Bí ẩn xung quanh việc lấy nội tạng tử tù của Trung Quốc

Tư liệuChủ Nhật, 03/01/2016 06:41:00 +07:00

"Du lịch ghép tạng" là công việc mang lại lợi nhuận lớn cho các bệnh viện tư và bệnh viện quân đội ở Trung Quốc.

"Du lịch ghép tạng" là công việc mang lại lợi nhuận lớn cho các bệnh viện tư và bệnh viện quân đội ở Trung Quốc.

Theo kết quả điều tra của ứng cử viên giải thưởng Nobel là ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế, và ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh về châu Á-Thái Bình Dương của Canada, “du lịch ghép tạng” là công việc mang lại lợi nhuận lớn cho các bệnh viện tư và bệnh viện quân đội ở Trung Quốc.

Thông tin này từng được ông David Matas và ông David Kilgour công bố 10 năm trước (2006-2016) khi thông báo báo cáo điều tra đầu tiên họ. Theo đó, những vụ cưỡng bức mổ lấy nội tạng được tiến hành chủ yếu đối với những người theo Pháp Luân Công. Năm 2014, những thông tin cùng các tài liệu điều tra của 2 ông đã được người ta làm thành phim tài liệu “Thu hoạnh nhân thể” hay “Davids và Goliath” và đoạt giải Peabody năm 2015.
Bác sĩ Trung Quốc chuẩn bị cho một ca ghép nội tạng ở tỉnh Hà Nam ngày 16/8/2012
Bác sĩ Trung Quốc chuẩn bị cho một ca ghép nội tạng ở tỉnh Hà Nam ngày 16/8/2012 
Ông Ethan Gutmann, phóng viên điều tra chuyên về Trung Quốc cũng tìm thấy những bằng chứng tương tự như ông David Matas và ông David Kilgour. Và đã mô tả phát hiện của mình trong cuốn sách (The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem”, phát hành năm 2014. Sau đó dựng thành phim tài liệu “Hard to Believe” và được hãng truyền hình Mỹ PBS công chiếu.

Tờ Daily Mail của Anh cũng mới đăng nội dung “Hard to Believe”. Theo đó, vào năm 2006 thực trạng mổ cướp nội tạng người sống tại Trung Quốc là rõ ràng, bởi nhiều luật sư, nhân chứng, và bác sĩ tham gia phẫu thuật đều ra làm chứng. Theo ông Ken Stone, đạo diễn “Hard to Believe” cho biết, đã quyết định làm bộ phim này để thăm dò xem tại sao những báo cáo, những bộ phim về tình hình tại Trung Quốc lại giành được ít sự quan tâm, trong khi có nhiều người cung cấp bằng chứng hết sức rõ ràng, nhưng họ lại bị mọi người coi nhẹ.

Bởi theo lời kể của bác sĩ Enver Tohti, người trực tiếp tham gia vào việc mổ cướp nội tạng người sống tại khoa ngoại của một bệnh viện ở Tân Cương, năm 1994, ông bị điều tới nơi chuyên thi hành án tử hình và sau khi mổ lấy nội tạng của tử tù, cảnh sát đã nói với ông, việc ngày hôm nay anh hãy coi như chưa từng xảy ra. Hiện bác sĩ Tohti đang làm tài xế taxi tại London, và từng tham gia làm chứng tại Nghị viện châu Âu về vấn đề này.

Theo một tài liệu mới tiết lộ, trung bình mỗi năm các bệnh viện ở Trung Quốc phẫu thuật lấy đi 11.000 nội tạng từ cơ thể của tù nhân mà không gây tê cho họ. Cali Today News, cựu sinh viên từng theo học tại một trường y khoa Trung Quốc tiết lộ, đã phải thực tập trên cơ thể của một người còn sống. Chi tiết rùng rợn này được tiết lộ trong phim tài liệu “Human Harvest: China's Organ Trafficking” của đài SBS. Và để làm bộ phim này, người ta phải mất 8 năm điều tra và thu thập thông tin cần thiết về một chương trình có tên gọi Organs-on-demand.

Theo bộ phim này, Hội Chữ thập đỏ thống kê, chỉ có 37 người Trung Quốc đăng ký hiến nội tạng sau khi qua đời, trong khi quốc gia này có tỷ lệ cấy ghép nội tạng cao thứ hai thế giới. Luật sư của Cơ quan Nhân quyền quốc tế, đồng thời là người được đề cử giải Nobel hoà bình David Matas cũng xuất hiện trong bộ phim này và nói rằng, tù nhân là nguyên nhân tạo nên sự khác biệt khổng lồ trong những con số kể trên.
Tù nhân Trung Quốc
Tù nhân Trung Quốc 
Theo ông Divid Matas, chính nhờ nguồn nội tạng từ tù nhân kể trên mà các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc thường có thời gian chờ đợi rất ngắn. Trong khi tại nhiều nước trên thế giới phải đăng ký từ vài tháng đến vài năm, nhưng tại Trung Quốc, một bệnh nhân có thể được ghép tim ngay sau khi đăng ký vài ngày.

Giới chức Trung Quốc đã lập tức bác bỏ những cáo buộc trong bộ phim “Human Harvest: China's Organ Trafficking” của đài SBS, bởi theo họ nội tạng chỉ được lấy từ những người hiến nội tạng tự nguyện. Nhưng trong bộ phim kể trên, đài SBS đã trích dẫn lời của một quan chức cấp cao trong ngành Y tế Trung Quốc, theo đó nguồn nội tạng chủ yếu đến từ những tù nhân đã chết.

Ngày 14/8/2012, tờ Epoch Times từng đưa tin, mối quan hệ giữa doanh nhân Anh Neil Heywood với vợ chồng cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị đổ vỡ sau khi chàng trai đến từ xứ sở sương mù biết và muốn tiết lộ việc thu hoạch nội tạng tù nhân trái phép của gia đình quyền lực này. Bởi ông Neil Heywood từng bị cho là có dính líu đến việc buôn bán nội tạng tử tù tại thành phố Đại Liên.

Thông tin về hoạt động này lần đầu tiên được tiết lộ trên tờ The Epoch Times hồi tháng 4/2006, và tại thời điểm đó, có 5 trang mạng khác nhau ở tỉnh Liêu Ninh quảng cáo bán nội tạng cấy ghép - một quả tim có giá 180.000USD, một giác mạc giá 3.000 USD. Và công ty chuyên buôn bán nội tạng này đặt tại thành phố Thẩm Dương.

Vẫn theo thông tin từ tờ Echo Times, khi chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hồi tháng 2/2012, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đã trao cho Mỹ những văn bản mật liên quan đến việc lấy nội tạng tù nhân cho hoạt động cấy ghép của ông Bạc Hy Lai. Và bí mật này là một trong những nguyên nhân khiến ông Neil Heywood bị đầu độc, còn vợ chồng Bạc Hy Lai, người bị kết án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm, người bị kết án chung thân.

Nguồn: Petrotimes
Bình luận
vtcnews.vn