Bí mật về bộ lạc bị chôn vùi giữa sa mạc Sahara

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 16/03/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Tôi đã phát hiện ra những bộ xương. Nhưng chúng không phải là xương khủng long. Chúng là xương người!

(VTC News) - Khi tập hợp nhóm thám hiểm, ông thốt lên: “Tôi đã phát hiện ra những bộ xương. Nhưng chúng không phải là xương khủng long. Chúng là xương người!”.

Sa mạc Sahara. 

Vào ngày 13-10-2000, một nhóm ít các nhà cổ sinh vật học do tiến sĩ Paul Sereno đến từ trường đại học Chicago dẫn đầu, bỏ lại sau lưng ba chiếc Land Rovers cũ kỹ với những chai nước được chuẩn bị đầy đủ.

Trên đôi chân không mệt mỏi, họ đã băng qua những bãi cát màu vàng chạy nối đuôi nhau của sa mạc Ténéré ở miền bắc Nigeria. Ténéré nằm bên mạn phía nam của Sahara, là một trong những vùng địa lý xa xôi và có ít dấu chân người nhất trên thế giới.

Tuareg, những người du mục trong nhiều thế kỷ đã thống trị vùng đất cằn cỗi này, đã so sánh nó với hình ảnh “sa mạc trong sa mạc”. Đây là một đại dương của cát và đá, có diện tích cỡ thành phố California. Chỉ một đụn cát khổng lồ cũng trải dài đến hàng trăm dặm và cùng với cái nóng đến 120 độ C và những trận gió dữ dội có thể làm bay sạch hơi nước cơ thể người trong vòng chưa đến một ngày.
 
 

Những điều kiện khắc nghiệt đó, cộng với sự xung đột giữa bộ tộc du mục Tuareg và chính phủ Nigeria, đã làm cho vùng đất này hầu như không có dấu chân con người đến khám phá.

Sereno, một nhà thám hiểm của National Geographic Society và là một trong những nhà săn lùng dấu tích của loài khủng long nổi tiếng thế giới, đã chỉ huy cuộc thám hiểm đầu tiên đi sâu vào vùng Ténéré trước đó 5 năm.

Để vào được vùng đất này, ông phải thương thuyết với cả thủ lĩnh phiến quân Tuareg và Bộ Quốc phòng Nigeria. Họ đã trao cho ông một lộ trình an toàn để khám phá những vùng trầm tích có nhiều hóa thạch này.

Cuộc xâm nhập đầu tiên đã kéo theo nhiều người khác tham gia và mỗi lần nhóm của ông xuất hiện trên sa mạc lại phát hiện di cốt của những loài sinh vật lạ, trong đó có loài Nigersaurus, một loài khủng long ăn cỏ có tới 500 cái răng và Sarcosuchus, loài cá sấu đã tuyệt chủng to cỡ một cái xe bus.
 
Tiến sĩ Paul Sereno và bộ xương hóa thạch cá sấu khổng lồ. 

Tuy nhiên, cuộc thám hiểm năm 2000 là công trình tham vọng nhất của ông sau ba tháng cày xới 300 dặm vuông ở Ténéré.

Cuộc thám hiểm kết thúc gần Agadez, một thị trấn của những người hành hương thời Trung cổ nằm ở vành đai phía tây của sa mạc.

Các thành viên trong đoàn cũng đã đào bới được 20 tấn xương khủng long và các sinh vật cổ đại khác. Nhưng 6 tuần làm việc không nghỉ trong cái nghĩa địa khổng lồ này đã lấy đi khá nhiều sức lực của họ.

Phần nhiều trong nhóm đều mắc bệnh kiết lỵ trong khi một số khác thì bị sút cân ghê gớm đến mức họ phải túm cao quần áo của mình khi lê những đôi chân mỏi mệt trên cát mềm.

Thêm vào đó, thần kinh của tất cả thành viên đều căng như dây đàn khi lúc nào cũng phải lo lắng có thể chạm trán với những toán cướp có vũ trang.

Mike Hettwer, một nhiếp ảnh gia đi cùng đoàn đã tự mình tiếp cận đến vị trí có ba đụn cát nhỏ. Ông trèo lên mỏm đầu tiên và mở tròn mắt trong niềm thích thú tột độ. Những đụn cát đang chảy tràn lan với những bộ xương. Ông nhanh chóng dùng máy ảnh kỹ thuật số mang theo bên mình chụp lấy vài tấm hình rồi vội vã quay trở lại những chiếc Land Rovers.

Khi tập hợp nhóm thám hiểm, ông thốt lên: “Tôi đã phát hiện ra những bộ xương. Nhưng chúng không phải là xương khủng long. Chúng là xương người!”

Cái nóng, cái khát và trong một giây phút nào đó đã làm cho những con khủng long bị lãng quên cho đến khi nhóm thám hiểm đi theo Hettwer quay lại ba đụn cát và bắt đầu thận trọng khảo sát quanh những đụn cát có xuất hiện những bộ xương lạ.
 
 

Chỉ trong vài phút, họ đã đếm được hàng chục bộ xương người. Những mảng vòm sọ người trắng hếu nhô lên mặt cát trông giống như những cái bát sứ úp ngược vậy. Những đoạn xương hàm còn những hàm răng khá nguyên vẹn, một bàn tay nhỏ bé – có lẽ là của một đứa trẻ thấp thoáng trong cát với những đoạn xương ngón tay nhô lên.

Chính những trận cuồng phong sa mạc đã kéo chúng ra khỏi nơi an nghỉ cuối cùng. Tại các khu nghĩa địa, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều mảnh gốm, những chuỗi hạt và những công cụ làm bằng đá. Xung quanh nơi tùy táng còn vương vãi vô số các bộ xương động vật có lẽ là của những cư dân ở sa mạc này thuần hóa được.

Trong gần 7.000 năm qua, sa mạc Sahara cũng rất giống so với ngày nay. Tuy nhiên, khoảng 12.000 năm trước, trục quay của Trái đất đã bị mất cân bằng và các nhân tố khác đã gây ra những trận gió mùa châu Phi chuyển dần sang hướng Bắc, mang đến những cơn mưa cho một vùng rộng gần bằng nước Mỹ ngày nay.

Những con nước tươi tốt chạy dài qua Sahara, từ Ai Cập đến Mauritania đã thu hút các loài động vật và cuối cùng là con người đến sinh sống.

Các nhà khảo cổ đã thu thập được các công cụ bằng đá được những cư dân đầu tiên đặt chân đến vùng Sahara Xanh này sinh sống và những hoa văn khắc trên gốm của họ.

Họ cũng nhận dạng được hàng ngàn tác phẩm khắc đá miêu tả những đàn đà điểu, hươu cao cổ và voi. Một số hình ảnh mô tả cách những người sống ở Sahara Xanh học thuần hóa vật nuôi.

Tuy nhiên, những gì còn sót lại giờ đây vẫn còn nằm trong bức màn bí ẩn. Liệu có phải những con người này đến từ những khu rừng già châu Phi hay thung lũng sông Nile? Hay họ có phải là những cư dân du mục? Hoặc có phải họ đi khoanh vùng lãnh thổ và gây dựng nên những khu định cư? Họ có giao thương với những bộ lạc khác hay không? Khi những đợt gió mùa qua đi họ đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn như thế nào?

Chỉ có một phần duy nhất của câu chuyện có vẻ rõ ràng nhất là khoảng 3.500 năm về trước, sa mạc đã trở lại là chính nó và con người đã bị xóa sổ.

Cuộc tìm kiếm đầy những khó khăn này kéo dài trong 8 năm (từ năm 2000 đến 2008) đã làm tổn hao không biết bao nhiêu mồ hôi công sức của đoàn thám hiểm. Những cuộc đụng độ đầy bạo lực đã diễn ra giữa binh lính quân đội Nigeria với những thường dân và các băng nhóm trộm cướp vũ trang.

Đến tháng 12-2008, tổ chức Quan sát Nhân quyền đã báo cáo con số những binh lính và thường dân bị thiệt mạng hay bị thương trong các cuộc xung đột. Chính phủ Nigeria đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong khu vực, nghiêm cấm người nước ngoài đi đến vùng Ténéré.

Sereno và các cộng sự bị buộc phải hủy bỏ cuộc khai quật vào các năm 2007 và 2008. Trong khi những trận bão cát tràn qua vùng Bobero và sa mạc tiếp tục phá hủy những phần còn sót lại cuối cùng của Sahara Xanh một thời trong quá khứ.

Thật may mắn là Mike Hettwer đã chụp được và cho công bố rộng rãi những bức ảnh vô giá về diễn biến xung quanh cuộc khai quật này để chúng ta được chiêm ngưỡng về những gì còn sót lại của một bộ lạc xấu số và những khó khăn mà các nhà khoa học phải đối mặt trong cuộc kiếm tìm mạo hiểm này.

Kính mời độc giả xem những bức ảnh vô giá về các cuộc khai quật ở Sahara trong kỳ tới…

Còn tiếp…

Tân Vũ (Theo Boston Globe, New York Times và National Geographic)
Bình luận
vtcnews.vn