Bí ẩn Trịnh Công Sơn: Người đàn ông có 3 quả thận

Thể thaoThứ Ba, 02/04/2013 09:11:00 +07:00

(VTC News)-Một trong những lý do khiến Trịnh Công Sơn vượt qua được những cơn bạo bệnh là nhờ một đặc điểm hiếm có.

(VTC News)- Những người thân nhất cho rằng, một trong những lý do khiến Trịnh Công Sơn vượt qua được những cơn bạo bệnh là nhờ một đặc điểm hiếm có: nhạc sỹ có tới 3 quả thận.

Sống với 3 quả thận

Nhà biên kịch, phê bình điện ảnh Sâm Thương không chỉ là một người bạn từ thời niên thiếu của Trịnh Công Sơn, mà còn là một trong những người bạn gần gũi và gắn bó nhất với Trịnh Công Sơn cho đến khi người nhạc sĩ tài hoa trút hơi thở cuối cùng.

 Nhà phê bình Sầm Thương và Trịnh Công Sơn
Sau khi Trịnh Công Sơn mất 6-7 năm, trả lời phỏng vấn trên báo về tình bạn của hai người, ông Sâm Thương nói: “Chúng tôi chơi với nhau từ bé. Và sau đó thì có một thời gian xa cách vì chiến tranh, mỗi người một hoàn cảnh.

Cho đến khoảng giữa những năm 80 thì chúng tôi lại gần gũi trở lại. Mà nói đúng ra là ngày nào chúng tôi cũng ngồi với nhau nhiều tiếng đồng hồ. Và có một thói quen không tốt là chúng tôi cùng nhâm nhi rượu.

Thường mỗi buổi sáng tôi đưa Sơn đi ăn sáng, rồi đưa Sơn sang hội âm nhạc. Và tôi thì đi làm việc của tôi. Sau đó khoảng 9, 10 giờ tôi lại sang đón Sơn về nhà Sơn ăn trưa.

Khoảng 2 giờ chiều Sơn đi ngủ thì tôi lại quay lại giải quyết công việc. Đến 5, 6 giờ chiều tôi làm việc xong thì chúng tôi lại cùng nhau đi la cà đâu đó. Ngày nào cũng như ngày nào…”


Vì thân thiết như vậy nên ông Sâm Thương biết một bí mật của bạn mình: Trịnh Công Sơn có 3 trái thận.

Trong bài viết kỷ niệm 3 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, ông Sâm Thương viết: “Về mặt cơ thể, Sơn có một đặc điểm không mấy người biết. Khác với chúng ta, Sơn có đến ba trái thận. Không biết sự khác biệt này có ảnh hưởng gì đến tính cách và năng lực của Sơn? Có lẽ điều này phải nhờ đến những nhà chuyên môn giải thích. Có một điều trái ngược với suy nghĩ của nhiều người khi bắt gặp hình hài ốm yếu của Sơn sau này”.

“Và tôi thường nói vui chắc nhờ có 3 quả thận mà Sơn mới sống được đến năm 2001” ông Sâm Thương nói thêm.


Ngày 3/4/2011, báo Thanh Niên đăng tin: “Hồ sơ bệnh án của Trịnh Công Sơn mang mã số 14131. Tuy đợt nằm điều trị cuối cùng chỉ kéo dài đúng 1 tuần lễ nhưng hồ sơ bệnh án của Trịnh Công Sơn dày cộp.

 

Tôi thường nói vui chắc nhờ có 3 quả thận mà Sơn mới sống được đến năm 2001

Nhà phê bình Sầm Thương
 
Theo hồ sơ bệnh án, Trịnh Công Sơn nhập viện ngày 26/3/2001 vào khoa Tiêu hoá với các triệu chứng sốt, mệt. Những người thân của nhạc sĩ cho biết, từ hồi Tết Âm lịch ông đã bị đau nhiều ở khớp trên đùi bên phải, đã dùng nhiều thuốc giảm đau nhưng không giảm.

Và càng ngày Trịnh Công Sơn càng mệt mỏi, ăn uống kém, xét nghiệm, chẩn đoán ngày 27/3/2001 của Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy ông bị sơ gan, suy thận, tiểu đường, xuất huyết tiêu hoá, viêm phổi rất nặng.

Đêm 27/3. Trịnh Công Sơn ngủ được và tỏ ra tỉnh táo suốt ngày hôm sau. Nhưng bước sang ngày 29/3, lúc 23 giờ đêm, ông than mệt, có hiện tượng nói lắp, 30 phút sau ông gần như chìm vào hôn mê, miệng lắp bắp, bác sĩ gọi, hỏi không thấy trả lời.

