Bí mật vua Gia Long ở địa đầu Tổ quốc

Thời sựThứ Năm, 18/02/2010 01:43:00 +07:00

Ngôi mộ thiêng của ông nằm giữa rừng cấm, được bảo vệ bằng đức tin và bằng những truyền thuyết từ ngàn đời…

Đỉnh núi Gia Long sừng sững như một nóc nhà khổng lồ nơi tận cùng cực Bắc Tổ Quốc. Tên núi gắn liền với tên một ông vua người La Chí có tên Gia Long. Ngôi mộ thiêng của ông nằm giữa rừng cấm, được bảo vệ bằng đức tin và bằng những truyền thuyết từ ngàn đời…

Địa linh vùng quan tái

Từ trên cao nhìn xuống, đỉnh Gia Long (thuộc đỉnh Tây Côn Lĩnh, án ngữ vùng biên giới Hà Giang với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) nằm trọn vẹn trong khoảng “eo” phân giới của sông Trắng và sông Chảy nên có hình dáng hệt như con chồn với đầu là hai xã Nàn Xỉn và Bản Díu, còn phần đuôi là trọn vẹn xã Pả Vầy Sủ, thuộc huyện Xín Mần (Hà Giang).

Người xưa nói rằng, đuôi chồn là vùng đất thiêng, ai sống ở đó sẽ muôn đời cường thịnh. Thế nhưng, thực tế thì vùng đất cực tây Hà Giang, nơi có kỳ quan cột mốc 172 ấy lại đang đối diện vô vàn cam khó…

Điểm tận cùng của cực Bắc Tổ Quốc được người dân gọi tên là "vùng đất đuôi chồn". (Ảnh bà Nguyễn Thị Thu Lý - Trưởng Phòng Văn hóa huyện Xín Mần đang chỉ mảnh đất đuôi chồn cho phóng viên trên bản đồ. 


Có một chuyện lạ lùng, con sông Chảy không từ Hoàng Su Phì đổ thẳng về xuôi mà lại vòng ngược lên Xín Mần, sau đó qua Si Ma Cai (Lào Cai) rồi mới chịu quay đầu về xuôi. Bởi thế, từ Hoàng Su Phì, tiếng là xuôi theo sông Chảy nhưng thực chất, đến được Xín Mần, rồi vào Pả Vầy Sủ thì phải vượt không biết bao nhiêu là núi…

Con đường dẫn đến Pả Vầy Sủ giờ đã được cứng hóa. Tuy nhiên, cứ mỗi mùa mưa qua, nhiều đoạn đường này lại sạt lở, đứt gẫy... Và, mỗi đận như thế, “vùng đất đuôi chồn” bị chia lìa hẳn với thế giới bên ngoài.

Sau mấy giờ đánh đu với dốc, chúng tôi đã tới được trung tâm xã, cũng nằm chênh vênh trên núi. Có lẽ, đây là trung tâm xã thưa vắng người nhất cả nước. Bấu vào núi chỉ có vài mái nhà. Nhà ấy là của người dưới xuôi lên mở hàng tạp hóa phục vụ bà con ở những bản tít chót trên non.

Dấu hiệu để nhận biết nơi này là “bộ não” của vùng là trụ sở UBND xã, trường học, chốt biên phòng… những công trình nằm lọt thỏm sau mái đá mặc trầm. Đấy cũng là những công trình hiếm hoi có sự xuất hiện của gạch, bê-tông cốt thép.

Điểm cuối cùng nằm đúng vị trí cái cây giữa ngã ba sông, một bên là huyện Bát Xát (Lào cai); một bên là nước bạn Trung Quốc. Để vào được điểm cuối cùng này, chúng tôi phải trèo đèo vượt núi mất gần nửa ngày đường dưới sự dẫn đường của bộ đội biên phòng. 


Chiều xuống, trời trở lạnh. Suơng bắt đầu xoá mờ con đường ngoằn ngoèo vừa đưa chúng tôi lên núi khi nãy. Tổ trưởng Tổ công tác - Trung uý Trần Đức Thế, quê ở Tuyên Quang, khi chúng tôi đến, đang băm chuối nấu cám phục vụ đàn lợn nháo nhào đòi ăn trong chuồng. Tăng gia cũng là một nhiệm vụ của bộ đội biên phòng. Thế bảo, ở đất này, không tự chăn nuôi thì chẳng biết ăn gì ngoài rau với lạc rang, cá mắm. Chợ thì xa, chẳng ai muốn “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng!”.

