh: Hoàng Bình. 

Đằng sau đó, TP.HCM trên 10 triệu dân thực sinh sống, chiếm gần 1/9 dân số, đóng góp 1/3 túi tiền quốc gia. Điều chỉnh lớn ở đây sẽ ảnh hưởng lợi ích chính trị ở toàn quốc.

Vì thế, sự điều chỉnh nhỏ ở các tỉnh thành khác có thể là câu chuyện địa phương, nhưng điều chỉnh ở TP.HCM sẽ là câu chuyện tầm quốc gia, mối quan hệ quốc gia, cần sự nhất trí cao ở trung ương.  

Tôi tin và hy vọng ông Thăng sẽ chứng minh được tầm lãnh đạo không chỉ ở một ngành, một địa phương mà lãnh đạo ở tầm quốc gia, thông qua xử lý các bài toán ở TP.HCM. Là lãnh đạo tầm quốc gia ông có thể kết nối và vận động thành công các lãnh đạo cao cấp, để TP.HCM tự đề xuất thiết kế chiếc áo phù hợp với mình, xứng tầm hòn ngọc Viễn Đông.


Nguồn: Zing

Bình luận
vtcnews.vn