Bí quyết "săn" học bổng

Tổng hợpThứ Hai, 17/01/2011 12:32:00 +07:00

Nếu biết chuẩn bị tốt, đáp ứng các tiêu chí của đơn vị cấp học bổng, việc “đoạt” một suất chính thức hoàn toàn nằm trong tầm tay của ứng viên.

Những người đã thành công trong việc xin học bổng du học đều thể hiện được sự am hiểu về nhu cầu bản thân và nơi cấp học bổng. Nếu biết chuẩn bị tốt, đáp ứng các tiêu chí của đơn vị cấp học bổng, việc “đoạt” một suất chính thức hoàn toàn nằm trong tầm tay của ứng viên.

Hiện có nhiều người đầu tư tiền tỷ để được đi du học nước ngoài với mong muốn tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Song, vẫn có không ít người đi du học “miễn phí” bằng cách… săn học bổng.

Trải nghiệm của các nhân vật đã từng săn học bổng thành công dưới đây sẽ rất hữu ích cho các bạn trẻ để có “tấm vé” du học.

Học bổng là "đích" của nhiều thí sinh.
Cần xác định khả năng và mong muốn

Theo tiến sĩ Phạm Văn Hậu, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, ĐH Quốc Tế, ĐH Quốc gia TP HCM, người từng du học tại Pháp, thì các trường học, tổ chức… cấp học bổng đều có tiêu chí, mục đích và lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Vì vậy, nếu những ai muốn săn được học bổng thì cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin của tổ chức đó. Sau đó đối chiếu với nguyện vọng, khả năng của mình. Nếu phù hợp với mong muốn, việc xin học bổng sẽ không khó.

“Trước đây, tôi hoàn thành chương trình ThS ngành Khoa học máy tính ở Viện Tin học Pháp ngữ, Hà Nội. Tôi đã sử dụng công cụ tìm kiếm google.com và tìm được một nơi thực tập tại Viện EURECOM – Pháp (http://www.eurecom.fr/). Tôi kết thúc khóa thực tập tại đây với kết quả khá tốt và xin học bổng toàn phần (năm 2006) hỗ trợ cho việc thực hiện luận án tiến sĩ. Điều quan trọng là mình phải biết người, biết ta”, tiến sĩ Phạm Văn Hậu cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những người đã thành công trong việc xin học bổng du học đều thể hiện được sự am hiểu về nhu cầu bản thân và nơi cấp học bổng. Nếu biết chuẩn bị tốt, đáp ứng các tiêu chí của đơn vị cấp học bổng, việc “đoạt” một suất chính thức hoàn toàn nằm trong tầm tay của ứng viên.

Ngoại ngữ có quan trọng?

Thông thường, để xin được học bổng nước ngoài, ứng viên phải lưu loát về ngoại ngữ, đây là một trong những điều kiện không thể thiếu. Tuy nhiên, ở một số trường, họ không đặt nặng về tiêu chí ngoại ngữ mà sẽ đánh giá qua các phần kiểm tra tổng hợp. Anh Lê Minh Nhật, thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Phòng Kinh doanh Công ty Air Liquide, người xin được học bổng Quota của chính phủ Na Uy (năm 2004) vào ĐH NHH (trường kinh tế và quản trị kinh doanh), cho biết trường này đòi hỏi chủ yếu về điểm số khi học đại học, điểm GMAT (Graduate Management Admission Test - là một kỳ thi kiểm tra khả năng ngôn ngữ, toán học, viết luận…”.

 Luyện kỹ năng nói cũng khá  quan trọng khi săn học bổng. Ảnh: Trung Kiên

Bên cạnh các yếu tố vừa nêu, một số trường đòi hỏi các tiêu chí về hoạt động xã hội, khả năng lãnh đạo… “Dù sao chăng nữa, nếu người học thể hiện được sự năng động, khả năng giao tiếp tốt, có kỹ năng tốt trong trình bày vấn đề là một lợi thế rất lớn. Thông thường đây là điểm yếu lớn nhất của HS, SV Việt Nam”, tiến sĩ Hậu cho biết. Còn tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức, người xin được cả hai học bổng thạc sĩ và tiến sĩ ở Pháp thì cho rằng: trước tiên kết quả học tập (hoặc kinh nghiệm làm việc) tốt là điều kiện quan trọng để xin học bổng, sau đó cần chuẩn bị tốt Thư giới thiệu của ít nhất hai giảng viên hoặc quản lý trực có uy tín; Thư nguyện vọng xin học bổng và kế hoạch học tập và nghiên cứu chi tiết, rõ ràng.