Tổ có 3 người, trong đó duy nhất Tổ trưởng Thế có vợ. Bởi vậy, ở “ngôi nhà chung” này, Thế như người anh cả, làm chủ gia đình. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt của anh em đều do một tay anh quán xuyến. Có lẽ, cái đức toan lo đã ăn vào máu nên ngay khi chúng tôi vừa hạ hành trang, Thế đã bảo: “Các nhà báo đã vượt chặng đường dài đến đây, nghỉ ngơi một chút rồi ta bàn công việc luôn cho ngày mai. Lên chương trình xong thì tôi mới yên tâm được!”.
Năm 2001, cột mốc 176 được cắm phân định biên giới hai nước Việt - Trung trên cổng trời Ma Lỳ Sán. 

Thú thực, khi đến đây, tôi cũng chẳng thể hình dung phần tận cùng đuôi cáo ấy đường xá thế nào. Chỉ biết rằng đó là vùng đất sâu nhất của đường biên giới Hà Giang, có thể là cả các tỉnh phía bắc. Bởi vậy, mọi người bảo, đi tuần biên ở Hà Giang, nếu đến cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn) phải qua nhiều cổng trời thì đến đuôi cáo Ma Lỳ Sán phải qua rất nhiều tầng… địa ngục!?

Trên mảnh đất tận cùng này, tuy mới chớm thu nhưng trời vừa tắt nắng, cái lạnh đã ầm ập kéo về. Mùa đông càng khủng khiếp hơn. Lạnh khiến mọi người như muốn nhúng tay vào lửa.

Bởi lạnh nên cái món rượu ngô ngâm trong nước nóng là món chẳng ai có thể chối từ. Uống đến đâu biết đến đấy. Vị cay nồng của rượu như có chân, chầm chậm bò từ miệng đến dạ dày. Giữ sức cho cuộc chinh phục ngày mai, nên nghe lời Thế, dù cái tay cứ nhấm nháy muốn nâng chén - chúng tôi cũng đành gác thú vui này lại.

Chập choạng tối. Một ông già người Mông lấm láp cầm đèn pin tới. Tưởng khách của tổ nhưng hoá ra không phải. Khách của chúng tôi.

Thì ra đó là ông già Hầu Giàng Pao, nhà ở mãi trên bản Khấu Xỉn. Khi chiều, tôi có hỏi anh em ở tổ về ông lão người Mông này, không ngờ Thế đã gọi điện thông qua cán bộ thôn bản để mời ông xuống.

Người Mông nhiệt tình, có việc là phải làm ngay. Bởi thế, khi có “chát”, chẳng quản đêm tối mịt mù, ông lão hơn 70 tuổi ấy cũng băng suối hạ sơn.

Chúng tôi muốn tìm ông Pao bởi trước khi vào Pả Vầy Sủ, thiếu tá Trần Xuân Đởn - Phó Trưởng đồn Biên phòng Xín Mần đã cho biết, về vùng đất hình con cáo này, ông Pao đang lưu giữ một câu chuyện mà ở đất này không mấy người được biết. Chuyện ấy giải thích vì sao vùng đất biên cương Ma Lỳ Sán trước kia, khi phân giới, cắm mốc rõ ràng thường bị người Trung Quốc xâm canh, xâm cư.

Ông Pao người nhỏ thó nhưng tinh nhanh. Ông kể, ông có một người cậu sống ở Trung Quốc, ngay sát đường biên - huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam - tên là Sùng Quán Hòa. Hai gia đình vẫn thường xuyên qua lại thăm nhau. Trước đây, khi ông Hoà còn sống, ông đã kể cho ông nghe câu chuyện về sự linh thiêng của mảnh đất này.

Theo đó, mảnh đất hình con cáo là nơi trời đất giao hoà, long chầu hổ phục. Trên có núi non trùng điệp, dưới có sông Trắng, sông Chảy uốn khúc lượn quanh. Đây là món quà vô giá trời đất ban tặng. Quan niệm về phong thuỷ của người xưa cho rằng, đây là mảnh đất sẽ mang đến sự điềm lành, hưng thịnh, ấm no cho bất cứ ai sinh sống ở đó.

Chuyện về ông vua người La Chí

Những lời kể của ông Pao ứng hợp với câu chuyện mà Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Xín Mần Nguyễn Thị Minh Lý đã dày công tìm hiểu.

Ngôi mộ khổng lồ bằng một quả đồi của vua Gia Long - ông vua người La Chí nằm giữa rừng cấm, được người dân bảo vệ bằng những huyền thoại... 


Ngôi mộ khổng lồ bằng một quả đồi của vua Gia Long - ông vua người La Chí nằm giữa rừng cấm, được người dân bảo vệ bằng những huyền thoại...

Theo bà Lý thì mảnh đất hình con chồn là đất đế vương. Và trước đây, người La Chí ở đất này đã có một ông vua kiệt xuất. Chuyện về vị vua này thì bà Lý đã dày công sưu tầm. Bà đi gặp tất cả những người già, những thầy mo có tiếng trong vùng để tìm hiểu. Tất cả đều kể một câu chuyện tương đối giống nhau. Những câu chuyện ấy trùng khớp với các “hiện vật” còn lưu lại cũng như trong đời sống tinh thần của người La Chí. Tên dãy núi Gia Long cũng bắt nguồn từ tên hiệu của vị vua này.

