Bí ẩn loài cá thiêng có vẩy đỏ như máu người ở Biển Hồ

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 12/07/2015 06:49:00 +07:00

Loài thủy ngư này có thân dài, uyển chuyển, đầu có đôi râu như rồng và toàn thân cá có lớp vảy đỏ như màu máu nên người xưa mới gọi cá huyết rồng.

Loài thủy ngư này có thân dài, uyển chuyển, đầu có đôi râu như rồng và toàn thân cá có lớp vảy đỏ như màu máu nên người xưa mới gọi cá huyết rồng.


Tại Việt Nam, thi thoảng ngư dân ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp thả lưới dính được cá huyết rồng nặng đến hơn nửa tạ. Ít ai biết những con cá huyết rồng ấy có nguồn gốc tại Biển Hồ - Xiêm Riệp trên đất bạn Campuchia. Vào mùa con nước lên, chúng làm cuộc chu du xuyên quốc gia, rồi “nhập tịch” ở sông nước miền Tây đất Việt.

1. Trước khi đến Xiêm Riệp để từ đó đến cửa ngõ Biển Hồ, rồi lại phải thuê thuyền đi hơn 10km đường sông mới đến được nơi cần đến, chúng tôi có dịp "quá cảnh" thủ đô Phnôm Pênh, ghé chợ Urussey, nơi tập trung đông người Campuchia gốc Việt và Hoa sinh sống. Urussey là một trong những ngôi chợ lớn ở Phnôm Pênh tập kết sản vật sông nước được đánh bắt ở cái hồ rộng như biển Tonle Sap mà người Việt sinh sống ở Campuchia quen gọi "Biển Hồ".

Dạo một vòng quanh chợ, tôi thấy tôm cá các loại nhiều vô kể, nhưng ấn tượng nhất với tôi là cua, con nào con nấy bự cành cành. Không có kiểu trói bằng lòi tói tổ chảng một ký cua khi loại bỏ dây chỉ còn 6-7 lạng như ở ta, ở đây cua được trói bằng dây ni lông nhẹ tênh. Khi tôi cầm mấy con cua lên chụp hình, các chủ vựa cười rất tươi chứ không lộ vẻ khó chịu. Càng vào sâu trong khuôn viên chợ, thấy rắn nước được đổ thành đống nhìn phát khiếp. Hỏi thăm các chủ vựa được biết hàng có nguồn gốc từ Biển Hồ.

Chỉ trong chưa đầy 2 giờ đồng hồ thăm viếng chợ Urussey đủ để tôi nhận thấy điều ấn tượng nhất là trong vô số sản vật sông nước Biển Hồ được bày bán, chúng tôi không thấy cái cảnh người ta bày bán thứ gọi là cá rô bí, cá trê con và nhất là cá ròng ròng (cá lóc con) như ở xứ mình.

Cá rồng rất được giới thương gia châu Á ưa chuộng vì ngoài vẻ đẹp như rồng, nó còn mang ý nghĩa tâm linh. 

Hỏi chuyện anh Nguyễn Tuấn, thầy giáo giàu yêu thương rời Việt Nam sang khu Đồng Nhà Cháy ở sau chợ Chpaum (cách Phnôm Pênh 10km) mở lớp học tình thương cho con em kiều bào, thì anh cho biết, người bản xứ không có thói quen ăn cá con, vì họ tâm niệm cá ấy còn phải lớn, còn phải sinh con đẻ cháu, ăn cá con như thế là tận diệt: "Cá con mới tí tẹo đã lùng bắt ăn sạch, thì mai này còn có gì mà ăn, mà bắt".

Tôi không rõ anh Tuấn có quá lời hay không, nhưng thấy rõ ràng lời anh nói quả là chí lý và đặc biệt đẫm tính thời sự ở Việt Nam. Ở xứ mình, đâu đâu cũng thấy người ta bày bán những thau cá đồng bé xíu xiu, đặc biệt là cá ròng ròng mà với nhiều người đó là đặc sản. Để bắt ròng ròng, họ bắt luôn cả con lẫn mẹ, hốt nguyên ổ, tận diệt đến thế là cùng.

Thật thú vị khi được anh Tuấn cho biết một điều khác biệt quanh những binh tôm tướng cá có nguồn gốc ở Biển Hồ và ở các tỉnh sông nước miền Tây tại Việt Nam là trong khi ta lơ là, mặc cho người dân đánh bắt bằng các phương pháp hủy diệt như lưới cào (cà sát đáy, bắt tôm cá lớn nhỏ không tha), đổ thuốc, xiệc điện.... thì ở Biển Hồ, đó là chuyện không tưởng: "Tôi từng sống ở Biển Hồ 10 năm trước khi về Phnôm Pênh nên biết chính quyền ở đó bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản kỹ lưỡng lắm. Nhờ vậy mà Biển Hồ còn bảo lưu được nhiều giống cá quý, mà nổi bật nhất là cá huyết rồng".

