Bí ẩn hai ngôi mộ cổ chứa vàng ròng trong ngôi đình ở Biên Hòa

Phóng sựThứ Bảy, 28/05/2016 06:50:00 +07:00

Các trang sức trên chiếc mão được trang trí hết sức tinh xảo bằng vàng ròng, nặng gần bằng 2 lượng vàng kèm theo nhiều hình chạm trổ hoa lá dây, rồng cách điệu.

(VTC News) - Các trang sức trên chiếc mão được trang trí hết sức tinh xảo bằng vàng ròng, nặng gần bằng 2 lượng vàng kèm theo nhiều hình chạm trổ hoa lá dây, rồng cách điệu.

Đến đình Tân Phong (khu phố 5, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), du khách sẽ thấy có hai lăng mộ cổ tọa lạc hai bên trái và phải, nằm đối diện tiền đình. Cho đến nay, tuy có một vài nghiên cứu nhưng danh tính chính xác của nhân vật được chôn trong mộ vẫn còn là một bí ẩn chưa được làm sáng tỏa.

Sự tích lăng Ông anh và lăng Ông em

Cuốn “Sơ thảo lịch sử truyền thống Tân Phong 40 năm chiến đấu và xây dựng” (NXB Đồng Nai, 1989) viết dựa theo truyền thuyết của các bô lão địa phương: Thuở xưa vùng đất Tân Phong đã được khai phá, dân cư sống quần tụ trù phú nhưng giặc Miên thường nổi lên. Triều đình nhà Nguyễn sai Thống chế Lê Huỳnh cầm quân vào Biên Hòa dẹp loạn, nhưng khi ông tới nơi chưa kịp xuất quân đánh giặc mắc bạo bệnh qua đời. Dân chúng an táng ông ở làng Tân Phong, mộ ông gọi là lăng ông Soái.

1.	Đình cổ Tân Phong được xậy dựng từ thế kỷ 18, hiện tọa lạc tại khu phố 5, phường Tân Phong, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh : Ngọc Quốc
Đình cổ Tân Phong được xậy dựng từ thế kỷ 18, hiện tọa lạc tại khu phố 5, phường Tân Phong, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh : Ngọc Quốc 

Người em trai của Lê Huỳnh tên Lê Trác nghe hung tin liền xin triều đình cho nối tiếp sự nghiệp của anh. Lê Trác là tướng giỏi, ra quân liên tiếp thắng trận được phong chức “Tiền chi”.

Một lần nọ xuất quân, ông gặp một bà bóng hành nghề coi bói, nói: “Tướng quân đánh trận này thắng, nhưng khi trở về phải đi đường nhỏ, đi đường lớn sẽ gặp nạn....”. Lê Trác cho rằng nói điều xui xẻo, sai quân chém đầu bà coi bói. Trận ấy quả nhiên ông đánh thắng giặc nhưng khi trở về theo đường lớn cũ thì bị tàn quân ám sát chết.

Chiến công và sự hy sinh của hai anh em tướng nhà họ Lê đã mang lại sự bình yên cho bờ cõi nên nhân dân địa phương lập miếu thờ cúng linh vị hai ông và tôn thờ như Thần hoàng.

Lăng Ông anh có hai mãnh hổ chầu hai bên. Ảnh : Ngọc Quốc
Lăng Ông anh có hai mãnh hổ chầu hai bên. Ảnh : Ngọc Quốc 
Lăng Ông em nằm phía trái của của mặt tiền của đình Tân Phong. Ảnh : Ngọc Quốc
Lăng Ông em nằm phía trái của của mặt tiền của đình Tân Phong. Ảnh : Ngọc Quốc 

Để phân biệt và tỏ lòng kính trọng người đã khuất, dân chúng mới gọi phần mộ người anh Lê Huỳnh là lăng Ông anh, còn mộ Lê Trác là lăng Ông em. Sau này, ngôi miếu thờ được nâng cấp lên thành ngôi đình làng Tân Phong. Năm 1853, vua Tự Đức đã phong sắc thần cho đình Tân Phong. Sắc thần ở đình vẫn còn được giữ nguyên vẹn cho đến nay.


Bí ẩn chủ nhân hai ngôi mộ

Theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II , tháng 9/1962, để giải phóng mặt bằng xây dựng và mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ đã thực hiện khai quật hai lăng mộ Ông anh và Ông em nằm trên địa phận xã Tân Phong, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa (cũ). Hai ngôi mộ được di dời và cải táng về đình Tân Phong cách vị trí cũ hàng trăm mét cho đến ngày này.

Khai quật lăng Ông anh, khi mở nắp quan tài các nhà khảo cổ đã tìm thấy được một cái mão vàng nạm bốn viên ngọc bích, một bộ cân đai, một cây hốt, một cây kiếm, một chiếc lược và vài đồng tiền cổ. Còn lăng mộ Ông em thì không có gì ngoài bộ quan phục và một chút xương cốt đã mủn.

