Bị cắt điện suốt 4 ngày, chung cư Văn Khê đảo lộn

Kinh tếThứ Ba, 30/11/2010 07:00:00 +07:00

(VTC News) - 4 ngày mất điện không biết lý do, người dân khu đô thị mới Văn Khê bức xúc. Trong khi đó, chủ đầu tư - người quản lý lại "đá bóng" trách nhiệm...

(VTC News) -  4 ngày mất điện không biết lý do, người dân khu đô thị mới Văn Khê bức xúc. Trong khi đó, chủ đầu tư - người quản lý lại "đá bóng" trách nhiệm...


Hoang mang vì mất điện 4 ngày không thông báo

Suốt 4 ngày liên tiếp, những dân cư sống trong khu đô thị mới Văn Khê (Hà Đông) ăn không ngon, ngủ không yên vì không có điện, không nước sinh hoạt, gạo không thể nấu cơm, không có đèn chiếu sáng cho các cháu nhỏ học hành… Cuộc sống tối tăm, tù túng khiến mọi sinh hoạt của các hộ dân nơi đây bị đảo lộn.

Phản ánh tới đường dây nóng báo điện tử VTC News, anh Vũ - sống tại tầng 9 tòa nhà CT1 (khu đô thị mới Văn Khê) than thở: “Tôi mới về đây được 2 tháng, cứ ngỡ cuộc sống tại nơi đô thị văn minh, hiện đại sẽ khác, ai dè… Mất điện, tôi phải di cư đi nơi khác cả ngày”.

Theo anh Vũ, khu đô thị nơi anh sống đã mất điện từ thứ Bảy (20/11/2010). Mặc dù người dân đã phản ánh với ban quản lý của tòa nhà nhưng sự cố vẫn không được khắc phục. “Toàn bộ công việc của tôi đều phụ thuộc vào máy tính. Mất điện nên về nhà tôi hoàn toàn không làm được gì. 4 ngày không có điện nên đồ ăn trong tủ lạnh cũng bốc mùi hôi thối”.

Cư ngụ ở khu đô thị mới văn minh, hiện đại, nhưng người dân ở Văn Khê lại phải chịu cảnh sống vật vờ, khổ sở vì mất điện kéo dài nhiều ngày.

Có mặt tại khu đô thị mới Văn Khê vào cuối giờ chiều ngày 24/11, pv bắt gặp những khuôn mặt mỏi mệt sau một ngày đi làm giờ phải “cắn răng” leo những bậc cầu thang bộ nặng nề. Mất điện, chỉ một số tòa nhà chuẩn bị máy nổ, thắp sáng cầu thang và chạy cầu thang máy, phục vụ người dân đi lại, còn một số tòa nhà chỉ bật máy nổ vài tiếng khiến người dân luôn phải “canh” chừng, tranh thủ.

Chị Thu Hoài, vừa leo cầu thang vừa thở hổn hển nói: “Tôi sống ở tầng 5 mà đã thấy quá cơ cực, không biết những người phải leo lên tận tầng trên cùng (tầng 25) cảm giác sẽ thế nào”.

Trao đổi với pv VTC News, chị Lê Thị Ngọc Ánh rất bất bình về việc mất điện tất cả các tòa nhà từ CT1 – CT6 dai dẳng suốt mấy ngày qua mà không một lần thông báo. “Vì sao lại mất điện, mất tới khi nào, bao giờ có điện trở lại”, những thắc mắc lẽ ra người dân đáng được biết lại được ban quản lý tòa nhà trả lời rất vu vơ. Người dân chỉ biết “đoán già đoán non”: có thể đang đào hầm đụng phải dây điện hay do
cháy trạm biến áp.

Ngày 20/11 mất điện, ngày 22/11 mới có một tờ giấy viết tạm thông báo dán trên tường ngay cạnh cầu thang máy, hứa hẹn thêm 3 ngày nữa sẽ có điện trở lại.

“Bình thường nếu như ở nhà riêng bên ngoài, khi mất điện, mình có thể điều động người đến sửa gấp, còn ở đây chẳng biết kêu ai”, chị Hoài nức nở.

“Sơ tán” khẩn cấp

Mặc dù chưa chính thức chuyển nhà về đây ở nhưng chị Ánh, dân cư sống tại tòa nhà CT3 bức xúc vì mất điện làm ảnh hưởng tới quá trình hoàn thiện căn nhà của gia đình chị: từ việc khoan tường tới làm sàn gỗ, mọi qui trình đều trở nên đình trệ. “Không có điện không làm được gì hết”, chị Ánh không giấu nổi bực bội.

Với những gia đình có con nhỏ, cuộc sống chật vật, khó khăn hơn gấp bội vì không có nước nóng tắm, không có điện để nấu nướng. Nhiều hộ đã phải di cư đi nơi khác “lánh nạn” nhưng không khỏi bực bội vì không biết khi nào mới được trở về. Nhiều bà mẹ thấp thỏm đón con đi làm về khuya giữa hành lang tối om, không có điện. Một số người khác lại nơm nớp sợ hãi vì “nhỡ đang đứng trong cầu thang máy, bất ngờ bị cắt điện giữa chừng thì nguy”.

