Bí ẩn "tam giác quỷ' ở Sơn La: Vì sao phi cơ rơi khi bay qua

Khám pháThứ Tư, 04/12/2013 07:03:00 +07:00

(VTC News) - Phải 3 ngày sau vụ tai nạn, những người đi rừng mới nhìn thấy xác máy bay vắt vẻo ở lưng chừng núi.

(VTC News) - Từ lúc người dân nghe thấy tiếng nổ, thì phải 3 ngày sau, những người đi rừng mới tìm thấy xác máy bay vắt vẻo ở lưng chừng núi.

Kỳ 2: Ký ức hãi hùng của những người tìm kiếm xác máy bay

Thỉnh thoảng, lại có những đoàn tìm kiếm lên Xím Vàng (Bắc Yên, Sơn La) thuê người dân địa phương vạch núi, băng rừng tìm xác máy bay.

Thậm chí, trong rất nhiều cá nhân, tổ chức tìm lên Xím Vàng, có cả những phái đoàn mang phù hiệu MIA của Mỹ. Họ lên đây với hy vọng mong manh là tìm thêm những mảnh vụn thi thể quân dân Mỹ đã thiệt mạng, theo diện mất tích ngày còn tham chiến ở Việt Nam.


sơn la
Khu vực Xím Vàng quanh năm ngập trong mây phủ 

Hầu hết những vụ tai nạn máy bay ở “Bermuda” Xím Vàng đều xảy ra từ lâu. Khi được hỏi đến, chỉ một số ít người cao tuổi còn đủ minh mẫn để nhớ đến 2 vụ tai nạn gần đây nhất, nhưng cũng đã rơi vào khoảng 20 - 30 năm trước. Kể từ đó, họ không còn nhìn thấy bất cứ máy bay nào bay qua khu vực này nữa.
Vào năm 1986, một người dân tên Giàng A Sếnh đang đi đặt bẫy gấu trong rừng, chợt ông nghe có tiếng động cơ trực thăng gầm rú phía núi U Bò (một trong những đỉnh núi cao nhất ở xã Xím Vàng, quanh năm mây phủ - PV). Một lúc sau, lẫn trong đám mây mù có ánh chớp chóe lên sáng rực, kèm theo một tiếng nổ như bom.

Biết lại có máy bay rơi, ông Sếnh chạy về loan báo cho dân làng, sau đó phối hợp với đội tìm kiếm của huyện Bắc Yên tổ chức vào rừng tìm máy bay.

Địa hình Xím Vàng lúc đó còn hiểm trở, đại ngàn Pơ Mu bao trùm nên việc phát hiện địa điểm tai nạn rất khó khăn. Hơn nữa, ông Sếnh chỉ biết là có tai nạn trong đám mây mù, phía núi U Bò, chứ không thể xác định chính xác máy bay rơi ở đâu.


sơn la
Phút hiếm hoi lộ ra sau biển mây của những dãy núi cao ngất ở Xím Vàng 

Phải mất 1 tuần tìm kiếm, người ta mới thấy những mảnh vụn máy bay vương vãi, cùng 2 thi thể phi công cháy đen, trương phình. Xác chết được cho vào quan tài gỗ và chở về Hà Nội bằng máy bay trực thăng. Dân Xím Vàng cũng chỉ biết là tìm thấy 2 xác chết, còn số người thực tế có mặt trên chuyến bay xấu số đó thì không ai có thể xác định được.

Cũng có mặt trong đoàn tìm kiếm hôm đó, ông Đoàn Đình Khiêu, ở thị trấn Bắc Yên, nhớ như in: “Nghe chuyện máy bay rơi ở vùng này nhiều rồi, nhưng lần đầu tiên chứng kiến, cứ ám ảnh tôi mãi. Chiếc máy bay vỡ tan thành từng mảnh. Không ai dám lại gần, nhưng tôi chẳng ngại gì, cứ nhặt xác người xấu số xếp lại cẩn thận, cố gắng cho đủ hình hài rồi bó vào chiếu. Mọi người thay nhau khiêng xác đi không nghỉ cũng phải mất gần hai ngày mới ra tới huyện”.


