Bí ẩn Tam quốc: Có phải Khổng Minh chọc tức Chu Du hộc máu mà chết?

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 29/03/2017 12:04:00 +07:00

Các học giả Trung Quốc ngày nay đều tin rằng chi tiết này là do La Quán Trung sáng tác theo quan niệm “ủng Lưu phản Tào”.

Hàng ngàn năm qua, Gia Cát Lượng luôn bị coi là người gây ra cái chết của Đại đô đốc Chu Du, nhưng thực sự Chu Du có là người phải uất ức mà chết vì Gia Cát Lượng?

Theo trang mạng TimeTW (Trung Quốc), Chu Du (175 - 210), tự là Công Cẩn. Ông là danh tướng và khai quốc công thần của Đông Ngô thời Tam Quốc. Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung viết, do Chu Du đẹp trai và rất giỏi âm nhạc nên còn được gọi là Mỹ Chu Lang.

Đóng vai trò là Đại đô đốc Đông Ngô, Chu Du nổi tiếng với chiến thắng đại chiến Xích Bích trước quân Tào Ngụy, do Tào Tháo chỉ huy.

Hàng ngàn năm trôi qua, các học giả Trung Quốc và người yêu Tam quốc không ngừng tranh luận, đưa ra các giả thuyết về cái chết của Chu Du, mà Khổng Minh Gia Cát Lượng chính là người bị nghi ngờ nhiều nhất.

149034504789136-chu-du

 Chu Du trong phim ảnh Trung Quốc.

Một đời đố kỵ với Gia Cát Lượng?

Trong Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng ba lần chọc tức Chu Du. Lần thứ nhất, khi Tào Nhân đại chiến Đông Ngô, Chu Du và Gia Cát Lượng giao hẹn.

Nếu Chu Du đánh lấy Nam Quận thất bại thì Lưu Bị đem quân đánh tiếp để chiếm lấy. Chu Du đánh lần đầu không thuận lợi, bị thương, bèn tương kế tựu kế đánh bại quân Tào, nhưng Gia Cát Lượng đã thừa cơ đánh úp chiếm được Nam Quận.

Như thế là vừa không thất ước lại chiếm được địa bàn, trong khi Chu Du hao binh tổn tướng, bản thân bị thương mà trắng tay. Vì chuyện này mà Chu Du uất ước, vết thương cũ tái phát, ngã trên lưng ngựa.

Lần thứ hai, sau khi Cam phu nhân qua đời, Chu Du hiến kế cho Tôn Quyền đem gả em gái là Tôn Thượng Hương cho Lưu Bị, nhằm dụ Bị tới Đông Ngô rồi bắt giết. Nào ngờ Ngô Quốc Thái, mẹ Tôn Quyền lại yêu mến Lưu Bị.

Chu Du lại bày kế khác tách Lưu Bị khỏi các huynh đệ và Gia Cát Lượng, dùng thanh sắc mê hoặc Lưu Bị vui hưởng lạc mà quên đi ý chí đánh lấy thiên hạ, nhưng kế sách này cũng không thành công.

Trong khi đó, Gia Cát Lượng lại bày kế để Lưu Bị an nhiên trở về Kinh Châu, lại còn khiến Chu Du trúng kế mai phục. Gia Cát Lượng cho binh sĩ đọc vang hai câu thơ “Chu Lang diệu kế yên thiên hạ, Đã mất phu nhân lại thiệt quân”. Chu Du nghe xong uất quá, vết thương sắp lành lại tái phát.

149034516595720-chu-du-2

Phác họa hình ảnh Chu Du. 

Lần thứ ba, Lưu Bị đề nghị họ Tôn cho mượn Nam quận, với danh nghĩa “mượn Kinh châu” để cùng chống Tào Tháo.

Chu Du tức quá, bèn nghĩ ra kế mượn đường qua Kinh Châu để giúp Lưu Bị đánh lấy Tây Xuyên, thực chất là lấy lại Kinh Châu. Nhưng kế này bị Gia Cát Lượng đoán biết, bèn tương kế tựu kế, bao vây ngược lại. Chu Du tức quá, kêu lớn một tiếng, hộc máu mà chết. Trước khi chết còn ngửa mặt mà than “Trời đã sinh Du, sao còn sinh Lượng”.

Các học giả Trung Quốc ngày nay đều tin rằng chi tiết này là do La Quán Trung sáng tác theo quan niệm “ủng Lưu phản Tào”. Thực chất, Chu Du chết vì lý do khác.

Chu Du thực sự là người như thế nào?

Cuốn Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ có viết về Chu Du: “Tính tình khoáng đạt, đại lượng…là bậc kỳ tài”. Chu Du đối với người bề dưới đều có lễ nghĩa, được mọi người vô cùng kính trọng.

Giang biểu truyện chép lại, Trình Phổ là công thần khai quốc nước Đông Ngô, từng vào sinh ra tử, lập được nhiều chiến công hiển hách. Ông lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vị lại thấp hơn nên sinh lòng đố kỵ, ghen ghét, không phục.

Vì thế, Trình Phổ nhiều lần cố ý hạ nhục Chu Du nhưng Chu Du trước sau đều khoan dung tha thứ, cung kính đối đãi Trình Phổ, nhẫn nhịn vì việc nước.

Sau nhiều lần như vậy, Trình Phổ sinh lòng cảm động, trở nên kính trọng Chu Du. Về sau, khi nhắc đến Chu Du, ông nói: “Dữ Chu Công Cẩn giao, như ẩm thuần lao, bất giác tự túy”, (làm bạn với Chu Du giống như uống rượu ngon, không biết bị say lúc nào).