Chiếc mão có đính vàng được tìm thấy khi quai quật lăng Ông anh năm 1962. Ảnh tư liệu của Bảo tàng lịch sử TP.HCM
Chiếc mão có đính vàng được tìm thấy khi quai quật lăng Ông anh năm 1962. Ảnh tư liệu của Bảo tàng lịch sử TP.HCM 

Điều người ta quan tâm nhất là chiếc mão trong lăng Ông anh. Các trang sức trên chiếc mão được trang trí hết sức tinh xảo bằng vàng ròng, nặng gần bằng 2 lượng vàng kèm theo nhiều hình chạm trổ hoa lá dây, rồng cách điệu. Chiếc mão được đưa về Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM) để phục vụ công tác nghiên cứu. Còn một số di vật khác được chôn lại cho chủ nhân...

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn còn tranh cãi liệu chủ nhân hai ngôi mộ cổ có phải tên là Lê Huỳnh (người anh) và Lê Trác (người em) dựa theo tư liệu dân gian hay không? Bởi lẽ, trong sử liệu của thời Nguyễn không thấy ghi chép về lai lịch của hai người anh em họ Lê này?

Bàn thờ linh vị hai ông Thống chế và Tiền chi bên trong chánh điện của đình. Ảnh : Ngọc Quốc
Bàn thờ linh vị hai ông Thống chế và Tiền chi bên trong chánh điện của đình. Ảnh : Ngọc Quốc 

Người nghiên cứu đầu tiên về hai lăng mộ cổ này là của nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Lăng. Trong bài viết “Việc cải táng mộ Thiên vương Thống chế và ông Tiền chi tại xã Tân Phong, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà”(Tạp chí Nội san Viện khảo cổ, số 4/1965), nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Lăng nói rằng ông đã thận trọng khảo sát hai ngôi mộ qua những dòng chữ Hán còn sót lại trên tấm bia.

Sau khi đã tìm hiểu kỹ về kiến trúc mộ táng cũng như đồ tùy táng chôn kèm theo, đặc biệc trong đó là chiếc mão cánh chuồn vuông tìm thấy ở mộ Thống chế, ông chỉ tạm xác nhận chữ “Thống chế” của lăng Ông anh là chức quan võ dưới triều Minh Mạng. Còn về ngôi mộ lăng Ông em, ông thú nhận “Tiền chi” là chức gì vẫn chưa tìm ra được trong sử sách?.

Gần đây nhất, ông Đinh Văn Tuấn, người có nhiều năm nghiên cứu về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa trong bài viết “Lăng mộ cổ Thống chế và Tiền chi ở đinh Tân Phong, Biên Hòa” ( Tạp chí Xưa & Nay số 451/ 2014) đã có sự phát hiện mới trong việc xác định được chủ nhân thực sự của hai lăng mộ cổ.

Hàng năm vào ngày rằm tháng 11 (Âm lịch), nhân dân tổ chức lễ cúng giỗ cho hai ông Thống chế và Tiền Chi với những nghi thức cổ truyền trang trọng. Ảnh: Ngọc Quốc
Hàng năm vào ngày rằm tháng 11 (Âm lịch), nhân dân tổ chức lễ cúng giỗ cho hai ông Thống chế và Tiền Chi với những nghi thức cổ truyền trang trọng. Ảnh: Ngọc Quốc 

Theo ông Đinh Văn Tuấn thì qua lục tìm và tra cứu các tư liệu sử quán triều Nguyễn rồi đối chiếu với di vật cổ, ông có thể kết luận hợp lý về hai nhân vật lịch sử: Lăng mộ Thống chế là vị quan đại thần dưới thời chúa Nguyễn Ánh tên Lê Văn Quế, người huyện Bình Dương (tỉnh Gia Định), không rõ năm sinh, chết vì bệnh già yếu vào năm 1810.

Còn lăng mộ Tiền chi cũng là quan võ của Nguyễn Ánh, tên Lê Văn Tú, nguyên quán huyện Bình An, (tỉnh Biên Hòa), cũng không rõ năm sinh, tham chiến rồi tử trận khoảng năm 1899 – 1800 (?). Hiện tại, sự phát hiện về nhân thân lăng Ông anh và Ông em của nhà nghiên cứu Đinh Văn Tuấn vẫn chưa nhận được sự phản biện nào của các nhà nghiên cứu lịch sử khác.

Ông Đinh Văn Tuấn hy vọng góp phần làm sáng tỏ một bí ẩn lịch sử liên quan đến danh tính, hành trạng của hai nhân vật ở hai lăng mộ cổ. Từ đó, tên tuổi, sự nghiệp và công đức hộ quốc an dân của hai anh em Thống chế Lê Văn Quế và Tiền chi Lê Văn Tú sẽ không chìm vào quên lãng và sẽ mãi lưu danh hậu thế.

Tuy vậy, dù danh tính người chôn trong lăng Ông anh và Ông em là ai hay chỉ là nhân vật trong truyền thuyết dân gian hoặc là danh tướng có thật trong lịch sử thì ký ức của mỗi người dân địa phương, họ mãi mãi là những vị “Sinh vi tướng, tử vi thần” trong lòng dân mà thôi.


Trí Bùi
Bình luận
vtcnews.vn