Bí mật nghề săn trộm trống đồng

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 20/09/2010 06:00:00 +07:00

Dân săn đồ thường ngụy trang là những người đi dò phế liệu.Khi bắt được tín hiệu chắc chắn rồi, họ sẽ đánh dấu lại rồi tối ra đào trộm.

Dân săn đồ thường ngụy trang là những người đi dò phế liệu nhưng khi được trống đồng cũng không dám đào ngay vì sợ chính quyền ra tịch thu hay đầu gấu ra trấn lột. Khi bắt được tín hiệu chắc chắn rồi, họ sẽ đánh dấu lại rồi tối ra đào trộm. Nhưng không phải khi nào cũng đánh dấu được bởi nhiều khi có mấy nhóm săn, nhóm này hở ra, nhóm khác lấy ngay nên họ đào trống ngay thanh thiên, bạch nhật.

Săn đồ cổ cũng có mùa. Hễ khi thời tiết khô ráo, thường là lúc thu hoạch xong lúa chiêm hay lúa mùa, khi những cánh đồng trắng gốc rạ, ấy đã là điềm báo hiệu mùa đi săn trống bắt đầu. Săn thời điểm ấy có thuận lợi là băng đồng dễ dàng và nhất là không bị... nông dân đuổi đánh vì giẫm phải hoa màu. Không ít đội đi săn trống đã bị bầm da, tím thịt bởi những lý do lãng nhách như vậy.

Sau bao cuộc chén chú, chén anh ở nhà ông Tám, cuối cùng tôi cũng lấy được lòng người đàn ông tóc hoa râm, ông trùm của mấy đội thợ cho bám càng một chuyến đi săn. Đồ nghề cho cuộc săn cũng khá gọn nhẹ, gồm một chiếc máy dò kim loại của Trung Quốc dạng công binh, trị giá cỡ chục triệu, một chiếc bao tải trong đó bọc kín mấy cái cuốc, xẻng, thuổng loại cán ngắn.

Máy dò cổ vật. 

Thợ săn đồ cứ đến bữa đã có quán ăn, ngả đâu cũng là nhà trọ, sinh hoạt khá dư dả vì tất cả chi phí đã có những ông trùm như ông Tám lo hết. Khi được đồ, họ cùng nhau định giá rồi phân chia theo mức đầu tư cũng như công sức bỏ ra. Ông chủ lại xuất tiền ra trả cho cánh thợ để ôm món đồ đó, chờ đợi thời cơ sẽ bán cho các đại gia, nhà sưu tầm.

Ông Tám kể: "Làm nghề này phải thật kiên nhẫn. Nhiều khi ròng rã cả tháng khắp đồng trên, ruộng dưới hết mấy chục triệu chi phí mà chỉ được toàn đồ sắt vụn theo đúng nghĩa. Thợ săn chán một, ông trùm chán mười nhưng trộm nghĩ săn đồ cũng như đi câu, ngộ nhỡ tổ nghiệp phù hộ dính được cái "chày", cái "chưởng" (chày, chưởng là tiếng lóng của riêng giới săn đồ cổ, ám chỉ mỗi khi đào được món đồ gì cực giá trị, cỡ vài chục hay vài trăm triệu đồng) thì ấm no đến vài năm. Thế nên đến mấy tháng nay, nhóm tao "móm" nặng, chưa moi được đồ gì ra hồn mà đều tự nhủ mỗi sáng, biết đâu, dưới đất mình sắp đi, có sẵn cái chày, cái chưởng đang nằm chờ"...

Khi sáng tỏ mặt người, chúng tôi đã đến bãi dò đồ. Đó là cánh đồng của làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Chẳng mấy chốc, cánh đồng này sẽ bị san phẳng để làm khu đô thị mới Nam Cường nên giờ rất vắng bóng người. Vì là đi săn trộm nên tất cả bỏ qua trục đường chính mà phi xe theo con đường tắt lỗ chỗ ổ gà, ổ trâu để ra cánh đồng. Ra đến nơi, một ông "thổ công" - tức người chỉ điểm đã đợi sẵn trên bờ đang rít thuốc lào sòng sọc.

