Bí mật nghề săn châu báu dưới đáy biển

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 03/10/2010 02:05:00 +07:00

Dân Bình Châu "nổi danh" vì họ dám mò xuống tận đáy đại dương giữa mênh mông trùng khơi, sục sạo tìm kiếm cổ vật, châu báu trong những con tàu bị đắm.

Ngư dân các làng chài ven biển dường như không xa lạ gì với nghề lặn bắt vích, tôm hùm, hay chĩa cá... ở những bãi san hô, rạn đá ngầm lởm chởm. Song, có thể nói, cánh thợ lặn ở làng chài Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, "nổi danh" hơn, vì họ dám lần mò xuống tận đáy đại dương giữa mênh mông trùng khơi sóng vỗ, sục sạo tìm kiếm cổ vật, châu báu trong những con tàu bị đắm từ hàng trăm năm trước.


Có một thực tế hết sức phũ phàng, cánh thợ lặn vớt cổ vật dưới đáy biển không hề biết giá trị thực của cổ vật nên rất hiếm người được "lộc" đổi đời; ngược lại, rất nhiều người phải bỏ mạng do không chịu nổi sức ép của áp suất nước biển, nếu may mắn sống sót thì bị liệt tứ chi, chịu cảnh sống thực vật trong suốt quãng đời còn lại...

Hút hồn vì cổ vật

Những lão ngư ngoài tuổi 80 ở làng chài Bình Châu gắn bó gần hết cuộc đời với biển cả vẫn không biết được ai là người đầu tiên của làng đã mở đầu cho cuộc tìm kiếm cổ vật, châu báu trong những con tàu cổ bị đắm giữa lòng đại dương. Họ chỉ nhớ mang máng là đời ông cố, ông nội của mình cũng đã kể về chuyện lặn tìm đồ cổ...

Đồ gốm sứ cổ Chu Đậu được tìm thấy từ con tàu cổ bị đắm tại tọa độ X vùng biển Cù Lao Chàm.

Còn cánh thợ lặn hiện thời ở làng chài nhỏ bé bên chân sóng này, đoan chắc, nghề lặn tìm cổ vật trong những con tàu cổ bị đắm trở thành "phong trào" kể từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Đó là thời điểm mà một số ngư dân lặn bắt hải sâm ở tọa độ X trên vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam) tình cờ phát hiện xác con tàu cổ bị đắm từ thế kỷ XV, trong lòng tàu chất đầy đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải Dương.

Nhắc lại chuyện này, nhiều thợ lặn cứ chép miệng tiếc rẻ, cho rằng, hồi đó do họ thiếu thông tin nên không hiểu hết giá trị thực của cổ vật, đã bán "non" những món đồ vớt lên từ con tàu cổ bị đắm cho những kẻ chuyên buôn bán cổ vật; dù là những món đồ cổ rất giá trị, song cũng chỉ có vài trăm ngàn đồng. Sau này, mới nghe phong thanh các trùm buôn bán cổ vật đưa những món đồ cổ mua "rẻ như bèo" ấy ra nước ngoài bán lại thu lời bạc tỉ dễ dàng.

Thậm chí, có thợ lặn còn tỏ ra hiểu biết rằng, họ đã đọc được tài liệu về cuộc bán đấu giá cổ vật là gốm cổ Chu Đậu, Hải Dương, do Hãng eBay thực hiện cách đây khoảng 10 năm tại San Francisco và Los Angeles (Mỹ), mỗi chiếc bình rượu tạo hình rồng vẽ lam, có giá ít nhất từ 30 đến 50.000USD, thậm chí có đại gia còn mua tới giá 70.000USD... Nhưng biết được thì đã muộn, "lộc trời" mà họ chịu bao khổ cực, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng tìm thấy từ đáy biển chỉ làm giàu cho những kẻ chuyên buôn bán cổ vật trái phép, lén lút tuồn cổ vật trong nước ra nước ngoài để thu lợi bất chính...