Bẵng đi mấy năm sau, đến năm 1994, huyện Bắc Yên lại ồn ào vì nghe lời đồn của đồng bào Mông sống trên những đỉnh núi cao ở các xã Xím Vàng, Tà Xùa rằng có máy bay rơi vì nghe thấy tiếng nổ lớn.


Cùng lúc đó ở dưới xuôi, mọi người lại bàng hoàng khi một chiếc trực thăng Bell Long Ran Gere cũng đã bất chợt mất hết liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu. Địa điểm được xác đinh là khu vực đồi núi âm u, bí hiểm thuộc địa phận xã Xím Vàng.

sơn la
Máy bay trực thăng Bell Long Rangere (ảnh minh họa) 

Người lái chiếc Bell Long Rangere này là phi công dày dạn kinh nghiệm có tên Reunault đã có tới 5.000 giờ bay. Trong ngành hàng không, người có số giờ bay này rất ít. Bay được từng này giờ là cả một đẳng cấp, đủ kinh nghiệm để xử lý tình huống bất trắc có thể coi là phức tạp nhất nếu xảy ra đột xuất với máy bay.


Chuyến bay định mệnh này, ngoài việc lấy đi của ngành hàng không một viên phi công già dặn kinh nghiệm thì còn cướp mất mạng sống của 4 người trong đoàn, trong đó có một phụ nữ đang mang thai.

Sau khi chiếc trực thăng hoàn toàn mất tín hiệu với trung tâm kiểm soát không lưu, một đoàn cứu hộ từ Hà Nội ngay tức khắc được thành lập, tức tốc tìm lên Bắc Yên, tiến vào Xím Vàng. Cùng lúc đó, địa phương cũng thành lập 1 trung đội phối hợp tìm kiếm, do ông Mùi Trọng Bứng (lúc đó đang là huyện đội trưởng Bắc Yên) chỉ đạo.

Ông Bứng kể lại, kể từ lúc người dân nghe thấy tiếng nổ, thì phải 3 ngày sau, trong những phút ít ỏi thời tiết quang đãng, những người đi rừng mới nhìn thấy xác máy bay vắt vẻo ở lưng chừng núi.


sơn la
Ông Mùi Trọng Bứng, trưởng đoàn tìm kiếm của huyện Bắc Yên trong vụ tai nạn máy bay 1994 

Đường đi xuống bản gian truân nhưng còn có đường mòn. Tuy nhiên, muốn đến vị trí máy bay rơi thì phải trèo lên núi cao gần 2.000 mét mà không có đường. Đoàn tìm kiến phải dùng dao phạt cây mở lối, nhiều chỗ bám vách núi mà leo... Nước uống cũng không còn vì ngựa thồ nước không leo được vách đá, mọi người phải chặt cây chuối rừng vắt lấy nước, hoặc bẻ ngọn cây mua, mút chút nước ít ỏi rỉ ra...

Khi tới nơi, mọi người tìm thấy 4 tử thi cháy đen bên trong chiếc máy bay đã phát nổ, không thể nhận dạng đâu là phi công Reunault, đâu là những người Việt Nam đi theo. Riêng thi thể cô phiên dịch viên đang mang thai thì vắt vẻo trên vách núi đá phía trước mặt, đầu va vào đá vỡ nát. Mọi người phải dùng ròng rọc kéo xuống.


Đoàn tìm kiếm phải rất vất vả mới có thể đưa được thi thể những người gặp nạn ra khỏi biển mây Xím Vàng về điểm tập kết.


Kể từ vụ tai nạn máy bay Bell Long Rangere, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải, song đường bay từ Hà Nội lên Sơn La, Điện Biên, Bắc Lào và ngược lại, xuyên qua khu vực xã Xím Vàng đã bị cấm. Suốt từ đó cho đến nay, người dân không còn nghe thấy tiếng động cơ máy bay vang lên trên bầu trời “Bermuda” Việt Nam nữa.


Còn tiếp


Hải Minh

Bình luận
vtcnews.vn