Bi thảm số phận người sơn tràng giết hổ

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 26/07/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Do để súng dưới gốc cây, lại bị cú đánh bất ngờ nên ông hoàn toàn thất thế trong cuộc vẫy vùng cầu sinh tuyệt vọng với chúa sơn lâm.

(VTC News) - Do để súng dưới gốc cây, lại bị cú đánh bất ngờ nên ông hoàn toàn thất thế trong cuộc vẫy vùng cầu sinh tuyệt vọng với chúa sơn lâm.


Kỳ 7: Bi thảm số phận người sơn tràng giết hổ 


(VTC News) - Việc ông Đinh Văn Riệc ở xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đặt bẫy giết hổ ở hang Lý Chùn, cách bản không xa, thực sự đã kinh động cả vùng. Với người Mường địa phương, đây là việc tày trời, xưa nay chưa từng có ở đất Mường Mõ này.

Riêng ông Riệc vẫn bình thản. Có lẽ trong thẳm sâu ông hy vọng rằng giết được hổ dữ thì người em gái xấu số của ông sẽ thoát khỏi kiếp ma trành. Điều đó làm ông thỏa mãn. Người Mường vẫn luôn tin, khi hổ chết đi thì các oan hồn bị nó giết hại không phải đi theo hầu hạ hổ nữa, sẽ được siêu thoát. 

Những ngày tháng sống trong tâm trạng lo âu của người nhà ông cũng vợi dần đi, khi mấy năm liền không thấy hổ về bản. Nhưng một ngày kia, có thầy mo già đến nhà thăm, bỗng thì thào nói nhỏ vào tai ông Đinh Văn Riệc những điều kinh dị.
thần hổ
Thầy mo Mường, người luôn được cho là có thể biết nhiều chuyện bí mật của thần và người 
Ông thầy mo này nói: “Hãy cẩn thận! Đừng đi rừng một mình nữa. Thần hổ đã trở lại rồi đấy. Tôi thấy ông là người trung hậu, can trường, nên ngầm báo với ông như vậy. Chớ lấy đó làm điều chơi mà nghi kỵ. Sự việc xảy ra nay mai thôi…”. Nói rồi, thầy mo già chống gậy bước nhanh ra ngõ.

Cụ Ly nói thêm: “Sau đó, có mấy thầy mo khác quanh vùng cũng nói nhắn với người nhà chúng tôi như vậy. Ai cũng lo sợ lắm, vì thần hổ báo thù thì vô cùng khốc liệt. Mẹ tôi liền đem hương hoa lễ vật tới miếu Vó Ấm cầu xin thần rừng, thành tâm cầu khóc mãi”.

Cha của cụ Ly vẫn chẳng bận tâm gì. Tuy nhiên, ngoài miệng nói cứng, nhưng có lẽ trong tâm khảm ông cũng nhận thấy hiểm nguy đang rình rập đâu đó. Ông đã cẩn thận hơn, ít đi đêm về hôm, ít đi xa một mình. Đi đâu ông cũng cầm theo dao nhọn và trên lưng luôn kè kè một khẩu súng kíp. 
 
Cụ Ly nói: “Hơn nửa năm trời nặng nề trôi qua, cả nhà sống trong lo âu thấp thỏm, trừ cha tôi. Nhưng rồi ngày định mệnh ấy cũng đến. Tôi nhớ chính xác, đó là ngày rằm tháng 10 năm 1955. Hôm ấy cha tôi đi vào rừng lấy quả trám…”.
thần hổ
Tranh thờ xích hổ thần tướng trong dân gian 
Đó là khu rừng lụi nằm cách bản chừng 15km, đi bộ khoảng nửa ngày thì tới. Bà con thỉnh thoảng vẫn rủ nhau đến lấy trám, vì ở đó trám nhiều và ăn rất ngon. Gần đây, thỉnh thoảng có người nghe thấy có tiếng hổ gầm, hoặc nhìn thấy dấu chân to như chiếc bát của chúa sơn lâm, nên run sợ bảo nhau đừng mạo hiểm tới gần. 

Hôm đó, run rủi thế nào, ông Đinh Văn Riệc lại xách súng đi một mình, nói nhắn lại với người nhà là vào rừng lấy trám. Thấy ông đi hết cả ngày mà chẳng về, cả nhà đâm ra lo sợ. Bình thường đi đâu ông cũng nhanh chóng thu xếp xong việc rồi về, hiếm khi ông la cà bên bàn trà mâm rượu quá bữa.
thần hổ
Cụ Ly đau đớn kể chuyện về người cha thiệt mạng vì bị hổ vồ
Một nhóm người đông đúc được cử đi tìm ông Đinh Văn Riệc. Mãi rồi người ta cũng thấy ông nằm bất động dưới một gốc cây trám to. Người ông lấm lem đất, bê bết máu me, quần áo rách rưới tả tơi. Ông đã chết, cả hai chân ông đã bị loài thú dữ gặm nham nhở đến hết đùi. 