Theo người dân, tòa nhà CT2 quy định: máy nổ chỉ bật trong vòng 2 – 3 tiếng vào những giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h – 7h30, buổi trưa từ 11h đến 12h30, và buổi chiều từ 17h – 19h30). Cảnh chen lấn, xô đẩy nơi cầu thang máy đã thường xuyên diễn ra trong mấy ngày qua.

Một số dân cư ở khu đô thị mới Văn Khê phải "sơ tán", một số khác "mòn mỏi" chờ đợi điện trong tối tăm.

Đã có không ít người vì quá bức xúc đã kéo nhau xuống “biểu tình” tại văn phòng ban quản lý tại tòa nhà CT2. Còn tại tòa nhà CT1, bảo vệ ở đây cũng luôn cau có vì mỗi ngày lại phải nghe những lời càu nhàu, gay gắt phản đối của cư dân chung cư. Ban quản lý tòa nhà chỉ còn cách giải thích: Đây là điều không mong muốn, bởi bản thân họ cũng là những “nạn nhân”, phải tạm thời tự “móc túi” bỏ tiền ra mua dầu để chạy máy phát nổ, phục vụ đi lại công cộng, điện đóm cho hành lang và chạy cầu thang máy.

Có thể nói, cảnh mất điện phập phù có thể không quá lạ lẫm ở các vùng nông thôn, tỉnh lẻ nhưng mất điện liên tục tới 4 ngày tại một khu đô thị kiểu mới như Văn Khê lại là một điều khá hiếm hoi. “Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền nhưng phải đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày tối thiểu của người dân”, chị Nguyễn Hồng Ân, một cư dân khác chia sẻ: “Nếu không sửa được thì họ phải có giải pháp “cấp cứu” tạm thời, cấp điện ngay lập tức cho người dân bằng các máy nổ hay một cách nào khác, điều mà họ hoàn toàn có thể làm được”.

Còn theo chị Lê Thị Ngọc Ánh (
dân tòa nhà CT3): Trong chuyện này, chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long chưa làm tròn trách nhiệm. Theo chị, Sông Đà Thăng Long là chủ dự án, họ phải chịu trách nhiệm về tất cả cơ sở vật chất, điện, nước,… liên quan tới sinh hoạt của người dân.

"Đá bóng" trách nhiệm

Trao đổi với pv VTC News, đại diện của Ban quản lý Sông Đà Thăng Long – chủ đầu tư của dự án,
Phó giám đốc Nguyễn Yên Sơn thừa nhận: Việc mất điện không thông báo đến người dân một phần do lỗi của bên mình. Mặc dù, khu đô thị mới Văn Khê đã hoàn thiện và bàn giao 1 phần tòa nhà, tuy nhiên, dân cư đến ở vẫn còn lác đác, nên khâu tổ chức quản lý chưa đi vào ổn định.

“Ban quản lý tòa nhà chỉ chập chững, năng lực tổ chức, quản lý còn kém. Anh em kĩ thuật yêu cầu các tòa nhà chuẩn bị máy phát cho 2 – 3 ngày nhưng khả năng thông báo đến dân cư tới tận từng nhà là không có”, ông Sơn nhận định. Chính vì vậy mà 4 ngày mất điện, người dân không có một tin tức nào, đều thấp thỏm chờ đợi trong hi vọng và lo lắng.

Trong khi đó, giải trình về sự cố mất điện kéo dài tới 4 ngày, ông Nguyễn Yên Sơn - Phó Giám đốc Quản lý Sông Đà Thăng Long cho biết: Việc mất điện diễn ra từ sáng thứ Bảy (ngày 20/11), ban đầu là do sự cố lưới tuyến của khu vực 371, 373 do điện lực Hà Đông quản lý. Vào buổi trưa thứ 7, sau khi đã khắc phục được sự cố lưới tuyến thì ngay vào buổi chiều, tủ ERU của khu đô thị Văn Khê bị cháy. Nhận biết được hiện trạng chỉ sau ít phút, tuy nhiên, vì khả năng gây nguy hiểm của mạng lưới điện cao, nên “chúng tôi không thể muốn làm gì thì làm”.

Một phần khu đô thị mới Văn Khê đã hoàn thiện xong nhưng số người chuyển về sống còn thưa thớt.

Đối với sự cố cháy tủ cần cơ quan điện lực đến tách cáp ra, dùng sào cách điện để kiểm tra, vì vậy Ban quản lý Sông Đà Thăng Long đã thông báo cho bên điện lực Hà Đông – cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp đối với dự án của Sông Đà Thăng Long - để giải quyết việc này.

“Bản thân Ban quản lý Sông Đà Thăng Long biết rõ ngay từ đầu rằng: Sự cố này không thể ngày 1, ngày 2 khắc phục ngay được. Hơn nữa, hôm đó lại rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật nên làm việc rất khó. Cả ngày Chủ nhật (ngày 21/11), chúng tôi tính chuyện đấu nối, đấu tắt, xin phép đấu nối để tạm thời có điện cho dân nhưng phải phụ thuộc vào điện lực Hà Đông chứ không thể đơn phương thực hiện”.