Trên một cánh đồng bát ngát cò bay, phẳng phiu chân rạ, làm sao để biết được đồ nằm ở đâu? Tôi hỏi trùm Tám, ông cười lớn: "Chú em đừng nôn nóng, cứ từ từ rồi sẽ trải nghề. Săn đồ cũng phải có tọa độ, có trọng điểm đàng hoàng chứ không đến cám lợn cũng chẳng có mà ăn đâu". Tọa độ, trọng điểm ấy chính là những thứ gọi là "giác quan thứ sáu" của thợ săn. Những nơi hay có gò đống, những bờ ruộng có những màu đất lạ, những hang hố vương vãi tí xíu mảnh gốm, mảnh sành... ấy là những điềm báo trước cho cánh thợ, dưới ấy dễ có đồ cổ.

Cả buổi sáng, tôi cứ lẽo đẽo theo sau Sáng - một tay thợ của trùm Tám đến rời chân, rã cẳng mà chẳng thấy được tí đồ gì. Bữa trưa diễn ra chóng vánh ngay trên bờ với những ổ bánh mỳ kẹp thịt được ngả ngay trên yên xe máy.

Nghỉ trưa được một chặp, tôi được Nam chuyền tay máy cho. Chiếc máy khá nhẹ, chỉ độ 3-4kg nhưng cầm tay một lúc là mỏi nhừ bởi không quen. Nó có cấu tạo khá đơn giản gồm một bộ ắc quy điện, một cái bàn dò tín hiệu hình tròn như chiếc bánh dày cỡ lớn, trên thân máy có mấy nút điều khiển. Điều quan trọng là nó bắt sóng rất nhạy. Bất kỳ đồ vật kim loại gì nằm ở dưới đất trong độ sâu chừng 2-3m đều nằm trong "vùng phủ sóng" của nó.

Đang phăm phăm đi trên những ruộng mấp mô vết đào lỗ chuột, bỗng chiếc máy trên tay tôi “tút tút” rất to. Sướng lịm người, tôi hướng cần máy ra tứ phía rồi cứ thế đi theo phía có tiếng kêu mỗi lúc một to. Đến một chỗ, máy chỉ kêu “tít tít” liên tục. Cố lục trí nhớ những gì Nam truyền lại, tôi phán đoán trong cơn nóng ran người là đúng tâm đồ rồi. Mấy nhát cuốc được bổ xuống một cách nhẹ nhàng, mấy bàn tay được dịp moi moi, bới bới, cuối cùng trên tay tôi hiện ra một... chiếc vỏ bao thuốc lá Vinataba có tráng lớp thiếc. "Công nhận máy nhạy thật".

Nam cười diễu nhưng cũng an ủi luôn: "Lúc đầu bọn tao cũng lớ ngớ như mày thôi, cứ thấy máy tít tít là sướng như người say thuốc lào, hăng hái đào bới như điên đến phồng rộp da tay mà chỉ được toàn đồng nát như lon bia, xoong nồi hỏng... Giờ có kinh nghiệm rồi nên không phải cứ thấy kêu là đào. Kim trên máy tụt xuống âm là đồ đồng, còn cứ dương thẳng lên là đồ tạp".

Trống đồng Ngọc Lũ. 

Kinh nghiệm là thế nhưng cũng có không ít lần nhóm của ông Tám bị nhầm lẫn suýt bỏ mạng. Ông kể: "Cánh tên lửa, bom có chất liệu tuy không phải bằng đồng nhưng không hiểu nó cấu tạo kiểu gì mà bắt tín hiệu hệt như đồ đồng. Lần ấy, cánh tao đi săn đồ ở huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ nay là Hà Nội) thấy kim trên máy tụt xuống âm, máy kêu tít tít mạnh lắm đã chắc mẩm là trúng quả rồi, liền hè nhau hì hụi đào cả tiếng không ngừng nghỉ. Khi moi đến lớp đất cuối cùng thấy "ten màu" xanh lét lại càng sướng, tưởng đồ quý hiếm. Cẩn thận khoét một vòng rộng quanh hố để khỏi chạm sứt mẻ đồ, đến khi bốc hết đất ra, lộ rõ quả bom tạ chưa nổ, nằm thùi lùi như cái chum đại. Trời lạnh mà cả nhóm sợ mồ hôi túa ra ướt đầm sống lưng, chỉ thiếu điều vãi hết ra quần". Ông Tám dạy tôi, đồ đồng ở dưới đất cả vài ngàn năm mỗi thứ một dáng cũ nát, tàn tích rất khác nhau nhưng về cơ bản chúng có những lớp "da" khá giống nhau (dân trong nghề gọi là ten).

"Đồ đồng có 3 ten tương ứng với những loại đất chúng nằm. Ten bóng loáng đến độ thấy cả mặt mình trong đó là ten gương, ten ít bóng hơn, có màu rỉ xanh như rêu, như địa y là ten xanh và ten xấu nhất, rẻ tiền nhất là ten sắt, chúng sần sùi như da cóc tía ấy. Đồ quý tùy thuộc hoa văn có kỹ thuật hay không, độ lành tít thế nào và tùy thuộc vào cả ten màu chúng mang nữa. Cả vài ngàn năm nằm sâu dưới ba bốn tấc đất, qua bao mưa nắng, địa chấn, rồi biết bao tác động của con người săn được đồ lành cả hoa văn, ten đẹp, sâu tuổi nữa giá trị vô cùng. Đồ đào được thì đủ chủng loại, vũ khí như mũi tên, giáo mác này, xoong, nồi đồng này, thậm chí cả chiếc vòng trinh tiết bằng đồng mà ông chồng đi trận bắt vợ phải đeo. Cấu tạo nó buồn cười lắm, chỉ có lỗ để đại, tiểu tiện, còn lại, bị khóa hết đợi chồng đi trận cầm chìa về mới mở ra "liên hoan" cơ".

Bộ trống đồng ở nhà ông Long, các đồ vũ khí đồng thu được từ
cuộc săn.
 

Hôm sau tôi lại khăn gói lên đường cùng đội quân ông Tám. Lần này điểm đổ bộ là khu di chỉ mộ thuyền ở cánh đồng Xuân La (Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội). Không hẹn mà kỳ lạ thay cánh đồng đã có một đội thợ săn gồm 5 người đã quần thảo. Không chậm trễ, chúng tôi cũng triển khai máy móc, săn đồ ngay ở thửa ruộng bên cạnh...

Cả buổi chiều chúng tôi bắt được vài tín hiệu đồ đồng. Những đôi mắt hau háu, những cái tay xăng xái đào bới lớp đất thịt quánh đặc như mạch nha trên mặt ruộng để bóc lộ ra một lớp đất khác xốp, xậm màu hơn. Cuối cùng chúng tôi cũng chỉ nhặt nhạnh được vài đồ vớ vẩn như mũi giáo, mũi tên, câu liêm, rìu đồng... Đồ đó có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng.

Dân săn đồ thường ngụy trang là những người đi dò phế liệu nhưng khi được trống đồng cũng không dám đào ngay vì sợ chính quyền ra tịch thu hay đầu gấu ra trấn lột. Khi bắt được tín hiệu chắc chắn rồi, họ sẽ đánh dấu lại bằng một hòn đá, một nắm rạ, một nhánh cây thậm chí kỳ dị hơn... ngồi ị một bãi để người khác tránh xa rồi tối ra đào trộm. Nhưng không phải khi nào cũng đánh dấu được bởi nhiều khi có mấy nhóm săn, nhóm này hở ra, nhóm khác lấy ngay nên họ đào trống ngay thanh thiên, bạch nhật.

Đào kiểu này cũng phải "lót tay, lót chân", cho chính quyền xã, thôn để họ làm ngơ cho. Rồi lại bịt mắt bà con xúm đông, xúm đỏ rằng cái vật vừa đào lên đó là... chiếc thùng hay thậm chí nồi nấu bánh chưng của thời phong kiến.

Đào được rồi cũng chỉ chằng buộc trống vớ vẩn bằng bao tải rách, buộc sau yên xe máy chềnh ềnh như người ta chở chó, chở gà rồi đánh bài chuồn lẹ. Không được may mắn như vậy, cách đây một thời gian, có nhóm dò đồ cổ khi "oanh tạc" ở địa bàn Sơn La đã bị tóm sống với cả công cụ, cổ vật vừa đào được cùng cả người. Thì ra nhóm này cũng chỉ là loại mới "mọc mũi, sủi tăm" chứ chưa có sừng, có mỏ dày dạn kinh nghiệm như mấy đội thợ của ông Tám.

Đôi tượng Hán có hình người nô lệ ôm đèn dầu bé như ngón tay giá cả chục ngàn USD. 

Tuy thế, "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma", nhóm ông Tám đã từng phải vác máy chạy tuột cả dép guốc ở Hòa Mạc (Duy Tiên, Hà Nam) khi đang dò trên ruộng thì bị chủ cầm cuốc xẻng ra đuổi đánh. Nghĩ bãi đồ tiếc quá, ông đành phải chơi bài ngửa thẳng thừng đến gặp những nông dân buổi sáng vừa cầm cuốc xẻng ra rượt đuổi mình thuê ruộng để dò tìm đồ. Mấy nông dân cũng ra làm thuê, dần dà có chút kinh nghiệm từ đó thành thợ luôn, lập nhóm của riêng mình, mua máy, săn đồ. Không ngờ kiểu "cờ bạc đãi tay mới" hay sao mà năm đầu tiên họ dò được mấy cái xô, chậu Đông Sơn bán mấy chục triệu đồng. Vụ thứ hai “thần may mắn” còn đậu trên vai họ khi dò luôn được cái chày hàng kỹ (trống đồng) bán vội, bán vàng cũng được trên 300 triệu, xây luôn cái nhà to nhất nhì làng.

Trong giới chơi trống cũng phân cấp. Cấp đại gia, chơi đồ đắt nhất, đẹp nhất là trống đồng hàng kỹ thuật. Trống đồng bình thường có ít hoa văn, giá chỉ 100-200 triệu nhưng trống kỹ thuật có đủ hoa văn như hình thuyền, hình cóc chầu, hình giã gạo, hình người... trị giá tiền tỉ, thậm chí cả chục tỉ cũng khó mua được. Dễ thường có cả trăm trống đồng bình dân mới gặp được một trống cao cấp như vậy. Nhiều cánh thợ hay thậm chí những ông trùm như ông Tám cũng chẳng bao giờ biết mặt mũi chiếc trống hàng kỹ nó ra sao mà chỉ biết qua sách báo, phim ảnh. Chính vì trống đồng hàng kỹ có giá trị thế nên hay bị làm giả. Dân mới vào nghề buôn hay những trọc phú học làm sang, lớ ngớ dễ dính quả đắng như chơi.

Giờ kỹ thuật làm giả trống đồng đã đạt đến mức thượng thừa, mà làm đạt nhất vẫn là cánh thợ Thanh Hóa. Cách đơn giản mà hiệu quả nhất là "tút" lại những chiếc trống nát. Hiệp thợ mông má thu mua tất những chiếc trống thủng lỗ chỗ như than tổ ong, thậm chí nát tươm, mặt một nơi, thân một nẻo với giá bèo bọt vài triệu đến vài chục triệu rồi về vá. Chúng vá lành nghề đến nỗi còn lấy cả bụi của đồng cũ ra, gắn keo phủ lên vết vá. Người thường, không thể nào phân biệt nổi, thậm chí cánh buôn cũng không biết.

Tinh vi và trắng trợn hơn là làm trống đồng giả hoàn toàn. Cách này tôi được nghe phong thanh như sau: thợ mông má gom những đồng xu cổ hoặc đồng vụn cùng niên đại với thời trống đồng đem nghiền bột. Khi bột đồng mịn như cám, được đổ vào khuôn ép thủy lực ép thành trống đồng với những hoa văn cũng cóc, cũng mặt trời, cũng chèo thuyền, y hệt trống thật. Đem kính lúp ra mà soi cũng vẫn "đẹp từng centimét" cả hoa văn lẫn ten đồng mà nếu thử cả bằng máy hiện đại (đo phóng xạ cácbon?) cũng thấy đúng tuổi luôn. Lắm người đưa cả chuyên gia thẩm định đi vẫn bị lừa như thường.

Người mua nhiều khi xỉa cả cọc tiền ngang giá xe hơi loại xịn nhưng cũng chẳng thể biết mình ngậm đắng nuốt cay mua phải đồ rởm. Chỉ đến khi đem giám định bởi những bậc "trưởng lão" trong nghề mới lăn đùng, té ngửa ra thì tiền mất, tật mang rồi. Nói ra lại sợ thiên hạ đàm tiếu trọc phú học làm sang nên cũng đành để lại như một kỷ vật buồn








Theo Xứ Đoài - CAND
Bình luận
vtcnews.vn