Không ai nói với ai câu nào, nhưng những người chứng kiến đều biết ông bị hổ vồ. Một cú ngoạm chí mạng vào sau gáy làm cổ ông bị gẫy. Khẩu súng kíp của ông vẫn dựng nguyên dưới gốc cây trám, chứng tỏ ông đã bị hổ theo dõi, rình rập, rồi bất ngờ chồm lên từ phía sau. 

Xem xét kỹ nơi ông Riệc bị hại, thấy có dấu hiệu một cuộc quần thảo giữa người và thú dữ. Con dao rừng nhọn hoắt luôn kè kè bên thắt lưng của ông Riệc cắm ngược lên thân cây, đẫm máu. Có lẽ, do để súng dưới gốc cây, lại bị cú đánh bất ngờ nên ông hoàn toàn thất thế trong cuộc vẫy vùng cầu sinh tuyệt vọng với chúa sơn lâm. 
thần hổ
Cụ Ly luôn âm thầm hương khói cho miếu thờ thần hổ
Hai mắt của cụ Ly rưng rưng, khuôn mặt tiếp tục co giãn từng hồi vì xúc động: “Bà con đem cha tôi về chôn giữa cánh đồng, ngay gần dãy núi trước bản. Cha tôi lúc sống ngang tàng, xúc phạm oai linh của rừng, dám giết cả hổ, nên bị rừng thiêng trừng phạt, thật đau lòng quá.

Từ sau cái chết của cha tôi, đến nay, cả vùng này không ai bị hổ vồ nữa. Gia đình tôi vẫn an toàn, mẹ tôi thậm chí còn sống đến 104 tuổi. Có lẽ vì người dân quanh vùng luôn thành kính thờ thần hổ. Hoặc giả, sát hại xong cha tôi, thần hổ đã nguôi ngoai cơn giận loài người”. 

Trong câu chuyện, cụ Ly nói rất khẽ về thân phận của người bị hổ vồ, luôn né tránh khi nói đến hai chữ “ma trành”. Hơn ai hết, cụ thấm thía nỗi mất mát người thân vì hổ dữ. Gia đình cụ có hai ma trành là cha và cô ruột, không hiểu họ đã được siêu thoát chưa?

Mấy chục năm nay, cụ Ly âm thầm tự nguyện trông coi và hương khói cho cổ miếu thờ thần hổ và đền Vó Ấm. Cứ ngày rằm, mồng một, hay ngày giỗ kỵ của cha, của cô, ông lại đến thắp hương. Cũng chính người thủ từ này góp công lớn trong việc dựng xây lại ngôi miếu thờ hổ của người Mường Mõ xưa. 
thần hổ
Ngôi miếu vừa được sửa sang lại ở bên suối Vó Ấm  
Có lẽ câu chuyện bi tráng của gia đình người thợ săn này tương tự với câu chuyện của ai đó trong vùng Thạch Thành ngày trước, và nhà văn TchyA Đái Đức Tuấn lấy cảm hứng đó sáng tạo nên các tiểu thuyết truyền kỳ “Thần hổ” và “Ai hát giữa rừng khuya” hay chăng?

Bởi mối quan hệ giữa người và loài hổ trong “Thần hổ” cũng là cuộc chiến rùng rợn, khốc liệt, xương máu bời bời. Đó cũng là cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên nghiệt ngã, trong hành trình đi tìm sự chung sống, hòa hợp với thiên nhiên. 

Hổ hiện nay còn rất ít, nhưng đâu đó thẳm sâu trong đại ngàn Pù Luông – Cúc Phương, thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng gầm oai linh của chúa sơn lâm.

 
Trong sách Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) có chép truyện “Thần hổ” rất ghê rợn, thảm khốc:

“Làng Ngọc Cục ở huyện ta, khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ, phải bắt người làm vật hy sinh để cúng. Cứ mỗi năm, trong làng một người phải làm chủ tế. Người chủ tế phải lừa dỗ kẻ hành khách nào đi một mình, bắt lấy, giam ở hầm dưới đất và đem mài da gót chân cho mỏng đi.

Đến khi tế thần thì giết, thái nhỏ trộn lẫn với thịt trâu, thịt bò mà cúng. Cúng rồi thừa huệ cùng ăn. Người nào gặp được miếng thịt người thì hí hửng lấy làm mừng, cho là cái triệu năm ấy được thuận lợi. 

Sau đó, một người chủ tế đem giam người ở hầm dưới đất, thế nào người ấy nhân lúc chủ nhà đi vắng thoát ra, nhưng gót chân bị mài mỏng, không thể đi được, đành phải bò khúm núm mà trốn đi.

Người ấy lên trấn thành, mách tỏ sự ấy. Người làng Ngọc Cục phải chạy chọt đút lót quan Trấn tướng, mới yên. Từ đó, tế thần phải giết trâu bò thay. Nhưng bắt được người nào đi một mình, cũng vẫn đem giết để tế. 

Đó cũng như cái tục Nhâm Ngao tế thần Xương Cuồng vậy. Từ năm Canh Thân (1800) trở về sau, thói ấy mới bỏ, nhưng hành khách đi qua làng ấy vẫn còn khiếp sợ”.


Còn tiếp...


Gia Linh
Bình luận
vtcnews.vn