Mặc dù vậy, cổ vật ở những con tàu bị đắm từ thế kỷ XV tại tọa độ X Cù Lao Chàm dường như đã hút hồn cánh thợ lặn của làng chài Bình Châu, khiến họ xem nghề lặn bắt hải sâm, tôm hùm, rùa biển... chỉ còn là nghề tay trái. Sau những vụ mua bán cổ vật ì xèo thì tọa độ X trên vùng biển Cù Lao Chàm bị các cơ quan chức năng phong tỏa; cánh thợ lặn làng chài Bình Châu vẫn tìm mọi cách lén lút đột nhập con tàu cổ bị đắm để lấy cổ vật. Những cuộc rượt đuổi, vây bắt giữa lực lượng chức năng với các nhóm thợ lặn khai thác cổ vật trái phép diễn ra như... cơm bữa, trên mặt biển.

Nỗi buồn của anh Quý khi bị liệt toàn thân hơn 10 năm qua. 

Mãi cho đến tháng 4/1997, được sự cho phép của Chính phủ, một ban khảo cổ liên ngành gồm: Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Quảng Nam, Trung tâm Khảo cổ học dưới nước - Đại học Oxford (Anh), Xí nghiệp Liên hiệp Trục vớt cứu hộ Việt Nam, Công ty Saga Horizon (Malaysia)... cùng với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, tiến hành khai quật khảo cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm, thì việc ngư dân lén lút khai thác cổ vật mới dần lắng xuống.

Và lúc này, bí mật về con tàu cổ bị đắm tại tọa độ X trong lòng biển Cù Lao Chàm từ thế kỷ XV mới được vén màn. Người ta đã đo đạc chính xác con tàu cổ này có chiều dài đến 29,4m; lòng tàu chia thành 19 khoang, mỗi khoang đều chất đầy ắp đồ gốm, sứ Chu Đậu, Hải Dương...

Từng là thợ lặn có mặt tại tọa độ X trên vùng biển Cù Lao Chàm ngay khi ngư dân phát hiện con tàu cổ bị đắm, anh Tiêu Viết Thạnh, Trưởng Công an xã Bình Châu, nói chắc, từ mặt nước xuống đến đáy biển, nơi có con tàu cổ bị đắm độ sâu chừng 30 sải (ước khoảng 70m). Lặn xuống độ sâu như thế, song các tàu ngư dân chỉ dùng một máy nén khí để trên khoang, nối với những ống cao su dẫn khí cung cấp cho người lặn. "Chỉ cần sơ sẩy, hoặc ống dẫn bị tắc, bể thì người lặn sẽ mất mạng ngay trong lòng biển". Nhớ lại chuyện cũ, anh Thạnh lắc đầu ngao ngán. Nguy hiểm là vậy nên chỉ đi vài chuyến là anh Thạnh "rửa tay, gác kiếm", sau đó về tham gia công tác ở xã và được cử làm xã đội trưởng, rồi trưởng công an xã... Nhưng, trường hợp anh Thạnh chỉ rất hãn hữu.

Những cảnh đời bi đát...

Nhà chị Trần Thị Thanh (42 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu), nằm trên một ngọn đồi nhỏ, cách biển chỉ vài chục bước chân. Khi chúng tôi đến, vừa dựng chiếc xe máy ngoài sân thì một cậu bé chừng 15 tuổi trong nhà chạy ào ra. Cậu bé không chào hỏi khách mà vội vàng chụp lấy cái yên xe gắng sức lật lên. Lật một hồi không được, cậu ta bèn cúi xuống kê mũi vào chỗ có bình xăng hít lấy, hít để. Và, như không thỏa mãn, cậu bé nhìn chúng tôi, đập tay vào yên xe bình bịch và hét lớn "A... a...". Lúc này, chị Thanh mới chạy ra.

Một tay bế đứa con nhỏ quặt quẹo như không có xương, tay kia chị cố túm cậu bé để lôi nó ra khỏi chiếc xe máy của chúng tôi. Nhưng, cậu bé vùng vằng la hét và khóc, trì cứng, nhất định không chịu buông chiếc yên xe. Anh Thạnh bảo chúng tôi: "Nó nghiện mùi xăng rồi! Chừ không cho nó ngửi xăng một chút thì nó la hét miết...".