Cá huyết rồng như thế nào? Nó quý ra sao? Khi tôi hỏi những điều này, thầy Tuấn cho biết đã có không ít lần chứng kiến cảnh một số ngư dân bắt được cá huyết rồng: "Nó đẹp lắm, nó có thân mình uyển chuyển, toàn thân có vảy đỏ như máu, gọi là huyết. Còn phần đầu của nó với đặc trưng có hai sợi râu dài rất giống con long mà người miền Nam thường gọi là "rồng". Gọi nó là huyết rồng là vì vậy" - thầy Tuấn, giải thích.

Theo thầy Tuấn, anh đã từng bắt gặp con cá huyết rồng nặng đến hơn 50kg, ngư dân bắt được những con huyết rồng đại lão như thế thì thả chứ không bao giờ ăn thịt... Cũng theo thầy Tuấn, cá huyết rồng rất được dân chơi cá cảnh, đặc biệt là giới kinh doanh nặng về tâm linh ưa chuộng, có người sẵn sàng trả hàng ngàn đôla để có được con cá huyết rồng ưng ý...

Những thông tin trên đã thôi thúc chúng tôi đến vùng Tonle Sap với hy vọng được nhìn tận mắt loài cá huyết rồng.

Nhóm ngư phủ từng nhiều lần giáp mặt với cá huyết rồng. 

2. Tìm hiểu về cá huyết rồng, mới biết nhờ vẻ đẹp lộng lẫy biểu hiện qua sắc đỏ lóng lánh kiêu kỳ đến huyền bí tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, cá huyết rồng không chỉ đẹp nhất mà còn là loài cá có giá trị khủng nhất châu Á. Cách đây 2 tháng, dân chơi cá cảnh ở Sài thành xôn xao câu chuyện có đại gia ở quận 1 đến gặp ông Tám Thọ ở quận 9 ngỏ lời trả 300 triệu đồng để đổi lấy con cá hồng long (hay huyết rồng) dài chưa đầy 1m nhưng ông Tám không thèm gật đầu.

Huyết rồng là loài cá tâm linh, hàng trăm năm qua người ta, nhất là giới đại gia ở Trung Quốc tin là nó có thể xua đuổi được tà ma quỷ mạo, giúp gia chủ luôn được gặp may, đường gia đạo, tiền tài luôn rộng mở. Bán nó là bán đi sự may mắn của mình nên ông Tám quyết để nuôi chứ không bán.

Dân chơi cá huyết rồng như ông Tám Thọ cho biết thị trường cá cảnh có bán nhiều loại cá huyết rồng nhưng đa phần đều là cá lai, nhập từ Thái Lan. Cá như thế về màu sắc, kích cỡ, sức sống, giá trị đều kém xa so với cá huyết rồng thuần chủng. Nói về kích cỡ cá huyết rồng, anh Mười Đé, chuyên kinh doanh cá cảnh ở quận 8 kể chuyện vào tháng 1/2013, anh đã đích thân xuống An Giang để được tận mắt chiêm ngưỡng con cá huyết rồng nặng hơn nửa tạ.

Trở ngược khoảng thời gian ấy, mới biết ngày 29/1/2013, trong lúc buông lưới ở kênh Thần Nông (xã Phú Thành, huyện Phú Tân), một ngư dân đã bắt được con cá huyết rồng dài 1,8m. Dù được rọng ôxy nhưng không bao lâu kể từ lúc được đưa lên bờ thì con cá huyết rồng khủng kia chết, sau đó nó được chuyển đến Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang để các chuyên gia thủy sản nghiên cứu. Từ đó cơ quan chức năng mới xác định đó là cá huyết rồng, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Về hình dáng, cá huyết rồng tựa cá thác lác (được ngư dân ở các tỉnh miền Tây gọi là cá nàng hai). Có điều cá nàng hai thân trắng có đốm đen, con khủng nhất chiều dài cỡ 2 gang tay, nặng không quá 2kg/con. Riêng với cá huyết rồng có con thân mình dài hơn hai tay người dang thẳng, toàn thân có màu đỏ như máu, trọng lượng có khi đến cả trăm ký lô.

Tuy có trọng lượng khủng như thế nhưng khi tôi tìm gặp các ngư dân vùng sông nước Biển Hồ Tonle Sap thì được họ cho biết cá huyết rồng rất lành tính, chẳng bao giờ tấn công người: "Huyết rồng sống ở độ sâu tối đa khoảng 5m, thường ẩn trong các lùm cây ngập nước, ăn rong rêu, cá nhỏ và sò, ốc... Nó là loài sống đơn độc và chỉ tung tăng vào mùa con nước lên. Khi nước lên, từ các rốn bảo tồn bất khả xâm nhập, cá huyết rồng nương theo dòng chảy, đi khắp nơi. Có khi người ta gặp nó ở Kopong Chàm cách Biển Hồ hơn 200km, và gặp nhiều nhất ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long".