Việc Chu Du có thể khiến cho công thần khai quốc Đông Ngô là Trình Phổ cảm động và ngợi ca, đủ để thấy trí tuệ và tính cách con người Chu Du lớn đến nhường nào. Một người như vậy, không có lý do gì để nảy sinh lòng đố ký với Gia Cát Lượng.

149034522531083-chu-du-gcl

Tài năng Chu Du (phải) không hề kém cạnh so với Gia Cát Lượng. 

Theo sử sách Trung Quốc, Tào Tháo từng phái người tên Tưởng Cán, là người quen của Chu Du đến dụ dỗ ông. Tưởng Cán về báo lại với Tào Tháo rằng: “Nhã lượng cao trí, phi ngôn từ sở nhàn”, (Chu Du là người độ lượng, trí tuệ cao đến mức không từ nào có thể thuyết phục được).

Một lần khác, Lưu Bị đến gặp Tôn Quyền, ngỏ ý mượn Kinh Châu đã từng nói rằng, Chu Du là người văn võ song toàn, bậc anh tài kiệt xuất trong thiên hạ. Chu Du cũng cho Lưu Bị mượn 2.000 binh sĩ. Đó là cơ sở cho thấy, người có lòng dạ hẹp hòi không thể nào làm như vậy.

Dung trai tùy bút của tác giả Hồng Mại đời nhà Tống viết, từ xưa đến nay, tướng soái thống lĩnh có không ít người có tính cao ngạo, đố kỵ ghen ghét với người tài giỏi hơn mình. Nhưng các Đại đô đốc Đông Ngô như Chu Du, Lỗ Túc, Lữ Mông và Lục Tốn không phải người như vậy.

Điển hình là việc trước khi qua đời, Chu Du tận sức tiến cử Lỗ Túc kế nghiệp mình. Nhà văn lớn triều Tống là Tô Thức cũng khẳng định, ít nhất ở triều đại nhà Tống (960–1279), hình tượng của Chu Du vẫn là phi thường ngay chính, đến triều nhà Nguyên (1271–1368) thì hình tượng Chu Du bắt đầu bị bẻ cong, khiến người đời sau hiểu nhầm.

Cuối cùng sử gia Trần Thọ đánh giá, Chu Du là người “trong chính trị thì có tầm nhìn xa trông rộng, trung thành, tận tâm; trong quân sự lại đảm lược hơn người, trí dũng song toàn, nhân cách tốt đẹp”.

Người như thế có thể chắc chắn rằng, không thể ôm lòng đố kỵ hiền tài mà chết một cách đầy cay đắng như La Quán Trung phác họa.

Cái chết của Chu Du

Sau đại chiến Xích Bích, quân Đông Ngô do Chu Du chỉ huy rơi vào thế giằng co ở Giang Lăng với quân Tào Ngụy của Tào Nhân. Trong một lần đánh thành, Chu Du bị tên bắn trọng thương. Tào Nhân nghe tin Chu Du bị thương thì kéo quân ra đánh, nhưng Chu Du dù bị thương vẫn huy động tướng sĩ đánh bại Tào Nhân.

149034519462809-chu-du-3

 Chu Du chết vì căm ghét, đố kỵ với Gia Cát Lượng?

Ca ngợi chiến thắng của Chu Du, Tôn Quyền phong cho ông làm Thiên tướng quân kiêm thái thú Nam Quận, hưởng thực ấp ở các huyện Hạ Tiêu, Hán Xương, Lưu Dương và Châu Lăng. Trong lúc này, Lưu Bị tranh thủ chiếm được vài quận ở phía nam Giang Lăng.

Lưu Bị sau đó còn sang Ngô Quận gặp Tôn Quyền đề nghị cho mượn Nam quận, với danh nghĩa "mượn Kinh châu" để cùng chống Tào Tháo.

Chu Du nghe tin bèn viết thư cho Tôn Quyền phản đối việc này. Tuy nhiên Tôn Quyền lại theo chủ trương của Lỗ Túc, coi trọng liên minh với Lưu Bị để cùng chống Tào.

Chu Du bèn nghĩ kế khác, đề nghị Tôn Quyền đánh Thục, diệt Trương Lỗ. Sau đó, Tôn Quyền  liên kết với Mã Siêu cùng chống Tào Tháo. Chu Du nhận trọng trách cùng Tôn Quyền đánh chiếm Tương Dương, truy kích Tào Tháo, tiến lên phía bắc lấy trung nguyên.

Kế sách này của Chu Du được tác giả Dịch Trung Thiên trong cuốn Phẩm Tam quốc, đánh giá là có tầm nhìn xa trông rộng. Bên ngoài, Tôn Quyền vừa đối địch với Tào Tháo, bên trong lại có thể ngầm tìm cách giải quyết mâu thuẫn với Lưu Bị.

Tôn Quyền cảm thấy chủ ý này không hề tệ liền cho Chu Du quay về Giang Lăng chỉnh đốn binh mã.

Năm 210, Chu Du trở bệnh trên đường trở về Giang Lăng, nhưng vẫn cố gắng đi đến Ba Khâu, kiểm tra khả năng chiến đấu của binh sĩ. Sau khi đại quân Đông Ngô xuất phát không lâu, Chu Du qua đời, khi mới 36 tuổi.

Sau này, khi xưng đế, Tôn Quyền có nhắc đến Chu Du: “Cô phi Chu Công Cẩn, bất đế hĩ” (không có Chu Du thì không thể trở thành hoàng đế như ngày hôm nay).

Video: Võ sư Trung Quốc biểu diễn tuyệt kỹ võ công

Nguồn: Đăng Nguyễn (Dân việt)
Bình luận
vtcnews.vn