Một cán bộ xã Bình Châu đi cùng phải mở khóa yên xe. Ngay lập tức cậu bé vồ lấy nắp xăng mở bình kê mũi vào hít một hơi dài. Sau đó, lặng lẽ đậy bình xăng lại rồi chạy núp bên mẹ, nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thất thần...

Chị Thanh và hai đứa con bị tật nguyền. 

Vào nhà, chị Thanh kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh bi đát của mình. Thì ra, chồng chị là anh Võ Văn Trọng (còn gọi là Châu), một thợ lặn có tiếng ở làng chài này. Hai người cùng làng, lớn lên yêu nhau rồi gá nghĩa vợ chồng. Sinh con trai đầu lòng, vợ chồng chị đặt tên Võ Vương. Hai năm sau, họ lại có cô con gái đặt tên Võ Thị Tâm. Rồi 5 năm kế, họ lại có một bé trai đặt tên Võ Đông Tri. Ngặt nỗi, bé Vương lớn lên tâm thần ngớ ngẩn, bất thường, lại "nghiện" mùi xăng. Kể từ khi lên 5, lên 6 tuổi, hằng ngày cậu bé đi lang thang trong xóm tìm xe máy để ngửi xăng.

Còn bé Tri năm nay đã 6 tuổi, song bị bại liệt và câm từ nhỏ nên trông giống như trẻ lên 3. Chỉ còn có bé Tâm hiện mới học lớp 6, song cũng đã phải cùng mẹ làm lụng kiếm sống cho gia đình. Nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ, chị Thanh tâm sự: "Năm bé Tri tròn một tuổi, anh Trọng đi với bạn ra biển lặn và bị sức ép của áp suất nước biển làm vỡ tim, chết trong lòng biển. Từ đó tui một mình làm lụng nuôi 3 con dại, nếu không nhờ bà con lối xóm giúp đỡ, chắc mẹ con tui cũng chết đói từ lâu...".

Các cán bộ xã Bình Châu nói rằng, trường hợp gia đình chị Thanh, xã liên tục vận động bà con quyên góp, giúp đỡ. Hễ có đoàn công tác xã hội - từ thiện nào về địa phương cũng ưu ái, giới thiệu để họ quan tâm hỗ trợ cho mẹ con chị trước tiên. Mới đây, một nhà báo Pháp gửi cho mẹ con chị Thanh mấy trăm đôla, nhưng lại ghi nhầm họ của chị thành Nguyễn nên không nhận được, bà con trong xã ai cũng thương cho mẹ con chị không gặp may...

Trường hợp thợ lặn bị chết do không chịu nổi áp suất của biển bỏ lại vợ con nheo nhóc đã đành, ở làng chài này còn có hàng chục thợ lặn khác, chủ yếu lặn tìm cổ vật trong lòng đại dương, bị áp suất nước biển ép dẫn đến hậu quả nhũn người, liệt toàn thân nằm một chỗ; gánh nặng gia đình càng đè nặng trên vai những người vợ ốm yếu.

Thăm anh Trịnh Văn Quý, ở thôn An Hải, Bình Châu, chúng tôi thực sự đau xót khi nghe anh rưng rưng kể lại cảnh sống đời thực vật hơn 10 năm qua. Năm 30 tuổi, anh Quý đã được xếp hạng trong danh sách thợ lặn giỏi của làng chài, đã hàng trăm lần lặn mò dưới đáy biển sâu, song không bị hề hấn gì. Một hôm, anh đi cùng 3 thợ lặn khác trong làng ra biển. "Khi lặn lên, tui vừa nhả ống thở cao su ngậm trong miệng ra thì thấy vùng lưng chỗ trái thận bị đau tức dữ dội. Rồi đột ngột, như có luồng điện chạy dọc cả người làm ớn lạnh và toàn thân tui mềm nhũn, đổ vật xuống, cố gượng dậy cũng không được nữa...".

Theo lời anh Quý, thấy anh bị nạn, cánh bạn lặn vội vàng cho tàu chạy vào đất liền, gọi xe cấp cứu đưa tới bệnh viện để chữa trị. Nhưng, các y, bác sĩ đều bó tay, vì hai quả thận của anh đã bị áp suất nước biển ép dẹt... Các y, bác sĩ cố gắng chạy chữa giữ được mạng sống cho anh, nhưng trong hơn 10 năm qua, cứ 3 ngày anh phải thay dây xông tiểu một lần; mọi chuyện vệ sinh cá nhân, ăn uống phải nhờ cậy người vợ lo liệu. Vợ anh, chị Phạm Thị Hà, vừa chăm sóc cho anh, vừa làm lụng, buôn bán từng mẹt cá để nuôi sống gia đình và 3 con dại...

Anh Quý buồn bã: "Con gái đầu của tui 19 tuổi đã có chồng; còn lại đứa thứ hai là Trịnh Thị Phúc, năm ngoái học lớp 9, song gia đình khổ quá phải cho nghỉ. Chừ còn thằng con út là Trịnh Văn Nhàn đang học lớp 7, nhưng khốn khó kiểu này chắc cũng phải cho cháu nghỉ học...".

Kể từ khi con tàu cổ bị đắm tại tọa độ X vùng biển Cù Lao Chàm được cánh thợ lặn làng chài Bình Châu phát hiện, đến nay làng đã có hàng chục trường hợp lặn xuống biển sâu bị áp suất nước ép khiến thiệt mạng, còn số người may mắn sống sót chịu cảnh sống thực vật như anh Quý cũng phải trên 30 người. Hậu quả của nghề lặn biển thật bi thảm, người đàn ông trụ cột mất đi, cuộc sống gia đình với những đứa con thơ dại cứ thế đè nặng trên đôi vai gầy của bao người vợ. Họ làm lụng, buôn gánh, bán bưng nuôi chồng bệnh tật, nuôi con dại sống lay lắt qua ngày. Thậm chí có người quá khốn khổ như mẹ con chị Thanh, chủ yếu chỉ sống bằng sự giúp đỡ, hỗ trợ của bà con chòm xóm và các nhà hảo tâm khi ghé thăm làng chài...

Trên đường về, anh Thạnh bảo chúng tôi rằng, ở Bình Châu cũng có một số thợ lặn không dám liều mạng với biển cả nên "giải nghệ". Gần đây nhất là anh Tiêu Viết Phụng, ở thôn Châu Thuận Biển, ra biển lặn với 10 người khác, gặp lúc gió bão đánh đắm tàu, anh bám được chiếc can nhựa nổi lênh đênh trên biển gần 2 ngày 2 đêm mới được tàu bạn cứu thoát chết. Về lại làng, anh Phụng tổ chức ăn mừng và quyết tâm không đi lặn biển nữa...

Nhưng, những trường hợp "rửa tay, gác kiếm" từ bỏ nghề lặn biển như anh Thạnh, anh Phụng rất hãn hữu; ngư dân ở cái làng chài nhỏ bé này, nhất là cánh đàn ông từ thuở bé đã tập lặn. Lớn lên theo nghề lặn kiếm sống, nhất là khi bị "hút hồn" bởi cổ vật từ những con tàu cổ bị đắm hàng trăm năm trước thì khó thể dứt ra được. Sinh nghề, tử nghiệp, những ẩn họa của nghề lặn biển, lặn cổ vật trong lòng đại dương cứ luôn rình rập. Theo đó, những cảnh đời bi đát vẫn còn tăng lên...

TheoLong Vân - Cand


                       Đại lễ 1000 năm, bạn muốn đăng trên VTC News: 

              - Những lời ngẫu hứng, tự sự, tâm sự... của chính bạn?

                - Những bức ảnh, đoạn video... chỉ mình bạn ghi được?
                                                        
                       - Tin tức, bài viết xoay quanh sự kiện Đại lễ?

                                                            
Hãy gửi đến email
[email protected] 
                                                                        hoặc
[email protected]

Tất cả thông tin bạn gửi sẽ được Ban Biên tập VTC News tiếp nhận, xử lý để đăng tải. Trân trọng!


                     Đại lễ
Bình luận
vtcnews.vn