Dứt lời, ngư dân Trần Tam, người Đồng Tháp, sang sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ở Biển Hồ, gần 10 năm qua, cho biết vùng đồng bằng đất Chín Rồng (sông Cửu Long) tiếng là sông nước mênh mông như so với dòng sông mẹ Mê-kông hay vùng thượng nguồn Biển Hồ-Tonle Sap thì chỉ là... em út.

Trần Tam bảo rằng ở đồng bằng sông Cửu Long, các vùng sông nước đều chi chít dấu chân người cùng cánh thợ thuyền, nên không có cá khủng: "Mấy con cá nặng hàng chục, trăm ký lô mà lâu lâu người ta bắt được ở miền Tây thực ra là cá trôi dạt từ Biển Hồ sang Việt Nam mình đấy" - Trần Tam quả quyết.

3. Những ngày lang bạt trên Biển Hồ, tôi không có cơ may gặp được cá huyết rồng, loài cá quý có tên không chỉ trong Sách đỏ Việt Nam mà ngay cả Sách đỏ thế giới cũng ghi nhận. Dù vậy, tôi được bội thu những chuyện đời thực về loài cá quý này từ các cư dân miền sông nước nơi đây.

Người bảo cá huyết rồng thịt rất ngon, nhưng khi bắt được chẳng ai ăn vì nó bán được nhiều tiền, mỗi ký lô có giá 300.000 rieal, tương đương 1,5 triệu đồng hay còn hơn thế nữa nên khi săn được nó, họ chỉ để bán: "Nhưng thú nhất là bắt được cá huyết rồng còn sống, bán được giá vô cùng. Người ta mua sẽ về thuần dưỡng rồi xuất ngược bán cho các chủ trại cá để lấy làm giống" - anh Tam nói vậy.

Chiến lợi phẩm của một thợ săn. 

Dân Biển Hồ còn kể cho tôi nghe nhiều chuyện lý thú khác về các đoàn thám hiểm người phương Tây đổ sang nơi này săn cá khủng để thực hiện các chương trình khám phá phát cho toàn thế giới xem. Ông Sáu Đầy (Võ Văn Đầy), Phó chủ tịch Hội người Việt tại Xiêm Riệp, còn kể cho tôi nghe vào mùa nước lên, có những tay câu thứ dữ người Sài Gòn sang đây bao thuyền đi khắp nơi để thỏa cái thú câu cá khủng.

- Có ai câu được cá huyết rồng không, thưa chú?


- Có, thi thoảng vẫn có. Có người câu được con 2kg, con 5kg.. Cá câu được họ dưỡng dữ lắm vì giá trị cao... Nhưng lâu lâu mới có người câu được một con, giống cá này giờ hiếm lắm.

Có lang thang khắp Biển Hồ, mới biết cùng với dân bản xứ, vào mùa con nước lên, có những nhóm ngư phủ chuyên săn lùng các loài cá đặc biệt quý hiếm để bán lại cho các đại gia có nhu cầu chơi cá phong thủy, nhất là cá huyết rồng. Tiếng là săn nhưng kỳ thực những lái cá này chỉ ngồi chờ ngư dân săn được cá độc, cá khủng đến tìm mình giao hàng.

"Có bao nhiêu cá thì mấy người đó (lái cá) sẵn sàng thu mua hết với giá rất cao. So với nhiều loại cá khổng lồ ở Biển Hồ có chiều dài hơn 2m, nặng đến gần 300kg như cá tra dầu, cá trê, cá đuối... thì cá huyết rồng nhỏ hơn rất nhiều nhưng nó là con cá được săn lùng nhiều nhất. Ngư phủ ước bắt được huyết rồng, các tay câu mơ câu được huyết rồng, dân buôn cá cảnh mong mua được cá huyết rồng, vì nó có giá trị" - ngư dân Trần Luông, 56 tuổi, từng săn được con cá huyết rồng nặng hơn 30kg còn sống, tiết lộ.

Người ta đi săn cá huyết rồng như thế nào chẳng biết, chứ như tôi đi săn loài cá này đến lả người nhưng chẳng gặp con huyết rồng nào cả. May nhờ một ngư dân tên Lĩnh cho xem một số hình ảnh và đoạn phim qua điện thoại mà anh này chụp được trong những lần giáp mặt cá huyết rồng, từ đó tôi mới biết loài cá này có hình dáng, sự dịch chuyển như rồng hiện thân.

Chợt nghĩ huyết rồng từng có mặt ở miền Tây sông nước Việt Nam, nếu được nhân giống và nuôi đại trà hẳn sẽ là nguồn lợi lớn cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long bao lâu nay oằn mình trên những cánh đồng nhưng khổ vẫn hoàn khổ!


Nguồn: Bích Khê (CAND)
Bình luận
vtcnews.vn