Theo nghiên cứu của bà Lý, thuở xưa, khi vùng núi này còn mịt mùng hoang rậm, thú dữ từng bầy thì người La Chí đã đến định cư. Thủa hồng hoang ấy, dân La Chí khổ, sống chỉ dựa vào núi vào rừng và luôn bị mãnh thú tấn công, đe doạ.

Đền thờ Vua Gia Long của người La Chí. 
Giữa lúc hỗn mang ấy, không biết từ đâu, một chàng trai to khỏe, nước da đỏ hồng, khuôn mặt vuông vức có tên là Hoàng Vần Thùng xuất hiện. Bước chân của chàng như lướt trên mặt đất, không có tiếng động. Giọng chàng vang xa rõ ràng, sang sảng.

Khi người đàn ông này cất tiếng nói, chim rừng cũng im lặng lắng nghe. Ông có tài săn bắt thú rừng, biết đào ruộng bậc thang trồng lúa nước, phát nương trồng ngô, tra hạt đậu. Ông dạy cho người bản trên, bản dưới đào ruộng trồng lúa nước, rồi trồng cây lanh, cây bông để dệt vải. Ông dạy cho dân bản săn bắt thú rừng mang về thuần dưỡng. Có ông, dân bản sống đầm ấm, yên vui.

Vượt qua những đoạn dốc thẳng đứng và sạt lở, chợt đột ngột mở ra một khung cảnh bình yên quá đỗi êm đềm...

Cuộc sống của dân các bản đang yên vui thì giặc giã kéo đến giết người, cướp của. Ông Thùng tập hợp trai đinh trong bản đánh đuổi giặc đến tận Pang Lung. Đánh xong giặc, ông đưa quân trở về dãy núi Rồng lập bản doanh làm ăn sinh sống.

Người ta nói rằng ở Pang Lung cỏ gianh vẫn mọc rẽ sang hai ngả: một bên ngả về Việt Nam, còn bên kia ngả về Trung Quốc như phân chia biên giới đến nay vẫn còn. Nể phục trước tài năng, đức độ của ông, dù không biết ông từ đâu đến nhưng người La Chí vẫn tôn ông lên làm vua. Ông lấy hiệu là Gia Long và đặt luôn tên ngọn núi nơi mình đóng đô theo tên hiệu ấy. Người La Chí tôn niệm, vua Gia Long là người nhà trời phái xuống giúp dân, để vùng biên viễn này muôn đời không còn giặc giã.

Theo bà Lý thì truyền thuyết trên là có cơ sở bởi hiện ở xã Bản Díu, nơi đồng bào người La Chí đang sinh sống, người dân vẫn thờ một ngôi mộ lớn mà họ cho rằng đó là mộ vua Gia Long Hoàng Vần Thùng.
Vượt qua những đoạn dốc thẳng đứng và sạt lở, chợt đột ngột mở ra một khung cảnh bình yên quá đỗi êm đềm... 

Trước khi vào Pả Vẩy Sủ, nhờ các chiến sĩ biên phòng ở đồn Xín Mần dẫn đường, chúng tôi đã tìm lên xã Bản Díu thăm mộ vua Gia Long.

Đó là một ngôi mộ to hơn cả gian nhà nằm trên đỉnh rừng ma của người La Chí. Ông Nông Quang Phong - Bí thư Đảng uỷ xã Bản Díu bảo, ngôi mộ ấy đã có từ rất lâu đời. Và, từ xưa tới nay, khu rừng nơi vua an nghỉ, dân bản không ai dám đốn chặt cây cối hay săn bắn thú rừng. Ngay phía dưới ngôi mộ ấy có ngôi miếu thờ được cho là cực thiêng. Theo ông Phong, trước đây, tại ngôi miếu ấy có tượng thờ nhưng bởi hỗn loạn trong chiến tranh biên giới, những pho tượng ấy đã bị đánh cắp.

Rừng đấy, người La Chí gọi là rừng cấm. Cũng từ khu rừng này, và những truyền thuyết như mây mờ bao phủ hàng ngàn năm nay, người La Chí đã giữ được những cánh rừng của mình bằng chính những truyền thuyết ấy.

Cũng theo những cán bộ xã ở đây thì trên đỉnh Gia Long hiện giờ, dấu tích nơi vua ở vẫn còn. Đó là một nền nhà rộng, xung quanh có nhiều cây ăn quả tuổi đã mấy trăm năm…

Theo VNN

Bình luận
vtcnews.vn