Trước tình trạng nguy kịch này, lúc 0 giờ 40 phút ngày 30/3/2001 sau khi tiến hành hội chẩn, Bệnh viện chợ Rẫy quyết định chuyển Trịnh Công Sơn từ khoa Tiêu hoá xuống khoa chăm sóc đặc biệt với các phương pháp điều trị tối ưu.

Trịnh Công Sơn và b

Ông nằm ở giường số 8, được chạy thn nhân tạo và luôn có điều dưỡng, bác sĩ túc trực bên cạnh. Tuy nhiên sức khoẻ của ông vẫn tiếp tục xấu đi. Ngày 31/3/2001, hai chân và tay của ông cử động rất yếu. Đến 7 giờ sáng ngày 1/4/2001, ông tiếp tục hôn mê, tri giác giảm dần.

Từ 10giờ 30, ông rơi vào tình trạng hôn mê rất sâu. 11 giờ 15, tim nhạc sĩ ngừng đập. Các bác sĩ cố gắng cấp cứu nhưng mãi đến 11 giờ 30 vẫn không đo được huyết áp của Trịnh Công Sơn. 12 giờ 45, trái tim của người nhạc sĩ tài hoa ngưng đập hoàn toàn…”


Không ai tin Trịnh Công Sơn ra đi, bởi đó là ngày 1/4, ngày nói dối. Nhưng đó là sự thật. Thậm chí cũng có người không tin Trịnh Công Sơn có tới 3 quả thận, nhưng điều quan trọng nhất là ông đã ra đi.

Chút duyên với bóng đá


Vì thế khi có thông tin rằng, thân phụ sinh ra Trịnh Công Sơn từng là…cầu thủ thì nhất loạt không tin.

Trịnh Công Sơn và em trai Trịnh Mạnh Hà luyện võ cùng nhau

Thế nhưng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong bài “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với “quê quán tôi xưa” có nhắc đến thân phụ của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như sau (trích lược): “Trịnh Công Sơn người gốc làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà. Thân sinh của Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thoa tức Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1915).

Ông Thanh xuất thân là một người “đóng đồ Tây” và nhờ sự giúp đỡ của thầy là ông Lê Minh, ông sớm trở thành một doanh nghiệp cạnh tranh với các chủ người Pháp người Tàu trong việc gia công quân phục cho quân đội Pháp ở Huế. Bản tính ông tháo vát, nhanh nhẹn, lịch thiệp, lại thêm đẹp trai nên việc giao dịch làm ăn của ông được dễ dàng.

Năm 1936, ông Thanh là Trịnh Xuân Tích đang làm ăn ở Buôn Mê Thuột nhận thấy ở vùng đất mới nầy cần một người có đầu óc kinh doanh như Trịnh Xuân Thanh nên ông đã gửi thư khuyên em nên đưa gia đình lên Ban-mê-thuột làm ăn.

Qua năm 1937, Trịnh Xuân Thanh thực hiện ý kiến của anh, chuyển gia đình lên Buôn Mê Thuột, mở một cơ sở may lấy tên là Kam Tik chuyên may Âu phục và quân phục. Kam Tik có thợ giỏi, mẫu mới hợp thời trang nên rất được khách hàng người Pháp và công chức tín nhiệm. Nhờ biết kinh doanh nên chỉ một thời gian ngắn ông chủ Kam Tik trở nên khá giả.

Ngoài việc kinh doanh, Trịnh Xuân Thanh còn là một cầu thủ bóng đá xuất sắc của đất Cao nguyên. Năm 1939, Trịnh Công Sơn ra đời ở Buôn Mê Thuật trong hoàn cảnh thuận lợi như thế”.

Cuộc đời Trịnh Công Sơn còn rất nhiều bí ẩn chưa được khám phá

Việc thân sinh của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có phải là “một cầu thủ  bóng đá xuất sắc của đất Cao nguyên” hay không thì rất ít tư liệu nhắc đến. Năm 1955 ông Xuân Thanh mất vì tai nạn giao thông, năm ấy Trịnh Công Sơn 16 tuổi.

Tuy vậy có một điều chắc chắn là Trịnh Công Sơn mê đá bóng, hay nói đúng hơn là mê các danh thủ bóng đá. Nhà văn- đạo diễn Lê Văn Duy (quen Trịnh Công Sơn mấy mươi năm, đã làm nhiều phim chân dung nhạc sỹ) khi làm phim “Chút kỷ niệm với Trịnh Công Sơn” kể rằng: “Anh mê bóng đá, trong phòng riêng của anh trưng bày nhiều bức tượng sứ cầu thủ bóng đá nổi tiếng...”


Trong cuốn sách “Trịnh Công Sơn: Tôi là ai, là ai…” do Nhà xuất bản trẻ ấn hành 2011, ở phần phụ lục, có một bức ảnh: Trịnh Công Sơn ngồi với một nhân vật điển trai với dòng chú thích ngắn gọn: Trịnh Công Sơn và nhà doanh nghiệp Lê Hùng Dũng.

 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và doanh nhân Lê Hùng Dũng
Trong ảnh, ông Lê Hùng Dũng còn khá trẻ và có lẽ chưa là quan chức VFF mà đúng là một “nhà doanh nghiệp” thuần túy, có chăng chỉ là nhà tài trợ cho các giải trẻ, đặc biệt là giải U 21 báo Thanh Niên năm 1997. Giải đấu ấy tạo tiếng vang, được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khen ngợi. Cả Trịnh Công Sơn và ông Lê Hùng Dũng đều là những người được cố thủ tướng quý mến.

Năm 1998 ông Dũng vào Liên đoàn bóng đá Việt Nam và giờ đây sau 15 năm tham gia bóng đá, ông Lê Hùng Dũng đang là ứng viên cho chức Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới…

Câu chuyện về mối quan hệ và tình cảm của một nhạc sỹ tài hoa và một Chủ tịch VFF (nếu ông Hùng Dũng được bầu) có lẽ sẽ là một câu chuyện rất thú vị, nhưng hẹn bạn đọc vào một dịp khác…

Trịnh Công Sơn viết về…tennis

Truyện ngắn Chú Lộ được cho là truyện ngắn duy nhất của Trịnh Công Sơn (viết năm 1968) nhưng vẫn còn dở dang và ít người biết tới. Nhân vật chính tên là Lộ- một người xuất thân từ nghề nhặt bóng tennis tại một CLB thể thao ở TP Huế. Thể thao 24h xin trích một đoạn:

…Chú Lộ uống rượu mạnh rất sớm. Không phải thứ uống rượu để tiêu sầu hoặc kiểu bằng hữu tâm đắc mà bởi rượu thừa ở những bàn ăn bao giờ cũng đủ để chú độc ẩm dài dài ở dưới hầm rượu sau mỗi bữa cơm. Dưới hầm có hai cái phòng nhỏ dành cho bếp và người gác cổng.

Bây giờ chú đã có đủ uy tín để dành riêng cho chú một phòng. Hầm quá rộng, mấy người kia có thể thu xếp ở một góc nào đó cũng được. Trên tường chú treo cái vợt cũ của ông Chánh án mới cho. Mỗi lần ra sân banh, trông chú cũng đủ bộ sậu như mọi người. Cũng pan-túp trắng, tất dầy có ba sọc mầu cờ tây ở cổ chân, bộ quần áo trắng và cả casket cũng trắng nữa.

Trên sân tennis, cách ăn mặc cũng sẽ giống nhau như thế, người xem dễ tưởng rằng không có cái biên giới giai cấp giữa con người bên này và bên kia lưới mà chỉ có nghệ thuật giao banh thôi. Thật ra chú Lộ biết rõ không phải vậy.

Những cú banh chú giao qua bao giờ cũng vừa tầm tay của ông Chánh án, ông thẩm phán hoặc ông trưởng ty nào đó. Những cú xì-mách trong tay chú bao giờ cũng chưa hết đà. Và những cú bỏ nhỏ cũng đừng nghịch quá khiến các ông lớn phía bên kia phải trật xương hông hoặc bị sai khớp chân thì bỏ mẹ.

Chú hiểu thế nhưng chú cũng thấy mình bị thuyết phục bởi một lẽ đương nhiên nào đó gần như định mệnh. Sự hiếu thắng của tuổi trẻ trong chú đã bỏ đi chơi từ bao giờ không ai biết và chú cũng không băn khoăn gì về điều đó cả.

Tóm lại, chú như một kẻ sống an phận từ những ngày máu huyết còn đương độ trong trái tim, trên cánh tay và cặp giò thanh xuân của chú.

(Truyện ngắn Chú Lộ được đăng trên Tuổi trẻ Chủ nhật ngày 8/4/2001 tức là 1 tuần sau khi Trịnh Công Sơn mất)



(Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn sách “Trịnh Công Sơn: Tôi là ai, là ai…”, các báo và internet)

Thái Hoàng (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn