Bí mật "bá chủ bầu trời" lâu đời nhất Trái Đất

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 31/01/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Các nhà khảo cổ Trung Quốc vừa công bố tiêu bản của bộ xương loài khủng long bay hóa thạch từng sống trên trái đất 160 triệu năm về trước.

(VTC News) - Mới đây, các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã công bố tiêu bản của bộ xương loài khủng long bay hóa thạch từng sống trên trái đất 160 triệu năm về trước. Đây có thể coi là tổ tiên xa xưa của các loài chim ngày nay.

Hình ảnh của loài khủng long bay được tái tạo lại 


Đây là loài khủng long bay chuyên ăn thịt lâu đời nhất từng được các nhà khoa học tìm thấy. Nó được đặt tên là "Haplocheirus sollers".

Trong tạp chí Khoa học Trung Quốc mới xuất bản số gần đây nhất có đoạn viết: “Bộ xương hóa thạch cho thấy, Haplocheirus sollers có 2 chân. Bộ đầu lâu rất dài với rất nhiều răng sắc nhọn. Bộ móng vuốt của nó cũng rất dài và nhọn để có thể xà từ trên cao xuống cắp con mồi”.

Hóa thạch của Haplocheirus sollers mới được tìm thấy tại lòng chảo Junggar, phía Tây vùng Duy Nhĩ, Tân Cương, Trung Quốc và các nhà khoa học đã chính thức khai quật nó từ hôm 26/01 vừa qua. Theo nghiên cứu ban đầu được ghi nhận thì đây là bộ xương của một chú Haplocheirus sollers trưởng thành với một chiếc đuôi dài và tổng chiều dài toàn thân là 230cm.

Bộ xương hóa thạch được phân tích tỉ mỉ 


Giáo sư Xu Xing thuộc Viện hàn lâm khoa học chuyên về hóa thạch cổ sinh vật học cho biết: “Chú Haplocheirus sollers này có cấu tạo đôi cánh, cấu trúc xương đầu, xương sống rất giống với loài chim hiện nay. Cách dang cánh của nó cũng tương tự như những chú chim thông thường khác”.

“Chân của nó cũng có 4 móng như nhiều loài chim hiện nay với 3 móng mọc đằng trước và 1 móng mọc chìa sang bên cạnh. Mặc dù Haplocheirus sollers là một loài khủng long bay ăn thịt nhưng rất có thể nó chính là tổ tiên xa xưa của các loài chim đang sống trên trái đất hiện nay vì người ta chưa tìm thấy hóa thạch của loài có cánh nào mang tuổi thọ đến 160 triệu năm”.

Cận cảnh chi tiết các phân tích cấu trúc xương của Haplocheirus sollers.  

Theo các nhà khoa học thì thức ăn chủ yếu của loài khủng long bay này là các loại thằn lằn, bò sát nhỏ chứ nó không ăn lá cây hay hoa quả như nhiều loài khủng long khác.

“Haplocheirus sollers vẫn mang đặc trưng của các loài khủng long nhưng nó lại chính là tổ tiên sơ khai của loài chim, tất nhiên quá trình tiến hóa này diễn ra rất chậm, tới hàng chục triệu năm”, một nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu Jonah Choiniere thuộc Trường đại học Washington cho biết.

Vào năm 1991, người ta cũng tìm thấy hóa thạch của một loài khủng long bay tại Argentina nhưng nó chỉ có tuổi thọ khoảng 95 triệu năm về trước.

Hoài Thư (Theo CRI)
Bình luận
vtcnews.vn