Anh Đinh Phạm Trân,từng là phóng viên Thời báo kinh tế Việt Nam, Reuters, Trưởng phòng Truyền thông của BP Việt Nam..., người xin học bổng Chevening của Chính phủ Anh năm 1999 - 2000, hiến kế: “Các hoạt động xã hội để chứng tỏ khả năng giao tiếp, hội nhập và lãnh đạo, ý thức với xã hội là rất cần thiết cho việc trang bị kỹ năng. Để có được điều đó, ứng viên cần tham gia hoạt động xã hội - kể cả hoạt động kinh doanh (cho câu lạc bộ mà mình tham gia, tổ chức các sự kiện của sinh viên, câu lạc bộ, tổ chức mình tham gia...). Tuy nhiên, ở một số ngành kỹ thuật, người ta thường không yêu cầu các kỹ năng hoạt động xã hội".

Những nước nào thường có học bổng?

Thông thường, mỗi nước có các tổ chức khác nhau có thể trao học bổng, ví dụ học bổng đi Pháp có thể trao bởi Đại sứ quán Pháp, học bổng vùng, học bổng nhà nước…

Người học cần trang bị khả năng tìm kiếm thông tin trên internet và các phương tiện truyền thông đại chúng. Nên tìm thông tin về học bổng thông qua phòng thông tin/văn hóa của các đại sứ quán. Còn tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức thì cho rằng những học bổng tốt nhất (bao gồm học phí và cả sinh hoạt phí) đa số đến từ châu Âu, sau đó là các nước châu Á như Singapore, Nhật, Hàn Quốc. Các nước nói tiếng Anh (bản địa) như Mỹ, Anh, Australia thường khó xin học bổng hơn (cạnh tranh nhiều) và chi phí học tập rất cao, nên thường sẽ có ít sinh hoạt phí (hoặc không có).

Các địa chỉ trang web tìm học bổng

Để tìm xuất học bổng chính thức, ứng viên có thể công cụ tìm kiếm google (gõ từ khóa “scholarship” và “international student” là tìm được rất nhiều web thông tin về học bổng). Những web nổi tiếng về học bổng như DAAD (Đức), Fullbirght, British Council (Anh),… có thể giúp ứng viên có sự tham khảo cần thiết. Còn tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức cho biết: “Ứng viên có thể truy cập các trang web chính thức của các Đại sứ Quán nước ngoài, các tổ chức trao đổi văn hóa với nước ngoài, Phòng Quan hệ Quốc tế của ĐH, hoặc liên lạc trực tiếp trường học nước ngoài… để xin học bổng.

Học bổng một phần có rất nhiều ở những nước thuộc hệ Anh - Mỹ như Anh, Mỹ, Australia, Canada... (những nước hoạt động kinh doanh giáo dục rất mạnh). Các nước không thuộc hệ Anh - Mỹ như: các nước châu Âu lại có nhiều học bổng toàn phần hậu hĩnh, tuy nhiên số lượng loại học bổng này ít”.

“Ứng viên nên tìm các thông báo học bổng qua các tổ chức, trường học và đặc biệt là qua thầy cô và các anh chị khóa trước. Sau khi có thông tin, ứng viên cần trang bị hồ sơ thật tốt. Cần trang bị khả năng nói chuyện mạch lạc với hội đồng phỏng vấn. Phỏng vấn là khâu rất quan trọng khi xin học bổng. Nếu không nói chuyện tốt, dù bạn giỏi nhưng hội đồng có thể không nhận ra khả năng của bạn”, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức.

Theo Đất Việt
 

“Chung sức vì đồng bào nghèo cả nước” - Ủng hộ đồng bào nghèo cả nước qua cổng thông tin 1400.

Nhắn tin theo cú pháp UHgửi 1409 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực vì đồng bào nghèo cả nước.


Bình luận
vtcnews.vn