Nói về những khó khăn trong công tác xử lý sự cố, ông Sơn phân trần: “Đầu nối ở đây có đặc thù là cốt cáp là nhôm, rất hiếm, nếu cáp đồng thì rất dễ kiếm. Tới tận thứ Hai (ngày 22/11), phải nhờ điều động đơn vị khác cấp ngược lại cho đơn vị thi công điện, ban quản lý Sông Đà Thăng Long mới có cáp nhôm để bắt đầu đấu nối”. Hơn nữa, ông Sơn cho biết: Tủ ERU cháy, phải thay tủ mới tuy nhiên, đối với tất cả những thiết bị về điện cao thế thì trong hệ thống điện lưới không có hệ thống dự phòng. Vì vậy, bắt buộc phải đặt mua và phải chờ đợi một thời gian nhất định bởi 2 lý do: Thứ nhất, số tiền đầu tư tương đối lớn: Một tủ ERU mua cũng phải mất 500 – 600 triệu đồng. Thêm nữa, mọi công tác vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa đều phải do điện lực qui định xuống, chỉ đạo.

“Từ thứ Bảy, tôi đã phải kí công văn yêu cầu điện lực cho phép đấu tạm, đấu tắt… Nhưng cho tới thứ Hai, chúng tôi mới được phê duyệt. Sáng thứ 2 làm, buổi trưa triển khai, chiều và đêm thứ 2 đốc thúc làm... Nói bảo không làm việc thứ Bảy, Chủ nhật thì không phải nhưng gặp được lãnh đạo là rất khó”, ông Sơn trình bày. Trong khi đó, theo qui định của ngành điện lực: Thứ Bảy, Chủ nhật, điện lực vẫn phải làm việc bình thường phục vụ người dân, thậm chí cả Tết cũng vẫn phải đi làm.

Dân mất điện 4 ngày, chủ đầu tư - Sông Đà Thăng Long "đá bóng" trách nhiệm sang điện lực Hà Đông.

Kiểm tra lại thông tin với điện lực Hà Đông – nơi trực tiếp quản lý điện khu vực này, pv VTC News lại nhận được những ý kiến trái chiều. Ông Quách Thanh Sơn, Phó Giám đốc kỹ thuật của điện lực Hà Đông, cho rằng: Không có chuyện điện lực Hà Đông chậm trễ trong việc sửa chữa sự cố mất điện cho dân.

"Bên điện lực có trách nhiệm sẽ giải quyết sớm, vì làm ngành dịch vụ nên sẽ phục vụ, không kể cả thứ Bảy, Chủ nhật”, ông Quách Sơn khẳng định.

Theo thông tin từ ông Sơn, điện lực Hà Đông đã nhận công văn gửi từ phía Sông Đà Thăng Long và đã tiếp nhận, ghi rõ: Toàn bộ sẽ phối hợp và xử lý. Tuy nhiên, “khi bên điện lực đã tách sự cố ra thì việc khắc phục lại thuộc về nhà đầu tư”. Ông Quách Sơn cho rằng: “Tài sản ở đây không phải của bên điện lực, ông chủ tài sản là người quyết định mọi vấn đề. Khi tài sản của mình hỏng thì mình phải lo đi sửa. Khi tài sản không bàn giao, bên điện lực chưa dám động vào…”

Như vậy, có thể thấy, các cơ quan chức năng, cả bên quản lý Sông Đà Thăng Long và điện lực Hà Đông không ai nhận trách nhiệm về mình trong việc giải quyết chậm trễ sự cố mất điện, trong khi người dân vẫn là người chịu thiệt nhiều nhất. Vào ngày thứ Ba (ngày 23/11), ngay sau khi nhận được “lời kêu cứu” của người dân khu đô thị mới Văn Khê, VTC News đã nhanh chóng “vào cuộc” và ngay đêm hôm đó, điện đã trở về đem lại cuộc sống bình thường cho khu dân cư, trong khi lẽ ra theo đúng lịch thông báo, họ phải “sống dở chết dở” thêm 2 ngày nữa (tức 25/11 mới có điện).

Hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư Khu đô thị Văn Khê

Dự án Khu đô thị mới Văn Khê do Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long là chủ đầu tư, nằm trên đường Láng Hạ - Thanh Xuân kéo dài, cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia khoảng 3km, nằm cách trung tâm TP. Hà Đông khoảng 1km về phía Tây, thuộc địa phận xã Văn Khê.
Ban Giám đốc Sông Đà Thăng Long cho rằng: Đây là dự án lớn có mức đầu tư lên đến 1 tỷ USD, toàn bộ khu hầm của dự án sẽ được thông với nhau kết nối toàn bộ 13 tòa nhà.

Khu nhà ở đô thị Văn Khê là một trong những dự án phát triển đô thị đã được UBND tỉnh Hà Tây xác định hướng đi trong tương lai, nhằm tạo ra một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại để tiến lên đạt đủ tiêu chí cấp đô thị loại II, làm đổi thay rõ rệt bộ mặt của TP.Hà Đông.


Bài, ảnh: Tiểu Phương

 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UH gửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn